Tác giả: Lưu Như
[ChanhKien.org]
Nguyên văn chữ Hán và Chú âm
周(ㄓㄡ) 公(ㄍㄨㄥ) 作(ㄗㄨㄛˋ) 指(ㄓˇ) 南(ㄋㄢˊ) 車(ㄔㄜ),羅(ㄌㄨㄛˊ) 盤(ㄆㄢˊ) 是(ㄕˋ) 其(ㄑㄧˊ) 遺(ㄧˊ) 制(ㄓˋ);
錢(ㄑㄧㄢˊ) 樂(ㄌㄜˋ) 作(ㄗㄨㄛˋ) 渾(ㄏㄨㄣˊ) 天(ㄊㄧㄢ) 儀(ㄧˊ),歷(ㄌㄧˋ) 家(ㄐㄧㄚ) 始(ㄕˇ) 有(ㄧㄡˇ) 所(ㄙㄨㄛˇ) 宗(ㄗㄨㄥ)。
Bính âm
周(Zhōu) 公(gōng) 作(zuò) 指(zhǐ) 南(nán) 车(chē),罗(luó) 盘(pán) 是(shì) 其(qí) 遗(yí) 制(zhì);
钱(qián) 乐(yuè) 作(zuò) 浑(hùn) 天(tiān) 仪(yí),历(lì) 家(jiā) 始(shǐ) 有(yǒu) 所(suǒ) 宗(zōng)。
Âm Hán Việt
Chu Công tác Chỉ nam xa, La bàn thị kỳ di chế;
Tiền Nhạc tác Hỗn Thiên Nghi, lịch gia thủy hữu sở tông.
Giải thích từ ngữ
(1) 周公(Chu Công): họ Cơ, tên Đán, người Tây Chu, con trai Chu Văn Vương, em trai Chu Vũ Vương, giúp cho Võ Vương diệt nhà Ân Thương. Võ Vương băng hà, Chu Công phụ tá cho Thành Vương kế vị, chế lễ nhạc, kiến lập pháp chế của nhà Chu.
(2)指南車 (Chỉ nam xa): Xe chỉ nam, một loại dụng cụ dùng để phân biệt phương hướng, dùng hệ thống bánh răng truyền động, trên xe có một người gỗ nhỏ luôn luôn chỉ về phía Nam.
(3)羅盤 (La bàn): dụng cụ xác định phương hướng, cấu tạo gồm có một cái đĩa tròn khắc phương vị, và đặt kim chỉ Nam ở giữa.
(4)遺制 (Di chế): một hình thức truyền lại cho đời sau.
(5)錢樂 (Tiền Nhạc): người nhà Lưu Tống, thời Nam triều.
(6)渾天儀 (Hỗn thiên nghi): trước đây gọi là “Hỗn Nghi”, “Hỗn Tượng”. Là một dụng cụ quan trọng nghiên cứu thiên văn thời cổ đại.
(7) 歷家 (Lịch gia): nghĩa là nhà thiên văn học.
(8)宗 (Tông): dựa vào, tuân theo.
Bản dịch tham khảo
Chu Công đã phát minh ra xe chỉ nam, và la bàn cũng là mô hình của ông để lại, Tiền Nhạc người nhà Lưu Tống thời Nam triều phụng mệnh chế tạo Hỗn Thiên Nghi theo sáng chế của Trương Hoành để quan sát thiên thể vận hành, từ đó làm cơ sở cho các nhà nghiên cứu thiên văn lịch pháp.
Đọc sách luận bút
Trong bài học này, các em có thể cảm thấy rằng nó gần với kiến thức của khoa học hiện đại hơn, cảm thấy khoa học kỹ thuật cao mà dân tộc chúng ta từng có và đáng để tự hào cũng đã xuất hiện.
Kỳ thực ngay cả khi người xưa đề cập đến những công nghệ này, so với nhận thức ngày nay của chúng ta, thì vẫn có những khác biệt cơ bản về quan niệm. Chính sự khác biệt cơ bản trong quan niệm này đã làm cho công nghệ cổ đại của chúng ta trở nên vô cùng kì bí và khó hiểu đối với người hiện đại. Họ thường không có cách nào giải thích nguồn gốc của các trí tuệ đó, điều khó hiểu hơn nữa là có rất nhiều công nghệ văn minh của Trung Quốc xuất hiện trước nền văn minh phương Tây hơn cả nghìn năm, nhưng những thứ này dường như chỉ có thể do những thiên tài nào đó đột nhiên phát hiện ra và truyền lại cho con người sử dụng, không cần phải để mọi người nghiên cứu nó. Hiện tượng này chỉ có thể có một lời giải thích, đó là công nghệ cổ đại nhất định phải là thứ mà những người tài đức cao cả mới có thể khám phá ra. Thời cổ đại có một truyền thống và luật lệ để dẫn dắt đệ tử là: những bí thuật thì phải những người có đạo đức mới được truyền.
Cùng với sự suy thoái dần của đạo đức ở các thế hệ sau, hiện tượng này xuất hiện đầu tiên ở y học cho đến mọi khoa học kỹ thuật. Không những nhiều thứ bị thất truyền, mà những gì còn sót lại thì có xem cũng không thể hiểu thấu. Cho đến ngày nay, người ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận khoa học thực nghiệm của phương Tây. Chúng ta cũng không thể hiểu được văn hóa Thần truyền của Trung Quốc nữa. Chúng ta cũng không có đức hạnh cao như vậy để có thể đủ tư cách để lĩnh hội những cao siêu trong những điều của Thần truyền. Vì vậy mọi người lầm tưởng rằng chỉ có thời hiện đại mới có cái gọi là công nghệ cao.
Có người đã chỉ ra rằng, sự băng hoại của đạo đức chẳng khác nào trong tâm người ta đã mất đi thiên nhãn đầy trí huệ, từ đó không còn nhìn thấy chân tướng bên ngoài thế giới vật chất. Vì vậy họ cần phải dựa vào các loại công cụ hiện đại để khám phá những bí ẩn của vũ trụ, giống như một người mù sờ vào một con voi, không thể nhìn thấy toàn bộ con voi to lớn, trong khi một người sáng mắt, không cần mò mẫm cũng có thể nhìn thấy trực tiếp. Cho nên thời cổ đại có những Thần y cũng như những nghệ nhân thần kỳ như Lỗ Ban, hay thiên văn học cũng vậy, Trương Hoành vào thời Đông Hán cũng là một người tu Đạo tín Thần và có đạo đức rất cao, sớm đã phát minh ra Hỗn Thiên Nghi (công cụ quan sát thiên văn) và Địa Động Nghi (thiết bị đo địa chấn). Những nền văn minh này con người không thể nghĩ ra được. Cũng giống như Hoàng Đế trong mộng du thần đến Hoa Tư Quốc và đã được điểm hóa cách vô vi trị quốc, đó vì đạo đức cao thượng, bản thân công việc trị vì đất nước cũng chính là tu Đạo, chính là không ngừng sửa đổi bản thân trong việc trị quốc, khi ông đã đi hết con đường của mình thì chính là đắc Đạo thăng thiên rời đi. Ông để lại cuốn sách “Hoàng Đế nội kinh”. Bây giờ có bao nhiêu người có thể hiểu được?
Phát minh của các nhà phát minh cổ đại cũng giống như kỹ thuật của Thần y Tôn Tư Mạc, họ đều là những người tu luyện, tu Đạo, có thể nhìn ra căn nguyên của bệnh tật bằng thiên mục. Khi đó toàn xã hội đều đề cao đạo đức, chỉ cần mọi người đều đề cao đức hạnh thì dù làm việc gì cũng tương đương với bước đi trên con đường tu hành, lúc ấy các ngành các nghề, các thời đại khác nhau, đều sẽ có người trực tiếp được ban cho thần thông, có thiên mục cao hơn mắt người thường, và ban cho các công năng đặc dị khác, khiến họ trực tiếp nhìn thấy thiên cơ, để giúp họ ghi nhớ lại rồi sau đó truyền cấp cho con người sử dụng, không cần thiết mọi người phải đến học và nghiên cứu nó, thông qua một người được chọn theo sự an bài của Thiên ý, một người có đạo đức cao thượng, chỉ cần trực tiếp xem thực hiện là được rồi. Một khi đạo đức bại hoại thì tự nhiên sẽ không có trí huệ, cho dù sách vở còn lưu lại thì con người cũng không thể nhìn thấy thiên cơ của tầng thứ cao hơn. Mà nền khoa học thực chứng cũng giống như người mù sờ voi vậy, nó vô cùng chậm chạp.
Chúng ta biết rằng, giáo dục tiểu học thời cổ đầu tiên đọc “Tam tự kinh”, trong đó giảng đến Tam Tài là Thiên Địa Nhân, con người cùng Trời Đất luôn kết nối với nhau. Lão Tử nói: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự nhiên” (Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên). Khoa học thời cổ đại là học tập trực tiếp hướng đến trời đất và vũ trụ, có một vũ trụ quan vô cùng to lớn. Thế nào là hướng đến Trời mà học tập? Khổng Tử giảng “Vi chính dĩ đức” (điều hành chính trị quốc gia bằng đạo đức), chữ Đức (德) này, cùng với chữ Đắc (得) là đồng âm, thời cổ giải thích là Thăng, là Phúc. Chính là nói với người ta rằng nếu sự nghiệp của con người xây dựng xoay quanh chữ Đức này ắt sẽ thăng hoa trí huệ, có thể đắc được khải thị của Thần, đắc được phúc báo, nào phải là chỉ có trị quốc nắm quyền mà thôi đâu? Do đó cách giáo dục mà Khổng Tử truyền lại, chẳng phải là sự kế thừa văn hóa Thiên nhân hợp nhất của Tổ tiên sao? Chẳng phải là chân chính hợp với Thiên cơ sao? Do đó trọng đức ắt sẽ có trí huệ, chẳng phải là con đường tắt để đạt được Thiên cơ sao? Đó chẳng phải là cách gần nhất để tiếp cận với Đạo ở tầng thứ con người sao?
Do đó ngày nay chúng ta học về bách khoa tri thức thời cổ, tri thức khoa học kỹ thuật, nhất thiết phải biết rằng, không phải là quan niệm của người hiện đại, mà là khái niệm của Văn hóa Thần truyền, chú trọng đạo đức phẩm hạnh. Đó là văn hóa kính Thần trọng đức, là văn hóa khởi nguồn từ tu Đạo. Khoa học kỹ thuật thời cổ đại, vốn là khoa học của cảnh giới kỹ thuật của Thần vốn vượt xa con người. Đây mới là niềm tự hào của nền văn hóa của dân tộc chúng ta.
Kể chuyện
Khí cụ định hướng cổ đại: xe chỉ nam và la bàn
Có hai truyền thuyết khác nhau về việc phát minh ra xe chỉ nam. Thuyết thứ nhất được hầu hết mọi người công nhận là Hoàng Đế phát minh xe chỉ nam. Tương truyền trong trận chiến giữa Hoàng Đế và Xi Vưu, trên chiến trường đột nhiên xuất hiện một màn sương mù dày đặc, không thể phân biệt được phương hướng, tại giờ phút nguy cấp, Hoàng Đế đã phát minh ra xe chỉ nam. Trên xe chỉ nam có một người gỗ, dù xe có di chuyển hướng nào thì ngón tay của người gỗ vẫn luôn chỉ về phía Nam; với sự chỉ dẫn của xe chỉ nam, cuối cùng Hoàng Đế đã đánh bại Xi Vưu. Một giả thuyết khác cho là do Chu Công phát minh ra vào thời Chu Thành Vương, khi đó một sứ giả từ một quốc gia nào đó ở phía Nam đến Trung Quốc triều cống, nhưng bị lạc trên đường trở về, Chu Công bèn chế ra xe chỉ nam dẫn đường cho sứ giả về nước của mình.
La bàn xuất hiện vào thời Nam Tống, cũng chính là kim chỉ nam, là dựa vào xe chỉ nam mà làm ra, nhưng xe chỉ nam được chế tạo trên cơ sở nguyên lý cơ học của bộ bánh răng truyền động, còn la bàn được chế tạo theo nguyên lý nam châm hướng tới cực bắc và cực nam của từ trường trái đất.
Người Trung Quốc vào thời Chiến Quốc đã phát hiện ra lực hấp dẫn của đá nam châm và sử dụng nam châm để chỉ ra đặc tính của hướng Nam và Bắc, và chế tạo ra công cụ chỉ nam sớm nhất, được đặt tên là Tư Nam. Vào thời Bắc Tống, trong “Mộng Khê bút đàm” của Thẩm Quát đã ghi lại bốn phương pháp lắp đặt la bàn khác nhau, đó là phương pháp Thủy phù pháp (phao nổi trên mặt nước), Lũ huyền pháp (treo chỉ), Oản thần pháp (dùng kim từ đặt trên miệng bát) và Chỉ giáp pháp (dùng kim từ đặt trên ngón tay). Trong số đó, kim chỉ nam của phương pháp treo là linh hoạt và có độ chính xác cao, nhưng có nhiều hạn chế, yêu cầu không được có gió và rung lắc khi sử dụng. Phương pháp phao nổi trên mặt nước là thực tế nhất, vì kim từ tính nổi trên mặt nước, có thể giữ ngang mặt nước và độ ổn định của kim từ tính tốt hơn. Trong quá trình thử nghiệm, Thẩm Quát phát hiện ra rằng kim từ tính không chỉ chính xác theo hướng Bắc – Nam mà hơi lệch về phía Tây Bắc và Đông Nam, do đó phát hiện ra hiện tượng “lệch hướng địa từ”. Và nghiên cứu của Thẩm Quát về phương pháp lắp đặt kim từ tính sau đó đã được phát triển thành la bàn hàng hải.
Trung Quốc không chỉ là quốc gia đầu tiên phát minh ra la bàn mà còn là quốc gia đầu tiên sử dụng la bàn trong hàng hải. Sách “Bình Châu khả đàm” đời Bắc Tống ghi: “Người lái thuyền biết địa lý, đêm xem sao, ngày nhìn mặt trời, tối xem la bàn”. Đây là ghi chép đầu tiên trên thế giới về việc dùng la bàn để đi biển. Vào thời Nam Tống, người Trung Quốc bắt đầu kết hợp kim từ tính và đĩa phương vị để tạo thành “la bàn”, thời đó người ta gọi nó là “địa la”, còn được gọi là “la kinh bàn”. Sau khi la bàn được truyền bá đến Châu Âu, nó đã có tác động lớn đến toàn thế giới.
Khí cụ quan trắc thiên văn cổ đại: Hỗn Thiên Nghi
Hỗn Thiên Nghi còn được gọi là Hỗn Tượng, Hỗn Nghi, nó là thiết bị chủ yếu nghiên cứu thiên văn của Trung Quốc cổ đại, dùng để quan trắc các vì sao, phán đoán thời tiết. Cổ nhân cho rằng bầu trời giống như quả trứng gà, trái đất giống như lòng đỏ được bao bọc trong đó, không có khởi đầu cũng không có kết thúc nên gọi là “Hỗn Thiên Nghi”.
Người ta nói rằng thời Nghiêu Thuấn đã có Hỗn Thiên Nghi, nhưng trong sử sách có ghi chép rõ rằng Trương Hoành thời Đông Hán có thể coi là người đầu tiên chế tác ra la bàn. Trương Hoành đã nghiên cứu các số liệu của tiền nhân, chế tạo ra Hỗn Thiên Nghi dùng thủy lực để thúc đẩy chuyển động của hệ thống bánh răng đầu tiên trên thế giới, còn gọi là Lậu Thủy Chuyển Hỗn Thiên Nghi. Nó do nhiều vòng tròn đồng tâm có thể chuyển động hợp thành, trên các vòng được làm bằng đồng tinh luyện có khắc đường xích đạo, đường hoàng đạo, cực Bắc và cực Nam, 24 tiết khí, mặt trăng mặt trời và các vì sao. Sử dụng nước nhỏ giọt từ một cái đồng hồ nước để làm cho Hỗn Thiên Nghi quay tròn, một vòng chuyển động của Hỗn Thiên Nghi vừa đúng một ngày, hoàn toàn giống hệt với chuyển động của trái đất, nó có thể đo lường chính xác các hiện tượng thiên thể.
Tiền Nhạc thái sử lệnh của nhà Lưu Tống thời Nam Triều đã phụng mệnh dùng đồng đúc Hỗn Thiên Nghi do Trương Hoành sáng chế.
(Ghi chú: Phỏng theo sách giáo khoa “Ấu học Quỳnh Lâm” của Zhengjian.org)
ChanhKien.org