Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
仁慈 (1)隱惻 (2),造次 (3)弗離 (4)。節義廉退,顛沛 (5)匪虧 (6)。
Bính âm:
仁 (rén) 慈 (cí) 隱 (yǐn) 惻 (cè),
造 (zào) 次 (cì) 弗 (fú) 離 (lí)。
節 (jié) 義 (yì) 廉 (lián) 退 (tuì),
顛 (diān) 沛 (pèi) 匪 (fěi) 虧 (kuī)。
Chú âm:
仁 (ㄖㄣˊ) 慈 (ㄘ ˊ) 隱 (ㄧㄣˇ) 惻 (ㄘㄜˋ),
造 (ㄗㄠˋ) 次 (ㄘˋ) 弗 (ㄈㄨˊ) 離 (ㄌㄧˊ)。
節 (ㄐㄧㄝˊ) 義 (ㄧˋ) 廉 (ㄌㄧㄢˊ) 退 (ㄊㄨㄟˋ),
顛 (ㄉㄧㄢ) 沛 (ㄆㄟˋ) 匪 (ㄈㄟˇ) 虧 (ㄎㄨㄟ)。
Âm Hán Việt:
Nhân từ ẩn trắc,
Tạo thứ phất ly.
Tiết nghĩa liêm thối,
Điên phái phỉ khuy.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Nhân (仁): đối xử với mọi người lương thiện khoan dung, nhân hậu (rộng lượng).
Từ (慈): chỉ tấm lòng tràn đầy thiện tâm của bậc bề trên đối với trẻ nhỏ.
Ẩn (隱): thương cảm, thương hại, thương xót, cảm thông.
Trắc (惻): đồng cảm, thông cảm.
Tạo (造): vội vàng, bất ngờ, đột ngột.
Thứ (次): giữa, đang, đang lúc, đang khi.
Phất (弗): chẳng, không.
Ly (離): mất, đánh mất, mất đi, vứt bỏ.
Tiết (節): phẩm đức, phẩm hạnh, khí tiết.
Nghĩa (義): chính nghĩa, đúng với lẽ phải, hợp với đạo lý; hành vi cử chỉ phù hợp với quy phạm đạo đức.
Liêm (廉): trong sạch, liêm khiết không tham lam.
Thoái (退): thoái lui, lùi; rút khỏi, ra khỏi; khiêm nhượng, khiêm nhường.
Điên (顛): lay động, giao động, rung động, chấn động.
Phái (沛): chảy, sóng nước chảy, không cố định.
Phỉ (匪): không.
Khuy (虧): thiệt thòi, thua lỗ, khuyết tổn, hao tổn, thiếu sót.
2. Nghĩa của từ:
(1) Nhân từ (仁慈): nhân hậu từ bi, thiện lương.
(2) Ẩn trắc (隱惻): bày tỏ sự đồng cảm hoặc thương xót khi người khác gặp cảnh đau khổ và bất hạnh.
(3) Tạo thứ (造次): trong lúc gấp gáp vội vàng.
(4) Phất ly (弗離): không vứt bỏ, không quăng đi.
(5) Điên phái (顛沛): sống lang thang, trôi dạt khắp nơi (bôn ba tứ xứ), cuộc sống gian nan, khốn đốn.
(6) Phỉ khuy (匪虧): không thể chịu thiệt thòi, thua lỗ; không thể làm trái, không thể đi ngược lại.
Lời dịch tham khảo:
Người có tấm lòng nhân hậu, từ bi, lương thiện, đồng cảm thương xót thì trong lúc gấp gáp vội vàng cũng không thể từ bỏ, không thể rời đi, bỏ đi. Phẩm đức khí tiết, chính nghĩa, thanh liêm, khiêm nhường không thể mất đi, không thể để hao tổn, dù cho cuộc sống có những lúc phải trôi dạt khắp nơi, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.
Câu chuyện văn tự:
Nhân 仁: Kim văn viết là “ ” ; “ ” là giản lược của chữ “Trúc” 竺, cây trúc thì ngoài đặc trong rỗng, nếu như được chẻ ra sẽ trở nên mỏng mảnh, mà toàn thân cây trúc thì dày, bởi vậy có ý là sâu dày, nồng hậu, cho nên ‘nhân’ chính là “đối đãi với người khác phải nồng hậu”. Diễn biến đến chữ Tiểu triện thì viết là “”, đại biểu hai người xem đối phương như là chính mình, chính là “Thân” 亲. Ngoài ra còn có một cách giải thích khác, nói “Nhị” 二 là trời và đất, “ Nhân 仁” chính là “Thiên địa sinh ra vạn vật, người chính là được sinh ra như vậy”.
Nghĩa 義: Kim văn viết là “ ”. Diễn biến đến chữ Tiểu triện viết là “”, “ ” chính là “Ngã” 我 (ta, tôi), đại biểu cho chính mình; “” là “Dương” 羊 (dê), bản tính của con dê là biết phục tùng, cổ nhân xem việc săn bắt dê là phúc lợi, vốn có ý nghĩa tốt lành, cho nên “điều tốt lành do mình thể hiện ra” chính là nghĩa gốc của chữ “Nghĩa”.
Suy ngẫm và thảo luận:
Đào Uyên Minh là một nhà thơ lớn, nhà văn có tên tuổi cuối thời Đông Tấn, cũng là người sáng tác thơ điền viên (đề tài nông thôn) sớm nhất Trung Quốc, tác phẩm của ông thường lấy đề tài về cảnh vật thiên nhiên và cuộc sống nông thôn.
Đào Uyên Minh cả đời chỉ làm chức quan nhỏ bốn lần, thời gian mỗi lần làm quan đều rất ngắn, cũng là bởi vì ông có bản tính bình thản tự nhiên, không màng danh lợi, nên ông không muốn thông đồng làm bậy trong hoàn cảnh chính trị xã hội dối trá hủ hóa. Lần cuối cùng ông làm quan là làm Huyện lệnh Bành Trạch. Ông nhậm chức hơn 80 ngày, đụng phải đốc bưu quận Tầm Dương đến kiểm tra công vụ; nhân phẩm của đốc bưu rất thấp kém, là người thô tục và ngạo mạn, thường mượn danh nghĩa đến huyện tuần sát để nhận hối lộ. Huyện lại bảo ông: “Cần đeo đai lưng nghênh tiếp”. Chính là nên ăn mặc chỉnh tề, chuẩn bị lễ vật, cung kính đi nghênh đón. Đào Uyên Minh thở dài: “Ta sao lại vì năm đấu gạo mà khom lưng với kẻ tiểu nhân nơi thôn xóm đây!” Ý nghĩa là ta có thể nào vì năm đấu gạo lương bổng của chức quan huyện lệnh mà phải ăn nói khép nép tỏ vẻ ân cần với kẻ tiểu nhân như vậy, thế là ông liền từ quan quy ẩn điền viên.
Đào Uyên Minh “Không vì năm đấu gạo mà chịu khom lưng”, lấy nhân phẩm tiết nghĩa tiết tháo làm trọng, được người đời sau vì thế mà tán thưởng, và “Ngũ Liễu Tiên Sinh Truyện” lại càng là tác phẩm khắc họa nhân cách thoát tục, khí tiết cao cả của ông.
1. Theo bạn, làm người cần phải có tiêu chuẩn gì? Hoặc là phải có những phẩm đức nào? (tham khảo *1)
2. Hãy chia sẻ những tâm đắc, cảm nghĩ của bạn về cách cư xử của Đào Uyên Minh. (tham khảo “Ngũ Liễu Tiên Sinh Truyện”)
3. Khi cuộc sống thực tế và lối nghĩ của bản thân không giống nhau, bạn sẽ chọn lựa ra sao? Hay là chọn cách để được cân bằng giữa cả hai bên ? (hay như Đào Uyên Minh lựa chọn tiết tháo “Không vì năm đấu gạo mà chịu khom lưng”)
Phụ lục:
(*1): Trong “Tam Tự kinh” có nói đến “Viết nhân nghĩa, lễ trí tín, thử Ngũ thường, bất dung vấn”, là ý nói “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là năm tiêu chuẩn đầu tiên để làm người, nhất định phải tuân thủ, không được phép làm rối loạn”.
“Ngũ Liễu Tiên Sinh Truyện”
Tiên sinh không biết người ở đâu, cũng không rõ họ tên, vì bên cạnh nhà có năm cây liễu, nên người ta theo đó mà đặt tên ông là “Ngũ Liễu”. Ngũ Liễu tiên sinh cá tính trầm tĩnh, ít nói, không ham vinh hoa lợi lộc. Thích đọc sách, lại không cần nghiên cứu chi tiết câu chữ quá sâu; mỗi khi có lĩnh hội điều gì thì thường vui vẻ đến nỗi quên cả ăn. Trời sinh ưa thích uống rượu, gia cảnh nghèo khó không thể thường xuyên có rượu để uống. Bằng hữu thân thích biết được tình cảnh của ông như vậy, nên hay mua rượu để mời ông đến uống. Ông uống rượu thì uống cho thỏa, uống say mới thôi. Đã say thì liền cáo từ để ra về, không lưu luyến chi hết. Trong nhà của ông trống không, tuếch toác, không đủ che mưa che nắng; người mặc áo vải thô chắp, rách te tua, vá chằng vá đụp, ăn uống cũng thường thiếu hụt, không đủ, nhưng ông vẫn hài lòng! Ông thường viết văn chương để tự mình giải trí, rất có tài biểu đạt ra tâm chí của mình. Quên hết được mất trong thế tục, cứ vậy sống đến hết đời.
Lời khen rằng: “Vợ của Kiềm Lâu từng nói: ‘Đối với nghèo khó thấp kém không cảm thấy sầu lo, đối với giàu có quyền quý không cố gắng tìm lấy’. Suy đoán từ lời vợ của Kiềm Lâu thấy rằng, Ngũ Liễu tiên sinh đại khái cũng giống loại người như Kiềm Lâu! Có thể vui sướng uống rượu làm thơ, ở trong vui vẻ mà giữ vững chí hướng của mình. Giống như là người đời Vô Hoài thị sống trong xã hội thuần phác thời thượng cổ, hoặc giống như người thời Cát Thiên thị vậy.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/43800
Ngày đăng: 14-01-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org