Oan oan tương báo: Hoàng đế nhà Tống đầu thai thành hoàng đế nhà Kim. (Tranh Bình Minh – NTDVN)
Hoàng đế Đường Thái Tông từng nói: “Lấy lịch sử làm gương soi, có thể quan sát thấy sự thành bại thịnh suy”. Người ta dù tin hay không tin vào thuyết nhân quả luân hồi, cũng đều phải thừa nhận rằng lịch sử có những tình huống lặp lại, trong đó mang theo nhân tố mà nhà Phật gọi là “nghiệp lực luân báo”, dân gian gọi là “đời cha ăn mặn đời con khát nước”.
Ví dụ minh chứng rõ nét nhất chính là giai đoạn của các triều đại Tống – Kim – Nguyên tại Trung Quốc. Đây là giai đoạn chiến họa bạo tàn, oán hận ngút trời. Nhạc Phi trong bài thơ “Mãn giang hồng” cũng viết “Đói, vùng lên ăn thịt giặc Hồ; Khát, cười chém Hung Nô uống máu”, đủ thấy mức độ khốc liệt của thời đại.
Kim vũ nhục Tống; Tống và Mông Cổ vũ nhục Kim
Suốt từ khi thành lập đến khi diệt vong, nhà Tống đã chứng kiến rất nhiều sự tình nhân quả. Năm 960, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận làm binh biến Trần Kiều, xông vào Biện Kinh đoạt ngôi của Hậu Chu Cung Đế Sài Tông Huấn – là một đứa trẻ mới 7 tuổi. Về sau, năm 1127, Biện Kinh của Bắc Tống bị quân Kim công hạ, bắt đi hai vua và một số hoàng tộc Tống; đến năm 1279, khi Mông Cổ vây rát ở Nhai Sơn, thừa tướng Lục Tú Phu cõng Tống Thiếu Đế – là một đứa trẻ mới lên 8 – nhảy xuống biển tự vẫn, kết thúc nhà Nam Tống.
Tất nhiên nhân quả không chừa một ai, không chỉ nhà Tống, mà kẻ thù không đội trời chung của họ – nhà Kim – cũng không nằm ngoài quy luật.
Người Kim đã cho thấy mức độ tàn bạo của họ trong Sự kiện Tĩnh Khang 1127. Sau khi công hạ kinh thành, quân Kim cướp bóc toàn bộ tài vật, lấy cả quần áo và lương thực khiến nhiều người dân Tống chết vì đói rét sau đó. Ngoài ra còn bắt hai vua Khâm Tông, Huy Tông, cùng hậu cung, tông thất, nghệ nhân, thầy thuốc v.v… (các tài liệu ghi chép trong khoảng 3.000 – 14.000 người) về kinh đô Hội Ninh của nhà Kim. Trên đường đi và đến cả sau này, những tù nhân Tống này phải chịu đựng rất nhiều hành hạ đau khổ, bị làm nhục hoặc bị bán làm nô lệ, đã có nhiều người tự sát để bảo toàn danh tiết.
Năm 1211, quân đội Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn bắt đầu chiến dịch diệt Kim. Sau 3 năm đánh phá, quân đội của Thành Cát Tư Hãn thẳng tiến Trung Đô, vây chặt thủ phủ Yên Kinh của người Kim (Bắc Kinh ngày nay) vào cuối 1214. Yên Kinh trải rộng trên một quy mô diện tích hơn 29km2, được bao bọc bởi 4 bức tường thành cao 12m. Công thành không phải là thượng sách. Thế nên, Thành Cát Tư Hãn quyết định chia quân bao vây Yên Kinh, cắt mọi đường lương thực, nước uống có thể tuồn vào thành.
Chiến dịch “bỏ đói Yên Kinh” đã thành công rực rỡ. Cuối xuân 1215, khủng hoảng bên trong Yên Kinh lên đến đỉnh điểm khi người dân giết hại lẫn nhau, ăn thịt đồng loại. Giữa tháng 4 năm 1215, Yên Kinh chính thức mở cửa thành, đầu hàng.
Quân Mông Cổ sau khi vào thành Yên Kinh đã tàn sát dân chúng, đốt phá khắp nơi. Ngoài 5 vạn quân Kim, đã có khoảng 50 vạn dân chúng bị giết. 10 vạn phụ nữ lên thành nhảy xuống tự tử vì sợ bị làm nhục. Trong ba tháng, thành Yên Kinh bốc cháy nghi ngút, xương người chất thành núi.
Nước mất nhà tan, tất nhiên hoàng gia tông thất Kim là thê thảm nhất. Hoàng tộc Kim bị thảm sát, đến nỗi họ Hoàn Nhan gần như biến mất trên đời. Thi hài đã hỏa thiêu của Kim Ai Tông – vị quân chủ mất nước – cũng như của cải nước Kim bị Tống và Mông Cổ chia làm hai. Quân Tống đem nửa di hài ấy về tế Thái miếu, rồi lại cho giam vào ngục Đại lý tự.
Thống kê thêm, sau khi nhà Kim chính thức diệt vong năm 1234, dân số Kim chỉ còn lại khoảng 1,1 triệu hộ với tổng cộng 6 triệu người. Tức chỉ bằng khoảng 13% so với mức 53,5 triệu người trước cuộc xâm lăng của Thành Cát Tư Hãn.
Nhưng câu chuyện có lẽ chưa dừng ở đây, nếu chúng ta tiếp tục lần theo dòng lịch sử, thì sẽ thấy vào cuối năm 1891, tức là vào cuối thời nhà Thanh (hậu duệ người Nữ Chân – Kim), có một hội kín tên Kim Đan Đạo đã nổi dậy ở Nội Mông, gây ra sự kiện thảm sát diệt chủng khoảng 150.000 – 500.000 người Mông Cổ. Sự kiện này được coi là tác động không nhỏ đến tư tưởng ly khai giành độc lập khỏi Trung Quốc của người Mông Cổ.
Hoàng đế Tống đầu thai thành hoàng đế Kim
Thuyết nhân quả luân hồi không chỉ nhấn mạnh vào vế báo thù, mà còn có một vế nữa, là đổi vai diễn. Ví như kiếp trước bị ai lừa dối cướp đoạt, thì kiếp sau đầu thai vào chính nhà người đó, để hưởng lại những thứ của mình bị mất đi.
Điều nay xem chừng khá đúng khi xét đến hai vị hoàng đế là Tống Huy Tông và Kim Chương Tông. Từ tên thụy Huy và Chương của hai vị vua này có thể thấy họ có điểm chung, đấy là chủ về phát tiết văn hóa.
Không phải ngẫu nhiên người ta nói Kim Chương Tông là chuyển sinh của Tống Huy Tông.
Trước hết, chúng ta đều biết Tống Huy Tông là hoàng đế vô cùng tài hoa, thông thạo cầm kỳ thi họa, sáng tạo ra thể thư pháp sấu kim. Tuy nhiên, có lẽ vì chịu điều tiếng là một ông vua bại vong, nên thể thư pháp của ông cũng không được nổi tiếng và ưa chuộng cho lắm. Ấy vậy nhưng Kim Chương Tông rất hâm mộ Tống Huy Tông, nghe nói Tống Huy Tông dùng bột khói cây tô hợp để làm mực, đã lệnh cho người đi lùng mua, trả đến hai lạng vàng cho mỗi cân mực. Ông cũng lại say mê sấu kim thể, dành cả đời để rèn luyện, trình độ đạt đến mức người bình thường rất khó phân biệt được tác phẩm của ông và Tống Huy Tông.
Tại Bảo tàng Anh quốc, có lưu giữ một bản sao “Nữ sử châm đồ” của Cố Khải Chi, trong đó phần dưới cùng bên tay trái có ghi chú theo thể sấu kim của Kim Chương Tông. Một trong những bằng chứng để người ta biết tác giả của ghi chú, đó là chữ “Cung” (恭) bị thiếu nét, chính bởi Kim Chương Tông kỵ húy tên cha ông là Hoàn Nhan Doãn Cung.
Trình độ thư pháp của Kim Chương Tông cao đến nỗi gây tranh cãi trong giới mộ điệu, rằng lời đề bạt vẫn được cho là của Tống Huy Tông trên bức “Thượng Dương Đài thiếp” của Lý Bạch thực ra là của Kim Chương Tông.
Không chỉ thư pháp, cuộc đời Kim Chương Tông còn có rất nhiều điều giống với Tống Huy Tông.
Tống Huy Tông tôn sùng Đạo giáo, ông tự xưng là Giáo chủ Đạo Quân Hoàng đế. Kim Chương Tông cũng hết sức coi trọng Toàn Chân giáo – một nhánh của Đạo giáo.
Tống Huy Tông có tòa “Vạn Cầm Đường”, lưu giữ rất nhiều đàn cầm, trong đó ông yêu thích nhất là cây đàn chế tạo vào thời Đường tên “Xuân lôi”. Khi Kim Chương Tông tiếp nhận các bảo vật nhà Tống, thì cũng vô cùng yêu thích cây đàn này, thậm chí còn muốn ôm theo lúc lâm chung.
Hai vị vua này đều thích chơi trò “chùy hoàn” – gần giống môn golf ngày nay. Sách “Hoàn kinh” thời Nguyên ghi: “Tống Huy Tông, Kim Chương Tông đều yêu thích chùy hoàn. Bóng đựng trong túi gấm, gậy có đầu dát ngọc, thân dát vàng.”
Ngoài ra, một điều trùng hợp kỳ lạ, đó là về đời sống tình cảm của hai vị vua này. Chúng ta hẳn đã không còn xa lạ với câu chuyện tài tử giai nhân giữa Tống Huy Tông và Lý Sư Sư. Về phần Kim Chương Tông, ông cũng đặc biệt sủng ái một nữ nhân tên Lý Sư Nhi, thậm chí phong cho làm nguyên phi, địa vị chỉ sau hoàng hậu.
Kim Chương Tông kế thừa được nhiều điều của Tống Huy Tông, ngoài ra lại làm được điều mà Tống Huy Tông hẳn rất tiếc nuối uất hận, đó là quản lý chính trị, quân sự giỏi.
Khi Kim Chương Tông mới lên ngôi, lễ nhạc, luật pháp phỏng theo quy chế Liêu, Tống cũ kỹ và hỗn loạn, ông đã sửa sang điều chỉnh, làm thành hệ thống. Ông thúc đẩy học tập tinh hoa văn hóa Hán, đưa văn hóa Kim phát triển vượt bậc. Chương Tông bãi bỏ chế độ nô lệ, khiến năng lực sản xuất của xã hội tăng trưởng. Dân chúng ca ngợi thời kỳ cai trị ban đầu của ông là “Minh Xương chi trị”.
Về quân sự, Kim Chương Tông cũng có thành công nhất định. Ông đem quân đánh Nam Tống, bắt triều đình Nam Tống phải chịu những điều khoản bất bình đẳng theo “Hòa nghị Gia Định” năm 1208 như Tống tôn Kim làm bác, tăng thêm mỗi năm cống phẩm phải nộp như bạc 30 vạn lạng, lụa sống 30 vạn thếp, “tiền khao quân” 300 vạn lạng. Đổi lại nhà Kim hoàn trả cho Nam Tống những vùng đất mà Kim đã chiếm được trong cuộc chiến năm 1206.
Tuy nhiên, thời kỳ cai trị về sau của Kim Chương Tông lại đi xuống. Ông say sưa rượu chè ngâm vịnh, bỏ bê chính sự, đánh dấu sự bắt đầu diệt vong của nhà Kim.
Tựu chung, người đời đánh giá rằng, Tống Huy Tông hơn Kim Chương Tông về tài hoa nghệ thuật một chút, còn Kim Chương Tông hơn Tống Huy Tông về tài năng chính trị một chút. Bù trừ trước sau, thì thấy quả đúng là “chuyển thế linh đồng”.
Hữu Đức
NTD Việt Nam