[ChanhKien.org]
Nguyên văn
子曰:“君子之于天下也,无适(1)也,无莫(2)也,义(3)之与比(4)。”(《论语·里仁第四》)
Hán Việt
Tử viết: “Quân tử chi vu thiên hạ dã, vô đích dã, vô mặc dã, nghĩa chi dữ tỷ”. (Trích “Luận ngữ – Lý nhân đệ tứ”)
Phiên âm
Zǐ yuē:“Jūnzǐ zhī yú tiān xià yě, wú shì yě, wú mò yě, yì zhī yǔ bǐ”. (“Lúnyǔ·Lǐ rén dì sì”)
Chú âm
子ㄗˇ曰ㄩㄝ:“君ㄐㄩㄣ子ㄗˇ之ㄓ于ㄩˊ天ㄊㄧㄢ下ㄒㄧㄚˋ也ㄧㄝˇ,无ㄨˊ适ㄕˋ也ㄧㄝˇ,无ㄨˊ莫ㄇㄛˋ也ㄧㄝˇ,义ㄧˋ之ㄓ与ㄩˇ比ㄅㄧˇ。”(《论ㄌㄨㄣˊ语ㄩˇ·里ㄌㄧˇ仁ㄖㄣˊ第ㄉㄧˋ四ㄙˋ》)
Chú thích
1. 适 (Đích): Đồng âm với từ “笛” (địch), cũng có nghĩa là chuyên chú.
2. 莫 (Mạc): Không.
3. 义 (Nghĩa): Thích hợp, thoả đáng.
4. 比 (Tỷ): Chiểu theo.
Dịch nghĩa
Khổng Tử nói rằng: “Đối với người và việc trong thiên hạ, người quân tử không có tiêu chuẩn tuyệt đối phải như thế nào, cũng không có tiêu chuẩn tuyệt đối không thể như thế nào, mà cần chiểu theo nghĩa để nhận định”.
Nghiên cứu và phân tích
Vấn đề được đàm luận trong chương này là sự tu dưỡng đạo đức của một người, cơ điểm của yêu cầu mà Khổng Tử đề xuất với người quân tử là: “Nghĩa chi dữ tỉ”. Người quân tử có nhân cách cao thượng sẽ đối xử với người khác công chính, thân thiện, xử thế nghiêm túc linh hoạt, sẽ không nhất bên trọng nhất bên khinh.
Câu hỏi mở rộng
1. Nếu bạn nhặt được 10.000 đô la Mỹ trên đường, bạn sẽ xử lý như thế nào, tại sao?
2. Từ cổ chí kim, từ trong nước đến ngoài nước, có rất nhiều người khi đứng trước công danh phú quý vẫn không bị dao động tâm trí với chính nghĩa làm nền tảng. Bạn hãy lấy một ví dụ cụ thể về một nhân vật để làm rõ.
Câu chuyện lịch sử
Phạm Bàng biệt mẫu
Tô Đông Pha được mẹ dạy học từ thuở nhỏ, khi lên chín tuổi, trong lúc dạy Đông Pha đọc “Hậu Hán thư – Phạm Bàng truyện”, Tô Mẫu đã không kìm nổi mà thở dài, thế là Tô Đông Pha hỏi mẹ: “Nếu con cũng giống như Phạm Bàng, thì mẹ sẽ trả lời như thế nào?” Trình Thị (mẹ Tô Đông Pha) đáp rằng: “Con có thể giống như Phạm Bàng, thì lẽ nào mẹ không thể giống như Bàng mẫu?”
Sau này Tô Đông Pha coi thiên hạ là trách nhiệm của mình, không ngại khó khăn gian khổ là nhờ được ảnh hưởng sâu sắc từ Phạm Bàng và lấy đó làm hình mẫu, vậy Phạm Bàng là người như thế nào? Điều mà mẹ con Trình Thị cảm khái là gì?
Phạm Bàng, tự Mạnh Bác, người ở Chinh Khương, Nhữ Nam. Ông là nhân sỹ có chí khí, căm ghét cái ác, yêu nước thương dân thời Hậu Hán. Khi Ký Châu xảy ra nạn đói lớn, đạo tặc hoành hành, nhưng quan lại vẫn không quan tâm đến sự sống chết của dân chúng, mà vẫn mặc sức lừa gạt, bóc lột. Triều đình cử Phạm Bàng đi điều tra, xử lý các tham quan. Khi đó, Phạm Bàng nhanh chóng lên ngựa cầm cương đến Ký Châu với ý chí quyết tâm làm sáng tỏ mọi việc. Khi ông gần đến biên giới Ký Châu, các quan địa phương biết rằng mình mắc trọng tội khó thoát, lần lượt nghe ngóng rồi giải ấn từ quan. Sau hai năm, nhờ có công trạng lớn lao, Phạm Bàng được bổ nhiệm chức Chủ sự Quang lộc huân.
Chức quan của Phạm Bàng trước giờ đều không to, khi nhậm chức Công tào quận Nhữ Nam, ông đã át chế cường hào, trừng phạt những kẻ làm trái pháp luật, kết giao với các nhân sỹ, phản đối hoạn quan. Về sau, Phạm Bàng trở thành thuộc hạ của thái úy Hoàng Quỳnh, chuyên môn giám sát, đôn đốc hành vi của các quan lại. Phạm Bàng không quan tâm đến được mất cá nhân, liên tiếp luận tội hơn 20 thứ sử và quan chức ở vị trí cao. Có vị thượng thư chỉ trích Phạm Bàng, hoài nghi ông có mối hận thù cá nhân. Phạm Bàng nói, tôi sở dĩ làm như vậy, tuyệt không phải vì hận thù cá nhân, mà là vì tình huống rất nghiêm trọng, nên cần xử lý khẩn cấp, tôi nghe nói người nông dân nhổ sạch cỏ thì ngũ cốc mới tốt tươi, vậy thì trung thần trừ gian nịnh thì Vương đạo mới được trong sạch. Nếu phát hiện thẩm tra thực tế có sai lệch, tôi cam nguyện chịu trừng phạt. Nghe vậy vị thượng thư cũng không nói được gì nữa.
Vào năm Kiến Ninh thứ hai dưới thời vua Hán Linh Đế, hoạn quan chuyên quyền, ra tay quét sạch đảng nhân (sự kiện “Đảng cố chi hoạ” cuối thời Đông Hán). Là nhân vật thuộc phái thanh lưu, Phạm Bàng lúc này đã sớm bãi quan về hưu. Quan đốc bưu Ngô Đạo phụng mệnh đi bắt giữ Phạm Bàng, nhưng khi đến Nhữ Nam lại phủ phục trên giường mà khóc lớn. Phạm Bàng biết rằng ông ấy đến là vì mình nên tự nguyện ra thụ án. Huyện lệnh Nhữ Nam thấy Phạm Bàng đến liền vội tháo bỏ đai ấn sang một bên, muốn cùng Phạm Bàng đi nơi khác lánh nạn. Phạm Bàng nói: “Bàng ta chết thì tai hoạ sẽ dứt, nào dám làm liên luỵ đến ngài, lại khiến mẹ già phải lưu lạc đây?”
Khi ấy mẹ ông cũng ở đó, ông quay sang nói với mẹ lời ly biệt: “Trọng Bác (em trai của ông) là một người hiếu kính, có thể phụng dưỡng mẹ, Bàng con dù sống hay chết cũng có chỗ đứng cho riêng mình, chỉ mong mẹ xả bỏ mối ân tình khó dứt, xin đừng thêm sầu muộn”. Mẹ ông nói: “Giờ đây con đã giống như Lý, Đỗ (chỉ Lý Ưng, Đỗ Mật, đều là những danh sỹ đương thời, cùng bị triều đình gọi về và chịu tội chết), chết cũng không còn gì phải hối tiếc! Đã có tiếng thơm, lại mong cầu tuổi thọ, sao có thể được cả hai đây?” Phạm Bàng quỳ xuống nhận lời giáo huấn của mẹ. Sau đó, ông đứng dậy nói với con trai rằng: “Cha muốn dạy con làm ác, nhưng ác là điều không thể làm; cha muốn dạy con hành thiện, nhưng dù cuộc đời cha chưa từng làm điều ác, mà vẫn gặp phải kết cục này”. Nói rồi, những người xung quanh ông đều cùng bật khóc. Cuối cùng Phạm Bàng ung dung cùng quan đốc bưu về kinh thành, chẳng bao lâu sau thì chết trong ngục, năm đó ông mới 33 tuổi. Sau khi Lý Ưng, Đỗ Mật, Phạm Bàng mất, những nhân sỹ trong thiên hạ đều nghị luận, e rằng thiên hạ của Đại Hán cũng chẳng còn được bao lâu nữa.
Câu chuyện Phạm Bàng biệt mẫu, đã để lại cho thiên hạ và lịch sử văn hóa Trung Hoa một đoạn thiên cổ tuyệt xướng. Người đời sau khi nói đến nghĩa cử của Phạm Bàng đều cảm thán trước sự hiên ngang đối diện với cảnh lao tù, gia đình tan vỡ, cảm thán trước mẫu thân của ông dù bà phải chịu nỗi đau kẻ tóc bạc tiễn người đầu xanh nhưng vẫn vui vì điều nghĩa của con trai. Còn Trương Kiệm thời đó lại bị người đời khinh thường. Trương Kiệm là một danh sỹ, cũng là một đảng nhân, khi gặp phải “đảng cố chi hoạ” đã hoảng loạn trốn đi. Trong lúc bỏ trốn, nhiều người trong thiên hạ nghe thấy tên đều không nỡ bỏ rơi ông, dẫn đến rất nhiều người bị liên lụy đến bản thân và gia tộc. Người đời sau khi so sánh với hai nhân vật này, thì sự xả thân vì nghĩa của Phạm Bàng luôn khiến người ta tự cảm thấy hổ thẹn.
Trên đây chính là câu chuyện Phạm Bàng biệt mẫu! Chẳng trách Tô mẫu Trình Thị đã phải cảm khái than thở và khích lệ con mình học theo. Mặc dù trong lịch sử có không ít những vị quan thanh liêm như Phạm Bàng, nhưng có mấy ai làm được như mẹ của Phạm Bàng? Mỗi khi đọc đến đây tôi luôn cảm thấy sôi sục tinh thần khảng khái, hào khí cũng tăng lên gấp bội! Trải qua hàng vạn năm, Phạm mẫu vẫn được lưu danh sử sách, để lại tiếng thơm vạn cổ nhờ tấm lòng và sự điềm tĩnh của mình.
Chú thích của người dịch:
“Đảng cố chi hoạ” là chỉ sự kiện xảy ra cuối nhà Đông Hán dưới thời vua Hán Hoàn Đế và Hán Linh Đế. Thời đó giới sỹ đại phu và quý tộc bất mãn với sự chuyên quyền lộng hành của hoạn quan nên giữa hai bên có xảy ra mâu thuẫn và tranh chấp. Phe hoạn quan đã phát động hai cuộc thanh trừng lớn, qua đó đã bức hại, định tội danh “đảng nhân” cho những người thuộc phe đối lập và cấm họ làm quan suốt đời. “Đảng cố chi hoạ” kết thúc dưới thời vua Hán Linh Đế bằng việc phe hoạn quan sát hại hầu hết những người thuộc phái sỹ đại phu và quý tộc, trong đó có những người như Lý Ưng, Đỗ Mật, Phạm Bàng.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48868
ChanhKien.org