Một phần bức “Tiên cơ văn hội đồ” của Chu Văn Củ thời Ngũ đại Nam Đường. (Ảnh: Miền công cộng)
Mạng xã hội đang bùng nổ với những thông tin từ vụ ly hôn của một streamer nổi tiếng và một “hotgirl”. Khoan hãy bàn đến những tình tiết gây tranh cãi của câu chuyện, đây là dịp để chúng ta nhìn nhận lại một lần nữa xem giá trị đích thực của hôn nhân là gì?
Những sự chia tay của “giai nhân tài tử” bao giờ cũng để lại nhiều nuối tiếc. Ngày xưa đã vậy, bây giờ càng hơn. Bây giờ hãy nhìn lại câu chuyện ly hôn đang nổi đình nổi đám trên mạng xã hội.
Trên trang cá nhân tối 16/6, “hotgirl” Xoài Non (tên thật Phạm Trang) đăng ảnh cưới với streamer Xemesis, thông báo đã ly hôn. Cô viết: “Trước hết, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã yêu mến và ủng hộ chúng tôi. Và tôi rất tiếc phải thông báo rằng mối quan hệ của chúng tôi đã kết thúc. Cảm ơn vì đã làm cho thanh xuân của em trở nên tươi đẹp, Hiếu Nghiêm”. Hiếu Nghiêm là tên thật của streamer nổi tiếng Xemesis.
Chỉ sau khoảng 16 tiếng đăng tải, status của Xoài Non nhận về lượng tương tác “khủng”: 509 nghìn lượt like, hơn 93 nghìn comment và 449 nghìn lượt chia sẻ. Con số sẽ không dừng lại ở đó. Nhiều bình luận chúc Xoài Non “hạnh phúc trên hành trình mới” nhưng cũng không ít bình luận bày tỏ niềm tiếc nuối về một câu chuyện tình yêu đẹp như mơ.
Sau status của Xoài Non chừng 1 giờ, streamer Xemesis cũng đăng tải dòng trạng thái trên Facebook cá nhân xác nhận thông tin này. Anh viết: “Chúc em mọi điều tốt đẹp nhất, cảm ơn em vì tất cả những gì em đã dành cho anh trong 6 năm qua và tất cả những gì em đã hy sinh trong suốt thời gian chúng ta bên nhau. Thật tiếc là điều đó không có ý nghĩa nhưng khoảng thời gian bên nhau chắc chắn là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời anh. Mong em sẽ đạt được mọi điều em mong muốn trong cuộc sống và luôn mỉm cười như em vẫn luôn làm”.
Dòng trạng thái này của nam streamer cũng thu về lượng tương tác rất cao, dù không bằng status của vợ cũ: 174 nghìn lượt thích, hơn 14 nghìn bình luận và hơn 7 nghìn lượt chia sẻ sau 15 tiếng đồng hồ đăng tải.
Suốt 1 tháng qua, cư dân mạng đã đồn đoán về việc rạn nứt tình cảm giữa Xoài Non và Xemesis. Dù vậy cả hai đều giữ im lặng cho đến khi bất ngờ đăng tải dòng trạng thái gây xôn xao dư luận. Xemesis sinh năm 1989, được khán giả gọi là “streamer giàu nhất Việt Nam” khi sở hữu siêu xe cùng nhiều đồng hồ, túi xách hàng hiệu. Xoài Non sinh năm 2002 tại TP.HCM. Cặp sao về chung một nhà năm 2020. Đám cưới của họ từng gây chú ý với chiếc váy cưới trị giá 28 tỷ đồng mà Xemesis tặng vợ.
Câu chuyện của cặp sao khiến nhiều người hâm mộ không khỏi cảm thấy ái ngại và than thở: “Mất bao nhiêu lâu để mua được cái nắm tay lúc về già?”. Đúng, cái giá của một cái nắm tay lúc về già đôi khi là… vô giá. Đó là bởi: Yêu thương nhau lúc son sắc, dễ. Đi cùng nhau đoạn đường đến tuổi xế chiều, khó. Trao lời mật ngọt lúc tình yêu thăng hoa, dễ. Đồng cảm với nhau trong khổ nạn, khó. Hôn lễ bạc tỷ, dễ. Hôn nhân hạnh phúc trọn đời, khó!
Tạm không bàn đến đúng sai, phải trái, thị phi trong câu chuyện ly hôn đang nóng rần rần cõi mạng, ta hãy thử tìm lời giải về hôn nhân trong những lời dạy của cổ nhân. Xem chuyện xưa, ngẫm chuyện nay, biết đâu, chúng ta sẽ tìm được chiếc chìa khóa bí mật của cái gọi là: hôn nhân hạnh phúc!
Hôn nhân truyền thống trọng nghĩa, tín Thần
Ngày nay, hẳn là rất nhiều người đều từng có suy nghĩ thế này: vì sao ngày xưa ông bà ta lấy nhau không vì tình mà vẫn ăn đời ở kiếp với nhau đến đầu bạc răng long? Trong khi bây giờ xã hội tự do yêu đương, trai gái tự do tìm hiểu, hễ yêu là cưới nhưng mà sao ly hôn ngày càng nhiều vậy? Có phải vì người xưa chung thủy hơn người nay không? Hay là do ngày xưa áp lực dư luận xã hội với người ly hôn lớn hơn bây giờ? Trả lời được câu hỏi đó là một điều không đơn giản.
Xã hội vận hành, phát triển, ắt có những giá trị cũ sẽ dần bị đổi thay. Khi giá trị mới chưa định hình mà cái gốc cũ đã bị đốn bỏ thì ắt là dẫn đến chông chênh, bất ổn, thậm chí đảo loạn. Ngày nay, người ta nhấn mạnh vào tình yêu, đó là nhấn vào chữ “tình”, yêu nhau vì tình, lấy nhau vì tình mà chia tay nhau cũng vì cái tình đó. Song câu chuyện hôn nhân lại không chỉ đơn giản là hai người yêu nhau đến với nhau và cứ như vậy đi đến hết cuộc đời. Người ta nói “hôn nhân là nấm mồ của tình yêu”, ấy là cách nói có phần phóng đại nhưng không hẳn là không có đạo lý. Đó là bởi trong hôn nhân, sự thấu cảm, chia sẻ, đồng hành, trách nhiệm mới chính là những điều đặt trên chữ “tình”. Để lấy nhau đúng là người ta cần đến chữ “tình”, nhưng để hòa hợp chung sống với nhau, để “nắm tay nhau đến cuối đời” thì phải cần nhiều hơn như thế. Nếu chỉ biết đến chữ “tình” mà coi nhẹ cái “nghĩa” trong đạo vợ chồng, thì e rằng cuộc hôn nhân đó mới chính là đi xuống nấm mồ vậy.
Đạo nghĩa vợ chồng là một yếu tố quan trọng trong văn hóa truyền thống Á Đông suốt hàng nghìn năm qua. Vì sao người xưa lại coi trọng hôn nhân như vậy? Xem trong Kinh Dịch có nói: “Có trời đất, rồi mới có vạn vật; có vạn vật rồi mới có nam nữ; có nam nữ rồi mới có vợ chồng; có vợ chồng rồi mới có cha con; có cha con rồi mới có vua tôi; có vua tôi rồi mới có trên dưới”.
Trong văn hóa truyền thống, quan hệ giữa người với người được chia thành năm loại, còn gọi là “Ngũ luân”. Trong “Ngũ luân”, đứng đầu là quan hệ vợ chồng, bởi nó chính là nền tảng cho những mối quan hệ sau này: cha con, anh em, bạn bè, vua tôi. Do vậy có thể nói rằng, tất cả các mối quan hệ nhân luân đều bắt đầu từ quan hệ vợ chồng. Bởi vậy, cổ nhân mới cho rằng hôn nhân chính là nền tảng của nhân luân, cũng là gốc rễ của lễ nghi vậy.
Thời xưa, người ta cho rằng hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người, mà là chuyện của hai gia đình kết thành thông gia. Hôn nhân là “kết hợp hai họ, trên thờ tổ tiên dưới nối hậu thế”, nghĩa là sau khi hai người kết thành vợ chồng, đối với bề trên sẽ thờ cúng tổ tiên, đối với bề dưới sẽ nối dõi tông đường. Ở các nước Á Đông trước đây, đặc biệt là Trung Hoa và Việt Nam, mỗi gia đình đều có gia phả, trong gia phả ghi lại tên của các con cháu mỗi đời, cũng như họ tên của những người phụ nữ mà họ cưới. Do đó, hôn nhân rất quan trọng đối với một gia đình, mang nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc, có tác dụng giữ gìn đạo đức phong thái xã hội.
Có một điều cũng không thể bỏ qua đó là sự chứng thực của Thần linh trong hôn nhân truyền thống. Ngày nay, chỉ cần có một chiếc giấy đăng ký kết hôn thì chính là vợ chồng hợp pháp. Nhưng thời xưa, câu chuyện còn liên quan đến cả tâm linh, tín ngưỡng nữa. Sau khi chú rể đưa cô dâu về nhà, đôi bên trước tiên phải bái đường, xin trời đất làm chứng cho cuộc hôn nhân, giám sát hành vi của mình, nếu có vi phạm sẽ bị Thần linh trừng phạt. Sau đó chính là bái cao đường, cảm ơn công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Cuối cùng là “phu thê giao bái”, vợ chồng bái nhau, bày tỏ niềm vui kết duyên, sau này hai người cũng sẽ tôn trọng nhau như khách, giúp đỡ lẫn nhau. Trong hôn lễ thời Tây Chu, còn có tục vợ chồng mỗi người lấy một lọn tóc trên đầu, kết lại với nhau, gọi là “kết tóc phu thê”.
“Đạo vợ, nghĩa chồng”
Người xưa có câu: “Đạo vợ, nghĩa chồng”. Vợ cư xử với chồng là đạo, mà chồng sống với vợ là nghĩa. Cái đạo nghĩa đó như một sợi dây vô hình nhưng ràng buộc cả hai người trọn đời, trọn kiếp. Hôn nhân là điều cần thiết để duy trì xã hội nhân loại, cũng là lời hứa đối với Thần linh, trời đất, cha mẹ, vợ hoặc chồng của mình. Để duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc, nam nữ phải chung thủy, bất kể là bần cùng, ốm đau, bệnh tật, hoạn nạn, sống chết cũng không được ruồng bỏ hay phản bội, đều phải hết lòng tuân thủ thệ ước với Thần, tương kính lẫn nhau, thương yêu lẫn nhau, gắn bó trọn đời, thực hiện lời thệ ước của chính mình.
Hãy thử xem lại một câu chuyện cổ để hiểu người xưa đối đãi với hôn nhân thế nào.
Vào triều Chu, có một người nông dân tên là Khước Khuyết sống ở nước Tấn. Khước Khuyết chung sống với vợ rất hòa thuận, họ tôn trọng lẫn nhau như ngày mới quen. Một ngày nọ, vợ của Khước Khuyết mang thức ăn ra cánh đồng nơi chồng đang làm việc. Người vợ lễ phép đưa thức ăn cho chồng bằng cả hai tay, Khước Khuyết cũng không kém phần cung kính chìa hai tay ra nhận thức ăn.
Vừa hay lúc đó một vị quan triều đình tên là Cửu Quý đi ngang qua, trông thấy cảnh tượng ấy thì vô cùng cảm phục. Ông bèn bái kiến vua nước Tấn bấy giờ là Tấn Văn Công, hết lời khen ngợi Khước Khuyết trước mặt Tấn Văn Công, ông còn tiến cử Khước Khuyết làm đại tướng quân thống lĩnh toàn bộ quân đội của quốc gia. Khi Tấn Văn Công hỏi nguyên do, Cửu Quý đáp: “Tâu Bệ Hạ, Khước Khuyết rất mực tôn trọng người khác, kể cả vợ của mình. Biết tôn kính người khác là biểu hiện quan trọng nhất của một người đoan chính; chúng ta nhất định phải trọng dụng người này”.
Những diễn biến sau đó đã chứng minh Cửu Quý nói đúng. Sau khi Khước Khuyết được giao thống lĩnh đại quân nước Tấn, ông đã thể hiện được tài năng và bản lĩnh của mình trong những lúc nguy nan nhất. Đến đời Tấn Tương Công (con của Tấn Văn Công), năm 627 TCN, nước Địch mang quân xâm lấn nước Tấn, tiến vào đất Cơ. Khước Khuyết cùng Tiên Chẩn lại mang quân ra cự địch, đánh tan quân Địch, Khước Khuyết bắt sống được vua nước Địch. Sau này, Khước Khuyết trở thành đại thần phò tá 3 đời vua nước Tấn, lập được nhiều công trạng hiển hách.
Người vợ tao khang không thể bỏ
Đại văn hào Tô Đông Pha thời Tống từng nói: “Cư phú quý giả bất dịch tao khang”, ý tứ là: ở vào cảnh giàu sang không thay đổi tao khang. “Tao khang” ở đây chính là chỉ người vợ. Tao khang (bã cám) là thức ăn thô mà người nghèo khổ thường dùng để lót dạ, vậy nên “người vợ tao khang” là cách nói ví von người vợ cùng chung hoạn nạn lúc nghèo hèn. Chữ “tao khang” này có chỗ còn gọi là “tào khang”, vợ “tào khang”.
Nói về “người vợ tao khang” này, lại có một câu chuyện cổ rất đáng để chúng ta nghiền ngẫm.
Chuyện kể rằng, Yến Anh, còn gọi là Yến Tử, là nhà tư tưởng, nhà ngoại giao nổi tiếng thời Xuân Thu. Vào thời Tề Cảnh Công nắm quyền, ông rất được Cảnh Công trọng dụng. Một ngày nọ, Tề Cảnh Công đến nhà Yến Tử làm khách, đang uống đến lúc hăng say, Cảnh Công trông thấy vợ của Yến Tử, bèn hỏi Yến Tử rằng: “Người vừa rồi là vợ của khanh chăng?”.
Yến Tử đáp: “Vâng”.
Cảnh Công cười nói: “Than ôi, sao lại già cả xấu xí thế này! Quả nhân có đứa con gái, trẻ trung xinh đẹp, chi bằng gả nó cho khanh vậy”.
Yến Tử nghe xong, cung kính đứng dậy, rời khỏi bàn tiệc, thi lễ với Cảnh Công rồi nói: “Muôn tâu Quân thượng, vợ thần bây giờ tuy đã già cả xấu xí, nhưng hạ thần đã chung sống với nàng rất lâu, tất nhiên lúc nàng còn là người thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp, thần cũng đã từng chứng kiến. Hơn nữa làm vợ người ta, vốn là đem cả tuổi thanh xuân gửi gắm cả đời cho đến lúc già, dung mạo xinh đẹp đã gửi gắm cho đến lúc già. Vợ thần khi còn trẻ trung xinh đẹp, đã đem cả đời mình phó thác cho thần, thần cũng đã chấp nhận, đã cùng thần chung sống nhiều năm như vậy. Quân thượng bây giờ tuy ban đặc ân nhưng Yến Anh nào có thể phản bội phó thác của nàng lúc còn trẻ đã trao cho thần?”.
Thế là, Yến Tử bái lạy tạ ơn, khéo léo từ chối Cảnh Công. Cảnh Công thấy Yến Tử coi trọng đạo nghĩa vợ chồng như vậy, liền không nói đến chuyện này nữa.
Lại có một lần, Điền Vô Vũ khuyên Yến Tử từ bỏ người vợ già của mình đi, Yến Tử nói: “Yến Anh nghe nói, ruồng bỏ vợ già gọi là loạn, cưới nạp thiếp trẻ gọi là dâm; thấy sắc quên nghĩa, phú quý liền làm trái luân thường gọi là nghịch đạo. Yến Anh sao có thể có hành vi dâm loạn, bất chấp luân lý, làm trái với đạo cổ nhân như vậy được?”.
***
Đến đây, có lẽ quý bạn đọc cũng đã có được những cảm nhận của riêng mình về hai chữ “hôn nhân” và sự khác biệt giữa hôn nhân xưa và nay. Chưa vội bàn vội đến đúng sai, phải trái, bài viết này chỉ cố gắng giải quyết một phần câu hỏi: Làm sao để có được hôn nhân hạnh phúc. Nhưng cơ hồ đó cũng là câu hỏi vô cùng khó trả lời, chẳng biết là viết bao nhiêu cuốn sách mới thấu được, huống chi ta chỉ mới nói vài lời nông cạn?
Nhưng mỗi người chúng ta tựa hồ đều đang đi trên chính hành trình tìm ra câu trả lời đó. Hãy nhìn bạn đời của mình bằng một thái độ khoan dung, bằng một lòng thiện ái, từ bi, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy hôn nhân của mình ngày một hạnh phúc hơn. Nhiều người cho rằng hôn nhân là bến ga cuối của tình yêu, song thực tế thì đó mới chỉ là khởi đầu của một hành trình mới. Hành trình đó còn dài rộng, xa xôi biết bao nhiêu là bao nhiêu! Trước đây, đôi trẻ say trong tình mộng, chỉ thấy hoa hồng, chỉ thấy những lời mật ngọt. Giờ đây hai người đối diện với rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, nếu chỉ có hoa hồng và mật ngọt, e rằng cuộc hôn nhân khó mà lâu bền. Để gìn giữ hạnh phúc hôn nhân, cần lắm lòng vị tha, sự tu dưỡng, lòng cảm thông và đức bao dung của cả vợ lẫn chồng. Điều đáng quý nhất của hôn nhân không phải là tình cảm nồng cháy bao nhiêu, là tài sản lớn bao nhiêu, mà chính là có thể bao dung nhau nhiều bao nhiêu vậy!
Tin rằng, mỗi quý độc giả đều đang có được câu trả lời cho riêng mình…
Viên Minh
NTD Việt Nam