Tác giả: Cao Viễn
[ChanhKien.org]
“Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” (tạm dịch: người quân tử coi trọng của cải nhưng không tùy tiện nhận, chỉ nhận khi đúng với đạo lý) là một câu nói cổ xưa của cổ nhân đứng trên cơ điểm văn hóa truyền thống mà tổng kết ra. Tôi luôn hiểu chữ “đạo” trong đó là những phương pháp hay cách thức để kiếm tiền; ví dụ như buôn bán công bằng, không lừa già dối trẻ, không cân thiếu, thành thực và giữ chữ tín, v.v.. Nhưng khi đã có nhận thức nhất định về văn hóa truyền thống, tôi mới phát hiện rằng những nhận thức đó chỉ là bề mặt, thực ra “đạo” còn có ý nghĩa thâm sâu khác.
Tôi xin dẫn chứng hai câu chuyện văn hóa truyền thống để chứng minh.
Một học giả thời nhà Minh là Phùng Mộng Long đã kể một câu chuyện như thế này trong cuốn sách “Tam ngôn” của ông. Có một người có học đã được tuyển chọn và đang ở Bộ Lại (một cơ quan hành chính thời xưa) của kinh thành chờ bố trí đi nhậm chức. Trong lúc không có việc gì ông thường đi dạo chơi và gặp một thầy bói nói với ông rằng: “Bộ Lại sẽ sắp xếp cho ông đến một huyện nào đó nhậm chức, đến nơi đó ai tặng ông thứ gì thì hãy cứ yên tâm mà nhận nó”, ông cũng bán tín bán nghi. Cuối cùng Bộ Lại đã ra kết quả và sắp xếp ông đến một huyện nọ nhậm chức. Khi ông đến nơi đó, ai tìm ông làm việc gì họ đều sẽ tặng tiền, vật v.v.. cho ông, ông đều nhận. Người dân ai cũng nói tốt về ông và quan trên cũng rất hài lòng về ông. Sau khi hết nhiệm kỳ, ông được quan trên đánh giá là ưu tú.
Khi ông quay lại kinh thành, Bộ Lại lại sắp xếp ông đến một nơi khác để nhậm chức, người thầy bói đó đã căn dặn ông đến địa phương mới thì không được cưỡng chế lấy một đồng một hào nào cả. Nhưng vì ông đã quen nhận hối lộ nên khiến người dân ở đó rất phẫn nộ. Quan trên cho rằng ông là một tên tham quan và tấu lên Hoàng Thượng, sau đó ông bị áp giải về kinh thành.
Trên đường đi ông đã gặp người thầy bói và hỏi nguyên nhân bên trong. Thầy bói nói rằng: “Đời trước ông là một phú ông, làm kinh doanh và kéo theo một thuyền chở hàng, nhưng vì gặp gió lớn nên thuyền bị thổi ra biển, hàng hóa bị thổi bay vương vãi khắp nơi và bị người dân ở bờ biển tranh nhau cướp hết. Đời này những người dân đó cần trả nợ cho ông, khi ông nhậm chức làm quan ở địa phương thứ nhất mà nhận tài, vật thì là xứng đáng có được vì vậy ông không phải chịu tội nhận hối lộ. Nhưng dân chúng ở địa phương thứ hai không có quan hệ nhân duyên như thế với ông, đời trước họ không nợ ông, vì vậy ông phải làm quan thanh liêm thì mới có thể bình an vô sự”. Nghe xong ông ta đã hiểu được quan hệ nhân duyên bên trong sự tình, nhưng lúc này hối hận thì đã không kịp nữa rồi.
Câu chuyện thứ hai lấy từ trên mạng. Câu chuyện kể rằng ở Hàng Châu có một người trồng rau rất hiếu thuận. Một hôm cậu ấy gặp thiền sư Tế Điên, thiền sư xin cậu một gánh cải xanh, cậu liền hỏi mẹ, mẹ cậu nói rằng: “Tăng nhân đã cần vậy thì hãy mau tặng cho ông ấy đi”. Cậu đi đến cửa của tự viện, thiền sư Tế Điên liền bảo cậu hãy dùng cải xanh mà cậu gánh đến và đất sét vò lại thành viên thuốc và nói với cậu rằng: “Bệnh kiết lỵ bây giờ rất nghiêm trọng, hãy đem những viên thuốc này bán cho bệnh nhân, mỗi viên có thể thu một đồng bạc nhưng không được thu nhiều hơn, khi ngươi quay về sẽ có đủ tiền để phụng dưỡng mẹ”.
Cậu về nhà đem chuyện này kể với mẹ, mẹ cậu nói: “Lời của thiền sư từ trước đến nay chưa sai bao giờ”. Thế là cậu làm theo lời của thiền sư đi bán thuốc. Người bệnh uống thuốc này xong rất nhanh chóng đã khỏe mạnh trở lại, chỉ qua mấy ngày thuốc đã bán hết và cậu trở về nhà.
Một người bạn khi nghe được câu chuyện này cũng đi gặp thiền sư Tế Điên, thiền sư nói: “Cậu không thể kiếm tiền như vậy được. Đời trước cậu bé kia thường tặng miễn phí nước trà cho mọi người giải khát vào ngày thời tiết nóng bức, vì vậy đến kiếp này, những người nhận ơn cậu ấy từ kiếp trước đều trả lại một đồng bạc để báo đáp cậu ấy. Ngay cả những việc nhỏ nhặt cũng có nhân quả tiền duyên, cho nên ta mới bảo cậu ấy đi bán thuốc. Nhưng kiếp trước cậu không làm việc này nên không được”.
“Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” đó không chỉ là phương thức kinh doanh, mà còn hàm chứa quan hệ nhân quả trong đó. Đời này của một người có bao nhiêu tiền tài không chỉ phụ thuộc vào mức độ người đó làm việc chăm chỉ thế nào trong đời này, mà nó được quyết định bởi nhân duyên đời trước, đây chính là gốc rễ. Cổ nhân khuyên bảo con người cần “hành thiện tích đức”, “tổ tiên tích đức” v.v.. đều rất có đạo lý. Đức mới là nền tảng đối nhân xử thế của con người. Đời này của con người có bao nhiêu tiền tài, quan cao lộc hậu, thân thể khỏe mạnh hay gia đình hạnh phúc v.v.. đều quyết định bởi đời trước đã tích được bao nhiêu đức. Nếu đời trước làm nhiều việc ác, nghiệp lực lớn thì đến đời này phúc phận sẽ nhỏ đi; có nỗ lực hay phấn đấu bao nhiêu đi nữa cũng không có được thứ mà bản thân muốn.
Vì để phủ nhận Thần Phật và thiên lý, Trung Cộng đã vu khống những lời của cổ nhân giảng về mối quan hệ giữa đức và nghiệp lực thành “mê tín phong kiến”, nhấn mạnh vào kẻ tranh người đấu, triết lý cá lớn nuốt cá bé v.v.. Điều này thực sự có hại cho con người, đầu độc con người chỉ biết tạo nghiệp, không tích đức, dẫn đến hoàn cảnh đời sau càng bi thảm hơn, thậm chí mất đi tương lai của sinh mệnh, sinh mệnh bởi vì nghiệp lực lớn mà bị hủy diệt. Văn hóa truyền thống mới thực sự có lợi cho con người, nhấn mạnh vào việc hành thiện tích đức, răn dạy con người không được làm việc ác, sống thiện lương thì tương lai mới có thể càng ngày càng tốt đẹp hơn.
Giờ đây, đoàn nghệ thuật biểu diễn Shen Yun của các học viên Pháp Luân Công đang lưu diễn trên toàn thế giới, đi đến đâu cũng chật kín khán giả, khó mua được vé, dù rạp có bổ sung thêm suất diễn và chỗ ngồi nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu xem Shen Yun của khán giả. Tuy nhiên Trung Cộng vẫn luôn cản trở bằng mọi cách. Bởi vì đoàn nghệ thuật biểu diễn Shen Yun là triển hiện lại văn hóa truyền thống Trung Hoa 5000 năm thuần thiện thuần mỹ, đồng thời truyền tải cho con người đều là những giá trị truyền thống, điều này đối lập với tư tưởng giả – ác – đấu của Trung Cộng. Trung Cộng vì để đạt được mục đích hủy diệt nhân loại mà đã dùng rất nhiều thủ đoạn để can nhiễu và phá hoại.
Sự tương phản giữa thiện và ác, nhìn một cái là biết ai chính ai tà. Nhưng lựa chọn vẫn là việc của bản thân mỗi người, một niệm sai khác sẽ tạo thành sự khác biệt giữa được đắc cứu và hủy diệt của sinh mệnh!
ChanhKien.org