Văn hóa truyền thống Á Đông do Tam giáo: Nho – Phật – Đạo hợp thành, trong đó tư tưởng Nho gia có ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa truyền thống…
Tư tưởng Nho gia có ảnh hưởng sâu rộng đối với văn hóa truyền thống Á Đông. Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, tư tưởng của Khổng Tử và Nho giáo bị phê phán và hủy hoại nghiêm trọng cho nên giới học thuật và nhiều người vẫn còn giữ những hiểu biết, đánh giá sai lầm về Khổng Tử, thậm chí cho rằng ông không tin quỷ Thần, là người vô Thần.
Nguồn gốc của quan điểm này chủ yếu xuất phát từ sự bóp méo và lý giải sai ngôn luận về “quỷ Thần” trong “Luận ngữ” của Khổng Tử. Tư tưởng của Khổng Tử chủ yếu được nghiên cứu dựa theo trước tác “Luận ngữ” – một bộ sách ghi chép lại nội dung trao đổi của ông với các đệ tử. Nhiều môn đồ của Khổng Tử sau này như Mạnh Tử, Trình Tử, Chu Tử… cũng chủ yếu là chú thích diễn dịch “Luận ngữ” để nghiên cứu, lý giải tư tưởng ông.
Những người cho rằng Khổng Tử không tin quỷ Thần, là người vô Thần, chủ yếu là căn cứ vào 3 câu nói của ông về quỷ Thần trong “Luận ngữ”; Câu thứ nhất là: “Kính quỷ Thần nhi viễn chi“. (Kính trọng quỷ Thần nhưng tránh xa“). Câu thứ hai là: “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ“. (Chưa thờ được người, sao có thể thờ được quỷ (tức người chết). Câu thứ ba là: “Tử bất ngữ quái lực loạn Thần” (Khổng Tử không nói chuyện quái lạ, bạo lực, phản loạn, Thần linh).
Trong “Luận ngữ”, từ “quỷ Thần” xuất hiện 3 lần. Ngoài “kính quỷ Thần”, “sự quỷ Thần” ra còn có “hiếu quỷ Thần” trong “Luận ngữ – Thái Bá”: “Tử viết: Vũ, ngô vô gián nhiên hĩ. Phỉ ẩm thực, nhi chí hiếu hồ quỷ Thần” (Khổng Tử nói: Đối với vua Vũ thì ta không thấy có khuyết điểm nào. Ông ăn uống đơn giản, nhưng dốc sức hiếu kính quỷ Thần).
Câu thứ nhất: “Kính quỷ Thần nhi viễn chi” (Kính trọng quỷ Thần nhưng tránh xa“).
Câu này trong thiên “Ung dã” của “Luận ngữ”. Riêng chữ “Kính” cũng đã bao hàm nghĩa “Tin”. Câu nói này của Khổng Tử là dạy học trò Phàn Trì giữ thái độ trung dung đối với quỷ Thần: Tín quỷ Thần, khi thờ cúng phải thành kính, nhưng không được quá thân cận để tránh mất đi cái tâm kính sợ.
Câu thứ hai: “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ” (Chưa thờ được người, sao có thể thờ được quỷ (tức người chết).
Câu này trong thiên Tiên tiến trong Luận ngữ. Khi Quý Lộ hỏi về việc thờ quỷ Thần, Khổng Tử có nói: “Chưa thờ được người, sao có thể thờ được quỷ (tức người chết)”.
Quý Lộ lại hỏi tiếp về chết là thế nào. Khổng Tử nói: “Chưa biết rõ chuyện sống, sao biết được chuyện chết?” (Vị tri sinh, yên tri tử?)
Ở đây có thể thấy rõ là Khổng Tử tin quỷ Thần, vì tin quỷ Thần thì mới nói đến việc thờ quỷ Thần.
Câu thứ ba: “Tử bất ngữ quái lực loạn Thần” (Khổng Tử không nói chuyện quái lạ, bạo lực, phản loạn, Thần linh).
Câu này trong thiên Thuật nhi trong Luận ngữ. Cách hiểu truyền thống là “Khổng Tử không nói chuyện quái dị, bạo lực, phản loạn, không khinh suất nói về tích quỷ Thần“.
Câu “Tử bất ngữ quái lực loạn Thần” nằm trong đoạn văn sau:
Diệp Công hỏi Tử Lộ rằng Khổng Tử là người như thế nào. Tử Lộ không trả lời.
Sau khi biết chuyện này, Khổng Tử nói: “Sao trò không nói rằng, ông ấy là người miệt mài học tập quên cả ăn, học tập hăng say vui vẻ đến nỗi quên hết cả ưu sầu, không biết là tuổi già đang đến“.
Khổng Tử còn nói: “Thực ra không phải ta sinh ra đã là người có tri thức, mà là người yêu thích lễ và đức cổ đại, chuyên cần, mẫn tiệp cầu tri thức“.
Nói đến đây, Khổng Tử dừng lại không nói nữa, chỉ sợ dùng sức sẽ phân tâm, làm nhiễu loạn tâm thần. Một lúc sau Khổng Tử mới nói tiếp: “Ba người cùng đi thì trong đó nhất định có một người có thể là thầy của ta. Chọn sở trường của họ để học tập theo, sửa những khuyết điểm mà họ có và mình cũng có“.
Trong đoạn văn “vui thích học tập” như thế này thì câu “Tử bất ngữ quái lực loạn thần” không phải Khổng Tử đột nhiên tư duy hỗn loạn, nói ra tư tưởng Thuyết vô Thần, mà đó là miêu tả tình hình Khổng Tử đột nhiên dừng lại, suy nghĩ sâu xa. Căn cứ vào tình hình học tập tư thục cổ đại, chúng ta có thể tưởng tượng tình cảnh lúc đó như sau:
Khi Khổng Tử đang giảng cho Tử Lộ rằng ông đã lấy việc học tập làm niềm vui, yêu thích lễ đức cổ đại, chuyên cần như thế nào… thì đột nhiên ông trầm tư không nói, nhắm mắt ngưng thần suy nghĩ. Sau đó ông mở mắt ra, nói với Tử Lộ đạo lý coi người khác là thầy, học ưu điểm, sửa bỏ khuyết điểm như thế nào.
“Tử bất ngữ quái lực loạn thần”, chữ “quái” trong câu này là động từ, chứ không phải danh từ, nghĩa là “nghi hoặc, e sợ”. Chữ “lực” ở đây là danh từ nghĩa là sức lực, sức mạnh. Chữ “loạn” ở đây là động từ, nghĩa là “nhiễu loạn”, “làm rối loạn”. Chữ “Thần” ở đây không phải là quỷ thần mà là tinh thần. Như vậy, câu nói này có nghĩa là: “Khổng Tử không nói, chỉ sợ dùng sức sẽ phân tâm làm rối loạn thần trí“, hoàn toàn không có nghĩa “Khổng Tử không nói đến chuyện quái lạ, bạo lực, phản loạn và quỷ Thần“.
Những câu “kính quỷ Thần”, “sự quỷ Thần”, “Tử bất ngữ” ở trên không thể chứng minh là Khổng Tử không tin quỷ Thần, trái lại, Khổng Tử khá tôn kính, thành kính đối với quỷ Thần, có thể thấy được qua lời nói, việc làm của ông ở 3 điểm sau:
Câu thứ nhất: Khổng Tử nói: “Quỷ Thần có đức rất to lớn. Nhìn không thấy, nghe không thấy, nhưng quỷ Thần thể hiện ra ở vạn vật, không cái gì rời xa quỷ Thần. Thần khiến cho người trong thiên hạ trai giới, tịnh tâm, mặc y phục chỉnh tề tế lễ“. (Chương 16 -Trung Dung).
Khổng Tử không những tín Thần mà còn tán thán quỷ Thần là chúa tể của tạo hóa, có đức tính hoàn mỹ, người bình thường không nhìn thấy, không nghe được, nhưng lại để lại dấu vết trên vật thể trong âm dương hợp tan. Vì vậy Khổng Tử nhấn mạnh đối với quỷ Thần cần thành kính lễ bái “trai giới, tịnh tâm, mặc y phục chỉnh tề tế lễ“.
Câu thứ hai: “Tế như đang ở đó, tế Thần như Thần đang ở đó. Khổng Tử nói: Ta không tham dự tế lễ, thì như là không tế lễ vậy“. (Thiên Bát dật – Luận ngữ).
Câu này nói rõ trạng thái thành kính của Khổng Tử khi tế lễ, giống như là Thần đang đứng trước mặt ông vậy. Khổng Tử đích thân tế lễ quỷ Thần, cho rằng người khác tế thay thì giống như không tế lễ, đích thân lễ bái thì mới thể hiện được thành ý.
Câu thứ 3: Trong phần Thuật nhi thuộc Luận ngữ có đoạn như sau:
Khổng Tử bị bệnh, Tử Lộ xin làm lễ cầu cúng. Khổng Tử hỏi: “Có việc cầu cúng sao?“.
Tử Lộ nói: “Có. Sách “Lỗi” (Cầu cúng) viết rằng: Có bệnh thì cầu nguyện tất cả các Thần trên trời dưới đất“.
Khổng Tử nói: “Ta đã cầu cúng từ lâu rồi“.
Câu chuyện này đã nói rõ, khi học trò Tử Lộ xin Khổng Tử làm lễ cầu cúng cho thầy khỏi bệnh, Khổng Tử nói ông đã cầu cúng lâu rồi. Việc này cho thấy Khổng Tử có thói quen cầu cúng trị bệnh, thói quen này dường như xuyên suốt cả cuộc đời ông.
Khổng Tử học vấn uyên bác, tri thức đối với ‘quái lực loạn Thần’ có lẽ là vô song đương thời.
Trong “Sử ký – Khổng Tử thế gia” có viết: “Năm Khổng Tử 42 tuổi, Lỗ Chiêu Công chết ở Can Hầu, Định Công lên ngôi. Mùa hè năm Định Công thứ 5, Quý Bình Tử chết, Hoàn Tử kế vị, Quý Hoàn Tử đào giếng bắt gặp một cái vò đất, trong có con vật như con dê, đi hỏi Trọng Ni (tức Khổng Tử) nói là “bắt được con chó”. Khổng Tử nói: “Với kiến thức của Khâu này thì đó là con dê. Khâu nghe nói, quái vật của gỗ đá là con quỳ và võng lang. Quái vật của nước là con rồng và võng tượng. Quái vật của đất là phần dương (con dê)”.
Đoạn viết trên chính là Khổng Tử nói về “Quái”.
Trong “Sử ký – Khổng Tử thế gia” cũng có chép: Nước Ngô chinh phạt nước Sở, phá hủy Cối Kê, lấy được xương có đốt lớn như chiếc xe. Sứ giả nước Ngô hỏi Trọng Ni: “Xương người nào lớn nhất?”.
Trọng Ni nói: “Vua Vũ triệu tập quần Thần ở núi Cối Kê, Phòng Phong thị đến sau, vua Vũ giết, xương đốt của ông ta như chiếc xe, đó là lớn”.
Khách nước Ngô nói: “Ai là Thần?”.
Trọng Ni nói: “Thần núi sông làm kỷ cương thiên hạ, chức danh là Thần, Thần Xã Tắc là công hầu, đều thuộc về vương giả”.
Khách hỏi: “Phòng Phong chức gì?”.
Trọng Ni đáp: “Là vua của bộ tộc Uông Võng, ở núi Ngu, họ Ly. Thời Ngu, Hạ, Thương gọi là Uông Võng, thời Chu gọi là Trường Địch, ngày nay gọi là Đại Nhân”.
Khách hỏi: “Người cao thế nào?”
Trọng Ni nói: “Người lùn thì cao 3 thước (khoảng 60 cm), cực lùn. Người cao không quá 10 thước (khoảng 2 m), rất ít”.
Khách nói: “Thiện tai, đúng bậc Thánh nhân vậy”.
Đoạn viết này chính là Khổng Tử nói về Thần; vị Thần gọi là Phòng Phong thị này thuộc về Thần của núi sông.
Từ những dữ liệu trên cho thấy, xưa nay có những quan điểm cho rằng: “Khổng Tử không tín quỷ Thần, là người theo Thuyết vô Thần”… phải chăng đó chính là những quan điểm thiên lệch cần suy xét lại?
Trương Đông Viên – epochtimes.com
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam