Lầu Năm Góc xác nhận trong một cuộc họp báo rằng Nga gần đây đã phóng một vũ khí không gian bí ẩn lên cùng quỹ đạo với một vệ tinh của chính phủ Mỹ. (Ảnh: Wikimedia)
Cuộc chạy đua vũ trang trong không gian tiếp tục nóng lên khi chính phủ Mỹ cáo buộc Nga phóng một vũ khí có khả năng tấn công các vệ tinh khác lên quỹ đạo. Ngày 21/5, Lầu Năm Góc xác nhận trong một cuộc họp báo rằng Nga gần đây đã phóng một vũ khí không gian bí ẩn lên cùng quỹ đạo với một vệ tinh của chính phủ Mỹ.
Thiếu tướng Pat Ryder tiết lộ thông tin nói trên sau khi Đại sứ Mỹ Robert Wood đưa ra cáo buộc ban đầu tại Liên Hợp Quốc hôm 20/5.
Ngày 16/5, Nga đã triển khai tên lửa Soyuz-2.1b từ bãi phóng Plesetsk ở miền bắc nước này. Sau đó, Soyuz-2.1b đã được đưa lên quỹ đạo Trái đất thấp gần như cùng quỹ đạo với vệ tinh trinh sát của Mỹ. Đánh giá về tên lửa cho thấy nó có các đặc điểm giống với vũ khí không gian được triển khai trước đây từ năm 2019 và 2022.
Tuyên bố cũng được đưa ra sau khi Mỹ và Nga soạn thảo các nghị quyết đối lập trong nỗ lực cấm vũ khí không gian. Trong khi Mỹ và Nhật Bản chỉ rõ các vũ khí hủy diệt hàng loạt, thì dự thảo của Nga đã thảo luận về tất cả các loại vũ khí.
Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án hành động này của Nga cho dù không thông qua bất kỳ biện pháp nào chống lại nó. Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Vassily Nebenzia, bác bỏ cáo buộc rằng quốc gia của ông đang cố gắng đánh lừa thế giới.
Các thành viên hội đồng lưu ý rằng mọi quốc gia đều muốn loại bỏ các vũ khí khỏi không gian. Ông Ryder cũng nói rằng Mỹ vẫn cảnh giác với những gì dường như là nỗ lực của Điện Kremlin nhằm vũ khí hóa không gian.
Vào tháng 2, các nhà lập pháp Mỹ lần đầu tiên đưa ra cảnh báo rằng Nga đang tạo ra một hệ thống chống vệ tinh hạt nhân, còn được gọi là vũ khí xung điện từ (EMP) hạt nhân. Các vệ tinh hiện tại không được thiết kế để chịu được bức xạ từ một vụ nổ hạt nhân. Một số có thể bị phá hủy bởi vụ nổ loại này, và điều này có thể có tác động nghiêm trọng đến khả năng của Mỹ và các quốc gia khác trong không gian.
Sự nguy hiểm của vũ khí xung điện từ hạt nhân
Xung điện từ hạt nhân (EMP) đề cập đến một đợt bức xạ điện từ được hình thành bởi một vụ nổ hạt nhân, mà tạo ra điện trường và từ trường thay đổi nhanh chóng. Điều này có thể tạo ra dòng điện và điện áp làm hỏng thiết bị.
Bom điện từ và các vụ nổ hạt nhân ở độ cao lớn có thể tạo ra EMP với khả năng phá hủy hoặc làm hỏng các thiết bị điện tử trên diện rộng. Hệ thống điện cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng từ các đợt sóng lan truyền từ các loại vũ khí này.
Bản thân EMP không có tính phóng xạ vì nó chỉ là một xung năng lượng đến từ tác dụng phụ của vụ nổ hạt nhân. Do đó, tuy nó không có tác dụng đối với các sinh vật sống, nhưng nó có thể vô hiệu hóa tạm thời hoặc vĩnh viễn các thiết bị điện tử trên Trái đất.
Khi một vũ khí EMP được “kích nổ”, nó có thể tạo ra một xung năng lượng dẫn đến một trường điện từ mạnh mẽ có khả năng gây đoản mạch trên máy tính, radio, vệ tinh, máy thu radar và đèn giao thông dân sự. Bởi vì EMP di chuyển với tốc độ ánh sáng, cho nên tất cả các thiết bị điện tử dễ bị tổn thương trong vùng kích nổ có thể bị ảnh hưởng cùng một lúc.
Ngoài ra, EMP cũng có thể tác động đến các thiết bị khác như ăng-ten lớn, dây cáp, hàng rào kim loại, đường ray xe lửa, đường ống và dây điện trong các tòa nhà. Mặc dù các vật liệu ngầm dưới lòng đất được bảo vệ một phần, chúng vẫn có thể thu và truyền năng lượng EMP cho các cơ sở lớn hơn.
Theo Sciencetimes
NTD Việt Nam