Nghiên cứu cho thấy tiềm năng sử dụng sóng siêu âm tập trung cường độ thấp trong việc kiểm soát cơn đau. (Ảnh minh họa: Pixabay)
Thông thường, khi cảm thấy đau, bạn có thể uống vài viên ibuprofen hoặc acetaminophen. Trong trường hợp cơn đau dữ dội hoặc kéo dài, bạn có thể cần được kê đơn thuốc mạnh hơn như thuốc giảm đau opioid, thứ có thể gây nghiện trong một số trường hợp. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể giảm đau bằng cách can thiệp không xâm lấn vào một điểm bên trong não bộ nơi ghi nhận cơn đau?
Một nghiên cứu mới của Wynn Legon, Phó giáo sư tại Viện nghiên cứu y sinh Fralin tại Trường Y khoa Virginia Tech Carilion, và nhóm của ông đã chỉ ra khả năng đó.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PAIN vào ngày 5/2, cho thấy, việc truyền sóng siêu âm tập trung cường độ thấp nhắm vào thùy đảo, một vị trí sâu trong não, có thể làm giảm cả nhận thức về cơn đau và các tác động khác của nó, chẳng hạn như sự thay đổi nhịp tim.
Legon cho biết, công trình là một nghiên cứu chứng minh về nguyên tắc rằng, nếu chúng ta có thể đưa năng lượng siêu âm tập trung đến phần đó của não thì nó có tác dụng gì không? Nó có làm thay đổi phản ứng của cơ thể trước một kích thích đau để giảm cảm giác đau của bạn không?
Sóng siêu âm tập trung sử dụng công nghệ tương tự siêu âm thai nhi trong bụng mẹ, nhưng nó có một dải tần số hẹp và tập trung vào một điểm rất nhỏ. Ở cường độ cao, sóng siêu âm có thể cắt bỏ mô. Ở cường độ thấp, nó có thể gây ra các tác động sinh học nhẹ nhàng, tạm thời, chẳng hạn như làm thay đổi hoạt động điện của tế bào thần kinh.
Các nhà khoa học thần kinh từ lâu đã nghiên cứu cách sử dụng các kỹ thuật không phẫu thuật, chẳng hạn như kích thích từ trường xuyên sọ, để điều trị trầm cảm và các vấn đề khác. Tuy nhiên, nghiên cứu của Legon là nghiên cứu đầu tiên nhắm vào thùy đảo và chứng minh sóng siêu âm tập trung có thể tác động vào não để giảm đau.
Nghiên cứu có sự tham gia của 23 người khỏe mạnh. Họ được tác động nhiệt lên mu bàn tay để gây đau. Dựa trên hình ảnh cộng hưởng từ (MRI), một thiết bị truyền sóng siêu âm tập trung đeo trên người tham gia sẽ truyền sóng một điểm trong não họ.
Sau đó, những người tham gia đánh giá nhận thức về cơn đau của họ trong mỗi lần thử nghiệm theo thang điểm từ 0 đến 9. Các nhà nghiên cứu cũng theo dõi nhịp tim và sự thay đổi nhịp tim như một cách để nhận biết sóng siêu âm tới não cũng ảnh hưởng như thế nào đến phản ứng của cơ thể trước một kích thích đau đớn.
Cuối cùng, những người tham gia đã báo cáo mức giảm đau trung bình là 3/4 điểm.
Legon, cũng là Phó giáo sư tại Trường Khoa học thần kinh thuộc Đại học Khoa học Virginia Tech, cho biết: “Đó có vẻ như là một tác động nhỏ, nhưng một khi bạn đã hiểu rõ, nó gần như có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Nó có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể về chất lượng cuộc sống, hoặc cho phép kiểm soát cơn đau mãn tính bằng các loại thuốc không kê đơn thay vì thuốc opioid theo toa”.
Nghiên cứu cũng cho thấy việc áp dụng sóng siêu âm làm giảm phản ứng về thể chất đối với căng thẳng do cơn đau mang đến về nhịp tim và sự thay đổi nhịp tim.
Legon nói: “Trái tim của bạn không phải là máy đếm nhịp. Thời gian giữa các nhịp tim của bạn không đều và đó là một điều tốt. Việc tăng khả năng đối phó và phản ứng với cơn đau của cơ thể có thể là một phương tiện quan trọng để giảm gánh nặng bệnh tật”.
Ảnh hưởng của sóng siêu âm tập trung gợi ý một hướng nghiên cứu trong tương lai cho phòng thí nghiệm Legon – khám phá cách tim và não ảnh hưởng lẫn nhau, và liệu cơn đau có thể được giảm nhẹ bằng cách giảm tác động căng thẳng lên tim mạch hay không.
Theo Virginia Tech News
NTD Việt Nam