[ChanhKien.org]
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, ở Đại Lục đã khởi động hai dự án công trình rất lớn mang tầm quốc tế, đó là Dự án Nam thủy Bắc điều (1) và Dự án đập Tam Hiệp. Từ góc độ phong thủy mà xem xét, hai dự án này lại chính là những công trình phá vỡ sự hài hòa Thiên Địa, phá hoại sự ổn định trên dưới của vũ trụ này.
Dự án Nam thủy Bắc điều chia thành ba tuyến dẫn nước là Tuyến phía Đông, Tuyến Trung tâm và Tuyến phía Tây, điều nước từ hạ lưu, trung lưu và thượng lưu sông Dương Tử (còn gọi là sông Trường Giang).
Công trình Tuyến phía Đông: dẫn nước từ hạ lưu sông Dương Tử ở Giang Đô, Dương Châu, tỉnh Giang Tô, sử dụng kênh đào lớn Bắc Kinh – Hàng Châu (Kinh Hàng đại vận hà) và các kênh song song của nó để từng bước đưa nước lên phía Bắc, kết nối với các hồ có tác dụng tích trữ và điều tiết nước là hồ Hồng Trạch, Hồ Lạc Mã, hồ Nam Tư và hồ Đông Bình. Sau khi ra khỏi hồ Đông Bình thì phân thành hai đường dẫn nước, một đường hướng lên phía Bắc, thông qua đường hầm xuyên qua lòng sông Hoàng Hà, chảy qua Sơn Đông, Hà Bắc đến Thiên Tân. Tuyến vận chuyển nước chính dài 1156 km, một đường khác hướng về phía Đông, đi qua Tế Nam chuyển nước đến Yên Đài và Uy Hải, tuyến đường vận chuyển nước này dài 701 km.
Công trình Tuyến Trung tâm: Dẫn nước từ hồ chứa nước Đan Giang Khẩu được xây dựng bằng cách đắp đập ở con sông Hán Giang, một nhánh ở phía bờ Bắc vùng trung du sông Dương Tử, đi qua bốn lưu vực sông lớn là sông Dương Tử, sông Hoài, sông Hoàng Hà và sông Hải Hà, từ đây về cơ bản là có thể tự chảy đến Bắc Kinh và Thiên Tân. Tổng chiều dài của tuyến vận chuyển nước chính là 1267 km. Từ ngày 4 tháng 12 năm 2009, tuyến hạ du của Tuyến Trung tâm dự án Nam thủy Bắc điều xuyên qua đường hầm Hoàng Hà đã bước vào đoạn thi công đào khoét dưới lòng sông sông Hoàng Hà với chiều rộng dòng chảy chính trên mặt sông khoảng 600 mét, điều này cho thấy công trình tuyến giữa xuyên qua sông Hoàng Hà của dự án Nam thủy Bắc điều đã đi vào giai đoạn then chốt. Công trình vượt sông Hoàng Hà là dự án trọng điểm và mang tính kiểm soát đối với kênh chính thuộc tuyến Trung tâm của Dự án Nam thủy Bắc điều xuyên Hoàng Hà. Nhiệm vụ của nó là trung chuyển nước từ bờ Nam Hoàng Hà sang bờ Bắc Hoàng Hà, để cung cấp nước cho các khu vực phía Bắc.
Công trình Tuyến phía Tây: Xây dựng đập và hồ chứa nước trên vùng thượng du sông Thông Thiên, sông nhánh Nhã Lung ở thượng nguồn sông Trường Giang, và thượng nguồn sông Đại Độ, đào đường hầm dẫn nước xuyên qua dãy núi Ba Nhan Khách Lạp – đường phân nước giữa sông Dương Tử và Hoàng Hà. Điều chuyển nước từ Dương Tử dẫn lên vùng thượng du Hoàng Hà, bổ sung nguồn tài nguyên nước bị thiếu ở sông Hoàng Hà.
Kể từ thời hiện đại, môi trường sinh thái ở phía Bắc Trung Quốc ngày càng xấu đi, nhiều nơi đã bắt đầu bị sa mạc hóa, bão cát xảy ra thường xuyên, nước cũng càng ngày càng ít. Cho nên Dự án Nam thủy Bắc điều bắt nguồn từ việc phía Bắc bị thiếu nước, vì thế có người cho rằng phía Nam nhiều nước, phía Bắc ít nước, thì hà cớ gì không điều chuyển một chút nước từ miền Nam lên miền Bắc, giải quyết vấn đề lũ lụt hạn hán ở miền Bắc được?
Chúng tôi cho rằng, loại suy nghĩ này về cơ bản là sai lầm, và những người đưa ra ý kiến như này quả thực là những kẻ vô tri không kiến thức. Mọi người đều biết, muốn giải quyết vấn đề về cơ bản là phải hiểu nguyên nhân nảy sinh vấn đề là gì thì mới tùy bệnh bốc thuốc được. Nếu không phải từ căn bản mà giải quyết vấn đề, chỉ xử lý từ quan điểm kỹ thuật, dùng các phương pháp khoa học kỹ thuật để giải quyết, thì vào thời cổ đại đã bị những kẻ sĩ có đạo đức thóa mạ rồi, vào thời nay cũng sẽ bị những người sáng suốt minh trí bác bỏ. Như chúng tôi đã đề cập trước đây, hai chữ “Đạo Thuật” thì trước tiên là “Đạo”, sau mới đến “Thuật”. Cho nên khi xảy ra vấn đề gì, thì trước tiên phải xem xét từ “Đạo”, giải quyết triệt để vấn đề căn bản, rồi sau mới dùng “Thuật” để xử lý hiện tượng bề mặt, đó mới là “Chính Đạo”.
Mọi người lật một chút các ghi chép từ lịch sử thì có thể biết rõ, vào thời cổ đại, chẳng hạn như triều đại nhà Đường, thậm chí ngay triều đại nhà Thanh sau này, ở phương Bắc, khi đó nơi nơi đều là sơn thủy hữu tình, non xanh nước biếc, môi trường sinh thái vô cùng thuần khiết trong lành. Vậy tại sao bây giờ lại có tình trạng như này, nguyên nhân rốt cuộc là gì?
Chúng tôi tin rằng, Thiên Địa Nhân ba chiều không gian này là có quan hệ mật thiết và hài hòa cân bằng lẫn nhau, giống như ba tầng bề mặt của bánh xe Roulette (2). Theo lý luận cổ đại mà nói thì chính là “Thiên Nhân hợp nhất”, ba không gian này là “nhất thể”, và “nhất thể” này dùng bánh xe Roulette để hình dung thì ba chiều không gian này chính là một thể, cũng tức là ba tầng của bánh xe Roulette. Mà mấu chốt của việc duy trì phối hợp vận hành này chính là trục trung tâm của nó, vòng quay của trục trung tâm bánh xe Roulette chính là “Đạo đức”, lấy một ví dụ, “đạo đức” giống như động lực chuyển động của Roulette, nếu như người người đều cầu đạo trọng đức, thì kết quả tự nhiên sẽ là Thiên Nhân hợp nhất, động lực vận hành của ba chiều không gian dồi dào, triển hiện ra tràn đầy sức sống; nếu như chuẩn mực đạo đức của con người trượt dốc, thì sự phối hợp vận hành của ba chiều không gian giống như một cỗ máy lâu ngày không được bôi trơn, chuyển động khập khiễng lục cục, động lực không đủ.
Cho nên, nguyên nhân căn bản tạo nên hiện tượng phương Bắc thiếu nước như hiện nay, chính là vấn đề đạo đức ngày nay của người dân Trung Quốc. Lấy một ví dụ, mọi người có thể nghĩ một chút, với cơ cấu Đảng chính phủ là tổ chức phục vụ, ban đầu gọi là vì dân phục vụ, nhưng hiện nay xác thực là lũng đoạn độc quyền tài nguyên, chiếm đoạt lợi ích nhân dân, cướp bóc không gian sinh tồn của người dân, mà các viên chức đảng viên đại biểu cho đảng, chính phủ xác thực đều là tham ô hủ bại, người người đều là tranh quyền đoạt lợi. Trong môi trường rất rộng lớn này, chẳng phải mọi đơn vị tổ chức ở Trung Quốc đại lục, giữa người với người đều lục đục đấu đá, ai ai cũng tự tư tự lợi? Đây là điều mà mọi người đều biết đến một cách rộng rãi, người người đều xác nhận, nhưng ai ai cũng không có cách nào để giải quyết nó.
Vậy nên, điều cần làm hiện nay không phải là dùng các biện pháp khoa học kỹ thuật để xử lý hoàn cảnh môi trường tự nhiên, mà là tập trung giải quyết các vấn đề về nhân tâm, về đạo đức. Phương pháp nào có thể khiến nhân tâm hướng thiện, biện pháp nào có thể đề cao tiêu chuẩn đạo đức con người, thì hãy chọn dùng, khuếch trương rộng rãi những phương pháp đó, sau đó mới sử dụng “thuật” (các biện pháp khoa học kỹ thuật cũng có thể quy nạp vào một loại “thuật”), lúc đó hãy xem xem, những chuyển biến nào sẽ diễn ra trên mảnh đất Trung Hoa đại địa?!
Có người sẽ nói, ông nói đạo đức con người trượt dốc dẫn đến miền Bắc thiếu nước, vậy lẽ ra nên là cả phương Bắc và phương Nam đều thiếu nước, nhưng hiện nay phương Nam không hề thiếu nước, vậy là thế nào? Có phải những gì ông nói là sai không? Kỳ thực việc đạo đức suy đồi thì các vấn đề xuất hiện sẽ biểu hiện ra các loại hình thái khác nhau, nếu như miền Bắc biểu hiện thiếu nước hay bão cát sa mạc, thì biểu hiện ở miền Nam lại là hình thức khác, ví như tình trạng ô nhiễm nước, tình trạng đóng băng, v.v., hơn nữa, chiểu theo tốc độ trượt dốc của đạo đức như thế này, theo thời gian, thì miền Nam cũng sẽ có tình trạng thiếu nước như vậy, và sẽ xuất hiện hạn hán.
Từ góc độ địa lý phong thủy mà nói, mảnh đất Trung Hoa với địa thế cao ở Tây Bắc, thấp ở Đông Nam, mạch của thế núi thế nước đều thuận từ Tây hướng về Đông mà đi, thuở sơ khai khi Đại Vũ trị thủy, ông cũng là thuận theo xu thế này, chọn cách khơi thông dòng chảy để cuối cùng giải quyết được họa hại là vấn đề Đại Hồng Thủy của con người thời đó.
Địa lý đại bàn (Nền móng căn bản của Địa lý) đã được xác định, lẽ tự nhiên tất cả các Thần linh ở các chức vị, vị trí cũng đều là an bài xu hướng hình thế chung như vậy. Tự cổ chí kim, điều mà Thần có thể cho con người biết là, mảnh đất Trung Hoa đại địa đâu đâu cũng có Thành Hoàng, núi nào cũng có Sơn thần, Thổ địa. Kỳ thực là rất nhiều nơi đều có Thần ở những tầng thứ cao, cao hơn và cao hơn nữa tồn tại, đều là căn cứ theo Địa lý đại bàn này mà nhận vị trí, hình thành nên một hệ thống khổng lồ. Đổi theo cách nói mà mọi người có thể lý giải được nhưng hình dung không chính xác lắm mà nói, núi hay huyệt vị giống như nhà của các sinh mệnh cao cấp khác nhau, hiện nay bạn lại cưỡng chế giải tỏa bê mất nhà của người khác, bạn nghĩ xem những sinh mệnh cao cấp kia họ sẽ nghĩ gì?
Hiện nay, Nam thủy Bắc điều, từ Nam chí Bắc đều khoét núi đào đất, cắt đứt mạch lạc của Trung Hoa đại địa từ Tây sang Đông, phá hủy hình thế địa lý chung này, thực chất chính là phá hủy đi sự an bài của “Thần”, không phải là thuận theo Trời mà làm nữa, mà là chiến Thiên đấu Địa, kết cục sẽ thế nào, chỉ cần nhìn qua là biết rõ. Những loại dự án như Nam thủy Bắc điều này không chỉ phá hoại tự nhiên mà còn ảnh hưởng đến các không gian cao tầng. Còn một điểm tương đối then chốt chính là nó đã có tác hại cắt đứt nguồn cội của dân tộc Trung Hoa, sẽ khiến toàn bộ dân tộc Trung Hoa bị tuyệt diệt ở thế gian.
Nói rằng Dân tộc Trung Hoa có “Trăm dòng họ”, chẳng hạn như Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương, v.v. Nhưng trong các triều đại Hạ, Thương, Chu cho đến thời kỳ Chiến Quốc, chúng ta biết có rất nhiều tên người rất kỳ lạ, căn bản không phải nằm trong “trăm họ” này, vậy vì sao đời sau lại phát sinh tình huống này?
Từ góc độ địa lý phong thủy mà nói, chúng ta biết có những người tu đạo, vì sự sinh sôi phồn diễn nhân khẩu của dân tộc Trung Hoa, đã phụng Thiên mệnh thiết lập ra “Thế cuộc trăm họ” trên mảnh đất Thần Châu đại địa, thì mới có nguồn gốc “trăm họ” của dân tộc Trung Hoa, mới có hàng trăm dòng họ với các nhân khẩu sinh sôi không ngừng. Trong lịch sử dân tộc Trung Hoa đã từng xảy ra rất nhiều lần thảm họa diệt chủng, nhưng vẫn gìn giữ được cội nguồn, vẫn còn con người để tiếp tục sản sinh, có thể nói là cũng có công lao của “Thế cuộc trăm họ” của phong thủy trong đó.
Trong phong thủy có câu tục ngữ: “Núi quản nhân đinh, Thủy quản tài”. Nhân đinh là thế nào? Chính là con cháu các đời sau. Nếu như mạch núi của các thế hệ con cháu đời sau của dân tộc Trung Hoa sụp đổ, thì mọi người nghĩ xem, sẽ phát sinh những sự việc gì?
Nhưng như hiện nay, Nam thủy Bắc điều đã cắt đứt long mạch Trung Quốc, phá hủy đi “Thế cục trăm họ” của dân tộc Trung Hoa, tiêu diệt tận gốc khả năng tiếp tục sinh sôi nảy nở đời sau của người Trung Quốc… !!! Dân tộc Trung Hoa nếu như cứ tiếp tục như thế, không đi trên chính đạo, nhân tâm thăng hoa, thì cuối cùng sẽ đánh mất nguồn gốc dân tộc, kết cục là sẽ bị diệt vong. Khá hơn một chút thì giống như người Do Thái hay những người Digan vậy, lang thang khắp thế giới, bị người đời ức hiếp, nhưng vẫn sẽ duy trì được một chút đặc điểm bản sắc dân tộc, chờ đợi thời cơ khôi phục dân tộc quốc gia; còn kém may mắn thì, hậu quả có thể là toàn bộ dân tộc Trung Hoa sẽ bị diệt tộc biến mất, chính là giống như rất nhiều dân tộc đã hoàn toàn biến mất trong dòng sông dài lịch sử?! Hiện nay, trên mảnh đất Trung Hoa đại địa xảy ra rất nhiều thiên tai đại nạn, rất nhiều những tai nạn trong đó thì bi thảm nặng nề nhất là cái chết của những trẻ em, thậm chí có những sự việc chính là trực tiếp nhắm thẳng vào trẻ em mà đến, đó chẳng phải là điềm báo trước về việc diệt tận hay sao? Đừng cho rằng đây chỉ là lời nói mang tính nguy hiểm giật gân, cần biết rằng các dấu hiệu cảnh báo trong lịch sử nhân loại đều là từ những triển hiện tinh tế nhỏ bé kia, những dấu hiệu cảnh báo thực sự không thể được con người đương thời nhận ra.
Chúng ta lại nói một chút về dự án Tam Hiệp. Đập Tam Hiệp sông Dương Tử bắt đầu từ phía Tây huyện Phụng Tiết thành phố Trùng Khánh, đến thành phố Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc ở phía Đông, với tổng chiều dài 192 km. Từ Tây sang Đông có ba khu vực thung lũng chính là Cù Đường Hiệp, Vu Hiệp và Tây Lăng Hiệp, vì vậy mà có tên là Tam Hiệp. Các ngọn núi ở hai bờ Tam Hiệp đứng sừng sững song song đối nhau với những vách đá dựng đứng, các đỉnh núi thường cao hơn 1.000 – 1.500 mét so với mặt nước sông. Điểm hẹp nhất chưa đến 100 mét.
Đập lớn Tam Hiệp sau khi xây dựng xong sẽ tạo thành một đập chứa nước khổng lồ dài đến 600 km, là công trình hiếm gặp trên thế giới. Đập Tam Hiệp áp dụng phương pháp trữ nước theo từng giai đoạn. Sau khi đóng cửa đập vào ngày 8 tháng 11 năm 1997, mực nước đã dâng lên 10 đến 75 mét; vào tháng 6 năm 2003, sau khi hoàn thành giai đoạn hai của dự án, mực nước đã tăng lên đến 135 mét và Đền Trương Phi ở Khu thắng cảnh Tam Hiệp bị ngập trong nước; năm 2006, mực nước sông Trường Giang (Dương Tử) tăng lên 156 mét, miếu thờ Khuất Nguyên bị ngập trong nước; sau khi hoàn thành toàn bộ Dự án Tam Hiệp vào năm 2009, mực nước dâng lên 175 mét.
Đây là tình huống trong chiều không gian này của “con người thế gian”, nhưng trong thời không khác, thì không phải là hiện tượng này. Dọc hai bờ Dương Tử có rất nhiều huyệt vị, những sinh mệnh dựa vào đó mà sinh tồn cũng rất nhiều. Nhưng công trình Tam Hiệp đã khiến cho toàn bộ hơn trăm triệu huyệt vị bị ngập, toàn bộ hơn trăm triệu Địa linh thần bị bức bách phải rời bỏ hoàn cảnh cư trú đã rất lâu dài của bản thân, theo cách nói phổ biến hiện nay là bị cưỡng chế giải tỏa (giải phóng mặt bằng), trở thành vô gia cư không chỗ nào về.
Vũ trụ cũng có pháp tắc của mình, chiểu theo quan niệm trong văn hóa cổ đại Trung Quốc, Thiên thượng cũng có luật lệ Thiên quy, không phải là không có báo ứng, chỉ là chưa tới lúc đó mà thôi, và trước khi tới lúc đó thì đang cấp cho con người cơ hội để chủ động sửa sai.
Trận động đất ở Vấn Xuyên năm 2008 và hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nam bắt đầu từ năm 2009, lẽ nào không liên quan gì với việc xây dựng đập Tam Hiệp sao? Con người à, chính là vì đã bị mê nơi thế gian mà không nhìn ra những điều chư Thần đang cảnh báo!
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/126135
Chú thích:
1. Công trình Nam thủy Bắc Điều: hệ thống vận chuyển nước lớn nhất thế giới, đưa nước từ miền Nam lên miền Bắc Trung Quốc xuyên qua lòng sông Hoàng Hà, được thử nghiệm thành công ngày 25/8. Đợt thử nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá quá trình vận hành toàn bộ 155 đơn vị và đưa toàn bộ đại dự án vào hoạt động,
2. Bánh xe Roulette: Tiếng Pháp có nghĩa là “cái bánh xe nhỏ”, sử dụng trong các trò chơi đánh bạc. Cấu trúc như sau: Mặt ngoài của khung phễu (bát) thường được làm hoàn toàn bằng gỗ khối và sơn dầu bóng sáng. Ở trung tâm của khung gỗ này là một trục chính. Trên cùng là một rãnh nhỏ xung quanh. Chính giữa bàn xoay là một đỉnh tháp, tạo nghiêng như một chiếc nón. Một tấm kim loại hình thoi cũng được lắp trên bề mặt của bàn xoay.
Ngày đăng: 10-01-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org