Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những tác động đáng lo ngại đến sự phát triển trước sinh ngay cả với việc tiêu thụ rượu ở mức độ thấp đến trung bình trong thời kỳ mang thai.
Từ lâu, các bác sĩ và nhà nghiên cứu đã biết rằng, uống nhiều rượu, uống say trong thai kỳ, thật sự là độc hại, nhưng chưa xác định được ngưỡng tối đa, để có thể uống rượu, mà vẫn được coi là an toàn. Một nghiên cứu gần đây đã hạ thấp ngưỡng này. Họ phát hiện thấy các tác động tiêu cực của cồn đối với thai nhi ở ngưỡng thấp hơn so với những gì đã được chứng minh trước đây.
Các tổ chức y tế lớn ở Hoa Kỳ, bao gồm Hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, Hội Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), đều khuyến cáo phụ nữ cần hoàn toàn tránh uống rượu trong mọi giai đoạn của thai kỳ.
Theo CDC, khuyến nghị tránh uống rượu khi mang thai chủ yếu đến từ mối liên quan giữa uống nhiều rượu và Rối loạn Phổ thai nhi do rượu – một dạng rối loạn phát triển phổ rộng về thể chất, hành vi, trí tuệ hoặc hỗn hợp. AAP cũng chỉ ra rằng phơi nhiễm với cồn trước sinh là nguyên nhân chính của các khiếm khuyết về học tập ở trẻ em. Những tác động tiêu cực này có thể tới mức nghiêm trọng và kéo dài suốt đời.
Vì chưa xác định rõ, cụ thể lượng rượu uống vào bao nhiêu là “an toàn” trong thời kỳ mang thai, nên ngành y tế đã chọn phương án thận trọng, “thà an toàn còn hơn là hối tiếc”. Bác sĩ chuyên ngành cai nghiện, Paul Daidone, trao đổi với The Epoch Times: “Cân nhắc đến các rủi ro tiềm ẩn, và trong khi không có mức tiêu thụ cồn nào được biết chắc là an toàn tuyệt đối, thì tốt hơn hết là không uống rượu tại bất kỳ thời điểm nào trong suốt thai kỳ, để mang lại cho con bạn cơ hội tốt nhất trong cuộc sống”.
Tuy nhiên, khi nói đến những tổn hại do uống rượu ở mức độ nhẹ hoặc vừa phải trong thai kỳ, các nghiên cứu trở nên thưa thớt hơn và bằng chứng về các tác động bất lợi cũng khó xác định hơn, bác sĩ Robyn Horsager-Boehrer đã viết trong blog y tế của UT Southwestern Medical Center.
Một nghiên cứu của Đan Mạch năm 2012, đã khảo sát 1.533 đứa trẻ 5 tuổi có các bà mẹ có thể cung cấp dữ liệu về việc họ uống rượu trong thời kỳ mang thai. Lượng rượu tiêu thụ được phân loại thành các mức 0, 1-4, 5-8 và 9 ly rượu hoặc nhiều hơn trong mỗi tuần. Kỹ năng viết tay (graphomotor skills), là kỹ năng giúp kiểm soát vận động tinh tế và nhận thức cần thiết cho việc viết tay của trẻ, được đo bằng “Bài kiểm tra Khả năng trí tuệ Vẽ-một-Người dành cho Trẻ em, Thanh thiếu niên và Người lớn (DAP)”. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng “Nghiên cứu này cho thấy, đối với trẻ 5 tuổi bị phơi nhiễm với chín ly rượu, hoặc nhiều hơn mỗi tuần, và thậm chí có trường hợp, người mẹ đã có những giai đoạn say rượu, trong thời kỳ đầu mang thai, trẻ sẽ bị giảm năng lực trên DAP”.
Tuy nhiên, uống ít rượu, không có nghĩa là hoàn toàn không có rủi ro. Nghiên cứu này đã không tiếp tục theo dõi các trẻ ở giai đoạn sau 5 tuổi và cũng không sàng lọc các tác động bất lợi tiềm năng khác.
Các nghiên cứu gần đây hơn đã ghi nhận được những tác động bất lợi ngay cả khi lượng rượu uống vào chỉ ở mức thấp đến vừa phải. Tạp chí Sản khoa và Phụ khoa Hoa Kỳ, số tháng 1 năm 2021, đã công bố một nghiên cứu cho thấy cứ thêm một tuần tiếp xúc với rượu trong ba tháng đầu thai kỳ thì nguy cơ sảy thai lại tăng lên, “ngay cả ở mức tiêu thụ thấp”.
Một nghiên cứu khác, do các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Sức khỏe, thuộc Đại học New Mexico thực hiện, đã khảo sát những tác động tinh tế hơn của việc tiêu thụ rượu ở các mức độ thấp, vừa phải, hoặc uống say (được định nghĩa là uống bốn ly hoặc nhiều hơn, mỗi lần). Họ phát hiện rằng tất cả đều liên quan đến việc em bé sinh ra có chiều dài ngắn hơn và thời gian mang thai ngắn hơn.
Một nghiên cứu ở Úc, tiến hành trên 415 trẻ em, cho thấy có mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm với rượu trước sinh và sự phát triển hình thái sọ mặt, cho dù lượng rượu “ở bất kỳ mức độ nào” . Mặc dù ý nghĩa lâu dài của những phát hiện này còn chưa rõ ràng, nhưng “chúng ủng hộ một kết luận là đối với phụ nữ đang hoặc sẽ mang thai, tránh uống rượu là lựa chọn an toàn nhất”.
Khoảng 14% phụ nữ ở Hoa Kỳ vẫn uống một lượng rượu nhất định trong khi mang thai, bất chấp những thông điệp nhất quán kêu gọi kiêng cữ. Bác sĩ Daidone gợi ý rằng phụ nữ mang thai nên tìm một nhóm hỗ trợ để tránh uống rượu trong thời kỳ này. Ông cũng nói thêm: “Hãy tạo ra một môi trường mà những người thân yêu đều tích cực tham gia, để đảm bảo rằng các bà mẹ mang thai không uống rượu. Điều này sẽ thúc đẩy sự tuân thủ các quy tắc đã đặt ra, bởi vì không ai muốn bị bỏ lại một mình trong trường hợp này!”
Theo Zrinka Peters, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch
Zrinka Peters là một nhà văn tự do, tập trung vào các lĩnh vực sức khỏe, lối sống lành mạnh và giáo dục. Bà có bằng cử nhân Văn học Anh từ Đại học Simon Fraser ở British Columbia, Canada và các tác phẩm của bà đã được đăng trên nhiều ấn phẩm in ấn và trực tuyến khác nhau như Health Digest, Parent.com, Today’s Catholic Teacher, và Education.com.
NTD Việt Nam