Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Nguyên văn:
假途滅虢,踐土會盟。
何遵約法,韓弊煩刑。
Bính âm:
假(jiǎ) 途(tú) 滅(miè) 虢(guó) ,
踐(jiàn) 土(tǔ) 會(huì) 盟(méng) 。
何(hé) 遵(zūn) 約(yuē) 法(fǎ) ,
韓(hán) 弊(bì) 煩(fán) 刑(xíng)。
Chú âm:
假﹙ㄐㄧㄚˇ﹚途﹙ㄊㄨˊ﹚滅﹙ㄇㄧㄝˋ﹚虢﹙ㄍㄨㄛˊ﹚,
踐﹙ㄐㄧㄢˋ﹚土﹙ㄊㄨˇ﹚會﹙ㄏㄨㄟˋ﹚盟﹙ㄇㄥˊ﹚。
何﹙ㄏㄜˊ﹚遵﹙ㄗㄨㄣ﹚約﹙ㄩㄝ﹚法﹙ㄈㄚˇ﹚,
韓﹙ㄏㄢˊ﹚弊﹙ㄅㄧˋ﹚煩﹙ㄈㄢˊ﹚刑﹙ㄒㄧㄥˊ﹚。
Âm Hán Việt:
Giả đồ diệt Quách,
Tiễn Thổ hội minh.
Hà tuân ước pháp,
Hàn tệ phiền hình.
Giải thích:
1. Nghĩa của chữ:
Giả (假): vay mượn
Đồ (途): đường đi
Diệt (滅): tiêu diệt
Quách (虢): tên nước chư hầu thời Xuân Thu.
Hội (會): hội họp
Minh (盟): hiệp ước liên minh
Hà (何): một trong những công thần khai quốc nhà Hán, họ Tiêu tên Hà, chuyên trách Luật pháp và hộ chính.
Tuân (遵): tuân theo
Ước (約): ước định
Pháp (法): pháp lệnh
Hàn (韓): nhà tư tưởng thời Chiến Quốc, họ Hàn tên Phi, với chủ trương dùng hình phạt nghiêm khắc.
Tệ (弊): định tội
Phiền (煩): rườm rà, hà khắc, tàn khốc
Hình (刑): hình phạt
2. Nghĩa của từ:
Giả đồ (假途): mượn đường.
Tiễn Thổ (踐土): tên vùng đất cổ xưa, ở Huỳnh Dương, Hà Nam ngày nay.
Hội minh (會盟): hội họp chư hầu ký kết hiệp ước liên minh.
Ước pháp (約法): pháp lệnh mà Hán Cao Tổ định ước với người dân ban đầu khi vào Quan Trung.
Lời dịch tham khảo
Trong thời Xuân Thu vua nước Tấn là Tấn Hiến Công mượn đường nước Ngu, nhờ đó đã tiêu diệt được nước Quách, đến khi đại quân nước Tấn khải hoàn trở về cũng thuận tiện tiêu diệt luôn nước Ngu. Tấn Văn Công hội họp chư hầu các lộ tại vùng Tiễn Thổ, cùng nhau ký kết hiệp ước liên minh, và bản thân ông cũng trở thành minh chủ của chư hầu lúc bấy giờ.
Tiêu Hà tuân theo ước pháp mà Hán Cao Tổ đã định ước với người dân ban đầu khi vào Quan Trung, chế định ra Hán luật cửu chương – luật pháp đơn giản dễ thi hành. Hàn Phi chủ trương lấy hình phạt nghiêm khắc để trị lý đất nước, không những hại bách tính, mà cuối cùng đến bản thân ông ta cũng chịu chết bởi pháp luật tàn khốc và rườm rà do chính bản thân định ra.
Câu chuyện văn tự
“Đồ” (途) là một chữ hình thanh hội ý, chữ này trong Tiểu triện viết là “” có bộ Tẩu (走) biểu nghĩa và chữ Đồ (塗) giản lược (tức là 塗 giản lược thành 余) biểu âm. Nghĩa gốc của nó là dùng chữ “Lộ” (路) để giải thích. Lộ là con đường dùng cho người đi, vậy nên bộ Tẩu (走) biểu nghĩa. Lại bởi nghĩa gốc của chữ Đồ (塗) lấy chữ Nê (泥) để giải thích; con đường lắm bùn đất, thường kèm theo bước chân người đi, cho nên chữ Đồ (途) có chữ Đồ (塗) giản lược biểu âm. Hiện nay chữ Đồ (途) được viết khác đi so với chữ Tiểu triện, và khá giống với chữ “ ” trong Lệ thư.
“Minh” (盟) cũng là chữ hình thanh hội ý, trong Giáp cốt văn viết là “ ” giống một dụng cụ bên trong chứa máu, mang nghĩa uống máu (chữ Sát 煞 biểu âm). Chữ “Minh” (盟) trong Tiểu triện là “” có chút giống với chữ “Minh” (盟) hiện nay, có chữ Huyết (血) biểu nghĩa và chữ Minh (明) biểu âm. Nghĩa gốc của nó là “sát sinh uống máu”, là một loại hành vi tuyên thệ giữa các nước liên kết thành đồng minh thời cổ đại. Uống máu chính là những người kết đồng minh cùng uống máu của con vật bị giết, hoặc dùng máu của con vật bị giết bôi lên mép, ý nghĩa của nó theo những ghi chép trong sách cổ là “hễ kết minh thì làm lễ sát sinh uống máu, cáo thị thần minh, nếu làm trái, mong lệnh thần giáng hoạ dữ như vật hiến tế này vậy”. Làm như vậy nhằm chứng tỏ sự thủ tín không hai lòng, vậy nên chữ Huyết (血) biểu nghĩa, đến thời Lệ thư thì đổi Huyết (血) thành Mãnh (皿) cho đến nay. Từ nghĩa gốc của chữ này mà xét, việc kết đồng minh với người khác là một chuyện vô cùng thần thánh, mặc dù thời đại ngày nay không có hành vi “sát sinh uống máu”, nhưng giơ nắm tay phát thệ, giao hoán minh ước cũng là rất nghiêm túc, và có thần minh thiên địa chứng giám. Do đó ký kết minh ước cần phải được coi trọng, không làm được thì không thể ký, nếu bất cẩn ký rồi, thì phải nhanh chóng nói với đối phương hủy giao ước, thoái xuất khỏi liên minh, nhằm tránh bị thần minh bỏ rơi mà gặp hoạ dữ.
Suy ngẫm và thảo luận
Đối với nước Tấn mà nói thì Tấn Hiến Công là một vị vua có cống hiến rất lớn, khi ông còn tại vị ông đã hoàn thành việc dời đô, thôn tính các nước nhỏ xung quanh, mở rộng lãnh thổ, đặt nền móng phát triển lớn mạnh cho nước Tấn. Trong các chuyện kể về việc ông thôn tính các nước nhỏ xung quanh nổi tiếng nhất là câu chuyện ông mượn đường diệt Quách. Nước Quách từng xâm chiếm nước Tấn, nên Hiến Công rất muốn báo thù tiêu diệt nước Quách. Tuy nhiên xen giữa hai nước còn có nước Ngu, muốn tấn công nước Quách không thể không đi qua nước Ngu, ông ta vì muốn đạt được mục đích của mình đã dùng đến ý kiến của Đại phu Tuần Tức, mang ngựa tốt và ngọc báu của mình tặng cho nước Ngu, để mượn đường chinh phạt nước Quách. Vua nước Ngu là một kẻ hám lợi, thấy báu vật liền đồng ý với Tấn Hiến Công ngay, và tự nguyện khởi binh giúp nước Tấn chinh phạt nước Quách.
Mặc dù nước Ngu có một vị Đại phu rất có mưu trí là Cung Chi Kỳ đã nhìn thấu âm mưu của nước Tấn, và khuyên vua nước Ngu chớ đồng ý, nhưng vua Ngu không nghe, còn cho mượn đường và xuất binh giúp Tấn Hiến Công chinh phạt nước Quách. Ba năm sau, nước Tấn lại mượn đường nước Ngu chinh phạt nước Quách, lần này Cung Chi Kỳ đã lấy ví dụ về “môi hở răng lạnh” để khuyên can vua Ngu, tuy nhiên vua Ngu cho rằng ông và nước Tấn có cùng tổ tông, với lại tế phẩm cúng bái thần minh đều trong sạch và thịnh soạn, thần minh nhất định bảo hộ ông khỏi bị tổn hại. Nhưng Cung Chi Kỳ nói với ông ta rằng, Tấn Hiến Công đến cả tình thân cũng dám giết hại, còn xót họ hàng xa sao? Lại nói: “Quỷ thần không thực sự thân với người, duy chỉ có đức mới có thể dựa vào”. Lại lấy những lời trong «Chu Thư»: “Hoàng Thiên vô thân, duy đức thị phụ”, “thử tắc phi hinh, minh đức duy hinh”, “dân bất dịch vật, duy đức hệ vật” (tạm dịch nghĩa: “Trời xanh không thân với ai, chỉ giúp người có đức”, “lúa nếp cao lương không thơm, chỉ đức sáng mới thơm”, “tế phẩm người ta đều như nhau, chỉ có đức mới là tế phẩm thực sự”, để minh chứng việc thần minh là lấy đức quyết định người được bảo hộ, chứ không phải ở tế phẩm thịnh soạn hay không, nhưng vẫn là không thức tỉnh nổi lòng tham của vua Ngu. Quả nhiên, nước Tấn thôn tính nước Quách xong trên đường trở về đã thuận tiện tiêu diệt luôn nước Ngu.
Đây là một câu chuyện lịch sử được ghi chép trong «Tả Truyện», đọc xong mọi người hãy cùng thảo luận một chút nhé:
(1) Bạn có suy nghĩ gì về việc Tấn Hiến Công muốn đất nước mình lớn mạnh mà thôn tính các nước nhỏ xung quanh?
(2) Vì sao thần minh không bảo hộ vua nước Ngu? Điều này giống với những hành vi nào của người ngày nay?
Tấn Hiến Công sau khi mượn đường diệt Quách, lại thuận tiện tiêu diệt luôn nước Ngu, bạn có suy nghĩ gì về hành vi như vậy?
(3) Bạn nghĩ gì về những lời mà Cung Chi Kỳ nói với vua nước Ngu?
ChanhKien.org