Xưa nay, những người càng tài năng thì lại càng khiêm tốn, không ham hố phô trương bản sự. Người có bản lĩnh thực sự không bao giờ thể hiện ra bên ngoài, nho nhã, thận trọng, thấu tình đạt lý.
Tương truyền, Tả Tông Đường (danh tướng kiệt xuất cuối đời nhà Thanh), là người rất thích chơi cờ vây; hơn nữa ông là một cao thủ, và hầu như không có ai là đối thủ.
Có một lần, Tả Tông Đường cải trang trước khi ông xuất chinh đánh trận. Trên đường đi ông bỗng nhìn thấy một ngôi nhà tranh có treo tấm biển ghi là: “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ”. Tả Tông Đường thấy thế thì trong lòng không phục, liền đi vào bên trong để cùng chủ nhân của ngôi nhà đánh ba ván cờ.
Vị chủ nhà tiếp Tả Tông Đường ba ván nhưng đều thua. Tả Tông Đường liền cười và nói: “Ông nên tháo tấm biển kia xuống đi là vừa.”
Nói xong, Tả Tông Đường tràn đầy tự tin, cao hứng bừng bừng mà rời đi.
Không lâu sau thì Tả Tông Đường thắng trận trở về, ông lại đi ngang qua ngôi nhà tranh ấy, vẫn thấy tấm biển ghi: “Thiên hạ đệ nhất kỳ thủ” còn treo chưa được gỡ xuống. Tả Tông Đường rất tức giận, bèn đi vào trong nhà để tiếp tục cùng vị chủ nhân tỷ thí lại ba ván cờ nữa.
Lần này, Tả Tông Đường thua cả ba ván liền.
Tả Tông Đường vô cùng kinh ngạc, liền hỏi vị chủ nhân tại sao lại như vậy.
Vị chủ nhân đáp: “Lần trước, tuy ngài mặc thường phục, nhưng tôi đã sớm nhận ra ngài là Tả Công, đang mang trên mình nhiệm vụ đánh giặc. Tôi không thể dập tắt nhuệ khí chiến đấu của ngài được. Lần này, ngài đã thắng trận trở về, đương nhiên tôi dốc toàn lực ứng phó, việc đáng làm thì ắt phải làm, không thể nhượng bộ!”
“Bỏ xuống được” cần có lòng thiện
Người thông minh biết nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ để “ra tay”, còn người trí huệ biết khi nào nên buông tay. Bởi thế cầm lên được là thông minh, còn bỏ xuống được là trí huệ.
“Bỏ xuống được” cần tấm lòng khiêm nhượng, làm việc gì cũng suy xét đến người khác trước, việc này ta làm có phương hại gì đến họ không.
“Bỏ xuống được” cần có sự thiện lương, lấy thiện tâm đối đãi với người là quan trọng chứ không cốt hơn thua.
Cầm lên được và bỏ xuống được là sự khác biệt cảnh giới giữa người thông minh và bậc trí huệ.
Thông minh là năng lực của con người, còn trí huệ là cảnh giới của tâm hồn.
Người thông minh tâm nặng chuyện được mất; người trí huệ có thể xem nhẹ, xả bỏ.
Người thông minh không dễ để mình bị thiệt; người có thể chịu thiệt là người trí huệ.
Người thông minh biết bản thân làm được gì, còn người trí huệ biết bản thân không làm được điều gì.
Người thông minh biết thể hiện thế mạnh của mình, bộc lộ hết tài năng, còn người trí huệ khiêm nhường, không bộc lộ tài năng, thậm chỉ vẻ ngoài biểu hiện ra giống như một người khờ khạo.
Thông minh là bản tính Trời sinh, còn trí huệ do tu dưỡng mà thành
Quế Anh
NTD Việt Nam