Trong bối cảnh một số tỉnh, thành xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, Cục Quản lý Môi trường Y tế (thuộc Bộ Y tế) đưa ra phương án cho trẻ mẫu giáo, nhà trẻ, tiểu học được nghỉ học nếu chất lượng không khí ở mức nguy hại trong ba ngày liên tục. (Getty Images)
Trong bối cảnh một số tỉnh, thành xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, Cục Quản lý Môi trường Y tế (thuộc Bộ Y tế) đưa ra phương án cho trẻ mẫu giáo, nhà trẻ, tiểu học được nghỉ học nếu chất lượng không khí ở mức nguy hại trong ba ngày liên tục.
Chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khoẻ được đánh giá bằng chỉ số AQI, trong đó:
- 0 – 50: Chất lượng không khí ở mức tốt
- 51 – 100: Chất lượng không khí ở mức trung bình
- 101 – 150: Chất lượng không khí ở mức kém
- 151 – 200: Chất lượng không khí ở mức xấu
- 201 – 300: Chất lượng không khí ở mức rất xấu
- 301 – 500: Chất lượng không khí ở mức nguy hại
Theo đó, khi mức độ ô nhiễm không khí đạt đến mức nguy hại trong ba ngày liên tục, nhà trẻ, mẫu giáo và các trường tiểu học nên xem xét cho trẻ nghỉ học. Trong trường hợp bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời hoặc điều chỉnh thời gian học phù hợp, theo Bộ Y tế.
Người bình thường nên tránh các hoạt động ngoài trời hoặc dời sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. Bất kỳ triệu chứng nào như khó thở, ho, sốt nên đi khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết người dân nên đeo khẩu trang đúng quy cách và đảm bảo chất lượng khi ra khỏi nhà với các mức độ không khí còn lại.
Các chuyên gia cho hay, các thành phố lớn như Hà Nội đã bắt đầu phát triển xe buýt điện, di dời cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành, hạn chế đun than tổ ong… nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không giảm thiểu. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do sự xuất hiện của các công trình xây dựng, cầu cống, lượng xe cộ tăng lên từng năm, cộng thêm nguồn phát thải từ các cơ sở công nghiệp lân cận.
Bụi mịn PM2.5 là gì?
Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang ở mức báo động, vượt ngưỡng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và có khả năng tác động trực tiếp đến sức khoẻ của con người, theo Trung tâm Quan trắc môi trường Việt Nam.
Theo Vinmec, giới chuyên gia cho rằng bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn 30 lần so với sợi tóc). Chúng hình thành từ các chất như nitơ, carbon và các hợp chất kim loại khác.
Khi nồng độ bụi tăng lên, không khí sẽ trở nên mờ và tầm nhìn bị giảm xuống như sương mù.
Tác hại của ô nhiễm không khí?
Theo VnExpress, báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới và UBND thành phố Hà Nội cho thấy, hơn 40% dân số đang chịu tác động từ bụi mịn PM2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và vượt xa so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Hệ thống tổng hợp chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội ở vị trí thứ ba trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với chỉ số AQI là 204.
Thống kê cho thấy, bụi mịn PM2.5 có thể tăng 10μg/m3 mỗi năm. Điều này có thể dẫn tới sự gia tăng của các trường hợp mắc bệnh về tim mạch và cao huyết áp.
Khi xâm nhập vào cơ thể, bụi mịn có thể gây tổn thương niêm mạc khí quản, phế quản. Hơn nữa, chúng cũng có thể đi sâu vào các phế nang, gây viêm, xơ hoá từ đó dẫn đến nhiều bệnh liên quan đến hô hấp. Tình trạng kéo dài có thể gây ra các bệnh phổi mạn tính.
Mặt khác, bụi mịn với kích thước nhỏ có khả năng xuyên qua phế nang mao mạch để vào trong tuần hoàn cơ thể, làm tăng nguy cơ tổn thương tim mạch, đột quỵ não.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai khi tiếp xúc với bụi mịn trong thời gian dài có thể dẫn đến sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh hay thậm chí tử vong.
Ô nhiễm không khí được ví như một “sát thủ thầm lặng”, nó liên quan đến khoảng 30% trường hợp tử vong do ung thư phổi, 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp.
Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (EPIC) cho biết tuổi thọ trung bình của con người giảm xuống hai năm khi tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm kéo dài. Trong khi đối với người dân Nam Á, ô nhiễm không khí có thể làm giảm 5 năm tuổi thọ.
Các nhà khoa học cho rằng mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí còn gấp nhiều lần so với HIV/AIDS, tuy nhiên để giải quyết nó vẫn là một vấn đề khó khăn do thiếu nguồn kinh phí.
Hoàng Tuấn tổng hợp
NTD Việt Nam