Cơ quan Y tế Công cộng Canada đang làm việc với các đối tác để điều tra các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ em không phải do các loại virus viêm gan đã biết như A, B và C gây ra. (David Davies/PA)
Vào những tháng cuối năm 2022, những đứa trẻ khỏe mạnh ở nhiều quốc gia đột nhiên mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân, gây hoang mang trên toàn thế giới. Trong số chúng, có 8% – 14% cần phải ghép gan. Dư luận lo ngại rằng tình trạng này có liên quan đến SARS-CoV-2 và/hoặc vaccine ngừa Covid-19.
Một số tình hình thực tế về đợt bùng phát ‘viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em’ vào những tháng cuối năm 2022:
Các trường hợp tử vong do ‘viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em’ đã xuất hiện trên toàn thế giới
Chỉ trong hơn 4 tháng cuối năm 2022, hơn 200 ca viêm gan cấp tính trẻ em đã bùng phát tại hơn 20 quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân vẫn còn chưa được xác định đầy đủ, khiến nó trở thành một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã đưa ra các thông báo riêng rẽ để cảnh báo công chúng.
Ngoài ra, ngày 4 tháng 5 năm 2022 WHO đã thông báo rằng tính đến ngày 1 tháng 5, trên toàn Thế giới đã có 228 trẻ em từ 1 tháng đến 16 tuổi mắc bệnh viêm gan cấp tính. Nói chung, tình trạng của các em rất nghiêm trọng, với 8% trong số đó cần phải ghép gan và một trường hợp đã tử vong.
Vào ngày 6 tháng 5 năm 2022, CDC cũng báo cáo 109 trường hợp mắc bệnh viêm gan trẻ em tại Hoa Kỳ, trong đó
- 90% trẻ em bị bệnh nặng phải nhập viện;
- 14% cần ghép gan;
- Năm trường hợp đã tử vong
Một báo cáo điều tra, được công bố vào ngày 14 tháng 4 năm 2022 trên Tạp chí Giám sát Bệnh Truyền nhiễm Châu Âu, đã cung cấp một số chi tiết. Báo cáo bao gồm 13 trường hợp trẻ em ở Scotland được xác nhận mắc bệnh viêm gan cấp tính. Độ tuổi trung bình của những đứa trẻ này là 4 tuổi, tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau; nói chung chúng không có bệnh lý tiềm ẩn và không có tiền sử suy giảm miễn dịch hoặc điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch.
Tất cả những đứa trẻ này đều bị viêm gan nặng, với nồng độ ALT (alanine transaminase) cao bất thường, một dấu hiệu cho thấy chức năng tế bào gan bị suy giảm.
Mức ALT bình thường là dưới 40 IU/L. Hơn 500 IU/L là dấu hiệu bệnh nặng, trong khi hầu hết những trẻ này có mức ALT trên 2.000 IU/L.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm nôn mửa, vàng da, tiêu chảy và hôn mê. Một trong 13 đứa trẻ đã được ghép gan.
Người ta mắc bệnh viêm gan như thế nào?
Khi tổn thương tế bào gan xảy ra, trước tiên cần loại trừ tình trạng nhiễm virus. Các loại virus gây viêm gan phổ biến bao gồm:
- Virus viêm gan A, B, C, D và E
- Cytomegalovirus (CMV)
- EBV (Virus Epstein-Barr)
Tuy nhiên, trong đợt bùng phát bệnh viêm gan gần đây ở trẻ em, các xét nghiệm đều âm tính với tất cả các loại virus này.
Ngoài virus, các nguyên nhân khác có thể gây ra bệnh gan còn có vi khuẩn, ký sinh trùng (ví dụ: sán máng), di truyền, trao đổi chất và bệnh gan do rượu. Sau khi điều tra, người ta không tìm thấy bằng chứng liên quan với bất kỳ nguyên nhân nào trong số này.
Vì vậy, các bác sĩ vẫn đang tiếp tục điều tra các loại virus khác. Hiện nay, loại virus bị nghi ngờ nhiều nhất là adenovirus. Ngoài adenovirus, cũng không thể hoàn toàn loại trừ khả năng của virus SARS-CoV-2.
Trong đợt bùng phát này, khoảng 50% trường hợp viêm gan ở trẻ em trên toàn cầu có kết quả xét nghiệm dương tính với axit nucleic của adenovirus.
Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu thêm về adenovirus.
Có hơn 100 loại adenovirus, thường gây nhiễm trùng đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa nhẹ.
Trong cuộc điều tra này, trẻ em được phát hiện bị nhiễm chủng adenovirus 41, loại virus DNA sợi kép, không có vỏ bọc và chỉ có nucleocapsid (vỏ của vật liệu di truyền DNA). Chủng virus này thường gây viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em. Tuy nhiên, chúng tự thoái triển, bệnh có thể khỏi mà không cần điều trị.
Tạp chí Bệnh Truyền nhiễm Lâm sàng báo cáo rằng chủng adenovirus 41 thường chỉ gây bệnh tương đối nghiêm trọng ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch. Do đó, chỉ nhiễm riêng adenovirus thì không đủ để giải thích đầy đủ mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này.
7 ca bệnh của Israel bộc lộ mối liên hệ với SARS-CoV-2
Trung tâm Y khoa Trẻ em Schneider ở Israel đã phân tích bảy trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em và phát hiện ra rằng những đứa trẻ này không có xét nghiệm dương tính với adenovirus. Tuy nhiên, chúng có một điểm chung là, tất cả đều đã phơi nhiễm với SARS-CoV-2. Bằng cách xét nghiệm huyết thanh của các thành viên trong gia đình, người ta phát hiện ra rằng những đứa trẻ này đều đã tiếp xúc với môi trường nhiễm SARS-CoV-2.
Đây là một phát hiện đáng báo động.
Các nghiên cứu khác về đường lây truyền của SARS-CoV-2 dường như đã cung cấp thêm một gợi ý rằng “các thành phần mảnh” của virus, chẳng hạn như protein gai, có thể lây truyền qua tiếp xúc hàng ngày trong gia đình.
Trong cơ thể người có một loại cấu trúc giống như túi nước nhỏ gọi là túi ngoại bào (exosome) có thể truyền virus. Exosome đóng vai trò truyền thông tin giữa các tế bào – giống như một hệ thống phân phối hậu cần. Ở những người khỏe mạnh, exosome truyền tín hiệu về sức khỏe; nhưng ở những người không khỏe mạnh, những exosome truyền các chất có hại và thúc đẩy sự lây nhiễm.
Do đó, bên cạnh các virion (hạt virus lây truyền) hoàn chỉnh, tế bào bị nhiễm SARS-CoV-2 sẽ giải phóng ra exosome, với những hậu quả sau:
- Truyền các phân tử liên quan đến mầm bệnh, RNA virus và protein (bao gồm cả protein gai);
- Ức chế phản ứng miễn dịch;
- Gây ra hiện tượng tự chết của các tế bào miễn dịch
Có hai nghiên cứu được công bố trên các tạp chí Frontiers in Molecular Biosciences và Frontiers in Immunology đã chỉ ra rằng sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2, các tế bào bị nhiễm bệnh trên cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra exosome. Những exosome này thúc đẩy sự lây lan của virus và dẫn đến tình trạng viêm nhiễm cũng như suy đa tạng.
Dữ liệu từ khảo cứu y khoa này của Israel cho thấy toàn bộ 7 đứa trẻ mắc bệnh viêm gan đều có thành viên trong gia đình đã bị nhiễm SARS-CoV-2. Cơ thể cha mẹ của chúng mang các exosome có các phân tử gây viêm, bất kể họ có biểu hiện các dấu hiệu nhiễm trùng ra bên ngoài một cách rõ ràng hay không. Do chung sống thời gian dài, với những hình thức tiếp xúc thân mật lâu dài và thường xuyên, chẳng hạn như hôn và ôm, protein gai, cytokine và các yếu tố gây bệnh khác có thể đã được truyền sang trẻ qua nước bọt và/hoặc các kênh khác, gây ra tình trạng suy giảm các tế bào miễn dịch của chúng.
Hơn nữa, các cơ quan của trẻ đặc biệt dễ bị tổn thương, hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn còn đang trong thời gian phát triển nên chưa đủ trưởng thành để tự chữa lành. Vì vậy rất có thể chúng sẽ bị tổn hại bởi nhiều yếu tố ngoại lai khác nhau.
SARS-CoV-2 phá hủy gan
Người ta đã biết rằng SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương cho phổi, tim và não.
Trên thực tế, thụ thể ACE2 của SARS-CoV-2 cũng được biểu hiện trên bề mặt tế bào gan và tổn thương tế bào gan là một trong những đặc điểm lâm sàng phổ biến nhất ở bệnh nhân nhập viện vì COVID-19.
Một nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu Đức công bố trên tạp chí Nature đã chứng minh rằng thụ thể ACE2 của virus SARS-CoV-2 cũng có mặt ở tế bào gan.
Sự kích thích tế bào gan liên tục bởi các protein gai cũng có thể gây tổn thương cho tế bào. Nghiên cứu này cũng cho thấy 57% tới 63% bệnh nhân phải nhập viện vì Covid-19 bị suy gan.
Trong gan của những bệnh nhân bị tử vong do nhiễm Covid-19, các protein gai của virus cũng được tìm thấy trong tế bào. Điều này cho thấy virus đã tấn công gan.
3 nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan cấp tính ở trẻ em
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Children năm 2020 đã phát hiện ra rằng có ba nguyên nhân chính gây suy gan cấp tính ở trẻ em và trẻ vị thành niên.
Trẻ dưới 1 tuổi:
- 73% do yếu tố nhiễm trùng
- 43% do các yếu tố rối loạn chuyển hóa
Trẻ em và trẻ vị thành niên từ 1 đến 18 tuổi:
- 60% đến 79% do độc tố
Độ tuổi trung bình của trẻ mắc bệnh viêm gan cấp tính gần đây là 3 đến 4 tuổi, vì vậy cần tập trung vào các độc tố.
Độc tố là những gì? Ngoài nấm độc và dùng thuốc quá liều, ngày càng có nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng protein gai của virus cũng là một loại độc tố. Và chúng có nhiều tác động tiêu cực đến các chức năng của cơ thể con người, bao gồm:
- Giảm mức độ tạo tế bào của interferon và ức chế trạng thái kháng virus của tế bào;
- Ức chế chức năng của ty thể tế bào, cơ sở năng lượng của cơ thể. Và nếu ty thể của tế bào gan bị tổn thương thì rất có thể sẽ xảy ra suy gan.
Những kích thích tiêu cực kéo dài này có thể dễ dàng gây ức chế miễn dịch ở trẻ em, dẫn đến chúng bị nhiễm trùng bởi các loại virus khác nhau, chẳng hạn như adenovirus.
Tóm lại, viêm gan nặng ở trẻ em có khả năng không phải do một nguyên nhân duy nhất mà do nhiều yếu tố, chẳng hạn như:
- Sự non nớt và và phát triển chưa hoàn hảo về miễn dịch ở trẻ em;
- Lây truyền trong gia đình do cha mẹ nhiễm SARS-CoV-2;
- Ức chế tế bào miễn dịch ở trẻ em do protein gai của virus;
- Yếu tố riêng của trẻ
Do đó, nếu một đứa trẻ xuất hiện các triệu chứng viêm gan, điều quan trọng là phải biết liệu cha mẹ của trẻ có bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không (bao gồm cả nhiễm trùng không có triệu chứng) và điều tra tương quan thời gian giữa việc nhiễm SARS-CoV-2 của cha mẹ và sự xuất hiện các triệu chứng viêm gan ở trẻ.
Cha mẹ tiêm vaccine mRNA có ảnh hưởng đến trẻ em không?
Các loại vaccine phổ biến nhất dành cho SARS-CoV-2, các vaccine mRNA, có nhiều khả năng tạo ra protein gai hơn virus tự nhiên.
Một nghiên cứu tiên tiến được công bố trên Tạp chí Miễn dịch học cho thấy các túi ngoại bào (exosome) có biểu hiện protein gai được tạo ra từ cơ thể người tới tận ngày thứ 14 sau khi tiêm vaccine mRNA. Những exosome có protein gai này có thể tồn tại liên tục trong ít nhất bốn tháng.
Phần lớn trẻ em mắc bệnh viêm gan cấp tính đều dưới 5 tuổi và hầu hết đều chưa được tiêm phòng vaccine. Vì vậy, về mặt lý thuyết, bệnh viêm gan không thể do sự xâm nhập của protein gai có trong vaccine vào cơ thể.
Tuy nhiên, mặc dù bản thân trẻ chưa được tiêm vaccine mRNA, nhưng có khả năng các protein gai có thể đã được truyền cho chúng với một lượng nhỏ thông qua exosome của những người được tiêm vaccine (ví dụ: cha mẹ và/hoặc họ hàng), khi họ tiếp xúc gần gũi với trẻ trong một thời gian dài. Các protein gai cũng có thể gây tổn thương cho trẻ, vì hệ thống miễn dịch của chúng chưa hoạt động tốt. Bắt đầu từ tháng 10 năm 2021, các quốc gia có xuất hiện nhiều trường hợp viêm gan ở trẻ em đều có tỷ lệ tiêm chủng cao, dao động từ 65% đến 81%.
Tuy nhiên, hiện tại đây chỉ là suy đoán trên lý thuyết, và căn bệnh lây nhiễm mãn tính, ngấm ngầm này rất khó phát hiện. Vì vậy, cần có thêm thông tin chi tiết để phân tích sâu hơn.
Làm sao để phòng ngừa viêm gan ở trẻ em
Giữa đại dịch, điều quan trọng nhất là phải duy trì trạng thái tinh thần tốt, vì căng thẳng, stress cũng có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh từ bên trong là căn bản, nguyên nhân từ bên ngoài là điều kiện. Covid-19 hay vaccine chỉ là tác nhân bên ngoài. Không phải tất cả trẻ em tiếp xúc với virus đều bị viêm gan nặng. Ngoài môi trường, còn có rất nhiều yếu tố khác góp phần gây bệnh.
Để bảo vệ gan của trẻ khỏi bị tổn thương và giảm bớt gánh nặng cho gan, cha mẹ nên chú ý những điều sau:
- Đưa trẻ ra ngoài trời thường xuyên hơn để có chút ánh nắng mặt trời giúp sản xuất vitamin D;
- Thêm thực phẩm bổ sung và giảm gia vị;
- Tránh thực phẩm hư hỏng và phụ gia thực phẩm;
- Tránh thực phẩm ngâm chua, hun khói, cay, béo và chiên;
- Phải nấu chín kỹ hải sản vì chúng có thể chứa ký sinh trùng và/hoặc vi trùng;
- Thận trọng với thuốc vì quá trình chuyển hóa thuốc xảy ra ở gan
- Đừng lạm dụng thuốc kháng sinh;
- Tránh nhiễm kim loại nặng và nấm;
- Đảm bảo giấc ngủ đều đặn, chất lượng tốt
Cha mẹ nên cảnh giác khi con có các triệu chứng sau: Sốt, mệt mỏi, mất khẩu vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau bụng hoặc đau khớp, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu, và vàng da.
Dấu hiệu sớm nhất của vàng da là ở mắt, nơi phần lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng, vì vậy cha mẹ nên quan sát kỹ những thay đổi nhỏ trong màu mắt của con mình.
Điều quan trọng nhất là hãy nhớ rằng cơ thể chúng ta luôn có khả năng tự phục hồi và khả năng miễn dịch. Chúng ta nên bảo vệ khả năng miễn dịch, qua đó bảo vệ sức khỏe của mình, nhờ khả năng ứng phó với mọi thay đổi và mối đe dọa.
Theo The Epoch Times
Quân Dương biên dịch
Tác giả: Yuhong Dong và Health 1+1
Tiến sĩ Yuhong Dong là người phụ trách chuyên mục y tế cấp cao của The Epoch Times. Bà là cựu chuyên gia khoa học y tế cấp cao và lãnh đạo trong lĩnh vực Cảnh giác dược tại trụ sở chính của Novartis ở Thụy Sĩ và là người bốn lần đoạt giải Novartis. Bà có kinh nghiệm nghiên cứu tiền lâm sàng về virus học, miễn dịch học, ung thư, thần kinh và nhãn khoa, đồng thời có kinh nghiệm lâm sàng về bệnh truyền nhiễm và nội khoa. Bà cũng có bằng bác sĩ y khoa và tiến sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
Health 1+1 là nền tảng thông tin y tế và sức khỏe có thẩm quyền nhất của Trung Quốc ở nước ngoài. Thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần, từ 9:00 sáng đến 10:00 sáng theo giờ EST trên TV và trực tuyến, chương trình này đưa tin mới nhất về virus Corona, cách phòng ngừa, điều trị, nghiên cứu khoa học và chính sách, cũng như bệnh ung thư, bệnh mãn tính, sức khỏe tinh thần, khả năng miễn dịch, bảo hiểm y tế và các khía cạnh khác để cung cấp cho mọi người sự chăm sóc và giúp đỡ đáng tin cậy và chu đáo.
NTD Việt Nam