Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Lão Tử – Đạo gia – Văn hóa truyền thống Trung Quốc
Lão Tử họ Lý, tên Trọng Nhĩ, tự Bá Dương, là người nước Sở thời Xuân Thu. “Lão” ý chỉ người tuổi cao đức lớn, “Tử” là cách gọi thể hiện sự kính trọng với nam tử thời cổ đại, “Lão Tử” là tôn xưng mà người đời đặt cho ông. Không rõ ngày tháng năm sinh và năm mất của ông.
Tương truyền Lão Tử có khí chất thiên tư không giống người thường. Ông am hiểu chuyện xưa, thông thuộc lễ chế. Ông đã trải qua thời kỳ của Văn Vương, Vũ Vương, từng làm qua chức “Thủ tàng thất sử” của triều Chu (tương đương với giám đốc thư viện quốc gia hoặc giám đốc bảo tàng lịch sử quốc gia hiện nay) và chức “Trụ hạ sử” (tương đương với chức ngự sử thời Tần Hán). Năm 520 trước Công nguyên (TCN), vương thất nhà Chu phát sinh nội chiến để tranh đoạt vương vị, Lão Tử vì thế mà liên lụy, bị bãi miễn chức quan. Lão Tử cảm nhận sâu sắc được sự hiểm ác của nhân thế, liền “Tự ẩn vô danh”, lưu lạc tứ phương.
Một ngày vào tháng 9 năm 478 TCN, Lão Tử đi về phía Tây tới nước Tần. Lúc đi qua cửa Hàm Cốc Quan, quan lệnh Duẫn Hỉ thông qua bói toán mà dự đoán được rằng sẽ có Thần nhân đi qua nơi này, liền ra lệnh cho người dọn dẹp 40 dặm đường để nghênh đón. Quả nhiên là Lão Tử đến. Duẫn Hỉ nói: “Tiên sinh ngài sẽ đi ẩn cư, sau này không còn được nghe tiên sinh dạy bảo nữa, xin tiên sinh hãy cố gắng soạn sách để truyền lại cho thế nhân!” Lão Tử chưa từng truyền dạy điều gì ở vùng đất Trung Nguyên, ông biết rằng trong mệnh của Duẫn Hỉ đã định trước là sẽ đắc Đạo, liền ở lại nơi đó một thời gian ngắn, viết nên tác phẩm nổi tiếng thiên cổ “Đạo Đức Kinh”. Sau đó, Lão Tử ra khỏi Hàm Cốc Quan đi về phía Tây, vượt Lưu Sa mà đi… Lưu Sa chính là chỉ vùng sa mạc lớn ở Tân Cương, không ai biết ông cuối cùng đi đâu.
Tư tưởng của Lão Tử, đại bộ phận được bảo tồn trong tác phẩm “Lão Tử”. “Lão Tử” tổng cộng có 81 chương, có hai thiên Thượng và Hạ. Quyển Thượng có 37 chương, quyển Hạ 44 chương, tổng cộng có hơn 5.000 chữ. Vì những điều trong sách giảng là vấn đề Đạo và Đức, nên người ta sau này bèn gọi là “Lão Tử Đạo Đức Kinh”. Cuốn sách “Lão Tử” mà chúng ta thấy hiện nay lại không phải là nguyên tác của Lão Tử, mà là văn tự của một người thời Chiến Quốc tên Tăng Ích, nhưng tư tưởng chủ yếu bên trong lại là của Lão Tử. Phạm trù tư tưởng cơ bản là “Đạo”, cho nên được gọi là “Đạo gia”. Danh xưng “Đạo gia” được thấy sớm nhất trong cuốn “Luận lục gia chi yếu chỉ” của Tư Mã Thiên thời nhà Hán.
Đời sau rất nhiều người coi cuốn “Lão Tử” là một tác phẩm triết học vĩ đại. Nhưng những người thực sự hữu duyên lại xem nó là pháp để tu luyện đắc Đạo, cũng theo đó mà tiến hành tu luyện, đạt được mục đích của đời người là phản bổn quy chân. Chính như Lão Tử trong thiên mở đầu đã giảng: “Đạo, khả Đạo, phi thường Đạo”. “Đạo” của Lão Tử không phải là “thường Đạo”, mà người có Đạo như ông với người phàm cũng có khác biệt một trời một vực. “Tục nhân chiêu chiêu, ngã độc hôn hôn. Tục nhân sát sát, ngã độc muộn muộn. Chúng nhân giai hữu dĩ, nhi ngã độc ngoan thả bỉ. Ngã độc dị vu nhân, nhi quý thực mẫu” (Tạm dịch: Người đời sáng rõ, riêng ta mơ màng. Người đời tinh tươm, riêng ta rầu rĩ. Mọi người đều có chỗ dùng, riêng ta ngu dốt mà bỉ lậu. Riêng ta khác người, mà quý Mẹ nuôi muôn loài).
Chính là vì Ông không phải là một “Đạo” bình thường, không thể tùy tiện để người khác đắc được, cho nên mới trân quý phi thường. Mà Đại Đạo truyền ra, thái độ của con người trong hoàn cảnh mê tại thế gian này cũng không giống nhau. “Thượng sĩ văn đạo, cần nhi hành chi; trung sĩ văn đạo, nhược tồn nhược vong; hạ sĩ văn đạo, đại tiếu chi, bất tiếu bất túc dĩ vi đạo” (Tạm dịch: Kẻ sĩ bậc thượng được nghe đạo sẽ tích cực cố gắng mà thực hành theo, kẻ sĩ bậc trung nghe đạo xong lúc nhớ lúc quên, kẻ sĩ bậc thấp nghe đến đạo thì bật cười to, nếu không bị cười nhạo thì không đủ gọi là Ðạo. Lão Tử chia “sĩ” làm ba loại thượng-trung-hạ, dựa vào cảnh giới của thế nhân sau khi nghe Đạo mà phân chia) (*).
Vì để người hữu duyên có thể đắc Đạo, để những kẻ sĩ bậc thượng cuối cùng phản bổn quy chân, Lão Tử trong vỏn vẹn 5.000 chữ đã nói cho mọi người biết hàm nghĩa của “Đạo” cùng một loạt các vấn đề như sự hình thành của vũ trụ, quan hệ của bản nguyên vạn vật, làm người như thế nào và làm thế nào để cuối cùng đạt được phản bổn quy chân, mà việc trình bày các vấn đề khác cũng chính là vì mở đường cho mục đích cuối cùng này. Lão Tử vì để cho người tu Đạo hiểu được phương pháp tu Đạo, còn nhiều lần nói tới việc thánh nhân có “Đạo” đã làm như thế nào khi gặp phải các vấn đề khác nhau, lấy đó làm tấm gương để mọi người học theo.
Chủ trương chính trị cơ bản của Đạo gia là vô vi mà trị. “Xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo”, tức là quản lý quốc gia, hết thảy đều thuận theo tự nhiên, đối với bách tính thì áp dụng chính sách không can thiệp hoặc can thiệp ít, lấy vô vi để đạt được mục đích “vô bất vi”, tạm dịch là cái gì cũng có cả. Chính trị lý tưởng là xã hội nước nhỏ ít dân. “Lân quốc tương vọng, kê khuyển chi thanh tương văn, dân chí lão tử bất tương vãng lai” (Tạm dịch: có thể nhìn thấy nước láng giềng, có thể nghe thấy tiếng gà chó, người dân tới lúc già, lúc chết không qua lại với nhau).
Nghe nói năm đó Khổng Tử từng đến đô thành của triều Chu và có tới chào Lão Tử. Từ chỗ của Lão Tử trở về, Khổng Tử ba ngày không nói câu nào. Tử Cống thấy lạ quá, liền hỏi thầy có chuyện gì vậy. Khổng Tử nói: “Điểu, ngã tri đạo tha năng phi; ngư, ngã tri đạo tha năng du; thú, ngã tri đạo tha năng bào. Năng bào đích, ngã khả dĩ dụng võng khứ tróc tha; năng du đích, ngã khả dĩ dụng ti tuyến khứ điếu tha; năng phi đích, ngã khả dĩ dụng tiễn khứ xạ tha. Chí vu long, ngã bất tri đạo tha thị chẩm yêu thừa phong vân thượng thiên đích. Ngã kim thiên kiến đáo lão tử, tha tựu tượng long nhất dạng thâm bất khả trắc a!” (Tạm dịch: “Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể đào. Loài biết đào, ta có thể dùng lưới để bắt nó; loài biết bơi, ta có thể dùng sợi tơ để câu nó; loài biết bay, ta có thể dùng tên để bắn hạ nó. Về phần rồng, ta không biết rồng làm thế nào để mượn gió mây mà lên trời được. Hôm nay ta gặp được Lão Tử, ông ấy tựa như con rồng không lường trước được!”)
Có thể thấy rằng, Giác Giả độ nhân và nhà tư tưởng trong nhân thế có tồn tại sự khác biệt căn bản. Đạo của Lão Tử, vi diệu khó hiểu, là giáo hóa của Thần; lời của Khổng Tử, chẳng qua cũng chỉ là học vấn của con người, là pháp để quy phạm đạo đức hành vi của nhân loại.
Cũng giống như tư tưởng Nho gia của Khổng Tử, tư tưởng Đạo gia của Lão Tử cũng trở thành một trong những chủ thể văn hóa truyền thống Trung Quốc. Tính trọng yếu của việc này nằm ở chỗ sau thời kỳ Thần và nhân cùng tồn tại ở văn minh Trung Hoa, ông đã lần đầu tiên nói cho con người biết con đường phản bổn quy chân. Ông chỉ bảo cho con người biết làm thế nào để nhận thức trời, đất, tự nhiên, vũ trụ, xã hội và tự thân. Ví như Lão Tử cho rằng pháp tắc của thiên địa là không vì ý chí của con người mà thay đổi, vạn vật sinh tử đều phải thuận theo tự nhiên, cho nên sinh hoạt của con người tại thế gian cũng cần phải thuận theo tự nhiên. Nói tóm lại, Nho gia là tư tưởng “Nhập thế”, còn Đạo gia là tư tưởng “Xuất thế”, ông để lại cho con người chính là phương pháp tu luyện. Những người tu Đạo sau này, phàm là tuân theo Đạo của Lão Tử, đều phải từ bỏ vinh hoa phú quý của thế tục, tu thân dưỡng tính, mà tại loạn thế hiểm ác không gặp phải hoạn nạn long đong. Học Đạo của Lão Tử uyên bác thâm thúy, nguồn gốc thì xa xưa mà thời gian lưu truyền lại dài, đây là càn khôn đã định, vì để làm gương sáng cho muôn đời, cho nên những người tu Đạo sau này cũng đều xem Lão Tử là tông sư của họ vậy.
Ngoài ra, chủ trương chính trị “Vô vi mà trị” của Đạo gia cũng tạo ra ảnh hưởng quan trọng tới những người thống trị đời sau.
Trong thời Đông Hán, Lão Tử cùng với các đạo thuật trong dân gian kết hợp, hình thành nên Đạo giáo. Lão Tử được Đạo giáo tôn làm thủy tổ. Tuy nhiên, Đạo giáo và Đạo gia là hai khái niệm không hề giống nhau.
Sự truyền bá tư tưởng của Đạo gia cũng là để cung cấp điều kiện tất yếu cho sự truyền nhập tư tưởng Phật gia sau này.
Thích Ca Mâu Ni – Phật gia – Văn hóa truyền thống Trung Quốc
Vào thời điểm Đại Đạo của Trung Quốc lưu truyền tại Thần Châu đại địa, thì cùng lúc đó, tại Ấn Độ cổ xưa cũng có nền văn minh phương Đông đã bắt đầu được truyền rộng – đó chính là Phật Pháp của Thích Ca Mâu Ni.
Thích Ca Mâu Ni sinh ra tại thành Kiếp Bỉ La của nước Già Bì La Vệ thuộc Ấn Độ cổ. Mẹ của ông là Ma Da phu nhân trên đường về nhà mẹ đẻ đã hạ sinh Thích Ca Mâu Ni tại vườn Lam Bì Ni (nay ở phía Nam nước Nepal). Thích Ca Mâu Ni từ nhỏ đã có tấm lòng từ bi nhân ái, thường trách trời thương dân, thích suy ngẫm về chân lý cuộc sống nhân sinh. Năm 19 tuổi, Thích Ca Mâu Ni từ bỏ vương vị, rời khỏi vương cung, xuất gia tu hành. Ấn Độ lúc bấy giờ có các loại phương pháp tu luyện của các tông phái. Những phương pháp tu luyện này từ trước thời Thích Ca Mâu Ni đã tồn tại. Thích Ca Mâu Ni đầu tiên tu “Vô tưởng định” trong ba năm, cuối cùng cũng tu thành. Nhưng ông nhận ra đây không phải là Đạo, không phải là căn bản nên vứt bỏ không cần. Thích Ca Mâu Ni lại tu “Phi tưởng – phi phi tưởng định” ba năm, cuối cùng đạt được cảnh giới này. Nhưng ông phát hiện đây cũng không phải là Đạo, cho nên lại bỏ đi không cần. Thích Ca Mâu Ni hai lần “biết là không phải liền bỏ”, lúc đó cũng không tìm đâu ra được minh sư, buộc lòng phải lên núi tuyết lạnh lẽo khắc nghiệt để tu khổ hạnh. Ông một ngày chỉ ăn một quả khô, đói tới mức không ra hình người. Ông khổ tu như vậy là muốn đi tìm một chân lý. Nhưng sáu năm sau, ông cho rằng khổ hạnh cũng không phải là Đạo, ông liền xuống núi.
Thích Ca Mâu Ni gầy yếu đi đến bên bờ sông Hằng. Ông thực sự đói tới mức đứng không nổi, ngất xỉu bên bờ sông. Vừa may có một cô gái chăn dê đi qua, cho ông uống sữa đặc rất ngon, Thích Ca Mâu Ni nhận được dưỡng chất, khôi phục lại thể lực. Nhưng ông không có cách nào tìm ra một minh sư có thể chỉ đạo cho mình, liền vượt qua sông Hằng đến dưới gốc một cây bồ đề đả tọa, phát thệ nếu không tu thành “Vô thượng chính đẳng chính giác” thì sẽ chết ở nơi này.
Thích Ca Mâu Ni dưới cội bồ đề đả tọa suốt bảy bảy bốn mươi chín ngày. Vào hừng đông ngày thứ bốn mươi chín, ông ngẩng đầu lên nhìn trời, nhìn thấy sao Kim trên bầu trời. Từ lúc đó, thần thông và công năng ngay lập tức khai nổ, tư duy của ông trong nháy mắt được đả khai, ông lập tức nhớ lại những gì mình đã tu luyện trước đây, biết được kiếp trước, kiếp này của bản thân và nhiều điều nên biết sau khi khai ngộ. Sóng năng lượng được phóng xuất ra trong khi khai ngộ, khiến cho một phạm vi địa lý rộng lớn xung quanh nơi Thích Ca Mâu Ni khai ngộ bị rung động. Người đương thời phát hiện có động đất nhẹ, núi lở và sóng thần xảy ra, kỳ thực là do Phật Thích Ca Mâu Ni khai ngộ mà tạo nên. Đương nhiên, năng lượng của Phật là từ bi, không gây ra tổn hại đến con người. Thích Ca Mâu Ni biết rằng mình đã đắc Đạo, bởi vì ông đã có đầy đủ trí tuệ và năng lực sau khi khai ngộ. Trải qua 12 năm tu hành cực kỳ gian khổ, Phật Thích Ca Mâu Ni cuối cùng nhìn sao Kim mà ngộ Đạo. Sau đó, Phật Thích Ca Mâu Ni lại bắt đầu cuộc đời 49 năm truyền Pháp.
Đặc điểm pháp môn của Phật Thích Ca Mâu Ni gọi là “Giới, Định, Huệ”. “Giới” chính là cấm hẳn hết thảy dục vọng và chấp trước của người thường. “Định” là chỉ người nhập định tu hành. “Huệ” là chỉ người khai công khai huệ. Đại tạng kinh có bao nhiêu vạn cuốn sách, đều không rời xa ba chữ này. Đương nhiên, biểu hiện cụ thể của nó tương đối phức tạp, nhưng thực chất chính là ba chữ này.
Lúc ấy, ở Ấn Độ có tám loại tôn giáo đồng thời lưu truyền. Phật Pháp mà Thích Ca Mâu Ni truyền cùng bảy loại tôn giáo kia vẫn luôn phát sinh tranh luận về hình thái ý thức. Thế lực của Bà La Môn giáo bấy giờ rất lớn, tranh luận nhiều nhất với Phật Thích Ca Mâu Ni. Lời nói việc làm của mọi người đều đi ngược lại với những giáo huấn của Phật thời tiền sử. Cứ như vậy, Bà La Môn giáo đi vào thời kỳ mạt pháp. Vào thời điểm đó, Phật Pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni thuận lợi truyền bá ở Ấn Độ. Vì Thích Ca Mâu Ni truyền là chính Pháp, trong quá trình truyền Pháp, Phật Thích Ca Mâu Ni không ngừng bác bỏ giáo lý của các tôn giáo khác, vì vậy liên tục có những người ngoại đạo bỏ đạo cũ mà quy y Phật giáo. Như Xá Lợi Phất trí huệ đệ nhất nguyên trước đây là người của Bà La Môn giáo. Ông biện luận cùng Phật Thích Ca Mâu Ni, biết rằng Phật Thích Ca Mâu Ni truyền là chính Pháp, liền ly khai Bà La Môn giáo trở thành đệ tử có trí huệ nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni. Cứ như vậy, Phật Pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni càng ngày càng hưng thịnh, còn các tôn giáo khác càng ngày càng suy yếu. Phật Pháp dần dần không thể dung hòa với các tôn giáo khác. Sau cùng mâu thuẫn giữa các tôn giáo trở nên gay gắt, xuất hiện sự tình những người ngoại đạo Lõa Hình sát hại đệ tử của Phật. Đệ nhất thần thông Mục Kiền Liên bị người của đạo Lõa Hình lên trên núi đẩy đá xuống đè chết, trở thành vị đệ tử của Phật đầu tiên tuẫn giáo. Người ngoại đạo còn lùng bắt các đệ tử của Phật, đẩy vào hầm lửa, hoặc cột vào cột rồi dùng tên bắn chết. Sau khi Phật diệt, đệ tử của Phật còn bị chém đầu một lần cả 500 người. Những sự kiện bức hại đó đều khiến cho lòng người vô cùng đau khổ!
Sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni niết bàn, các tôn giáo khác lại bắt đầu hưng thịnh trở lại. Cuối cùng Phật giáo ở Ấn Độ kết hợp lại cùng Bà La Môn giáo, trở thành một loại tôn giáo mới – Ấn Độ giáo. Ấn Độ giáo không còn tin vào Thích Ca Mâu Ni, cũng không còn thờ phụng vị Phật nào nữa. Vì vậy, Phật giáo sinh ra tại Ấn Độ, cuối cùng lại tiêu mất ở Ấn Độ. Tuy nhiên tại những nơi như Đông Nam Á, Trung Quốc, Phật Pháp lại được truyền bá rộng khắp, ảnh hưởng sâu sắc tới văn hóa của những quốc gia này.
Phật Pháp truyền nhập vào Trung Quốc khi nào, có ảnh hưởng ra sao tới văn minh Trung Hoa?
Nghe nói ở những năm cuối triều Tây Hán, Phật giáo thông qua đường biên cương bắt đầu truyền nhập vào trong nội địa Trung Quốc. Hồi Phật giáo mới tiến nhập vào Trung Quốc, đã phát sinh rất nhiều mâu thuẫn với văn hóa truyền thống Trung Quốc. Không ít văn nhân bài xích văn hóa ngoại lai, còn xuất hiện sự kiện Bắc Ngụy Thái Vũ Đế và Bắc Chu Vũ Đế hai lần diệt Phật với quy mô lớn. Nhưng trải qua sự va chạm và kết hợp của hai thời Đông Hán, Ngụy Tấn trong hơn 200 năm, Phật giáo cùng văn hóa bản thổ của Trung Quốc từ đối kháng chuyển sang thích ứng, đồng thời còn ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Thời kỳ Nam Bắc triều, Phật giáo từ Nam tới Bắc, từ Đông tới Tây, vượt qua các địa khu, vượt qua biên giới các quốc gia mà truyền bá rộng khắp. Dưới điều kiện hấp thu văn hóa truyền thống Trung Quốc mà hình thành nên Phật giáo Trung Quốc đặc sắc và độc đáo. Phật giáo Trung Quốc cũng giống như Nho gia, Đạo gia, trở thành một cột trụ trọng yếu của văn hóa truyền thống Trung Quốc, tạo ra ảnh hưởng rất sâu sắc tới các phương diện của xã hội Trung Quốc. Phật giáo Trung Quốc phát triển đến thời Tùy Đường thì tiến nhập vào thời kỳ hưng thịnh. Quốc gia thống nhất, kinh tế phồn vinh, lại được hoàng đế các thời kỳ trọng thị Phật giáo, nên một lượng lớn kinh Phật đã truyền nhập vào Trung Quốc, được dịch thành Hán văn, lưu truyền rộng khắp, bắt đầu xuất hiện các hệ phái Phật giáo với các phong cách khác nhau. Như Thiên Thai tông, Từ Ân tông, Hoa Nghiêm tông, Luật tông, Thiền tông, v.v, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là Thiền tông. Phật giáo thời kỳ đó đã thẩm thấu vào chính trị, kinh tế, văn hóa và sinh hoạt của con người tại Trung Quốc.
Đến thời nhà Tống, ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa Trung Quốc đã thẩm thấu toàn diện vào triết học, văn học, luân lý học cũng như lĩnh vực luật học, đối với thơ ca ảnh hưởng còn nhiều hơn nữa. Có rất nhiều tăng nhân có văn hóa cũng viết một lượng lớn thơ để nói về Thiền, một lượng lớn các áng thơ từ theo đuổi thiền cảnh yên lặng trống vắng tới bắt đầu theo đuổi thiền cơ thiền thú cơ trí hoạt bát, theo đuổi tìm chọn ngôn ngữ trong Phật giáo, theo đuổi lý tính trong Thiền tông.
Có thể nói, sau thời Tùy Đường, tư tưởng Phật gia có ảnh hưởng tương đối rộng khắp tới văn hóa nghệ thuật Trung Quốc. Chủ yếu biểu hiện tại: thứ nhất, nghệ thuật truyền thống Trung Quốc, như kiến trúc, nặn tượng đúc tượng, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, hí kịch, v.v xuất hiện một lượng lớn các tác phẩm có quan hệ tới “Phật”. Thứ hai, tác phẩm văn học Trung Quốc xuất hiện thiết âm, quan niệm văn phạm (pháp lệnh thành văn thời xưa), danh từ mới, văn thể mới, các khái niệm và đề tài mới cho thi ca, ngữ lục thể, tiểu thuyết truyền kỳ, tạp kỹ v.v. Thứ ba, ảnh hưởng tới tư tưởng triết học Trung Quốc.
Ngoài ra, tư tưởng Phật gia cũng ảnh hưởng tới khoa học truyền thống Trung Quốc như y dược, thiên văn, số học.
Mà Phật giáo cũng có ảnh hưởng rất lớn tới phong tục tập quán của Trung Quốc. Cụ thể biểu hiện như sau: thứ nhất, tin vào tam thế (quá khứ – hiện tại – tương lai). Phật gia cho rằng, vạn sự vạn vật nơi thế gian đều do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra, hết thảy đều nằm trong luân hồi, con người có sinh lão bệnh tử, trời có trăng sao tròn khuyết, hoa nở hoa rụng, hết sinh lại diệt. Sau khi Phật giáo truyền nhập vào Trung Quốc, người Trung Quốc bắt đầu biết con người có tam thế, biết rằng sinh ra là đến, chết rồi là đi. Thứ hai, tin vào lục đạo. Phật giáo có thuyết về lục đạo luân hồi. Mặc dù đời này làm việc ác vẫn đắc phúc sống thọ, nhưng nghiệp quả không báo vào đời này thì sẽ báo vào đời sau. Thứ ba, tin vào thiện ác hữu báo. Con người tin vào tam thế lục đạo, cho nên tin rằng thiện ác chắc chắn có quả báo, hoặc là báo vào chính bản thân mình, hoặc báo vào con cháu mình, hoặc báo vào đời sau của mình. Đồng thời còn dẫn xuất ra những quan niệm như hối tội thực phúc (hối lỗi ăn năn để gây dựng phúc báo), duyên thọ (kéo dài tuổi thọ), tiến vong (tụng kinh hoặc làm các việc cho vong linh sớm siêu thoát), tu đức nhương tai (tu dưỡng đạo đức để cầu an), thiết cung kì nguyện (bố trí dâng cúng cầu nguyện).
Nói tóm lại, mức độ ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc, có thể nói là vừa sâu vừa rộng.
(Còn tiếp)
(*) để hiểu sâu sắc hơn câu nói của Lão Tử, mời đọc giả hãy tìm hiểu thêm bài giảng thứ chín, trong quyển sách “Chuyển Pháp Luân” của ngài Lý Hồng Chí.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/38455
Ngày đăng: 21-01-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org