Cưu Ma La Thập và tháp chứa xá lợi lưỡi của ông. (Tổng hợp từ wikipedia)
Ngày nay, ngôi chùa Cưu Ma La Thập ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc vẫn đang bảo tồn xá lợi lưỡi duy nhất trên thế giới. Xá lợi lưỡi kỳ lạ này đã có lịch sử hơn 1600 năm, là minh chứng cho câu chuyện truyền kỳ về cuộc đời của cao tăng nước Khưu Từ.
Vị cao tăng này vốn có thân phận cao quý, thế nhưng số phận đã đưa ông đến với một cuộc sống còn cao quý hơn. Đó chính là cuộc đời xuất gia tu hành. Ông có “khuôn mặt sáng ngời, xuất chúng hơn người”. Do có duyên phận sâu xa với vùng đất trung thổ, ông đã sống một thời gian dài ở thành Trường An trong thời kỳ loạn lạc, tiến hành phiên dịch kinh sách, giúp truyền bá Phật giáo, tạo phúc cho người đời. Vị tăng nhân truyền kỳ này chính là Cưu Ma La Thập.
Từ nhỏ đã xuất gia làm hòa thượng, nổi tiếng khắp Tây Vực
Theo ghi chép trong chính sử “Tấn thư – Nghệ thuật truyện” và “Cao tăng truyện”, Cưu Ma La Thập vốn có nguyên quán ở Thiên Trúc với gia thế hiển hách, nhiều thế hệ trong gia tộc đều làm vương tướng. Cha của ông là Cưu Ma La Viêm, là người thông minh, có khí tiết. Cưu Ma La Viêm đã từ chối thừa kế chức Tướng quốc, và xin từ chức xuất gia. Ông đo về phía đông, vượt qua ngọn núi Thông Lĩnh ở Đông Độ, đến nước Khưu Từ (nay là huyện Khố Diệp, tỉnh Tân Cương). Vua nước Khưu Từ nghe nói Cưu Ma La Viêm là người hiền đức, nên đã đích thân đến vùng ngoại thành để nghênh đón, mời Cưu Ma La Viêm làm quốc sư.
Em gái của vua nước Khưu Từ là Kỳ Bà, vốn là người thông minh mẫn tiệp, trí tuệ hơn người, được các nước xung quanh tranh nhau đến xin thành hôn, thế nhưng bà đều từ chối. Đến khi gặp Cưu Ma La Viêm, bà liền muốn lấy ông làm chồng. Vua nước Khưu Từ đã gả em gái cho vị quốc sư trẻ tuổi này.
Khi mang thai ngài Cưu Ma La Thập, trong một lần cúng dường cho các tăng nhân, bà Kỳ Bà nghe được Phật Pháp, đột nhiên hiểu tiếng Thiên Trúc, hơn nữa còn có thể sử dụng trôi chảy. Một vị La Hán nghe được câu chuyện kỳ lạ này của bà Kỳ Bà, liền nói: “Phu nhân nhất định đang mang thai một đứa con có trí huệ. Khi ngài Xá Lợi Phất ở trong bụng mẹ, người mẹ cũng có trí tuệ siêu thường”. Đến khi ngài Cưu Ma La Thập được sinh ra, bà Kỳ Bà cũng quên đi tiếng Thiên Trúc.
Khi ngài Cưu Ma La Thập được 7 tuổi, một ngày nọ mẹ ngài ra ngoại ô dạo chơi, bà bỗng nhìn thấy trong nghĩa địa có những bộ xương khô nằm ngổn ngang, đột nhiên ngộ được rằng, lòng tham chính là gốc rễ của mọi đau khổ, lửa dục vọng cũng mạnh giống như lửa địa ngục, cuối cùng sẽ đốt con người trở thành một bộ xương khô, nằm lại nơi đồng không mông quạnh. Vì thế, bà quyết định mang theo ngài Cưu Ma La Thập 7 tuổi xuất gia.
Chúng ta có thể thấy rằng bà Kỳ Bà cũng là một kỳ nữ. Để rèn luyện ý chí của ngài Cưu Ma La Thập, bà đã cho ngài mặc quần áo may bằng vải gai, ăn thức ăn thô; đồng thời không ngại đường xa cực khổ, mang ngài Cưu Ma La Thập vượt qua những vùng núi cao nước sâu, đi qua cả những ốc đảo trên sa mạc, lặn lội mấy ngàn dặm đường, du học khắp các nước Tây Vực. Khi ngài Cưu Ma La Thập 9 tuổi, bà đã dắt ngài theo cao tăng Bàn Đầu Đạt Đa của nước Kế Tân (vốn là em họ của vua nước Kế Tân) tu hành. Vua nước Kế Tân nghe cao tăng Bàn Đầu Đạt Đa khen rằng ngài Cưu Ma La Thập thông minh anh tuấn, liền cho mời ngài vào cung để bàn luận cùng các luận sư ngoại đạo. Cuối cùng những luận sư ngoại đạo này đều tâm phục khẩu phục. Từ đó, vua nước Kế Tân rất tôn kính ngài Cưu Ma Thập, dùng lễ với khách quý để cúng dưỡng ngài.
Sau đó, ngài Cưu Ma La Thập theo mẹ đi đến nước Sa Lặc (nay là vùng Ca Thập, tỉnh Tân Cương) và ở lại đây một năm. Lúc đó nước Sa Lặc có hai vị vương tử đã buông bỏ vương vị để xuất gia tu hành. Vương tử Tô Ma có tài nghệ vô song, được anh trai và rất nhiều học giả bái làm thầy. Ngài Cưu Ma La Thập đã theo ngài Tô Ma học tập Phật Pháp. Trong nước Sa Lặc có một sa môn tên là Hỷ Kiến đã nói với nhà vua rằng: “Xin quốc vương đừng xem thường vị tiểu sa di này mà nên mời đến để tuyên giảng Phật Pháp. Thứ nhất, làm như vậy sa môn trong nước sẽ cảm thấy không bằng, tự giác tinh tấn tu hành; thứ hai, vua nước Khưu Từ rất tôn kính Cưu Ma La Thập, nên nhất định sẽ giao hảo với nước ta”.
Thế nên vua nước Sa Lặc đã tổ chức một đại hội mời ngài Cưu Ma La Thập đăng đàn thuyết giảng Phật Pháp. Vua nước Khưu Từ nghe được tin này, quả nhiên đã cho sứ thần đến thiết lập quan hệ bang giao với nước Sa Lặc.
Một năm sau, ngài Cưu Ma La Thập theo mẹ đến nước Ôn Túc ở phía bắc của nước Khưu Từ (nay là khu vực A Khắc Tô, tỉnh Tân Cương). Ở đây, ngài Cưu Ma La Thập đã thắng một vị Đạo sĩ giỏi biện luận. Sau khi nghe được tin này, vua nước Khưu Từ đã tự mình đến nước Ôn Túc để mời hai mẹ con ngài Cưu Ma La Thập về nước để tuyên giảng Phật Pháp. Khi ngài giảng Phật Pháp Đại Thừa ở nước Khưu Từ, nhiều người đã than thở rằng được gặp ngài quá muộn.
Mẹ của ngài Cưu Ma La Thập muốn đến Thiên Trúc để viếng thăm các Thánh tích Phật giáo, bèn từ biệt vua nước Khưu Từ, và có lời dự ngôn rằng: “Vận nước sắp suy vong”. Bà nói với ngài Cưu Ma La Thập rằng: “Đại Thừa Phật Pháp sắp được truyền đến Đông Thổ, cần dựa vào sức của con. Việc vĩ đại này đối với con không có lợi ích gì, con định làm thế nào?”
Ngài Cưu Ma La Thập trả lời: “Nếu con có thể giúp lưu truyền giáo hóa của Phật Đà, khiến chúng sinh tỉnh ngộ từ trong mê, cho dù phải chịu cái khổ dầu sôi lửa bỏng, cũng không oán giận”.
Nhân duyên gặp nhau, đến vùng Đông Thổ
Sự thông minh tài trí của ngài Cưu Ma La Thập đã truyền rộng khắp Tây Vực. Danh tiếng của ngài lan xa đến tận vùng Đông Thổ. Năm Kiến Nguyên thứ thứ 13, quan thái sử tâu với vua Phù Kiên của nhà Tiền Tần rằng: “Ở vùng đất Tây Vực, có một ngôi sao sáng chói. Tương lai sẽ có người đại trí đại đức đến phò trợ Trung Quốc”.
Phù Kiên nói rằng: “Người đại trí đại đức ở vùng Tây Vực nhất định là Cưu Ma La Thập”.
Năm Kiến Nguyên thứ 18, Phù Kiên sai tướng quân Lã Quang, Khương Phi, cùng Thiện Thiện Vương, Xa Sư Vương, v.v…dẫn quân đến đánh các nước Khưu Từ và Ô Kỳ. Trước khi đi, Phù Kiên đã nói với Lã Quang rằng: “Bậc đế vương nên thuận theo Thiên đạo để trị nước, yêu dân như con. Trẫm sao có thể tham lam đất đai mà đưa quân chinh phạt? Chỉ là vì nghĩ đến người đại trí đại đức ở phương xa! Trẫm nghe nói ở Tây Vực có vị pháp sư Cưu Ma La Thập, hiểu sâu Phật Pháp, hiểu được âm dương. Trẫm rất muốn gặp người ấy. Người hiền triết là bảo vật của quốc gia. Nếu khanh có thể đánh thắng nước Khưu Từ, phải mong chóng đưa Cưu Ma La Thập trở về”.
Lã Quang dẫn quân lên đường. Ở phương xa, ngài Cưu Ma La Thập đã nói với vua nước Khưu Từ rằng: “Vận nước Khưu Từ sắp hết, có quân địch mạnh từ phương đông đến tấn công. Ngài nên kính cẩn nghênh đón, không nên dẫn quân chống lại”.
Nhưng vua nước Khưu Từ không nghe theo lời khuyên của ngài Cưu Ma La Thập, vẫn dẫn quân chống lại, cuối cùng bị đội quân của Lã Quang giết chết. Lã Quang bắt được ngài Cưu Ma La Thập. Bởi vì thấy ngài Cưu Ma La Thập vẫn còn trẻ, nên đã ác ý trêu chọc, ép ngài thành hôn với công chúa nước Khưu Từ, lệnh cho ngài cưỡi trâu dữ, ngựa dữ, chế nhạo bộ dạng buồn cười khi ngài ngã xuống. Thế nhưng ngài Cưu Ma La Thập mang theo tấm lòng đại nhẫn. Đối diện với sự sỉ nhục như vậy, ngài vẫn thản nhiên, không có chút giận dữ. Biểu hiện của ngài khiến Lã Quang cảm thấy thấy xấu hổ nên đã tự động dừng những việc làm coi thường ngài.
Trên đường về nước, Lã Quang đã cho quân đóng trại dưới chân núi để nghỉ ngơi. Ngài Cưu Ma La Thập nói rằng: “Không thể ở lại đây, nếu không toàn quân sẽ thương vong nặng nề”.
Lã Quang bỏ ngoài tai lời khuyên của ngài, vẫn làm theo ý mình. Tối hôm đó, một trận mưa to dẫn đến trận lũ bất ngờ, khiến mấy nghìn binh sĩ thương vong. Đến lúc này, Lữ Quang mới hiểu được sự thần kỳ của ngài Cưu Ma La Thập.
Sau đó, ngài lại khuyên Lã Quang: “Đây là vùng đất hung hiểm, không thể ở lại lâu. Ngài nên mau chóng dẫn quân về nước. Trên đường đi sẽ có vùng đất lành có thể ở lại”.
Lần này Lã Quang nghe theo lời đề nghị của ngài Cưu Ma La Thập, nhanh chóng dẫn quân rời khỏi vùng đất ấy. Đội quân của Lữ Quang đi đến Lương Châu (nay là huyện Vũ Uy, tỉnh Cam Túc) thì nghe tin hoàng đế Phù Kiên của nhà Tiền Tần đã bị thuộc hạ Diêu Trường sát hại. Lã Quang lệnh cho toàn quân để tang cho Phù Kiên. Sau đó tự xưng hoàng đế, lập nên nước Lương, sử sách gọi là Hậu Lương.
Ngài Cưu Ma La Thập đã ở lại Lương Châu 17 năm. Hai cha con Lã Quang chỉ coi ngài là thầy bói, có thể đoán được lành dữ, họa phúc. Do lo sợ rằng tài năng của ngài Cưu Ma La Thập sẽ bị nước khác lợi dụng, nên khi những nước khác đến mời ngài Cưu Ma La Thập tuyên giảng Phật Pháp, hai cha con Lã Quang kiên quyết ngăn cản, nhất định không để ngài đi.
Vào cuối triều đại của hai cha con Lã Quang, ở Hậu Lương xuất hiện nhiều hiện tượng lạ, ví dụ như heo mẹ sinh ra heo con ba đầu; có rồng từ dưới chui lên, nằm cuộn tròn trước cung điện; có một con rồng đen bay đến trên cửa Cửu cung vào ban ngày. Vua nước Hậu Lương cho rằng đó là điềm lành, nhưng ngài Cưu Ma La Thập nói rằng: “Yêu quái heo có biểu hiện kỳ dị, tiềm long (loại rồng ẩn nấp dưới nước sâu) xuất hiện. Rồng thuộc loại âm, xuất hiện luôn có thời gian. Bây giờ nhiều lần nhìn thấy được, đây là điềm báo tai họa, nhất định có người sắp làm phản”.
Ngài Cưu Ma La Thập khuyên Lã Toản phải biết tu đức, tự kiếm chế chính mình, theo lời răn của Trời nhưng Lã Toản không tiếp thu.
Một ngày nọ, Lã Toản và ngài Cưu Ma La Thập đang chơi cờ, Lã Toản ăn được một con cờ của ngài, rồi nói rằng: “Chém đầu Hồ nô (nô lệ Hồ)”.
Ngài Cưu Ma La Thập trả lời rằng: “Không thể chém đầu nô lệ Hồ, mà nô lệ Hồ sẽ chém đầu người”.
Ngài Cưu Ma La Thập đã nhiều lần chỉ điểm cho Lã Toản rằng có người sắp làm phản, làm hại đến tính mạng của Lã Toản, thế nhưng Lã Toản không hiểu được. Em trai Lã Quang là Lã Bảo, có một người con trai tên là Lã Siêu, khi còn nhỏ được đặt tên là Hồ Nô. Sau đó Lã Siêu phát động phản loạn, giết chết Lã Toản, đưa anh cả của mình là Lã Long lên ngôi. Đến lúc này, mọi người mới hiểu được lời dự ngôn của ngài Cưu Ma La Thập.
Năm Hoằng Thủy năm thứ ba, triều đại Diêu Hưng nhà Hậu Tần (năm 401), có cây liên lí (cây có một gốc mà hai cành dính liền nhau) mọc trong đình, cây hành trong vườn Tiêu Dao chỉ trong một đêm đã biến thành cây hương chỉ.
Trước đó từng có thái sử nói rằng sẽ người đại trí đại đức đến Trung Nguyên, thế nên hoàng đế Diêu Hưng nhà Hậu Tần cho rằng đây là điềm lành báo hiệu vị đại trí đại đức ấy sắp đến. Hoàng đế Diêu Hưng sai người đến nước Lương mời ngài Cưu Ma La Thập, thế nhưng do vua nước Lương ngăn cản nên ngài Cưu Ma La Thập không thể đi. Diêu Hưng dẫn quân đánh bại nước Lương. Vua nước Lương là Lã Long bại trận đầu hàng. Sau đó, Diêu Hưng đã đưa ngài Cưu Ma La Thập vào Trung Thổ.
Phiên dịch kinh Phật, tạo phúc cho chúng sinh
Ngày 20 tháng 12 năm 401, ngài Cưu Ma La Thập đến thành Trường An. Diêu Hưng vô cùng vui mừng, nghênh đón Cưu Ma La Thập trang trọng như quốc sư. Vương thất nhà Hậu Tần và các vương công quý tộc đều tín phụng Phật Pháp. Lúc đó các cao tăng trong thành Trường An tập hợp đầy đủ, tham dự một buổi thuyết pháp rất lớn. Năm tiếp theo, Diêu Hưng mời ngài Cưu Ma La Thập đến lầu Tây Minh trong vườn Tiêu Dao để dịch kinh Phật.
Sau nhiều lần lựa chọn, các sa môn như Tăng Khiết, Tăng Thiên, Tăng Khâm, Đạo Lưu, Đạo Hằng và hơn 800 sa môn tham gia công việc dịch kinh Phật do ngài Cưu Ma La Thập chủ trì. Khi dịch kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, để có thể vừa chú trọng câu chữ, vừa có thể dịch ra nghĩa của kinh văn không phải là chuyện dễ dàng. Thế nhưng ngài Cưu Ma La Thập hiểu rõ tiếng Hán, đồng thời tinh thông tiếng Phạn và tiếng của các dân tộc ít người ở Tây Vực, nên nội dung ngài dịch ra so với kinh điển Phật gia, từ ngữ được dùng chính xác lưu loát đồng thời còn đúng với hàm nghĩa tuyệt diệu của Phật Pháp.
Ngài Cưu Ma La Thập từng khen các sa môn tham gia dịch kinh rằng:
Núi tâm dưỡng minh đức
Chảy mãi vạn dặm dài
Tiếng loan kêu đau thương
Trên ngô đồng cô độc
Thanh âm thấu cửu thiên
Nhà Hậu Tần đã mở hai điểm dịch kinh Phật lớn là vườn Tiêu Dao và Trường An đại tự. Cảnh tượng hơn 800 người cùng dịch kinh Phật là một cảnh tượng hoành tráng thời bấy giờ.
Sau khi ngài Cưu Ma La Thập dịch được hơn 300 cuốn kinh Phật, ngài biết rằng cuộc đời của mình sắp hết, thế nên trước khi viên tịch, ngài đã từ biệt tất cả chúng tăng. Ngài Cưu Ma La Thập nói rằng, nhờ Phật duyên mà được gặp mọi người ở Trung Thổ. Việc dịch kinh Phật chưa hết đã phải rời đi, trong lòng cảm thấy thương cảm không thể nói hết! Ngài hy vọng rằng những kinh Phật đã được dịch ra, có thể “truyền cho hậu thế, cùng nhau hồng truyền Phật Pháp”. Ngài đã “phát lời thề” trước mặt chúng tăng rằng, nếu kinh Phật dịch đúng, thì “sau khi thân thể cháy hết, lưỡi ngài sẽ không cháy”.
Vào năm Hoằng Thủy thứ 11 triều đại Diêu Hưng (năm 413), ngài Cưu Ma La Thập viên tịch ở thành Trường An, được hỏa táng ở vườn Tiêu Diêu. Khi ngọn lửa hừng hực đốt cháy cơ thể của ngài, đến khi lửa tàn, lưỡi của ngài vẫn còn y nguyên. Chúng tăng nghe theo lời căn dặn, sau khi ngài viên tịch, chuyển xá lợi lưỡi của ngài đến chùa Cưu Ma La Thập ở Lương Châu (nay là huyện Vũ Uy, tỉnh Cam Túc) để thờ phụng. Đến tận ngày hôm nay, xá lợi lưỡi duy nhất trên thế giới vẫn đang được bảo tồn ở chùa Cưu Ma La Thập.
Những xá lợi thần kỳ đã ghi lại rất nhiều truyền thuyết. Khi thời gian trôi qua, những đất nước từng vô cùng huy hoàng cũng sẽ sụp đổ suy bại. Trên thế gian này không gì có thể vĩnh hằng. Thế nhưng xá lợi lưỡi trân quý ấy đã có thể vượt qua được sự thiêu đốt của ngọn lửa, hoàn toàn nguyên vẹn, trở thành bằng chứng cho câu chuyện truyền kỳ vĩnh hằng, đưa mọi người vào thế giới thần bí ngoài thế tục.
Hoàng Phủ Dung – Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
NTD Việt Nam