Trong một tuyên bố hôm 26/12 của AstraZeneca, công ty dược phẩm Anh-Thuỵ Sĩ cho biết họ sẽ mua lại một công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc với giá lên tới 1,2 tỷ USD để mở rộng các phương pháp trị liệu tế bào. (Getty Images)
Trong một tuyên bố hôm 26/12 của AstraZeneca, công ty dược phẩm Anh-Thuỵ Sĩ cho biết họ sẽ mua lại một công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc với giá lên tới 1,2 tỷ USD để mở rộng các phương pháp trị liệu tế bào.
Theo đó, công ty này đã ký một thỏa thuận dứt khoát để mua lại Gracell Biotechnologists Inc. với giá 2 đô la cho mỗi cổ phiếu phổ thông, cộng với quyền giá trị dự phòng không thể giao dịch là 0,3 đô la cho mỗi cổ phiếu phổ thông.
Tổng cộng, khoản thanh toán trả trước là khoảng 1 tỷ USD, với khoảng 0,2 tỷ USD phải trả nếu đạt được các mốc quy định cụ thể.
Giao dịch dự kiến sẽ kết thúc vào quý đầu tiên của năm 2024, AstraZeneca cho biết.
Sau khi giao dịch hoàn tất, Gracell sẽ bị hủy niêm yết khỏi Chỉ số Công nghệ sinh học NASDAQ và trở thành một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của AstraZeneca, hoạt động tại Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Theo hãng tin tài chính Trung Quốc China Business Network, Gracell sẽ là công ty công nghệ sinh học đầu tiên của Trung Quốc được một công ty dược phẩm sinh học toàn cầu mua lại toàn bộ.
Được thành lập vào năm 2017, Gracell luôn tự hào về nền tảng FasTCAR – giúp đẩy nhanh quá trình trị liệu bằng tế bào CAR-T, nhắm vào các tế bào gây bệnh bằng cách lập trình lại các tế bào T miễn dịch của bệnh nhân.
AstraZeneca cho biết đề xuất mua lại “sẽ làm phong phú thêm hệ thống trị liệu tế bào đang phát triển của công ty”.
Nhà phân tích Emily Bodnar của H.C. Wainwright cho biết đây có thể là cách để AstraZeneca tiến sâu hơn vào liệu pháp tế bào, vì công ty không tham gia nhiều vào lĩnh vực này như Novartis và Gilead.
Theo các phương tiện truyền thông hồi tháng 6, AstraZeneca, một trong những nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất ở Trung Quốc, đã soạn thảo kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong khu vực.
Tháng trước, AstraZeneca đã đồng ý thỏa thuận cấp phép cho một loại thuốc chống béo phì thử nghiệm từ Eccogene của Trung Quốc; vào tháng 8, công ty này đã công bố một hợp đồng sản xuất vaccine công nghệ mRNA với CanSino Biologics.
CEO Pascal Soriot cho biết vào đầu năm nay, AstraZeneca đã ký ba thỏa thuận cấp phép với các công ty Trung Quốc.
Vào tháng 9, Leon Wang, phó chủ tịch điều hành AstraZeneca quốc tế kiêm chủ tịch của AstraZeneca tại Trung Quốc, nói với China Business Network rằng công ty đang tích cực tìm kiếm đối tác.
“Các nhà khoa học của AstraZeneca liên tục đến thăm Trung Quốc, có khoảng 5 đến 10 nhà khoa học hiện đang tìm kiếm các dự án ở Trung Quốc”, ông nói vào thời điểm đó.
Theo Lily Chu – The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch
NTD Việt Nam