[ChanhKien.org]
Nguyên văn
子曰:“吾十有(1)五而志于学,三十而立,四十而不惑(2),五十而知天命(3),六十而耳顺,七十而从心所欲,不逾矩(4)。” (《论语·为政第二》)
Hán Việt
Tử viết: “Ngô thập hữu (1) ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc (2), ngũ thập nhi tri thiên mệnh (3), lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ (4)”. (Trích “Luận ngữ – Vi chính đệ nhị”)
Phiên âm
Zǐ yuē: “Wú shí yǒu wǔ ér zhì yú xué, sānshí ér lì, sìshí ér bù huò, wǔshí ér zhī tiānmìng, liùshí ér ěr shùn, qīshí ér cóng xīn suǒ yù, bù yú jǔ.”
Chú âm
子(ㄗˇ) 曰(ㄩㄝ):“吾(ㄨˊ) 十(ㄕˊ) 有(ㄧㄡˇ) 五(ㄨˇ) 而(ㄦˊ) 志(ㄓˋ) 於(ㄩˊ) 学(ㄒㄩㄝˊ),三(ㄙㄢ) 十(ㄕˊ) 而(ㄦˊ) 立(ㄌㄧˋ),四(ㄙˋ) 十(ㄕˊ) 而(ㄦˊ) 不(ㄅㄨˋ) 惑(ㄏㄨㄛˋ), 五(ㄨˇ) 十(ㄕˊ) 而(ㄦˊ) 知(ㄓ) 天(ㄊㄧㄢ) 命(ㄇㄧㄥˋ),六(ㄌㄧㄡˋ) 十(ㄕˊ) 而(ㄦˊ) 耳(ㄦˇ) 順(ㄕㄨㄣˋ),七(ㄑㄧ) 十(ㄕˊ) 而(ㄦˊ) 從(ㄘㄨㄥˊ) 心(ㄒㄧㄣ) 所(ㄙㄨㄛˇ) 欲(ㄩˋ),不(ㄅㄨˋ) 踰(ㄩˊ) 矩(ㄐㄩˇ) (4)。”
Chú thích
(1) 有 (Hữu): đồng âm, đồng nghĩa với từ “又”(hựu).
(2) 惑 (Hoặc): mê hoặc.
(3) 天命 (Thiên mệnh): chỉ sự việc không thể chi phối bởi sức mạnh của con người.
(4) 逾矩 (Du củ): vượt ra ngoài khuôn phép.
Diễn nghĩa
Khổng Tử nói: “Ta 15 tuổi lập chí học tập, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không bị mê hoặc bởi những hiện tượng bề mặt của ngoại cảnh, 50 tuổi hiểu được thiên mệnh là gì, 60 tuổi có thể lắng nghe và đối đãi chính xác với những ý kiến khác nhau, 70 tuổi có thể làm theo ý muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn phép”.
Nghiên cứu và phân tích
Đây là lời tự thuật của Khổng Tử về cuộc đời của mình, cũng chính là quá trình từng bước đề cao cảnh giới tư tưởng thuận theo tuổi tác tăng lên.
Thời thiếu niên, học đạo với ý chí bền bỉ; thời thanh niên có thể tự lập trong đạo, kiên định không thay đổi; thời tráng niên tâm trí thanh tỉnh không mê không hoặc; người biết được thiên mệnh là đã hiểu tận được lý này; người thuận theo thiên mệnh gặp việc gì cũng có thể thông tỏ; làm theo ý muốn mà không vượt ra ngoài khuôn phép thì đã là ở trong đạo. Khổng Tử đã nói cho chúng ta biết những cảnh giới cần đạt được trong việc tu dưỡng của đời người, đây không phải là việc trong một sớm một chiều, mà phải tiến dần lên theo trình tự, phải nỗ lực suốt cả một đời. Khổng Tử còn nói cho chúng ta rằng, sự đề cao của tu dưỡng đạo đức là quá trình đồng hóa tư tưởng, hành vi với đạo, cuối cùng mới có thể hoàn toàn đắm mình trong đạo.
Câu hỏi mở rộng
1. Khổng Tử nói “tứ thập bất hoặc”, bạn nghĩ xem chúng ta “hoặc” (mê hoặc, mê mờ) ở chỗ nào? Làm thế nào để có thể làm được “bất hoặc” (không bị mê hoặc, không bị mê mờ)?
2. Bạn nhìn nhận như thế nào về thiên mệnh? “Nhân định thắng thiên” có đúng không?
3. Để làm được “nhĩ thuận” thì phải trang bị sự tu dưỡng cá nhân như thế nào?
Góc kể chuyện
Lạc thiên tri mệnh
Lạc thiên tri mệnh chính là thuận theo sự biến đổi của thiên ý, biết được mệnh số, vui vẻ với thiên nhiên. Câu nói trên xuất từ “Dịch Kinh – Hệ từ”: “Lạc thiên tri mệnh, cố bất ưu”.
Người xưa giảng rằng “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên”. Vì vậy một người cần chú trọng tu dưỡng thân tâm của mình, bất kể khi khốn khó hay lúc hiển đạt, đều phải thuận theo tự nhiên, cần biết rằng tất cả quá khứ và tương lai đều không chỉ là do bản thân mình quyết định, không được oán trời trách người, như vậy tự nhiên sẽ được vui vẻ. Chiến thắng là vui, xả bỏ cũng là vui; thu hoạch là vui, trồng trọt cũng là vui; gảy đàn đối thơ ngâm thơ là vui, đốt trầm yên tĩnh đọc sách cũng là vui; trị quốc bình thiên hạ là vui, “hái cúc dưới hàng rào phía Đông, thong thả nhìn ngắm Nam Sơn” (bài Ẩm tửu kỳ 05 của Đào Tiềm) cũng là vui.
Khổng Tử nói: Không hiểu được thiên mệnh, thì không thể trở thành bậc quân tử. Thực ra, những nỗi khổ của đời người chẳng qua là quá ư chấp trước vào công danh lợi lộc, tựa như tiền tài, danh vọng, địa vị. Nhưng vạn sự ở thế gian đều là có nhân duyên, chứ không phải ông trời thuận theo ý muốn của con người. Nếu có những ham muốn vật chất quấn thân, con người đương nhiên sẽ không thoát ra được, cũng không vui vẻ lên được. Thử nghĩ một chút, một người không thuận theo thiên mệnh, tham lam vô độ, ảo vọng hão huyền thì tự nhiên sẽ đi ngược lại với con đường của bậc quân tử. Một người đối với sinh tử, phú quý đều thuận theo tự nhiên, nhưng người ấy hoàn toàn có thể gắng hết sức làm những việc mà bản thân có thể làm được, như là rèn giũa tiết hạnh, nâng cao đạo đức, phát triển sự nghiệp, thì chính là bậc quân tử rồi.
Có một lần, Khổng Tử bị người thành Quảng ở nước Vệ bao vây, Khổng Tử vẫn ở trong phòng gảy đàn ca xướng với thần thái an nhiên. Tử Lộ chạy vào thấy vậy hỏi: “Thưa thầy, sao thầy vẫn có tâm trạng gảy đàn ca xướng?” Khổng Tử nói: “Trọng Do, để thầy nói cho con biết nhé! Ta từ lâu đã muốn thoát khỏi vòng vây, nhưng vẫn là không thể tránh được, đây là thiên mệnh! Ta từ lâu đã muốn tìm kiếm sự giác ngộ, kết quả vẫn không được, đây là thời vận không tốt. Vào thời đại Nghiêu Thuấn, thiên hạ không có ai không được như ý, không phải là do trí huệ con người cao minh; vào thời Kiệt Trụ, thiên hạ không có ai được đắc ý, cũng không phải do trí huệ con người thấp kém, là thời thế tạo thành như vậy. Ta biết rằng sự nguy nan chính là vận mệnh, muốn vượt qua cần phải chờ thời cơ. Đối diện tai họa mà không sợ hãi, đây chính là dũng khí của bậc thánh nhân. Trọng Do à! Con đi nghỉ ngơi đi! Ta là thuận theo thiên mệnh mà làm, người thành Quảng thì có thể đối với ta như thế nào đây?” Đến ngày thứ năm trong vòng vây, quả nhiên có một vị tướng quân đến tạ tội, nói: “Mấy hôm trước, chúng tôi hiểu nhầm rằng ngài là Dương Hổ dẫn quân đến quấy rối thành Quảng, nên đã khiến phu tử phải chịu ủy khuất. Thật là mạo phạm, mong phu tử thứ tội”. Khổng Tử cuối cùng cũng được giải vây.
Khổng Tử đề xướng, không chỉ cần “tri thiên mệnh” mà còn phải “úy thiên mệnh”. Chữ “úy” này có ý là “kính sợ”, có nghĩa là tấm lòng cung kính và sự phục tùng đối với thiên mệnh của con người, và sự độ lượng tri mệnh nhi hành.
Bài tập về nhà
Trò chuyện với người lớn tuổi, xem xem cuộc đời họ đã trải qua như thế nào và nhận thức như thế nào, so sánh với Khổng Tử và nghĩ xem mình nên làm như thế nào để bước đi đúng trên con đường nhân sinh.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868
Ngày đăng: 19-01-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org