Trong vòng năm năm, số ca nhiễm giang mai ở người lớn tại Mỹ đã tăng 78%, trong khi con số này ở trẻ sơ sinh là… GẦN 10 LẦN trong một thập kỷ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ. (Picpedia / Nick Youngson / CC BY-SA 3.0)
Trong vòng năm năm, số ca nhiễm giang mai ở người lớn tại Mỹ đã tăng 78%, trong khi con số này ở trẻ sơ sinh là… GẦN 10 LẦN trong một thập kỷ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ.
Theo báo cáo của CDC công bố vào ngày 30 tháng 1 năm 2024, trong năm 2022, có 2,5 triệu trường hợp mắc 3 bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, bao gồm giang mai, chlamydia và lậu.
Chỉ tính riêng chlamydia đã chiếm 1.649.716 ca.
Báo cáo cho biết: “Những mối lo ngại báo động nhất xoay quanh sự bùng phát bệnh giang mai và giang mai bẩm sinh”.
Mặc dù trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022, các trường hợp nhiễm chlamydia đã giảm và tình hình bệnh lậu chỉ tăng 1/10, nhưng số bệnh nhân giang mai đã tăng 78,9% lên 203.500 ca.
CDC cho biết: “Năm 2022, khoảng một nửa (49,8%) trong số các trường hợp được báo cáo về bệnh chlamydia, lậu và giang mai (tất cả các giai đoạn) đều xảy ra ở thanh thiếu niên và thanh niên trong độ tuổi từ 15-24”.
“Ngoài ra, nam giới quan hệ đồng tính bị ảnh hưởng nhiều bởi các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm bệnh lậu và bệnh giang mai sơ cấp và thứ phát, đồng thời tình trạng nhiễm HIV cùng lúc cũng khá phổ biến. Vào năm 2022, 36,4% nam giới có quan hệ đồng tính mắc bệnh giang mai sơ cấp và thứ phát cũng được chẩn đoán nhiễm HIV”.
Giang mai bẩm sinh, xảy ra khi người mẹ mắc giang mai truyền bệnh cho con trong quá trình mang thai, đã tăng hơn 183% trong giai đoạn năm năm.
Báo cáo cho biết: “Hơn 3.700 trường hợp giang mai bẩm sinh được báo cáo vào năm 2022, phản ánh mức tăng đáng báo động 937% trong thập kỷ qua”.
Laura Bachmann, quyền Giám đốc phân nhánh phòng chống bệnh lây qua đường tình dục của CDC, cho biết cần “hành động nhanh chóng” để kìm hãm sự bùng phát của “dịch bệnh giang mai”.
Giang mai có bốn giai đoạn: sơ cấp, thứ phát, tiềm ẩn và giai đoạn thứ ba cuối cùng.
Theo CDC, giai đoạn sơ cấp và thứ phát, là những giai đoạn lây nhiễm mạnh nhất của bệnh, đã tăng 10% chỉ trong năm 2022. Kể từ năm 2018, các trường hợp này đã tăng 68%.
Bà Bachmann cho biết sự gia tăng ổn định của giang mai giai đoạn sơ cấp và thứ phát ở phụ nữ “châm ngòi cho dịch bệnh giang mai bẩm sinh, đe dọa sức khỏe của trẻ sơ sinh”, đồng thời lưu ý rằng các trường hợp giang mai bẩm sinh đã tăng 31% trong năm 2022 so với năm 2021.
“Gần như mọi bang tại Hoa Kỳ đều báo cáo có ít nhất một trường hợp giang mai bẩm sinh. Một số bang cảm nhận tác động nhiều hơn những bang khác; chẳng hạn như Texas, California, Arizona, Florida và Louisiana chiếm 57%. Thật bi kịch, những trường hợp này đã dẫn đến 282 trẻ sinh non và tử vong ở trẻ sơ sinh vào năm 2022”, bà nói.
Người da đen chiếm khoảng 30% số trường hợp giang mai bẩm sinh vào năm 2022. Người Mỹ bản địa hoặc Alaska có tỷ lệ giang mai bẩm sinh cao nhất với một trường hợp trên 155 ca sinh nở.
Bà Bachmann cho biết tỷ lệ mắc bệnh lây qua đường tình dục ở Hoa Kỳ đã đến “điểm bùng phát”. Mặc dù những bệnh nhiễm trùng này phổ biến, nhưng “trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta chưa từng phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng như vậy của bệnh giang mai”.
Bệnh giang mai là gì?
Những người quan hệ tình dục nhưng không sử dụng bao cao su có nguy cơ mắc bệnh giang mai.
Trong giai đoạn đầu, người bị nhiễm giang mai có thể có vết loét trên cơ thể, thường ở xung quanh dương vật, trực tràng, âm đạo, hậu môn, môi hoặc miệng.
Vì vết loét thường không đau nên mọi người thường không nhận thấy bất thường gì. Các vết loét thường kéo dài khoảng ba đến sáu tuần sau đó tự lành cho dù người đó có được điều trị hay không.
Tuy nhiên, ngay cả khi vết loét tự biến mất, CDC vẫn khuyến cáo những người bị nhiễm bệnh nên được điều trị vì điều này sẽ “ngăn chặn nhiễm trùng chuyển sang giai đoạn thứ phát”.
Ở giai đoạn thứ phát, có thể xuất hiện các nốt phát ban trên da. Các triệu chứng bổ sung trong giai đoạn này bao gồm sốt, đau đầu, sụt cân, đau họng, đau cơ, rụng tóc từng mảng, mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết.
Trong giai đoạn tiềm ẩn, không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào. Nhiễm trùng có thể kéo dài nhiều năm.
Giai đoạn thứ ba cuối cùng thường xảy ra 10-30 năm sau khi nhiễm bệnh. Hầu hết mọi người không đến giai đoạn này.
Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn này, nó sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến các hệ thống cơ quan khác nhau như não, hệ thần kinh, tim và mạch máu. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong.
“Bệnh giang mai có thể chữa khỏi bằng kháng sinh phù hợp từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, điều trị có thể không khắc phục được bất kỳ tổn thương nào do nhiễm trùng gây ra”.
Nếu trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng bởi giang mai bẩm sinh trong thời kỳ mang thai, nó có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non, nhẹ cân hoặc tử vong ngay sau khi sinh.
Trong trường hợp trẻ sơ sinh sống sót, chúng có thể bị biến dạng xương, gan và lá lách sưng to, phát ban trên da, thiếu máu nặng, vàng da, viêm màng não, cùng các vấn đề về não và thần kinh.
“Trẻ sơ sinh mắc giang mai bẩm sinh cần được điều trị ngay lập tức – nếu không, chúng có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng”.
CDC khuyên tất cả phụ nữ mang thai nên xét nghiệm giang mai trong lần khám thai tiền sản đầu tiên.
Theo Naveen Athrappully – The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch
NTD Việt Nam