Nhìn hai cảnh sát vũ trang này, tôi thực sự cảm thấy thương tâm. Họ được giáo dục thành ra thứ gì đây? Trong đầu toàn là những suy nghĩ lệch lạc! Đầu não càng giản đơn thì càng dễ bị tuyên truyền tẩy não, càng dễ bị biến thành khẩu súng tay sai…
Anh Hàn dẫn mọi người vào khu vực thông gió để hút thuốc, còn lại Tiểu Vũ Tử ngồi dựa vào vách ngăn, vẻ mặt vô cùng bất mãn. Hôm qua, chỉ vì chuyện chọc ghẹo người “dì” đẩy xe cơm mà cậu ta bị “sao quả tạ” chiếu mệnh: Đã bị đánh đòn lại còn bị khấu trừ bánh bao, sau đó bị giáng cấp và bị cắt phần thuốc lá. Hôm nay trong phòng còn thừa nhiều bánh bao như thế, vậy mà mọi người lại không cho cậu ta cái bánh nào, mọi quyền lợi đều hoàn toàn cắt đứt, đến chiều lại còn bị khởi tố, thật đúng là “họa vô đơn chí” mà.
Tôi nhích đến gần hỏi: “Ngày mai cậu ra tòa rồi à?”
“Vâng”.
“Nặng không?”
“Tôi vô tội!”
“Thế sao lại vào đây?”
Tiểu Vũ Tử lấy lại tinh thần, nói với tôi thao thao bất tuyệt. Cậu ấy kể đông kể tây, nói chỗ này một chút, kể chỗ kia một chút. Tôi vừa nghe vừa hỏi, mãi mới hiểu được đầu đuôi ngọn nguồn.
Thì ra, trước kia Tiểu Vũ Tử giữ chức phó đội trưởng đội bảo an ở đồn cảnh sát Mã Liên Oa, quận Hải Điến (Bắc Kinh). Một chiến hữu của cậu ta làm đội trưởng đội bảo an ở đồn cảnh sát Thanh Hà. Bảo an chính là tay sai của cảnh sát, thường theo chân cảnh sát đi các nơi để kiểm tra ba loại giấy chứng minh: giấy tạm trú, giấy lao động, chứng minh thư. Đó là các loại giấy tờ mà người dân tỉnh lẻ cần phải có nếu muốn lưu trú ở Bắc Kinh. Cảnh sát chuyên đi kiểm tra nhóm người lao động và nông dân, nếu thiếu một trong ba chứng từ thì hai giấy tờ còn lại sẽ bị xé ngay tại chỗ. Sau đó họ sẽ bị đưa đến trại tập trung, làm bưng bê bốc vác trong khoảng một tháng, sau đó mới được thả cho về quê.
Đương nhiên, nếu họ đút cho cảnh sát “hai ba trăm” thì cảnh sát không chỉ thả cho họ đi mà còn dạy họ cách tránh khỏi các tổ kiểm tra khác. Cảnh sát chỉ dựa vào việc kiểm tra giấy tờ này mà kiếm được bộn tiền.
Trong ba loại giấy kể trên, loại khó làm nhất là giấy tạm trú, bởi loại này thuộc thẩm quyền của đồn cảnh sát. Nếu ai cũng có giấy tờ thì cảnh sát không kiếm được tiền. Vì thế, thông thường cảnh sát đều từ chối cấp giấy tạm trú, dẫn tới việc mọi người đều đổ xô đi làm giấy tờ giả, vì dù sao cảnh sát cũng không thể phát hiện được.
Điều người lao động và nông dân sợ nhất là bị kiểm tra giấy tờ. Có lúc việc kiểm tra được tiến hành trên đường – nói trắng ra thì là “chặn đường cướp bóc”. Có lúc cảnh sát vào thôn làng kiểm tra – chính là “đột nhập vào nhà cướp bóc”. Xe cảnh sát ập vào trong thôn chẳng khác nào “quỷ sứ vào làng”. Người lao động hễ nhìn thấy xe cảnh sát thì liền hô hoán, ai cũng tìm cách tháo chạy. Theo lời Tiểu Vũ Tử nói thì cảnh tượng lúc ấy “rất là uy phong!”.
Việc kiểm tra giấy tờ đều do đội bảo an đi trước mở đường, sau đó cảnh sát tha hồ kiếm tiền đút túi riêng, hào phóng lắm cũng chỉ mời đội bảo an nhậu một bữa. Như thế đội bảo an sao không bất bình cho được? Sau nhiều lần đi đi lại lại, mọi thứ đều đã nghe quen tai nhìn quen mắt, vị chiến hữu kia của Tiểu Vũ Tử liền động lòng tham, cũng muốn “hốt một mẻ ra trò”. Thế là anh ta nhằm ngày nghỉ cuối tuần, dẫn theo mấy nhân viên bảo an khác mạo danh cảnh sát để đi kiểm tra giấy tờ.
Anh ta không dám dùng dụng cụ cảnh sát của đồn mình, nên mỗi lần như thế đều đến mượn Tiểu Vũ Tử, nói dối là bên đồn đang thiếu dụng cụ huấn luyện. Tiểu Vũ Tử không biết sự thực là gì, người ta có lời thì mình đáp ứng thôi. Anh bạn chiến hữu kia liền dẫn nhân viên bảo an đi khắp nơi dọa nạt bắt bớ, thông thường đều chọn những nơi xa để kiểm tra giấy tờ, thu được một mẻ rồi lại chuyển sang nơi khác. Sau này xảy ra chuyện, Tiểu Vũ Tử vẫn không hề hay biết, bèn đi đòi lại dụng cụ, kết quả là tự mình chui đầu vào rọ.
Tôi hỏi: “Nói như vậy thì cậu thật sự vô tội?”
“Đúng vậy, nhưng anh Hàn bảo rằng chuyện này chính là trừng phạt tôi vậy”.
“Luật sư có bào chữa cho cậu vô tội không?”
“Tôi nào mời được luật sư chứ?”
“Thế thì cậu phải cẩn thận. Công an, kiểm sát và tòa án càng không nói đạo lý với người nghèo. Chẳng phải cậu đã thấy trường hợp của Cư Sĩ đó sao?”
“Phán án nặng cũng không phải việc xấu, như thế xã hội trị an còn có thể tốt hơn một chút”.
Câu nói này của Tiểu Vũ Tử khiến tôi giật nảy mình. Tính Bệnh ở bên cạnh cũng nói thêm vào: “Trọng hình có đạo lý của trọng hình”.
Hai vị “cảnh sát vũ trang” này sao lại vô cảm đến vậy? Tôi biết hiện nay cảnh sát vũ trang là công cụ duy trì trật tự trong nước, hay nói cách khác, họ là công cụ để trấn áp những oán hận trong lòng dân. Lẽ nào Đảng chuyên bồi dưỡng những cảnh sát vô cảm như thế để đối phó với dân thường sao?
Tôi có thiện ý muốn thức tỉnh họ, tôi bèn nói: “Cậu hãy cẩn thận một chút, hình phạt ở Trung Quốc là nặng nhất thế giới đó”.
Tiểu Vũ Tử không đoái hoài tới lời tôi. “Thôi đừng nói nữa, anh người Mỹ, hình phạt của Mỹ mới là nặng nhất thế giới”.
“Hả?”
“Hồi còn ở bộ đội chúng tôi đều đã thảo luận về chuyện này rồi. Ở Trung Quốc mà bị bắt thì tối đa cũng chỉ ngồi tù 20 năm, bình thường án tử hình sau khi đã được giảm án thì cũng chỉ tối đa 20 năm tù. Còn nước Mỹ thì động một tí là phán người ta 100 năm! Lại còn có tù chung thân nữa. Anh nói xem, cái nào nặng hơn?”
Tôi bực mình, sao cậu ta lại vô tri đến như vậy? Thảo luận tới thảo luận lui, cậu ta vẫn cứ khăng khăng kết luận ấy. Ánh mắt của vị cảnh sát vũ trang đang ngồi bên cạnh cũng giống như Tiểu Vũ Tử vậy, nhìn tôi với vẻ đầy chế nhạo.
Tôi nghĩ mình nhất định phải giải thích rõ cho họ. Tôi nói: “Cậu có biết nước Mỹ có bao nhiêu án tử hình không? Ở bang chúng tôi, 50 năm mới có một vụ. Còn ở Trung Quốc thì mỗi năm có ít nhất 3000 vụ án tử hình. Mà đây mới chỉ là con số thống kê từ tin tức báo cáo, còn con số thực sự bao nhiêu lại là điều tuyệt mật quốc gia, là bí mật của bí mật, cậu có biết không? 3000 vụ này chiếm đến 90% án tử hình của thế giới, cậu nói xem ở đâu mới nặng?”
Tiểu Vũ Tử vẫn cố chấp: “Trung Quốc nhiều người như thế, không phán tử hình thì có được không? Điều tôi nói là án tù, so với Trung Quốc thì ở Mỹ nặng hơn!”
Người dân Trung Quốc bị bưng bít thông tin nên mới dễ dàng bị Đảng làm cho mù quáng, thật giống như tôi trước khi ra nước ngoài vậy.
Tôi giải thích: “Án tù sao? Ở nước Mỹ, phán 1-2 năm tù đã là rất nặng rồi, còn lại đều là phán thời hạn ngắn là để trừng phạt, cho người ta cơ hội thay đổi. Nào có giống như ở Trung Quốc, động một tí là 5 năm, 10 năm! Cậu xem, ở Mỹ trường hợp bị phán án chung thân hoặc hơn 100 năm tù đều là cực kỳ ít. Theo như các cậu nói thì những bản án ấy đều là tội ác tày trời, nếu ở Trung Quốc là sẽ bị xử bắn. Trung Quốc chuyên đưa tin những vụ án này, khiến các cậu tưởng rằng tòa án Mỹ đều phán nặng như thế. Các cậu biết không, ở Mỹ còn có thể được tổng thống và thống đốc ân xá nữa. Các triều đại trong lịch sử Trung Quốc đều có hoàng đế ban lệnh đại xá thiên hạ. Còn ĐCSTQ của chúng ta thì sao? Chỉ biết trấn áp dân lành!”
Tính Bệnh cả nửa ngày mới nói một câu: “Nhưng từ đại cục mà suy xét thì không bắt cũng không được, nếu đều thả ra ngoài, vậy xã hội chẳng phải loạn rồi sao?”
“Cậu nghĩ gì vậy? Bắt thêm người lại tạo thêm án oan, có lý nào như thế? Chỉ để duy hộ ổn định sao?”
Tiểu Vũ Tử tranh luận: “Nước Mỹ có gì tốt chứ? Xã hội ấy chỉ ưu ái người giàu, người giàu phạm tội rồi, chỉ cần bỏ ra chút tiền liền có thể được bảo lãnh ra ngoài, còn người nghèo thì cứ phải ngồi tù”.
Nhìn hai cảnh sát vũ trang này, tôi thực sự cảm thấy thương tâm. Họ được giáo dục thành ra thứ gì đây? Trong đầu toàn là những suy nghĩ lệch lạc! Đầu não càng giản đơn thì càng dễ bị tuyên truyền tẩy não, càng dễ bị biến thành khẩu súng tay sai. Tôi thực không muốn để ý đến họ nữa, nhưng nghĩ lại, biết đâu đây lại là tư liệu mà Bình Bình cần đến. Tôi liền giải thích thấu đáo cho họ, xem xem họ còn nói ra những lời như thế nào.
Tôi nói: “Trong xã hội tự do, người nghèo phạm tội cũng có thể được bảo lãnh ra ngoài như thế. Khi nghi phạm chưa bị kết án, ai bắt họ ngồi tù thì người ấy phạm pháp, nào giống như Trung Quốc hiện nay? Thế họ đã định tội các cậu chưa?”
“Vẫn chưa”, hai người cùng đồng thanh nói.
“Vậy mà các cậu lại phải ngồi tù!”
“Thì họ coi tôi là nghi phạm mà.”
“Nếu họ kết án cậu thì kỳ hạn thi hành bắt đầu từ ngày nào?”
“Từ ngày bắt tôi”.
“Vẫn chưa định tội, mới chỉ nghi ngờ có tội mà vẫn bắt cậu vào tù? Trước tiên bắt cậu ngồi tù, sau đó mới tìm tội danh cho cậu, phải không? Đây chẳng phải là chuyện nực cười sao? Còn ở Mỹ, trừ phi chứng cứ vô cùng rõ ràng, tội chứng rành rành, chắc chắn có thể kết án thì họ mới dám bắt người vào tù. Còn nếu đã bắt người thì lập tức luật sư sẽ đến bảo lãnh cho họ tại ngoại”.
“Chẳng phải tòa cũng cần phải tuyên án sao?” Tiểu Vũ Tử vẫn cố phản bác.
“Sự khác biệt lớn nhất giữa pháp luật Trung Quốc và pháp luật phương Tây là ở đây. Ở Tây phương, phán quyết có tội hay vô tội không hoàn toàn do tòa án quyết định”.
“Hả?”, hai cảnh sát vũ trang trố mắt nhìn tôi, ánh mắt kinh ngạc quá đỗi.
“Về việc phán ai có tội hay vô tội, ở Trung Quốc là do quan chức quyết định, quan nào to thì nghe người ấy. Còn ở phương Tây, có tội hay vô tội là do người dân quyết định. Nói chính xác thì là Bồi thẩm đoàn có tiếng nói quyết định. Bồi thẩm đoàn là dân chúng luân phiên đứng ra làm, thành viên được lựa chọn ngẫu nhiên, nếu dân chúng cho rằng thành viên nào đó không thích hợp thì sẽ đổi người. Một bên Viện kiểm sát tố cáo bị can, đưa ra chứng cứ có tội, còn một bên luật sư bào chữa cho bị can, đưa ra bằng chứng vô tội. Bồi thẩm đoàn thay mặt dân chúng tiến hành biểu quyết, nếu họ cho rằng bị can vô tội thì sẽ yêu cầu tòa án phải thả người, còn nếu cho rằng bị can có tội thì tòa án mới có quyền tuyên án. Nào giống như ở Trung Quốc, ví dụ vụ án của Cư Sĩ, luật sư có lý luận sắc bén bác bỏ Kiểm sát viên, khiến họ cứng họng không nói được gì, nhưng kết quả tòa vẫn phán hai chị em mỗi người 5 năm tù. Thế chẳng phải là phá bỏ điều khoản để trả tư thù đó sao?”
Tính Bệnh hỏi: “Bồi thẩm đoàn đều là dân thường á? Tôi còn tưởng rằng đều là quý tộc cơ chứ!”
Tôi cười: “Tôi còn suýt chút nữa phải vào Bồi thẩm đoàn rồi đó”.
“Cái gì cơ?”
Tôi nói: “Đó là nghĩa vụ pháp luật của công dân Mỹ. Họ rút thăm, rút đến ai thì người ấy phải vào Bồi thẩm đoàn, nếu không có lý do chính đáng mà thoái thác thì là tội “coi thường tòa án”. Tôi vừa nhập tịch vào Mỹ chưa được mấy ngày liền bị rút thăm trúng, tôi lấy lý do là tiếng Anh của tôi chưa tốt lắm, nghe không hiểu, nên đã từ chối”.
“Thế sao anh không vào?”
“Vì không muốn làm lỡ mất việc kinh doanh, mất một giờ là mất bao nhiêu tiền của tôi rồi!”
Tính Bệnh dường như có phần hiểu ra, liền nói: “Nói như thế, nước Mỹ không phải là xã hội giai cấp tư bản à?”
“Ở đó đại đa số người dân đều sung túc, chính là điều mà các cậu nói là giai cấp tư sản, còn ở Mỹ họ gọi là tầng lớp trung lưu. Họ đều có xe, có nhà, trong mắt người Trung Quốc thì nhà ấy là biệt thự! Nhưng mà pháp luật châu Âu và châu Mỹ rất công bằng, đều nói đạo lý, hơn nữa còn chăm lo cho những người yếu thế trong dân chúng, và dĩ nhiên tất cả mọi người đều tán thành điều này”.
Tiểu Vũ Tử vẫn cố phản bác: “Anh cứ nói tốt cho nước Mỹ, nhưng theo tôi thấy thì chưa hẳn là thế. Khác biệt giàu nghèo lớn như thế cơ mà.”
“Gì chứ? Nước Mỹ khoảng cách giàu nghèo lớn, hay là Trung Quốc khoảng cách giàu nghèo lớn đây?”
Tính Bệnh góp lời: “Đương nhiên là nước Mỹ rồi! Lãnh đạo của chúng tôi đều nói với chúng tôi rằng, khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ là lớn nhất trên thế giới. Anh xem Bill Gates, ông ấy có bao nhiêu tiền như thế, trong khi người nghèo vẫn còn phải xin ăn vào ngày Giáng sinh.”
Tôi thực sự không biết nên cười hay nên khóc, những người lính ngây thơ vô tội như thế đều đã bị ĐCSTQ biến thành hồ đồ mất rồi. Tôi không nhẫn được liền hỏi: “Hai cậu có cùng đơn vị không?”
Tiểu Vũ Tử nói: “Tôi ở Bắc Kinh, còn cậu ấy ở Thiên Tân”.
Xem ra tư tưởng chỉ đạo của hệ thống cảnh sát vũ trang đều như nhau, đều là ‘ngu hóa’ người lính.
Tôi giải thích: “Xem khoảng cách giàu nghèo sao lại lấy cá nhân ra mà so sánh? Nước Mỹ là xã hội tầng lớp trung lưu, đại bộ phận mọi người đều giàu có, còn số những người siêu giàu hay siêu nghèo thì cực kỳ ít. Trung Quốc có 1% dân số là người giàu, chiếm đến 90% tổng tài sản tư nhân toàn quốc, còn người nghèo thì chiếm đại đa số. Muốn biết khoảng cách giàu nghèo thì phải xét trên toàn thể xã hội, theo Hệ số Gini thì khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đã vượt quá mức báo động quốc tế rồi”.
Hai người không nói được gì. Tôi lại tiếp tục: “Các cậu đã thấy những công nhân nông dân đó chưa, họ thật là nghèo khổ biết bao. Các cậu đã thấy quan chức Trung Quốc chưa, họ còn xa hoa hơn cả người giàu nhất thế giới. Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ở Trung Quốc là lớn nhất thế giới”.
“Trung Quốc có gì lớn nhất thế?” Anh Hàn hỏi, không biết anh ấy ra khỏi vòng thông gió từ khi nào.
Tôi đáp: “Trung Quốc có 13 thứ đứng đầu thế giới, nhưng giờ tôi chỉ nhớ được mấy thứ này: Tội danh tử hình đứng thứ nhất thế giới, hình như có khoảng 70 điều khoản về tội tử hình. Số người bị tử hình đứng thứ nhất thế giới. Không khí ô nhiễm đứng thứ nhất thế giới. Chi phí hành chính, chính là phí tổn cho công tác đảng và công tác chính phủ, cũng đứng nhất thế giới. Tỷ lệ gánh nặng thuế cũng đứng thứ nhất thế giới. Số người mù chữ và gần mù chữ đứng thứ nhất thế giới. Chi phí đại học so với tỷ lệ thu nhập tương đối đứng thứ nhất thế giới. Số kỹ nữ đứng thứ nhất thế giới. Ngoài ra số người tự sát cũng đứng thứ nhất thế giới nữa”.
Anh Hàn hỏi: “Những người tự sát đều là nông dân và người thất nghiệp, phải không?”
Tôi nói: “Chính thế, bởi vì họ là quần thể người yếu thế. Ở Trung Quốc, mỗi năm có hơn hai triệu người tự sát, số người tự sát thành công là 250.000 người”.
Tiểu Vũ Tử lẩm bẩm: “Chỉ biết nói xấu về ĐCSTQ!”
Tiểu Tứ Xuyên nói: “Hai triệu người tự sát ấy đều do ĐCSTQ giáo dục mà ra. Tiểu Vũ Tử, chẳng phải cậu đã nói rằng chúng ta đều là do ĐCSTQ giáo dục mà ra sao?”
Anh Hàn nói: “Tiểu Vũ Tử này cũng giống như Cư Sĩ vậy, Đảng đã ‘bán’ cậu ta rồi, mà cậu ta vẫn còn giúp Đảng ‘đếm tiền’ nữa.”
Anh Trần đến nói: “Nói ‘đếm tiền’ thì vẫn là chưa đủ, Tiểu Vũ Tử còn ca ngợi Đảng nữa. Đảng chỉnh đốn cha cậu ấy đến chết rồi mà cậu ấy vẫn còn tung hô: ‘Chỉnh đốn hay lắm!’ ‘Đồ phản cách mạng!’”
Tiểu Tứ Xuyên nói: “Có lẽ cũng giống như Cư Sĩ, càng tin Đảng thì lại càng bị phán tội nặng”.
Tiểu Vũ Tử bực mình: “Người đồng án với tôi trong vụ này là cán bộ trong ngành cảnh sát vũ trang, gia đình rất giàu có, lại rất có quan hệ. Tôi vô tội, nặng gì mà nặng chứ?”
Anh Trần nói: “Chú mày không ‘nặng’ tội, mà là ‘nhẹ’ tiền! Chú mày rẻ mạt lắm! Anh Lan đại tiện ném tàn thuốc vào cầu tiêu, xối nước cũng không xối đi được, thế mà chú mày còn nhặt lên được. Thật là đồ rẻ tiền!”
Chuyện riêng tư của Tiểu Vũ Tử đã bị anh Trần tiết lộ, cậu ta đỏ bừng mặt lẩm bẩm: “Dù sao tôi cũng không nặng tội mà…”
(Còn tiếp)
Theo Diệp Quang – Epoch Times
(Đăng lại từ Broad Press Inc)
Minh Tâm biên dịch
NTD Việt Nam