Trẻ em thừa cân hoặc béo phì có thể kém thông minh hơn và dễ bị trầm cảm hơn, theo một nghiên cứu gần đây. (Ảnh: andreas / Freepik)
Trẻ em thừa cân hoặc béo phì có thể kém thông minh hơn và dễ bị trầm cảm hơn, theo một nghiên cứu gần đây.
Nghiên cứu được bình duyệt ngang hàng và công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics vào ngày 3/6, đã phân tích mối liên hệ giữa cân nặng của trẻ em từ 9 – 11 tuổi với những thay đổi về nhận thức và tâm lý của chúng.
Dữ liệu ban đầu được thu thập từ tháng 6/2016 – tháng 10/2018, các nhà nghiên cứu theo dõi trẻ em trong thời gian hai năm.
Để phân tích cân nặng, các nhà nghiên cứu đã thu thập chỉ số khối cơ thể (BMI) và chu vi vòng eo. Tổng cộng, dữ liệu của 5.269 trẻ em đã được phân tích.
Nghiên cứu cho thấy trẻ em có điểm từ vựng hình ảnh thấp hơn một điểm có mức tăng BMI hàng năm cao hơn 1,6% so với trẻ em đạt điểm trung bình.
“Hiệu suất nhận thức thấp hơn và bệnh tâm lý nhiều hơn có mối liên hệ với sự gia tăng cân nặng khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên”, nghiên cứu cho biết.
Chỉ số BMI ban đầu cao hơn có mối liên hệ với “nhiều triệu chứng trầm cảm và các vấn đề về trầm cảm hơn”.
Vào thời điểm thu thập dữ liệu ban đầu, trẻ em được phân loại là thừa cân hoặc béo phì cho thấy có “nhiều vấn đề hơn so với trẻ em có cân nặng bình thường hàng năm”.
Nguyên nhân của mối liên quan giữa béo phì và nhận thức tinh thần không được làm rõ trong nghiên cứu.
Các nhà khoa học viết, kết quả nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và nhận thức đối với sự phát triển cân nặng ở trẻ em.
Họ đề nghị các bác sĩ lâm sàng theo dõi trẻ em thừa cân hoặc béo phì để kiểm tra các vấn đề về trầm cảm cao hơn.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Washington, Missouri, nhận được tài trợ từ nhiều nguồn, bao gồm Trung tâm Khoa học Thần kinh Hệ thống McDonnell của trường đại học, Trung tâm Quốc gia về Khuyến tiến Khoa học Chuyển dịch thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) và Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường và Tiêu hóa và Thận.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nhiều yếu tố góp phần khiến trẻ em bị béo phì.
Điều này bao gồm sự trao đổi chất, chế độ ăn uống và vận động, thời gian ngủ ngắn, các sự kiện tiêu cực trong thời thơ ấu cũng như thiết kế và an toàn của cộng đồng.
Cơ quan này lưu ý rằng trong khi các yếu tố di truyền của béo phì không thể thay đổi, thì con người và môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trẻ em có cân nặng khỏe mạnh.
“Những thay đổi trong môi trường nơi trẻ em dành thời gian – chẳng hạn như nhà cửa, trường học và môi trường cộng đồng – có thể giúp trẻ dễ dàng tiếp cận thực phẩm bổ dưỡng và hoạt động thể chất hơn”, CDC cho biết.
“Các trường học có thể áp dụng các chính sách và thực tiễn giúp trẻ em ăn nhiều trái cây và rau quả hơn, hạn chế thực phẩm và đồ uống có nhiều đường hoặc chất béo rắn hơn, đồng thời tăng thời gian hoạt động thể chất hàng ngày”.
CDC ước tính rằng khoảng 1/5 trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ bị béo phì. Trong khoảng thời gian từ năm 2017 – tháng 3/2020, ước tính có khoảng 14,7 triệu trẻ em và thanh niên từ 2 – 19 tuổi được xếp loại là béo phì.
Tỷ lệ béo phì cao nhất ở trẻ em Hispanic (26,2%), tiếp theo là trẻ em da đen không phải gốc Tây Ban Nha (24,8%), trẻ em da trắng không phải gốc Tây Ban Nha (16,6%) và trẻ em châu Á không phải gốc Tây Ban Nha (9%).
Tỷ lệ béo phì được phát hiện tăng lên khi thu nhập gia đình giảm.
Trong số các gia đình có thu nhập bằng hoặc dưới 130% mức nghèo liên bang (FPL), 25,8% trẻ em bị béo phì. Trong số các gia đình có thu nhập trên 350% FPL, tỷ lệ béo phì giảm xuống còn 11,5%.
Thiếu giáo dục kiến thức về dinh dưỡng khiến trẻ béo phì nhiều hơn
Các nghiên cứu khác cũng tìm thấy mối liên quan giữa béo phì ở trẻ em và chỉ số IQ.
Trong một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Brown, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng so với những trẻ gầy hơn, trẻ em có nguy cơ béo phì hoặc thừa cân trong hai năm đầu đời có điểm suy luận nhận thức và điểm trí nhớ làm việc thấp hơn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chỉ số IQ có thể thấp hơn đối với trẻ em có cân nặng cao hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng một số cơ chế sinh học trong thời kỳ béo phì giai đoạn đầu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh.
Ví dụ, “viêm hệ thống có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng não liên quan đến khả năng nhận thức, và được chứng minh là ảnh hưởng xấu đến khả năng học tập cũng như trí nhớ không gian ở loài gặm nhấm”, theo thông cáo báo chí của trường đại học.
“Và sự rối loạn điều hòa của các hormone tác động lên các vùng não bao gồm vùng dưới đồi, vỏ não trước trán và vùng hippocampus có thể ảnh hưởng xấu đến nhận thức”.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào năm ngoái, Tiến sĩ Nadia Ali, bác sĩ y học nội khoa và y học tích hợp, cho biết trẻ em đang dễ bị béo phì do hiểu sai về thực phẩm.
Trẻ em đang bị các nhà tiếp thị thực phẩm chế biến nhắm mục tiêu, những người miêu tả các mặt hàng thực phẩm của họ là ngon hơn.
“Nếu trẻ em phát triển những thói quen xấu, sẽ rất khó thay đổi những thói quen đó. Những đứa trẻ này là nạn nhân”, bà nói. “Chúng ta cần hiểu nguyên nhân gốc rễ của béo phì để có thể điều trị, đảo ngược và ngăn ngừa nó”.
Một báo cáo năm 2023 của Liên đoàn Béo phì Thế giới cảnh báo rằng tỷ lệ béo phì ở trẻ em có thể tăng gấp đôi vào năm 2035 so với mức năm 2020. Khoảng 208 triệu bé trai và 175 triệu bé gái được dự đoán sẽ bị béo phì vào năm 2035.
Các quốc gia thu nhập thấp ở châu Á và châu Phi được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch béo phì này.
Louise Baur, chủ tịch của liên đoàn, gọi dữ liệu này là một “lời cảnh báo rõ ràng” và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách hành động ngay bây giờ. “Điều đặc biệt đáng lo ngại là tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên”, bà nói.
Theo Naveen Athrappully – The Epoch Times
Bảo Vy
NTD Việt Nam