Sùi mào gà gây ra các mô sùi dạng bông cải hoặc mào gà trên bề mặt da, bộ phận sinh dục, niêm mạc miệng và hậu môn của cả đàn ông và phụ nữ… (Wikimedia Commons / Dispolt / CC BY-SA 4.0 DEED)
Sùi mào gà gây ra các mô sùi dạng bông cải hoặc mào gà trên bề mặt da, bộ phận sinh dục, niêm mạc miệng và hậu môn của cả đàn ông và phụ nữ…
Sùi mào gà là gì?
Sùi mào gà là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, còn được gọi là bệnh mồng gà hoặc mụn cóc sinh dục.
Bệnh do Human Papilloma Virus (HPV) gây ra, loại virus này có khoảng 120 chủng, trong đó HPV-16 và HPV-18 là tác nhân dẫn đến 90% trường hợp ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ (50%) hay ung thư âm đạo (65%), theo Vinmec.
Người bệnh (gồm cả đàn ông và phụ nữ) thường có các mô sùi dạng bông cải hoặc mào gà trên bề mặt da, bộ phận sinh dục, niêm mạc miệng và hậu môn.
Sùi mào gà ảnh hưởng đến khoảng 340.000 đến 360.000 người mỗi năm, theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Trong đó tại Việt Nam, các đô thị lớn liên tục chứng kiến sự gia tăng của các trường hợp lây nhiễm mới.
Triệu chứng của bệnh
Bệnh sùi mào gà thường xuất hiện ở nam giới, nữ giới cũng có thể bị nhiễm bệnh qua quan hệ tình dục không an toàn.
Theo Vietnam Vaccine JSC (VNVC), sùi mào gà thường xuất hiện ở:
- Vùng kín: Quanh và trên bộ phận sinh dục như lỗ tiểu, bao quy đầu, dương vật, bên trong và lỗ hậu môn. Bên cạnh đó, vùng da giữa âm đạo và hậu môn hoặc bìu dương vật và hậu môn cũng là một vị trí thường có triệu chứng của bệnh.
- Vùng da quanh bộ phận sinh dục: Các vùng da liền kề như đùi, hông và bụng dưới cũng có thể phát triển các dấu hiệu của bệnh.
- Miệng và cổ họng: Sùi mào gà còn xuất hiện ở miệng, môi, lưỡi, nướu và họng nếu người bệnh từng quan hệ tình dục bằng đường miệng.
Các triệu chứng của sùi mào gà sẽ khác nhau ở đàn ông và phụ nữ, điều này là do kết cấu sinh dục của hai giới khác nhau.
Ở đàn ông, các nốt sùi mềm, màu hồng nhạt sẽ xuất hiện trên cơ quan sinh dục, vùng da xung quanh khu vực bao quy đầu, nếp gấp bẹn… Chúng xuất hiện lẻ tẻ và hơi nhô cao, nhưng không gây ngứa trong giai đoạn đầu.
Khi bệnh bước sang giai đoạn sau, các nốt sùi phát triển thành các mảng giống với mào gà hoặc súp lơ. Nếu ấn mạnh sẽ có thể làm vỡ và chảy dịch ra ngoài. Nốt sùi thậm chí có thể to bằng nắm tay, có máu và bốc mùi.
Trái ngược với nam giới, kết cấu cơ quan sinh dục của nữ giới tương đối phức tạp nên triệu chứng bệnh không rõ ràng. Nguy hiểm hơn, người bệnh thường chỉ phát hiện bệnh khi đã bước sang giai đoạn muộn.
Các nốt sùi màu hồng nhạt, chứa dịch thường xuất hiện sau khoảng 3 tuần (tính từ thời điểm quan hệ với người bị nhiễm HPV). Chúng có thể xuất hiện ở môi lớn, môi bé, âm đạo và tử cung của bệnh nhân.
Sùi mào gà có lây lan khi ăn chung bát đũa hay không?
Theo VnExpress, virus HPV có thể lây truyền qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh, bao gồm nước bọt, dịch âm đạo, tinh dịch, máu…
Do đó, dù chưa quan hệ tình dục, một người vẫn có thể đối mặt với nguy cơ bị sùi mào gà nếu tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh qua đường ăn uống, sử dụng chung bát đũa, cốc uống nước…
Nhật Duy tổng hợp
NTD Việt Nam