Đáng buồn thay, những cách chữa đau nhanh chóng mà cả người Mỹ và bác sĩ của họ dường như ưa thích thường không hiệu quả – và tạo ra một nhóm mới gồm những bệnh nhân đau vĩnh viễn, lang thang từ phương pháp điều trị không hiệu quả này sang phương pháp khác, thường chán nản và tuyệt vọng. (Marco Verch Flickr / CC BY 2.0 DEED)
Đáng buồn thay, những cách chữa đau nhanh chóng mà cả người Mỹ và bác sĩ của họ dường như ưa thích thường không hiệu quả – và tạo ra một nhóm mới gồm những bệnh nhân đau vĩnh viễn, lang thang từ phương pháp điều trị không hiệu quả này sang phương pháp khác, thường chán nản và tuyệt vọng.
Hơn 20% người trưởng thành ở Hoa Kỳ (50 triệu người) sống chung với chứng đau mãn tính như rối loạn cột sống và bệnh đĩa đệm, dây thần kinh bị chèn ép, đau thắt lưng, đau cổ, hội chứng đau cục bộ phức tạp, đau xơ cơ, bệnh zona, tiểu đường – gây ra bệnh thần kinh cũng như các bệnh về khớp và cơ xương, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).
Những người bị đau mãn tính là mục tiêu thường xuyên của việc kê đơn thuốc chứa quá nhiều opioid và nhiều người đã trở thành nạn nhân của đại dịch opioid đang càn quét thế giới. Những người bị đau mãn tính đã phải chịu thêm căng thẳng và buộc phải cách ly trong đại dịch COVID-19, điều này thường dẫn đến trầm cảm và tăng cân.
Bề ngoài, y học hiện đại có vẻ được trang bị đầy đủ thiết bị để chữa trị cho bệnh nhân đau mãn tính, với các phương pháp điều trị công nghệ cao như: phẫu thuật cột sống, phẫu thuật đĩa đệm, kích thích tủy sống, tiêm steroid và thuốc giảm đau và tất nhiên là thuốc opioid.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều ổn, và những khái niệm như “sinh thiết ví tiền” (trong đó khả năng chi trả của bệnh nhân ảnh hưởng đến phương pháp điều trị) và “chẩn đoán dựa trên hình ảnh X-quang” (trong đó những bất thường được phát hiện có thể không phải là nguyên nhân gây đau) chỉ ra một số vấn đề đang tồn tại.
Điều trị quá mức tốn kém chỉ là một đặc điểm của thuốc giảm đau ngày nay. Một cách khác là theo đuổi “các giải pháp nhanh chóng”.
Trong lĩnh vực thể thao, học thuật và công việc, nhu cầu kiên nhẫn và làm việc chăm chỉ được chấp nhận, nhưng khi nói đến đau đớn, mọi người lại mong muốn kết quả tức thì.
Đáng buồn thay, những cách chữa đau nhanh chóng mà cả người Mỹ và bác sĩ của họ dường như ưa thích thường không hiệu quả – và tạo ra một nhóm mới gồm những bệnh nhân đau vĩnh viễn, lang thang từ phương pháp điều trị không hiệu quả này sang phương pháp khác, thường chán nản và tuyệt vọng. Một ví dụ về “vòng luẩn quẩn” này được nhìn thấy ở những bệnh nhân phẫu thuật cột sống thất bại.
Các chuyên gia phục hồi chức năng và bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu (bác sĩ được đào tạo về y học phục hồi chức năng) lưu ý rằng các phương pháp điều trị giảm đau nhanh chóng như phẫu thuật hoặc tiêm, đôi khi được gọi là điều trị đơn phương, không có góc nhìn lâu dài về sự phục hồi của bệnh nhân. Nhiều phương pháp này đang giúp ích cho hệ thống y tế và các công ty bảo hiểm nhiều hơn là cho chính bệnh nhân.
Tại sao đau mãn tính lại khó điều trị?
Đau mãn tính có thể khiến các bác sĩ bối rối vì nó không phải lúc nào cũng có nguyên nhân rõ ràng. Ví dụ, một bệnh nhân có thể nói rằng họ bị đau ở các chi đã bị cắt cụt hoặc liệt, vốn không thể truyền dẫn tín hiệu đau; trong khi binh sĩ hoặc nhân viên cứu hộ có thể không cảm thấy gì khi bị thương trong tình huống nguy hiểm.
Đau mãn tính có thành phần tâm lý mạnh mẽ và bị ảnh hưởng bởi trạng thái cảm xúc. Nhiều, thậm chí là hầu hết, bệnh nhân đau mãn tính trải qua những cảm xúc như trầm cảm, buồn bã, tuyệt vọng, bất lực và tức giận đối với những người hoặc tình huống gây đau, hoặc đối với giới y tế dường như không thể giúp họ thoát khỏi nó. Nhiều bệnh nhân sợ các hoạt động có thể làm nặng thêm cơn đau và do đó trở nên miễn cưỡng quay lại cuộc sống bình thường. Kết quả là, họ trở nên ít vận động.
Các chuyên gia cho biết, trong khi những cảm xúc tiêu cực xuất phát từ cơn đau, chúng cũng làm cho cơn đau trở nên tồi tệ hơn và tạo thành một vòng luẩn quẩn ác tính.
Một số cơn đau dường như liên quan chặt chẽ đến cảm xúc hơn những loại khác. Ví dụ, một số loại đau lưng thường xuyên liên quan đến cảm giác tức giận.
Một bài đánh giá nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Tâm lý Thể chất năm 2019 đã lưu ý: “Cảm giác tức giận phổ biến trong đau mãn tính và có liên quan đến nhận thức đau, khuyết tật, hành vi và kết quả điều trị”.
Khi những bệnh nhân đau mãn buộc phải nghỉ việc, họ thường cảm thấy bị cô lập, như thể họ không còn tham gia vào cuộc sống và thậm chí vô dụng. Cơn đau dai dẳng và tâm trạng u ám của họ cũng có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Một mô hình tốt hơn để điều trị chứng đau mãn tính
Nếu hệ thống y tế có thể giải quyết mọi khía cạnh của một bệnh nhân đau mãn tính, từ cơn đau thể xác, nỗi đau tinh thần, căng thẳng tâm lý cho đến các hoạt động hàng ngày ở công việc và cuộc sống gia đình thì sao?
Đó là nguyên tắc điều trị đau mãn tính “đa ngành”, một mô hình đã thịnh hành cho đến vài thập kỷ qua, khi nó không còn được ưa chuộng khi y học ngày càng thiên về việc chi trả theo từng ca điều trị.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn khuyến nghị điều trị đa ngành cho bệnh đau mãn tính, nơi có sự phối hợp chuyên môn của các bác sĩ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một nhóm đa ngành bao gồm bác sĩ, nhiều nhà trị liệu (vật lý trị liệu, nghề nghiệp, dạy nghề, giải trí, vận động và công thái học), nhân viên xã hội, nhà tâm lý học và y tá phục hồi chức năng. Nhóm cũng có thể bao gồm chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia phản hồi sinh học, dược sĩ, nhóm hỗ trợ đau mãn tính và thậm chí cả các thành viên của tổ chức tôn giáo. Đôi khi cả các thành viên gia đình cũng được đưa vào nhóm; chắc chắn họ hiểu biết về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và bị nó ảnh hưởng.
Một nhóm đa ngành mang lại nhiều lợi ích. Không giống như chăm sóc phi đa ngành, nơi bệnh nhân thường được bảo phải làm gì và thụ động phục hồi sau phẫu thuật và các thủ thuật, điều trị đa ngành bao gồm bệnh nhân là một thành viên tích cực trong nhóm, có uy tín và được lắng nghe.
Việc trở thành một phần của nhóm y tế và có tiếng nói trong điều trị thường là một trải nghiệm mới đối với bệnh nhân – mặc dù đây là điều hiển nhiên, vì chỉ có bệnh nhân mới biết họ đang cảm thấy gì.
Trong bối cảnh chăm sóc đa ngành, một bệnh nhân hầu như không bao giờ bị bảo rằng họ “không nên” bị đau vì không có “vấn đề gì liên quan đến giải phẫu” hoặc “phẫu thuật đã hiệu quả” – những thông điệp thường được nghe thấy trong điều trị đau truyền thống.
Còn có một lợi ích khác của chăm sóc đa ngành. Bệnh nhân đau mãn tính thường sợ hoạt động thể chất và tập thể dục vì họ nghĩ rằng nó sẽ khiến họ đau hơn. Các chuyên gia phục hồi chức năng biết điều ngược lại là đúng – vật lý trị liệu, ví dụ, có thể đau lúc đầu nhưng giải quyết được vấn đề đau.
Khi một bệnh nhân là một phần của nhóm, nó thường truyền cảm hứng cho họ tham gia các liệu pháp mà các thành viên trong nhóm khuyến nghị với một sức mạnh mới. Mặt khác, các liệu pháp trong chăm sóc phi đa ngành thường thụ động, không đòi hỏi nỗ lực hay tham vọng từ phía bệnh nhân.
Cuối cùng, nhóm đảm bảo sự phối hợp chăm sóc giữa các nhà trị liệu. Trong các mô hình y tế truyền thống, bệnh nhân có thể tự hỏi liệu một bác sĩ có liên lạc với bác sĩ khác hay không. Các bác sĩ không chỉ dường như ít làm việc với nhau mà dường như đang chống lại nhau!
Tạo nhóm đa ngành của riêng bạn
Vậy làm thế nào để bạn có thể tiếp cận với liệu pháp đa ngành cho bệnh đau mãn tính?
Bạn có thể bắt đầu bằng cách khám phá các trung tâm điều trị đau ở các trung tâm dành cho người cao tuổi, trung tâm chăm sóc sức khỏe tự nhiên, thay vì bắt đầu với bác sĩ phẫu thuật và phương pháp điều trị y tế thông thường.
Bạn cũng có thể tập hợp nhóm đa ngành của riêng mình. Ngay cả khi nhóm không còn cùng chung một nơi (chẳng hạn như cùng một trung tâm, cùng một khu vực địa lý…), bạn vẫn có thể xác định một hoặc nhiều nhà trị liệu có thể hợp tác với bạn – và với nhau – với tư cách là một nhóm, nếu họ không bị ràng buộc vào một mạng lưới nhà cung cấp.
Dưới đây là một số câu hỏi để bạn đặt cho các thành viên tiềm năng trong nhóm của bạn. Liệu người đó có:
- Dành thời gian để hiểu hoàn cảnh tổng thể của bạn, điều trị cho bạn chứ không chỉ riêng là cơn đau?
- Tôn trọng và phối hợp với các chuyên gia khác, theo hướng toàn diện?
- Làm việc với các bác sĩ mà bạn tự tìm hoặc đề xuất?
- Thành thật với bạn khi một phương pháp điều trị có khả năng không hiệu quả?
Ngay cả khi nhóm của bạn không ở cùng một nơi, việc tổ chức họp Zoom, các cuộc họp ảo hoặc gọi điện thoại để theo dõi tiến trình của bạn là điều dễ dàng. Gia đình bạn cũng có thể tham gia các buổi họp này.
Phần kết luận
Điều trị chứng đau mãn tính đã trở thành một ngành kinh doanh trị giá $635 tỷ mỗi năm ở Hoa Kỳ. Mỗi năm chi nhiều tiền hơn cho bệnh đau thắt lưng, đau cổ, rối loạn cột sống, đau khớp và cơ xương khớp cũng như các tình trạng đau khác hơn là bệnh tim (309 tỷ USD), ung thư (243 tỷ USD) và tiểu đường (188 tỷ USD).
Rất ít người phàn nàn về chi phí nếu bệnh nhân khỏi bệnh, nhưng bất chấp các loại thuốc có khả năng gây nghiện cao cũng như các thủ tục và phương pháp phẫu thuật mới tốn kém, nhiều cơn đau vẫn không thuyên giảm và một số phải trở thành bệnh nhân vĩnh viễn. Phải chăng đã đến lúc đưa ra một diện mạo mới cho phương pháp điều trị đau mãn tính đa ngành?
Theo Martha Rosenberg – The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch
NTD Việt Nam