Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gần đây được chẩn đoán và đang điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Thống kê cho thấy, khoảng 290.000 người đàn ông Mỹ sẽ được chẩn đoán mắc bệnh này trong năm 2024. (Pix4free.org / CC BY-SA 3.0)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gần đây được chẩn đoán và đang điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Thống kê cho thấy, khoảng 290.000 người đàn ông Mỹ sẽ được chẩn đoán mắc bệnh này trong năm 2024.
Một báo cáo của Hội Ung thư Mỹ (ACS) cho thấy, trong 30 năm qua, tỷ lệ tử vong do hầu hết các bệnh ung thư đều giảm, ngoại trừ một trường hợp đáng chú ý: ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn.
Bác sĩ Sam S. Chang, Giám đốc phẫu thuật tại Trung tâm Ung thư Vanderbilt Ingram, cho biết trong email gửi The Epoch Times: “Trong thập kỷ qua, chúng tôi thấy nhiều nam giới được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn hơn. Tuy nhiên, tin tốt là nhiều người trong số họ có thể được theo dõi an toàn và không bao giờ cần điều trị”.
Tỷ lệ sống sót cao, nhưng lo ngại về các trường hợp muộn
Theo ACS, cứ 8 người đàn ông thì có 1 người sẽ được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt trong đời. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nam giới Mỹ, sau ung thư phổi.
Mặc dù đáng lo ngại, nhưng phần lớn nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt không chết vì nó. Thực tế, loại ung thư này có tỷ lệ sống sót cao nhất. Tỷ lệ sống sót tương đối 5 năm, tức là những người mắc ung thư tuyến tiền liệt vẫn có thể sống thêm 5 năm kể từ khi được chẩn đoán, là hơn 90%.
Tuy nhiên, tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn, sau khi giảm trong nhiều thập kỷ, lại đang tăng trở lại.
Tranh cãi xung quanh việc tầm soát PSA cho ung thư tuyến tiền liệt
Theo báo cáo của ACS, từ năm 2014 đến 2019, tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt nói chung tăng 3% mỗi năm. Trong khi đó, các trường hợp muộn tăng 4 đến 5% mỗi năm kể từ năm 2011, có thể do việc tầm soát giảm, theo bác sĩ Chan.
Adnan Dervishi, bác sĩ tiết niệu tại Bệnh viện Ascension Saint Thomas chuyên về ung thư tiết niệu, cho biết trong email gửi The Epoch Times: “Hướng dẫn của Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (AUA) khuyến nghị tầm soát ung thư tuyến tiền liệt cho mọi người thông qua xét nghiệm máu, được thực hiện với xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA). Nồng độ PSA tăng cao có thể là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt tiềm ẩn. Cần phải làm sinh thiết để xem xét các mẫu vật dưới kính hiển vi để đưa ra chẩn đoán chính xác”.
Những lo ngại về xét nghiệm PSA và điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Trong quá khứ, xét nghiệm PSA tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe, mang lại kết quả dương tính giả hoặc dẫn đến các thủ thuật không cần thiết, có thể gây hại. Đây là lý do tại sao vào năm 2008, Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ khuyên không nên thường xuyên xét nghiệm PSA cho nam giới từ 70 tuổi trở lên.
Vì một số bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt có thể sống nhiều thập kỷ mà không gặp vấn đề gì, nên lo ngại về việc điều trị quá mức. Các phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như phẫu thuật hoặc xạ trị, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm rối loạn cương dương và mất kiểm soát bàng quang và ruột.
Bác sĩ Dervishi cho biết: “Theo tôi, bệnh nhận nên chụp MRI trước khi tiến hành sinh thiết. Nó toàn diện hơn”. Một nghiên cứu năm 2017 trên The Lancet cho thấy 27% nam giới có nguy cơ thấp được chụp MRI tuyến tiền liệt có thể tránh khỏi sinh thiết.
Tuy nhiên, việc tầm soát có thể ngăn ngừa bệnh giai đoạn muộn và tử vong, đó là lý do tại sao AUA khuyến nghị chúng cho nam giới từ 55-69 tuổi theo từng trường hợp cụ thể.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ ung thư giai đoạn muộn tăng cao do nhiều yếu tố, bao gồm cải thiện các công cụ chẩn đoán, tăng cường sàng lọc và dân số già hóa.
Nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt
Nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt thay đổi tùy theo độ tuổi và dân tộc của nam giới. Ví dụ, nam giới béo phì, nam giới lớn tuổi, nam giới Mỹ gốc Phi và nam giới Caribe gốc Phi dễ mắc ung thư tuyến tiền liệt hơn. Những người đàn ông thuộc nhóm dân tộc này có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 70% so với nam giới da trắng.
Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia (Hoa Kỳ) khuyến nghị những bệnh nhân thuộc nhóm dân tộc có nguy cơ cao này hoặc bất kỳ ai có tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến tiền liệt nên xét nghiệm máu bắt đầu từ 40 tuổi.
Theo một số nghiên cứu, nam giới từ các nước Châu Á có tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn so với những người ở phương Tây, do khác biệt về di truyền và chế độ ăn uống.
Nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu tăng đáng kể sau 55 tuổi và đạt đỉnh điểm giữa 70 và 74 tuổi. Ung thư tuyến tiền liệt vẫn hiếm gặp ở nam giới dưới 40 tuổi. Độ tuổi trung bình để chẩn đoán lần đầu tiên là khoảng 67.
Đối với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt có nguy cơ thấp, các bác sĩ sử dụng phương pháp “theo dõi tích cực”. Phương pháp này trì hoãn điều trị cho đến khi có dấu hiệu cho thấy ung thư đã tiến triển.
Kiến thức cơ bản về sức khỏe tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, có kích thước bằng quả óc chó, nằm trong hệ thống sinh sản nam giới, ngay dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo – ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.
Theo tuổi tác, tuyến tiền liệt có thể phì đại, tạo áp lực lên niệu đạo và gây ra hiện tượng tiểu chậm.
Bác sĩ Chan cho biết: “Phì đại lành tính của tuyến tiền liệt rất phổ biến và dẫn đến các triệu chứng về đường tiểu”. Những triệu chứng này bao gồm: khó đi tiểu, tiểu đêm nhiều lần, và tiểu gấp.
- Ung thư tuyến tiền liệt:
Loại ung thư tuyến tiền liệt phổ biến nhất là ung thư tuyến thượng bì (adenocarcinoma), đặc trưng bởi sự phát triển không kiểm soát của các tế bào trong niêm mạc tuyến.
Bác sĩ Chan cho biết thêm, ung thư tuyến tiền liệt thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu và không được chú ý đến. Hiện tại, ước tính có khoảng 2,9 triệu nam giới đang sống chung với ung thư tuyến tiền liệt.
Ở giai đoạn muộn hơn, ung thư tuyến tiền liệt có thể cản trở hoạt động của thận và bàng quang. Bác sĩ Chan lưu ý, ung thư tuyến tiền liệt di căn đến xương có thể gây đau dữ dội và thậm chí gãy xương.
Khi các triệu chứng nghiêm trọng, phẫu thuật được khuyến nghị để loại bỏ phần mô tuyến tiền liệt gây hại nhiều nhất. Tuy nhiên, bác sĩ Chan nhấn mạnh rằng mặc dù “nhiều người sống mà không có di chứng (biến chứng từ bệnh sẵn có), điều quan trọng cần nhớ là không có cách chữa khỏi ung thư tuyến tiền liệt khi nó đã di căn và lan đến xương”.
Cách tự nhiên để giữ cho tuyến tiền liệt khỏe mạnh:
Một số bằng chứng khoa học đã chỉ ra một số phương pháp tự nhiên để duy trì sức khỏe tuyến tiền liệt, tăng cường sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa các biến chứng tiềm tàng.
1. Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn những thực phẩm bổ dưỡng với chất béo lành mạnh, chất chống oxy hóa và protein chất lượng tốt có lợi cho sức khỏe tổng thể. Trong một nghiên cứu năm 2009, các nhà khoa học phát hiện ra rằng tiêu thụ một chế độ ăn nhiều axit béo omega-3 (có trong cá hồi, các loại hạt và dầu thực vật) có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt xâm lấn.
Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ thường xuyên lycopene, một chất chống oxy hóa có trong cà chua và dưa hấu, có thể góp phần giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.
2. Duy trì mức vitamin D
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin D có thể hiệu quả với các dạng ung thư tuyến tiền liệt xâm lấn hơn.
Vitamin D đóng vai trò trong việc điều hòa sự phát triển của tế bào và ngăn ngừa hình thành các tế bào bất thường. Mức vitamin D đầy đủ có thể giúp kiểm soát sự phát triển của tế bào tuyến tiền liệt, giảm nguy cơ ung thư.
3. Tập thể dục thường xuyên
Một lối sống ít vận động, chẳng hạn như ngồi làm việc trước máy tính trong thời gian dài, có thể gây hại và có thể góp phần gây viêm tuyến tiền liệt. Để chống lại điều này, việc kết hợp tập thể dục thường xuyên là cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc ngồi lâu.
Theo Cara Michelle Miller – The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch
NTD Việt Nam