Các nhà khoa học đã phát hiện ra một vùng đất từng có hơn nửa triệu người sinh sống, hiện đang chìm hơn 100 mét, ngoài bờ biển Australia. (Hình ảnh: Carley Rosengreen/Đại học Griffith)
Các nhà khoa học đã phát hiện ra một vùng đất từng có hơn nửa triệu người sinh sống, hiện đang chìm hơn 100 mét, ngoài khơi bờ biển châu Úc.
Khoảng 70.000 năm trước, một vùng đất rộng lớn hiện đang chìm sâu dưới nước gần bờ biển châu Úc, có thể từng là nơi sinh sống của hơn nửa triệu người.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu hiệu của những bức vách đứng, dòng sông và hồ nước ngọt tại một khu vực rộng lớn đang chìm sâu hơn 100 mét dưới mực nước biển, ngoài khơi Australia trong một nghiên cứu mới được công bố vào ngày 15 tháng 12 trên tạp chí Quaternary Science Reviews.
“Chúng tôi đang nói về một vùng đất của quá khứ đang chìm sâu hơn 100 mét dưới mực nước biển hiện nay”, Kasih Norman, một nhà khảo cổ học tại Đại học Griffith ở Queensland, Úc, và là tác giả chính trong nghiên cứu mới, nói với Live Science.
‘Atlantis’ của Úc này là một dải lớn của Thềm lục địa, khi còn ở trên mực nước biển vào thời quá khứ, kết nối các khu vực của vùng đất Kimberley và Arnhem; ngày nay đã trở thành một đại dương rộng lớn. Khu vực này từng là nơi kết nối Úc thời hiện đại với New Guinea và Tasmania, được gọi là Sahul.
Một vùng đất từng có đông người sinh sống?
Mặc dù cho đến bây giờ có rất ít nghiên cứu về quy mô của khu vực và việc con người đã sinh sống ở đây. Nghiên cứu mới của Kasih Norman có thống kê dữ liệu khu vực về mực nước biển từ 70.000 đến 9.000 năm trước, cùng với các bản đồ chi tiết về đặc điểm đáy biển của thềm lục địa bị ngập nước này, được cung cấp bởi thiết bị sonar từ tàu nghiên cứu của họ.
Đầu tiên, dữ liệu cho thấy từ 71.000 đến 59.000 năm trước, mực nước biển thấp hơn khoảng 40 m so với ngày nay, khu vực này vốn là một lục địa nằm giữa các đảo của Đông Timor và cách không xa Indonesia.
Sau đó, từ 29.000 đến 14.000 năm trước, mực nước biển ở khu vực này đã dâng cao lên rất nhanh, trùng với đỉnh cao của kỷ băng hà cuối cùng (từ 2 triệu 600 năm đến 11.700 năm trước). Trong suốt kỷ băng hà, một lượng lớn nước bị đóng băng làm mực nước biển giảm xuống, nhưng ở cuối kỷ băng hà, băng tan nhanh đã làm cho mực nước biển dâng cao rất nhanh.
Trong thời gian mực nước biển giảm sâu, khu vực rộng lớn này vốn là thềm lục địa ngay bên cạnh Úc. Norman nói: “Chúng tôi thực sự đã tìm thấy một vùng đất có kích thước gấp khoảng 1,6 lần Vương quốc Anh”.
“Điều này có nghĩa là về cơ bản có một vùng quần đảo tiếp giáp để di chuyển từ quần đảo Indonesia, qua Sahul, và sau đó từ quần đảo đó vào chính siêu lục địa”, Norman nói.
Bản đồ được thiết lập bởi sonar cho thấy một cảnh quan nơi con người từng sinh sống và phát triển mạnh: một vách đứng cao liên kết với nhau, một hồ nước ngọt lớn và bằng chứng về những lòng sông quanh co trên khắp mặt đất.
Norman tính toán rằng nơi đây có thể đã có từ 50.000 đến nửa triệu người sinh sống. “Điều quan trọng phải nhớ rằng những con số về dân số thực sự mà chúng ta đang nói đến, đó chỉ là dự đoán theo cảm quan của chúng tôi”, cô nói. “Về cơ bản, chúng tôi nói rằng có thể có rất nhiều người từng sinh sống ở khu vực này.”
Mực nước biển dâng nhanh và bằng chứng về cuộc di cư lớn
Dù vậy, có những manh mối từ nghiên cứu khác cho thấy rằng khu thềm lục địa bị chìm này thực sự là nơi ở của hàng trăm ngàn người.
Ở vào thời kỳ cuối của kỷ băng hà cuối cùng, các tảng băng tan chảy khiến mực nước biển dâng cao rất nhanh, từ khoảng 14.000 đến 14,500 năm trước, mực nước biển dâng lên rất nhanh, từ khoảng 1 m hàng năm và cứ sau 100 năm có thể lên cao đến 4,8 m.
“Trong khoảng thời gian 400 năm này, hơn 100.000 km vuông đất đã bị ngập nước”, Norman nói. Từ 12.000 đến 9.000 năm trước, mô hình đó lặp đi lặp lại, và 100.000 km vuông khác đã bị biển nuốt chửng. “Mọi người sẽ thực sự nhìn thấy sự thay đổi cảnh quan trước mặt họ, và bị đẩy lùi trước việc biển lấn chiếm khá nhanh đó”, Norman nói.
Giả thuyết này được hỗ trợ bởi các nghiên cứu khác. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature đã phân tích di truyền của những người sống ở Quần đảo Tiwi, nằm trên rìa của thềm lục địa ngày nay. Nghiên cứu tiết lộ rằng vào cuối thời kỳ băng hà cuối cùng, đã có sự thay đổi về dấu tích di truyền cho thấy một dòng quần thể người mới xuất hiện ở khu vực này.
Hơn nữa, khoảng 14.000 đến 9.000 năm trước, hồ sơ khảo cổ ở các vùng cạnh của Úc thời hiện đại cho thấy sự gia tăng của các công cụ lao động bằng đá – “thường được giải thích có nghĩa là có rất nhiều người đột nhiên ở khu vực đó”, Norman nói.
Trong khoảng thời gian này ở Kimberly và Arnhem Land, các bức vẽ trong hang động cho thấy có sự thay đổi, có sự pha trộn về phong cách và chủ đề mới, thể hiện sự xuất hiện của nhiều người từ nền văn hoá khác. “Điều này có thể là từ những người mới đến trong khu vực”, Norman nói.
Cô hy vọng nghiên cứu của mình sẽ thúc đẩy những người khác chú ý hơn đến tầm quan trọng khảo cổ của thềm lục địa chìm của Úc này.
Cô nói: “Tôi hy vọng rằng nghiên cứu này có thể đóng góp để chúng ta có thể áp dụng cho biến đổi khí hậu trong tương lai và mực nước biển tăng lên trong vài trăm năm tới”.
Theo Đại học Griffith/Live Science
NTD Việt Nam