Khi Ngũ Tử Tư thổi sáo xin ăn ở chợ, có một thầy xem tướng cực giỏi tên là Bị Ly. (Tổng hợp từ trang của Winnie Wang)
Khi Ngũ Tử Tư thổi sáo xin ăn ở chợ, có một thầy xem tướng cực giỏi tên là Bị Ly. Ông nghe thấy tiếng sáo bi ai, liền lần theo tiếng sáo tìm ra Ngũ Tử Tư. Khi nhìn thấy Ngũ Tử Tư, ông nói: Tôi đã xem tướng cho rất nhiều người, nhưng chưa bao giờ thấy ai có tướng mạo như anh.
Hai trái đào giết 3 tráng sĩ
Một lần tại một sự kiện ngoại giao giữa hai nước Tề và Lỗ, các tướng của Tề và Lỗ chịu trách nhiệm về lễ nghi. Đó là một sự kiện rất hoành tráng, Yến Anh nói với Tề Cảnh Công rằng, ở ngoài biển Đông Hải, có người đã đến tiến cống một hạt đào của giống đào quả to, nó đã được trồng trong vườn thượng uyển 30 năm và chưa bao giờ ra quả, năm nay mới ra được vài quả, mỗi quả đào to như cái bát, màu hồng tươi, mùi thơm vô cùng hấp dẫn.
Yến Anh nói hôm nay là dịp quốc vương hai nước gặp nhau, muốn hái một ít đào để tăng thêm sự vui vẻ cho bữa tiệc. Tề Cảnh Công đồng ý. Yến Anh tự mình đi hái sáu quả đào. Trong đó, Tề Cảnh Công ăn một quả, vua Lỗ ăn một quả, sau đó hai vị đại thần phụ trách lễ nghi mỗi người một quả. Tổng cộng đã ăn bốn trái, chỉ còn lại hai trái đào.
Yến Anh tâu với Tề Cảnh Công: Hai quả đào này phải được trao cho vị tướng có công lao lớn nhất. Mọi người hãy kể xem đã có cống hiến gì cho đất nước. Nếu công lao đủ lớn, sẽ được ăn quả đào.
Trong “Đông Chu liệt quốc ký”, loại đào này được gọi là Bàn đào, cảm giác như loại đào ba nghìn năm mới nở hoa và kết trái trong ba nghìn năm trong truyện “Tây Du Ký”. Ở đây đã ba mươi năm không có trái, nhưng năm đó nó đã kết trái.
Công Tôn Tiệp bước ra trước và nói: Tôi dùng tay không giết hổ, tôi có thể ăn đào được không?
Yến Anh nói: Không có công lao nào lớn hơn việc cứu vua. Nếu không có ông, quốc quân đã bị hổ vồ trọng thương.
Vì vậy một quả đào đã được trao cho Công Tôn Tiệp.
Cổ Dã Tử bước ra nói: Tôi đã giết con rùa khổng lồ dưới nước và kéo ngựa của vua lên bờ. Uy phong và công lao này có đủ để ăn đào không?
Yến Anh nói: Được, hãy ăn quả đào này. Vậy là cả hai quả đào đều đã được ăn.
Lúc này Điền Khai Cương đứng dậy nói: Tôi dẫn 500 cỗ binh xa đi chinh phạt, cuối cùng có mấy nước đến nước Tề của chúng ta triều kiến xin liên minh, công lao như vậy có thể ăn đào không?
Yến Anh nói, tất nhiên rồi, công lao của ông lớn hơn hai người họ, đây là chiến công cực lớn cho quốc gia. Nhưng hôm nay đã hết đào, vậy đợi đến năm sau sẽ tính!
Điền Khai Cương lúc đó không chịu nổi, bởi vì trong dịp trọng đại như vậy, ở trước mặt quân chủ hai nước, ông sợ nếu chuyện này truyền ra sẽ ảnh hưởng đến thể diện của mình. Ông nói nguyện ý chết để bảo vệ danh dự. Ông ấy đã tự sát.
Ngay khi ông ấy tự sát, hai người còn lại là Công Tôn Tiệp và Cổ Dã Tử nói rằng công lao của chúng tôi không lớn bằng ông ấy, nhưng chính vì ăn đào nên làm ông tự sát, nếu chúng tôi không chết thì sẽ không thể tỏ lòng ân hận cáo lỗi với ông. Kết quả là ba người đều tự sát.
Đây là điển cố “hai trái đào giết ba tráng sĩ”. Vào thời điểm đó, nhiều người làm những việc như vậy chỉ vì họ coi trọng lễ nghĩa và sự tôn nghiêm mà coi nhẹ mạng sống.
Ngũ Tử Tư đến nước Ngô
Sau khi cô gái giặt sợi đưa cơm cho Ngũ Tử Tư thì cô đã tự sát. Sau khi Ngũ Tử Tư ăn xong, cuối cùng đến được nước Ngô.
Trong trí tưởng tượng hiện tại của chúng ta, nước Ngô hẳn là một nơi rất thịnh vượng. Kỳ thực không phải vậy. Vào thời điểm đó, Tô Châu là một nơi rất hoang vắng, dân số thưa thớt thành quách thô sơ. Khi Ngũ Tử Tư đến đó, ông không có bạn bè cũng không ai tiến cử, nên phải thổi sáo xin ăn.
Khi Ngũ Tử Tư thổi sáo xin ăn, ông vừa hát vừa thổi sáo. Lời ca là thế này (tạm dịch):
Cửa ải đầu tiên,
Ngũ tử Tư, Ngũ Tử Tư
Lặn lội qua Tống, Trịnh không có ai để nương tựa,
Trải qua muôn ngàn khó khăn, đau khổ,
Thù cha không báo, thì sống làm gì?
Cửa ải thứ hai,
Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư
Vượt thoát Chiêu Quan mi tóc bạc,
Ngàn vạn sợ hãi, thê lương sầu bi,
Không trả thù cho anh, thì sống làm gì?
Cửa ải thứ ba,
Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư
Sông Lật Dương núp lau qua sông,
Sinh tử hiểm nguy nơi biên thùy nước Ngô,
Thổi sáo xin ăn thê lương bi thảm,
Không báo thù này, thì sống làm chi?
Chú thích: Ngũ tử Tư trốn thoát khỏi Chiêu Quan, trên đường đi, ông được người đánh cá giúp vượt sông Dương Tử, lúc khốn cùng, phải xin ăn cô gái giặt sợi. Vào năm 519 TCN, Ngũ Tử Tư và Công tử Thắng đã trải rất nhiều gian khổ, đến được nước Ngô. Khổ nạn của ông chưa dừng lại ở đó, tuy không còn nguy hiểm đến tính mạng nhưng con đường báo thù vẫn còn xa tít tắp.
Vua nước Ngô lúc bấy giờ tên là Vương Liêu, ông nội của Vương Liêu tên là Thọ Mộng. Thọ Mộng có bốn người con trai, con trai cả tên là Chư Phàn, con trai thứ hai tên là Dư Tế, con trai thứ ba tên là Dư Muội, con trai thứ tư tên là Quý Trát.
Khi đó, ngai vàng thường do con trai cả kế vị, tức là con trai cả của chính phi sẽ kế thừa ngai vàng. Nhưng trong số bốn người con trai của Thọ Mộng, con trai út Quý Trát là một người hiền minh nên Thọ Mộng muốn truyền ngôi cho. Nhưng vì quy chế thừa kế là con trai cả nên ông đã nói với Chư Phàn rằng ngai vàng có thể được truyền lại cho ngươi, nhưng đừng truyền lại ngai vàng cho con trai, mà sau khi chết mà hãy truyền lại cho em trai là Dư Tế. Sau đó Dư tế truyền cho Dư Muội. Rồi Dư Muội truyền lại cho con trai thứ tư của ông là Quý Trát.
Đây cũng là một phương thức truyền ngôi, gọi là “huynh chung đệ cập”, tức là khi người anh chết thì người em nối ngôi.
Đây là hai phương thức truyền ngôi thời cổ đại, một là “cha chết con nối ngôi”, một là “anh chết em nối ngôi”.
Thọ Mộng hy vọng rằng ngai vàng có thể được truyền lại cho Quý Trát thông qua phương thức “anh chết em nối ngôi”. Cứ như vậy, sau khi Chư Phàn chết, những đứa con này rất nghe lời, Chư Phàn đã truyền ngôi cho Dư Tế, Dư Tế truyền lại cho Dư Muội. Khi Dư Muội sắp truyền ngôi cho Quý Trát thì Quý Trát bỏ chạy, vì ông không thích làm vua, cảm thấy việc cai trị đất nước là một công việc rất vất vả và chẳng liên quan gì đến mình, nên đã bỏ trốn.
Sau khi Quý Trát bỏ trốn, xuất hiện một vấn đề: Con trai cả của Dư Muội (đứa con thứ ba) sẽ kế vị? Hay con trai cả của Chư Phàn kế vị?
Kết quả là Dư Muội đã không truyền lại ngai vàng cho con trai của anh cả Chư Phàn mà thay vào đó để con trai của mình kế vị, tức là Ngô Vương Liêu.
Vậy con trai của Chư Phàn là ai? Đó là Công Tử Quang. Về sau trở thành vua nước Ngô – Hạp Lư nổi tiếng. Nhưng lúc này vua nước Ngô vẫn là Vương Liêu. Ngũ Tử Tư đến nước Ngô vào thời điểm như vậy.
Khi Ngũ Tử Tư thổi sáo xin ăn ở chợ, có một thầy xem tướng cực giỏi tên là Bị Ly. Ông nghe thấy tiếng sáo bi ai, liền lần theo tiếng sáo tìm ra Ngũ Tử Tư. Khi nhìn thấy Ngũ Tử Tư, ông nói: Tôi đã xem tướng cho rất nhiều người, nhưng chưa bao giờ thấy ai có tướng mạo như anh.
Ông hỏi Ngũ Tử Tư là ai. Ngũ Tử Tư kể lại câu chuyện của mình với Bị Ly.
Bị Ly cũng là quan trong triều nên ông kể chuyện này cho vua Ngô. Vua Ngô Liêu cho gọi Ngũ Tử Tư vào cung hỏi chuyện. Vua Ngô rất ngưỡng mộ tài năng của Ngũ Tử Tư, đôi mắt của Ngũ Tử Tư dường như bùng cháy khi kể về mối thù nhà, Ngô Vương Liêu cảm thấy rất thông cảm và sẵn sàng đồng ý gửi quân để trả thù cho Ngũ Tử Tư.
Mọi việc đã tiến triển rất suôn sẻ cho đến thời điểm này, nhưng Công tử Quang không đồng tình. Ông ta là con trai cả của Chư Phàn, là người đang tìm cách đoạt vương vị. Nếu Ngũ Tử Tư đến phò tá vua Ngô, vây cánh của Vương Liêu sẽ mạnh mẽ hơn, việc giành được ngai vàng sẽ càng khó. Vì vậy, Công tử Quang tâu với vua Ngô rằng: “Vua của nước lớn vạn xe, không động binh vì một kẻ thất phu”.
Làm sao vì một người bình thường như Ngũ Tử Tư mà có thể huy động quân đội của một quốc gia rộng lớn, giết nhiều người như vậy để trả thù? Nếu thắng thì Ngũ Tử Tư vui mừng, nước ta tổn thất nặng nề, nếu thất bại thì chẳng phải chúng ta sẽ mất nước sao? Ngô vương Liêu nghe có lý, nên đã từ bỏ dự định trả thù cho Ngũ Tử Tư.
Lời bàn
Nếu bạn là Ngũ Tử Tư, bạn chắc chắn sẽ rất chán nản sầu muộn. Mọi việc đang chuẩn bị xong thì đột nhiên có người can thiệp vào giữa chừng và làm rối tung mọi chuyện. Nhưng Ngũ Tử Tư không hề chán nản, trong “Sử ký” phần “Ngũ Tử Tư liệt truyện”nói: “Ngũ Tử Tư biết rằng Công tử Quang có tham vọng riêng, muốn giết nhà vua để lên ngôi, chưa thể bàn chuyện bên ngoài được, nên tiến cử Chuyên Chư cho Công tử Quang , còn mình cùng Công tử Thắng lui về cày ruộng.”
Từ phản ứng của Ngũ Tử Tư, chúng ta có thể thấy ba đặc điểm. Đặc điểm đầu tiên là nhìn người rất chính xác. Khi Công Tử Quang làm hỏng việc, ông biết Công Tử Quang không hề nghĩ đến lợi ích của đất nước không xuất quân, mà hoàn toàn chỉ vì chiếm ngai vàng.
Điểm thứ hai là Ngũ Tử Tư có tầm nhìn xa trông rộng, ông biết rằng nếu vua Ngô một lần dừng quân, thì dù có cầu xin bao nhiêu đi chăng nữa, điều đó sẽ không bao giờ lặp lại. Khả năng duy nhất là giúp Công Tử Quang giết vua Ngô và giúp Công Tử Quang trở thành vua nước Ngô. Lúc này, Ngũ Tử Tư, hoặc phải có ân nghĩa rất lớn với Công tử Quang, hoặc có công lao rất to lớn, chỉ khi đó ông ta mới có thể nắm quyền điều hành quốc gia và xuất binh. Vì vậy Ngũ Tử Tư có tầm nhìn xa trông rộng, ông không những không ghét Công Tử Quang mà còn giới thiệu sát thủ Chuyên Chư cho Công Tử Quang, và giúp Công Tử Quang thực hiện được tâm nguyện giết vua lên ngôi.
Điểm thứ ba là Ngũ Tử Tư giữ thái độ khiêm tốn che giấu tài năng, sau khi từ chức, ông bắt đầu làm ruộng cùng Công tử Thắng ở một nơi tên là Dương Sơn, lúc đó vua nước Ngô đã ban cho ông một trăm mẫu đất (tức khoảng 46100 mét vuông, tức 13 mẫu miền Bắc Việt Nam – 1 mẫu thời Chu khoảng 461 m2). Ông đã canh tác được 4 năm. Để trả thù, Ngũ Tử Tư đã làm ruộng ở nơi đó trong bốn năm. Ông từ bỏ tước hiệu đại phu, và trở thành một nông dân, vừa làm ruộng vừa chờ cơ hội trả thù.
Như bài viết trước đã nói, Ngũ Tử Tư muốn báo thù thì phải làm ba việc, thứ nhất là trốn khỏi nước Sở, thứ hai là nắm được chính quyền của một quốc gia, việc thứ ba là đánh nước Sở giành chiến thắng.
Sau khi Ngũ Tử Tư vượt Chiêu Quan, đã thoát khỏi sự truy đuổi của nước Sở, việc đầu tiên đã hoàn thành, mà bây giờ thân phận là nông dân nước Ngô, làm sao nắm được binh quyền nước Ngô đây? Mời các bạn đón xem tập tiếp theo “Văn võ toàn tài”.
(Còn tiếp)
Chương Thiên Lượng – NTD
Thái Bình biên dịch từ:
Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) “Tiếu đàm phong vân” do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 3 – Trùng trùng ma nạn (3)
NTD Việt Nam