Cô khuyên chồng làm thế này mới bảo toàn được tính mạng con trai. (Tranh Nhân Vật – Phùng Ninh đời Thanh – Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)
Chồng cô chính trực dám nói thẳng, vì vậy cô biết trước chồng sẽ gặp tai họa, cô đã làm gì?
Đại phu Bá Tông nước Tấn thời Xuân Thu là người hiền tài, được quân vương nước Tấn là Cảnh Công Cơ Nậu rất coi trọng
Năm thứ 6 đời Tấn Cảnh Công (năm 594 TCN), nước Tống phái Đại phu Lạc Anh Tề đến nước Tấn, thỉnh cầu xuất binh chi viện nước Tống. Tấn Cảnh Công có ý xuất binh tương trợ, nhưng lại bị Bá Tông ngăn cản. Sự tình như sau:
Năm trước, tức là năm thứ 5 đời Tấn Cảnh Công, Sở Trang Vương phái sứ thần đi sứ nước Tề. Theo lễ tiết ngoại giao của các nước thời đó, nước Sở cần phải thông báo trước với nước Tống là sẽ đi qua nước Tống, và phải được sự đồng ý của nước Tống thì mới được thông hành. Nhưng nước Sở ỷ thế quốc gia cường thịnh, nên không thông báo, cũng không cần sự đồng ý của nước Tống.
Tống Văn Công cho rằng, hành động này của nước Sở đã sỉ nhục nước Tống, thế là giết sứ thần nước Sở khi sứ thần đi qua nước Tống. Việc này cũng khiến nước Sở nổi giận, đem đại quân bao vây chặt nước Tống. Như thế cuộc chiến giữa 2 nước giằng co, nước Tống bị nước Sở bao vây mấy tháng trời, Tống Văn Công phái Đại phu Lạc Anh Tề đến nước Tấn, cầu xin xuất binh chi viện.
Tấn Cảnh Công vốn có ý đáp ứng lời thỉnh cầu của nước Tống, nhưng lại bị Bá Tông phản đối.
Bá Tông nói với Cảnh Công rằng: “Chúng ta sao có thể vì giúp nước Tống mà trở thành kẻ thù của nước Sở được? Người xưa có câu nói rằng: ‘Tuy roi dài nhưng không tới được bụng ngựa’. Ý nghĩa là: Cho dù roi rất dài, nhưng cũng không đánh được vào bụng con ngựa’”
Bá Tông cho rằng, nước Sở đang được Thượng Thiên bảo hộ, là lúc mà quốc lực đang cường thịnh nhất, nước Tấn tuy lớn mạnh, nhưng sao có thể chống được ý Trời. Ngụ ý rằng, nước Tấn dẫu có lớn mạnh hơn nữa thì cũng không thể đối địch được với nước Sở.
Tấn Cảnh Công nghe rồi, tuy cảm thấy có lý, nhưng trong tâm vẫn nghi ngờ. Ông nói: “Chúng ta sao có thể chỉ quan tâm đến lợi ích bản thân mà cự tuyệt lời thỉnh cầu của người khác được? Làm như thế, ta cảm thấy sỉ nhục”.
Bá Tông giải thích rằng: “Tục ngữ có nói rằng ‘Xử lý sự tình, nghĩ cao nghĩ thấp, hoàn toàn là do tâm ý bản thân’. Trong sông hồ có bùn lầy nước đục, trong núi rừng có trùng độc mãnh thú, trong ngọc trắng tinh khiết cũng ẩn tàng vết đốm”.
Bá Tông khuyên Cảnh Công rằng: “Quân chủ của một nước cũng có lúc không tránh khỏi chịu sỉ nhục, đây đều là những việc rất tự nhiên. Hơn nữa, có chút lỗi lầm nhỏ thì cũng không tổn hại đại đức. Ngài nên nhẫn một chút. Tạm thời không xuất binh, đợi nước Sở suy yếu rồi hãy tính”.
Bá Tông nói những lời này, khiến Tấn Cảnh Công liên tiếp gật đầu. Tấn Cảnh Công vì vậy đã từ bỏ ý định xuất binh. Câu chuyện này cũng để lại cho hậu thế một câu thành ngữ “tiên trường mạc cập” (roi dài không với tới), dùng để ngụ ý sức lực không đủ.
Đây chính là Bá Tông, người giỏi ăn nói, ông luôn nói thẳng, dùng tài ăn nói để áp đảo người khác. Ông tuy có tài ăn nói, dũng cảm dám nói, nhưng tính cách hiếu thắng hơn thua, thường dễ đắc tội người khác. Điều này khiến vợ ông lo lắng nơm nớp, cho rằng chồng trực ngôn không kiêng nể, tuy cũng có thể chấp nhận được, nhưng ông lại bỏ qua cảm nhận của người khác. Ngoài việc nói đạo lý ra, cũng cần phải có cái tâm khiêm tốn mới được. Lâu ngày, ông ấy ắt sẽ khiến người ta căm hận.
Lại nói, thời đó trong nội bộ nước Tấn có rất nhiều mâu thuẫn, giữa vua tôi có sự nghi kỵ lẫn nhau, giữa các đại phu cũng tranh giành đấu đá lẫn nhau.
Thế là, người vợ hiền năng thông tuệ của Bá Tông ngày này vào buổi sáng, trước khi Bá Tông rời nhà vào triều, luôn khuyên răn chồng cần phải nói năng nhỏ nhẹ, khiêm tốn hòa ái một chút. Cô nói: “Trộm ghét chủ nhà, dân yêu vua hiền”. Một người khi đối nhân xử thế, nhất định sẽ có người yêu thích mình, và tất nhiên cũng có người ghen ghét mình.
Vợ Bá Tông nói: “Phu quân luôn thích nói thẳng, như thế ắt sẽ có người tà vạy bất chính căm ghét phu quân. Như thế sẽ có lúc tai họa giáng xuống phu quân”.
Có thể là do con đường quan lộ thuận lợi, nên Bá Tông hoàn toàn bỏ ngoài tai những lời khuyên bảo của vợ.
Có lần, Bá Tông trở về nhà, nét mặt tươi cười, thần thái đắc ý tự mãn. Vợ ông liền hỏi: “Phu quân mặt mày hớn hở, hôm nay đã có chuyện gì vậy?”
Bá Tông đắc ý nói: “Hôm nay ta vào triều nói năng, các đại phu đều công nhận ta có trí tuệ và tài ăn nói giống như Dương Tử”.
Người vợ vừa nghe thấy liền nói một câu rằng: “Lúa chắc rồi thì không ra hoa, lời chí lý không cần tô điểm”.
Ý nghĩa là: Cây lúa đã chắc hạt thì không nở hoa, những lời nói sâu sắc thiết thực trung hòa thì không cần trang điểm tô vẽ.
Cô nói tiếp: “Dương Tử chính là người nói năng hoa mỹ nhưng không có thực chất, nói mà không có mưu, mới khiến ông ấy bị tai họa. Mọi người nói phu quân giống ông ấy, thì có gì đáng để vui mừng đâu?”.
Dương Tử chính là đại phu Dương Xử Phụ của nước Tấn. Khi Tấn Tương Công tại vị, Dương Xử Phụ khuyên Tương Công thay Giả Quý (Hồ Xạ Cô), người lúc đó nhậm chức Trung quân sư, Giả Quý bị giáng xuống làm Trung quân Tá hậu, ôm hận trong tâm. Năm 621 TCN, Giả Quý sai người trong gia tộc là Hồ Cúc Cư giết chết Dương Xử Phụ.
Lần này nghe vợ nói, Bá Tông trở nên cảnh giác, trong tâm ông nghĩ, vợ ông quả là người hiểu rõ lý sự như thế này, thế là ông hỏi vợ: “Ta mời các đại phu đến nhà uống rượu, nàng đến nghe chúng ta đàm luận, có được không?”
Người vợ nói: “Được”.
Mấy ngày sau, Bá Tông mở tiệc, khoản đãi các đại phu. Suốt cả buổi tối, Bá Tông cùng với các đại phu uống rượu, đàm luận cao xa, còn vợ của Bá Tông ở trong phòng kế bên lắng nghe. Chủ khách vui vẻ, sau khi tiệc tan tiễn khách, Bá Tông vào trong phòng hỏi vợ: “Hiền thê, tối nay ta và các đại phu đàm luận, nàng thấy thế nào?”.
Người vợ với nét mặt lo lắng nói: “Các đại phu thực sự không có tài ăn nói bằng phu quân. Tuy nhiên, trong thời gian dài rồi, bách tính đã không còn yêu kích quốc quân nữa. Cứ tiếp tục thế này, phu quân ắt sẽ bị liên lụy, bị tai họa. Hơn nữa, hiện nay, quốc gia đã xuất hiện rất nhiều người bất trung, mà phu quân trước sau vẫn không có cách nào thanh đổi tính cách nói thẳng, giỏi nói năng, nguy hiểm e rằng sẽ đến rất nhanh”.
Bá Tông suy nghĩ về tình hình hiện nay, quả thực đúng như những lời vợ ông nói. Ông hỏi vợ: “Vậy phải làm thế nào?”
Người vợ nói: “Sao phu quân không kết giao với người hiền năng, sau đó phó thác con trai Châu Lê của chúng ta cho người đó?”
Bá Tông lặng im một lúc, rồi nói: “Được rồi, cứ làm như thế”.
Thế là Bá Tông kết giao với hiệp sĩ Tất Dương, trở thành bạn thân.
Sau này, sau khi Cảnh Công qua đời, Tấn Lịch Công lên ngôi, Bá Tông thấy nước Tấn đang chịu họa hại sâu sắc của các dòng họ lớn, nhất là Khước Kỳ, Khước Thù và Khước Chí, xưng là Tam Khước, nắm giữ thực quyền triều chính và quân đội. Bá Tông chính trực dám nói, nhiều lần nói với Lịch Công rằng: “Họ Khước gia tộc lớn, thế lực mạnh, nên cắt giảm, ức chế quyền lực của họ”.
Sau khi biết chuyện, Tam Khước hận Bá Tông đến xương tủy, cùng nhau dâng tấu, vu cáo Bá Tông tội phỉ báng triều chính. Cuối cùng, Bá Tông bị hại chết.
Sau khi Bá Tông bị hại, con trai ông là Bá Châu Lê lâm vào cảnh rất nguy hiểm. May mà Bá Tông đã sớm nghe theo lời khuyên của vợ, kết giao với Tất Dương. Bá Châu Lê mới được Tất Dương hộ tống, chạy trốn đến nước Sở, nhờ đó bảo toàn được tính mệnh.
“Kinh thư – Đại Vũ mô” có câu rằng: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, thời nãi Thiên Đạo”, ý nghĩa là, tự mãn sẽ gây ra thất bại, khiêm tốn sẽ được ích lợi, đó là Đạo Trời, là chân lý phổ biến.
Bá Tông bộc trực dám nói, tài ăn nói, nhưng không thể nào tuân theo được đạo lý này. Tuy nhiên, người vợ của Bá Tông lại hiểu rất sâu sắc về đạo lý này. Người đời sau khen vợ Bá Tông biết Đạo Trời, từ đó đã bảo toàn được tính mạng của con trai.
Theo “Liệt nữ truyện”; “Đông Chu liệt quốc chí – Hồi 58”
Thường Sơn Tử – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam