Vào Triều Tấn có hai vị đại sư bốc quẻ bói mệnh nổi tiếng – Bốc Hủ và Quách Phác, hai người họ đều có thể nhìn ra ngày mất của đối phương, nhưng cả hai đều không có cách nào tránh được tai hoạ, cái chết của họ đều ứng nghiệm dự đoán về mình.
Số mệnh Bốc Hủ ứng nghiệm dự đoán
Bốc Hủ (? – 312), tự là Tử Ngọc, là hậu duệ Hung Nô. Ông lúc còn trẻ thích đọc “Chu Dịch”, sau khi Quách Phác nhìn thấy ông thì rất ngưỡng mộ nói: “Tôi còn kém ông nhiều, nhưng tiếc rằng ông không tránh được nạn về binh đao!”
Bốc hủ nói: “Đúng vậy. Hạn ách lớn nhất của tôi là vào năm 41 tuổi, chức quan là khanh tướng, sẽ phải bị tai hoạ mà chết. Nếu như không phải như vậy, cũng sẽ bị mãnh thú làm hại. Nhưng tôi cũng không nhìn thấy ông có thể kết thúc tốt đẹp”.
Quách Phác nói: “Tai hoạ của tôi tại Giang Nam, để tránh họa tôi đã tính kế từ lâu rồi, nhưng vẫn không nhìn thấy dấu hiệu có thể tránh được. Mặc dù như vậy, ở phương Nam thì còn có thể kéo dài thời hạn, lưu tại nơi này là trụ không được bao lâu”.
Bốc hủ nói: “Ông đừng làm việc công nữa, có thể tránh được tai họa”.
Quách Phác nói: “Tôi không thể tránh né làm việc công, cũng giống như ông không tránh được việc làm khanh tướng vậy”.
Bốc Hủ nói: “Mặc dù nơi này sẽ có con cháu bậc đế vương được sinh ra, tôi biết mình không thể làm việc ở hai kinh. Lang Tà Vương đáng để phụng sự, ông hãy phụng sự ông ta chu đáo, chủ trì việc tế tự Tấn thất nhất định là người này”. Thế là Bốc Hủ liền đến núi Long Môn ẩn cư.
Sau khi Lưu Nguyên Hải xưng đế, chiêu mộ Bốc Hủ làm chức Đại Tư Nông, làm đại thần kề cận, nhưng Bốc Hủ cáo bệnh kiên quyết từ chối. Lưu Nguyên Hải nói: “Mỗi người đều có chí riêng, Bốc Hủ không muốn làm quan tại triều đình của Trẫm, là thuộc loại người trong tứ công thời Hán Cao Tổ, có thể thuận theo chí hướng thanh cao của ông ta”. Về sau Lưu Nguyên Hải lại phong cho Bốc Hủ làm Quang Lộc đại phu, nhưng ông nói với người đưa tin: “Đây không phải là tử địa của tôi”.
Đến khi Lưu Thông kế thừa ngụy vị, chiêu mộ Bốc Hủ làm Thái Thường. Lúc ấy Lưu Côn chiếm cứ Tịnh Châu, Lưu Thông hỏi lúc nào có thể bình định Tịnh Châu, Bốc Hủ trả lời: “Tịnh Châu là đất của Bệ hạ, đánh là nhất định được”.
Lưu thông nói đùa: “Trẫm dự tính khanh vất vả một chuyến, được không?”
Bốc Hủ nói: “Nguyên nhân Thần không kịp trang phục liền chạy tới, chính là vì chuyến đi này”. Lưu Thông rất vui mừng, phong cho Bốc Hủ làm Sứ Trì Tiết, Bình Bắc tướng quân.
Lúc chuẩn bị xuất phát, Bốc Hủ nói với muội muội: “Lần này xuất hành, chết là số mệnh của huynh, sau khi huynh chết mọi người tuyệt đối đừng phân tranh”. Đến khi tiến đánh Tấn Dương, quân của Bốc Hủ bị Lưu Côn đánh bại, binh sĩ tranh nhau chạy trốn, Bốc Hủ bị giết chết.
Số mệnh của Bốc Hủ ứng với lời tiên đoán của bản thân, cũng ứng với việc Quách Phác dự đoán ông tránh không được nạn về binh đao.
Dưới đây lại nhìn vận mệnh Quách Phác xem là như thế nào? Liệu có ứng nghiệm với tiên đoán của hai người?
Vận mệnh của Quách Phác ứng với dự đoán về số mệnh
Quách Phác (276 – 324), tự là Cảnh Thuần, người huyện Văn Hỷ quận Hà Đông. Quách Phác yêu thích kinh thư học thuật, học vấn uyên bác, có đại tài, tinh thông âm dương thuật số, giỏi về lịch pháp toán học.
Quách Phác từng theo Quách Công sống ở Hà Đông, học tập thuật bốc thệ (bói cỏ thi). Quách Công tinh thông bốc thệ đã tặng cho ông 9 quyển “Thanh nang trung thư”, Quách Phác bởi vậy thông hiểu ngũ hành, thiên văn, thuật bốc thệ, cũng có thể bài trừ tai hoạ, thông hiểu huyền cơ trong cõi u minh. Tương truyền, những người giỏi thuật toán mệnh vốn đã thành danh như Kinh Phòng (tự Quân Minh) thời Tây Hán, hay Quản Lộ (tự Công Minh) nhà Ngụy thời Tam quốc dẫu có tái sinh, cũng không bằng được Quách Phác. Môn khách của Quách Phác là Triệu Tải đã từng lấy trộm “Thanh nang trung thư”, nhưng trong chốc lát bị một mồi lửa đốt đi, căn bản là không kịp đọc. Qua đó có thể thấy rằng, ai có thể đắc được huyền cơ biết vận mệnh, từ trong sâu thẳm đã có định số, người bình thường là không cách nào xem trộm được.
Giữa thời Tấn Huệ Đế và Hoài Đế, bạo loạn xuất hiện ở Hà Đông. Quách Phác bốc một quẻ, vứt sách xem bói xuống rồi thở dài nói: “Ài, dân chúng sẽ bị dị tộc thống trị thôi, mảnh đất cố hương sắp sửa chịu gót sắt chà đạp thành hoang tàn rồi”. Thế là ông âm thầm liên lạc bằng hữu quyến thuộc mấy chục nhà, chuẩn bị di chuyển đến Đông Nam để tránh nạn.
Họ đi đến chỗ tướng quân Triệu Cố, vừa lúc con ngựa tốt mà Triệu Cố thường cưỡi bị chết, Triệu Cố lúc này đang vô cùng thương tiếc, nên không muốn tiếp đãi tân khách. Quách Phác tới gặp ông ta, người gác cửa không cho Quách Phác đi vào. Quách Phác nói với hắn: “Tại hạ có thể làm ngựa chết sống lại”. Người gác cửa rất kinh ngạc, vội vàng thông báo cho ông chủ Triệu Cố.
Triệu Cố lập tức ra gặp Quách Phác, hỏi ông ta: “Ông có thể làm ngựa của ta sống lại sao?”
Quách Phác nói: “Cần hai, ba mươi nam thanh niên cường tráng, mỗi người tay cầm một cây sào tre, đi về phía đông ba mươi dặm, tại gò đất trong rừng có một cái miếu thổ địa, lấy sào tre đập, sẽ có một con vật chạy ra, phải nhanh tay bắt được mang về. Bắt được vật này rồi, ngựa liền có thể sống lại”.
Triệu Cố chiểu theo lời Quách Phác đi làm, quả nhiên ở đó bắt được một con giống như con khỉ, liền mang trở về. Con thú nhỏ giống con khỉ thấy con ngựa chết, liền hít hít cái mũi của con ngựa chết. Chỉ một lát sau con ngựa liền đứng lên, ngẩng đầu lên hí và ăn cỏ như bình thường. Nhưng con quái thú giống như con khỉ thì không thấy đâu nữa. Triệu Cố ngạc nhiên mừng rỡ, đưa rất nhiều tiền và quà để báo đáp.
Vương Đôn muốn làm phản, đại tướng quân Ôn Kiều và Dữu Lượng muốn Quách Phác xem bói, nhưng ông cố ý lẩn tránh. Ôn Kiều và Dữu Lượng lại muốn Quách Phác xem cát hung cho hai người bọn họ, Quách Phác nói: “Đại cát”.
Ôn Kiều và Dữu Lượng lui ra bên ngoài trao đổi, nói: “Quách Phác không đối đáp, vậy là không dám nói, hoặc là thượng thiên đã mang hồn phách của Vương Đôn đi. Hiện tại chúng ta cùng quốc gia lo đại sự thảo phạt, mà Quách Phác nói hai người chúng ta đại cát, đây là giải thích thảo phạt nhất định thành công”. Thế là hai người họ thuyết phục Minh Đế thảo phạt Vương Đôn.
Lúc trước, Quách Phác thường nói “người giết ta là Sơn Tông”. Khi đó quả nhiên có một người họ Sùng đến chỗ Vương Đôn vu hại Quách Phác.
Vương Đôn sắp cử binh, muốn Quách Phác xem bói. Quách Phác nói: “Sẽ không thành công”.
Vương Đôn vốn nghi ngờ Quách Phác thuyết phục Ôn Kiều và Dữu Lượng thảo phạt mình, lúc này nghe nói quẻ của mình là hung, liền hỏi Quách Phác: “Ngươi lại xem bói, xem ta thọ mệnh còn bao lâu?”
Quách Phác đáp: “Xem thêm quẻ trước nữa, thì các hạ nếu như hưng binh, nhất định không lâu sẽ gặp họa. Nếu như dừng lại tại Võ Xương, thọ mệnh sẽ không có hạn”.
Vương Đôn giận dữ nói: “Còn tuổi thọ của ngươi như thế nào?”
Quách Phác đáp: “Tôi mệnh tận vào trưa hôm nay”.
Vương Đôn trong cơn thịnh nộ cho bắt Quách Phác, lập tức đưa đến Nam Cương chém đầu.
Trước khi bị tử hình, Quách Phác hỏi người hành hình phải tới nơi nào. Đối phương trả lời: “Ở Nam Cương Đầu”.
Quách Phác nói: “Nhất định là dưới cây song bách”. Đến chỗ ấy, quả là như thế. Quách Phác lại nói: “Cây này có tổ chim khách lớn”. Đám người tìm kiếm nhưng không thấy. Quách Phác nói bọn họ tìm lại đi, quả nhiên tìm được một tổ chim to bị cành lá rậm rạp che lấp, .
Trước đây, vào năm đầu Trung Hưng, Quách Phác từng đi ngang qua Việt thành, trên đường gặp được một người, Quách Phác gọi tên của ông ta, đồng thời đem quần và áo giáp của mình đưa cho ông ta. Người kia chối từ không nhận, Quách Phác nói: “Ông nhận lấy đi, ngày sau sẽ minh bạch”. Người kia bèn nhận quần áo rồi rời đi. Bây giờ, người hành hình lại chính là người kia.
Quách Phác lúc này 49 tuổi, hoàn toàn ăn khớp với năm ông dự đoán mình mất mạng. Bốc Hủ tiên đoán Quách Phác không có kết thúc tốt đẹp, và Quách Phác tự tiên đoán tai họa mà mình không thể tránh, tất cả đều ứng nghiệm.
(Sau khi nhà Tấn dẹp loạn Vương Đôn xong, truy tặng Quách Phác là Thái Thú Hoàng Nông).
Hai vị Bốc Hủ và Quách Phác nổi danh thời Tấn này, họ đều tinh thông thuật số bói toán, không chỉ có thể biết sinh mệnh đối phương kết thúc như thế nào, còn biết thời gian hết mệnh của bản thân mình. Thế nhưng, cả hai người họ đều không thể làm gì để có thể tránh được vận mệnh của mình.
Phật gia nói nhân quả ba đời, quả của đời này là do nhân từ trước khi sinh định ra (chính là kiếp trước kiếp này), nếu không, Bốc Hủ và Quách Phác có thể nào bói toán ra được sao? Vận mệnh của mình, nguyên lai đều là tự mình tạo, cho nên cổ nhân thường nói phải tích đức tạo phúc, gieo phúc điền, kết thiện quả. “Lão Tử” cũng nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý là Đạo trời rất công bằng, không thiên vị bất kỳ ai, nhưng thường hay giúp đỡ những người hành thiện.
Nguồn: epochtimesviet
Vạn Điều Hay