Sách giáo dục đạo đức “Minh tâm bảo giám” viết: “Người ta đều yêu quý châu báu, còn tôi yêu quý con cháu hiền lương”. (Nguyên văn là: “Nhân giai ái chu bảo, ngã ái tử tôn hiền”).
Ngày nay các bậc cha mẹ nỗ lực kiếm tiền, mong rằng con cái được hưởng đời sống sung túc, tìm mọi cách để cho con cái học hành nhiều hơn, sao cho không thua kém bạn bè, lại lao tâm khổ tức để tích trữ tiền bạc hy vọng có gia tài để lại cho con. Nhưng ít người biết rằng, phúc báo của con cái không phải đến từ tiền bạc mà từ “đức” của cha mẹ.
Cha mẹ cứu người, con cái đắc phúc báo
Trong “Lịch sử cảm ứng thống kỷ” có chép lại một câu chuyện phúc báo như sau:
Dương Vinh người Kiến An, nay là huyện Phúc Kiến Trung Quốc, tự là Miễn Nhân, là một trong những danh thần lỗi lạc, là người đức cao vọng trọng của triều Minh.
Tổ tiên của Dương Vinh kiếm sống bằng nghề chèo thuyền chở khách qua đò. Một năm xảy ra một trận đại hồng thủy ngập hết nhà cửa của nhân dân, rất nhiều người và của cải đều bị cuốn trôi theo dòng nước. Khi đó, rất nhiều người lái đò đã tranh thủ cơ hội đi vớt đồ trôi dạt kiếm lợi, duy chỉ có ông nội và cụ nội của Dương Minh là bất chấp nguy nan của bản thân, ngày đêm chèo thuyền đi cứu vớt người gặp nạn, còn đối với tài vật trôi nổi trên dòng nước thì tuyệt nhiên không hề tham lam. Đại nạn qua đi, những người chèo đò khác đã giàu lên nhanh chóng, còn tông nội và cụ nội của Dương Vinh thì vẫn khổ cực như xưa.
Đương thời mọi người đều chế nhạo, cười thầm hai cha con họ Dương quá ngốc nghếch. Còn hai cha con họ Dương chỉ cười trừ, cảm thấy bản thân cứu được người là vui rồi.
Đến đời cha của Dương Vinh, cuộc sống của gia đình mới bắt đầu khởi sắc. Kinh tế ngày một dư dả. Một hôm có vị Đạo sỹ đi ngang qua cửa nhà Dương Vinh, thấy cha Dương Vinh liền nói với ông rằng: “Cha và ông nội của anh tích được âm đức, sau này đến đời cháu ắt sẽ hiển vinh, anh hãy đem mộ phần của cha và ông nội mình chuyển đến nơi đây, đó là khu đất có địa thế Thỏ Ngọc”.
Sau đó vị Đạo sỹ đó chỉ cho cha của Dương Vinh khu đất Thỏ Ngọc, cha Dương Vinh theo sự chỉ dẫn của vị Đạo sỹ đó mà chuyển mộ phần tổ tiên đến đó.
Sau đó không lâu, cha Dương Vinh sinh được Dương Vinh, từ nhỏ đã thông minh hoạt bát, tài trí hơn người lại ham say đọc sách. Khi còn rất trẻ, Dương Vinh đã thi đỗ tiến sĩ rồi nhận chức Biên tu quan, tiếp đó nữa lên Đại học sỹ rồi lại làm đến Thượng thư. Dương Vinh làm việc nhạy bén, xử lý vấn đề thông minh hiệu quả, quyết đoán, nhân đức. Chính sách của ông được 4 đời vua Thành Tổ, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông đều trọng dụng, cùng với Dương Sĩ Kỳ, Dương Phổ xếp vào nội các, biệt hiệu là Tam Dương. Sau này ông làm đến Tam công, Hoàng đế cũng truy phong cho ông nội và cụ nội của Dương Vinh.
Sau khi Dương Vinh qua đời, Hoàng đế còn ban cho chức Thái Sư, hiệu là Văn Mẫn, con cháu Dương Vinh cũng đều được hưng thịnh, làm đến chức Tổng giám lưỡng Quảng, Sử bộ Thượng thư.
Tổ tiên của Dương Vinh tuy chỉ thân phận chèo đò nhưng tấm lòng thiện lương, vì người khác mà sẵn sàng cứu giúp người gặp nạn. Làm việc thiện với lòng nhân đắc phúc báo là quy luật Nhân Quả. Đắc được đại phúc, đến đời con cháu hiển vinh, hiền đức, gia môn vẻ vang, hưng thịnh, phát đạt.
Thiện lương của cha mẹ là tài sản quý nhất để lại cho con
Giáo dục gia đình lại là nền tảng của những giá trị phổ quát duy trì sự ổn định trong xã hội. Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu phúc báo một đời của con cái. Cha mẹ thiện lương ắt nuôi dạy nên những người con ưu tú, đây chính là nền tảng của việc truyền thừa phúc báo cho con.
Người xưa nói: “Trung hậu truyền đời thì gia đình được vững bền, khiêm cung thận trọng thì phúc thọ được dài lâu” (Trung hậu truyền gia cửu, khiêm thận kế thế trường). Nếu một gia đình có được nhân đức và thiện lương, có thể truyền thừa cho đến mười thế hệ cháu con.
Quế Anh
NTD Việt Nam