Nếu như tiền bạc và của cải đến từ phúc đức tích lũy từ đời trước, vậy thì vì sao người giàu lại khó tu Đạo?
Tiền bạc có thể sai khiến ma quỷ?
Chúa Jesus từng nói với các môn đồ: “Thầy bảo thật anh em, người giàu khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”
Lẽ nào người giàu không cách nào tiến vào được Thiên quốc? Họ thực sự không thể tu luyện được sao? Nếu như tiền tài và của cải đến từ phúc đức tích lũy từ đời trước, thì người giàu đều là người có đức rất lớn. Vậy vì sao kẻ có tiền muốn vào vương quốc của Thần lại khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim?
Có thể bạn đã từng nghe qua câu ngạn ngữ: “Hữu tiền năng sử quỷ thôi ma” (có tiền có thể sai ma đẩy cối). Thế nhưng rất nhiều người lại không biết rằng vế sau của câu nói này còn bất ngờ và cũng hiện thực hơn. Bạn có biết vế sau đó là gì không? Đó chính là: “Vô tiền tiện tố thôi ma quỷ” (không tiền thì làm con ma xay).
Vì sao lại có câu nói ấy? Trong “U Minh Lục – Tân Quỷ” của tác giả Lưu Nghĩa Khánh thời Nam triều có câu chuyện như sau:
Xưa kia, dưới âm tào có một quỷ hồn gầy gò ốm yếu, khắp chốn U Minh không có quỷ hồn nào trông tiều tụy và thảm thương hơn thế. Một ngày, quỷ gầy tình cờ gặp một con quỷ to béo mập mạp. Quỷ gầy rất ngưỡng mộ liền hỏi quỷ béo rằng: “Anh làm cách nào mà mỗi ngày đều được ăn sung mặc sướng như thế?”
Quỷ béo liền nói với quỷ gầy: “Nếu anh cũng muốn được như tôi thì hãy đến nhân gian tác oai tác quái. Chỉ cần làm náo động một hồi, người trên dương thế sợ hãi sẽ cúng dường đủ thứ hải vị sơn hào cho anh ăn”.
Quỷ gầy nghe vậy liền háo hức tìm đường lên dương thế, định bụng sẽ đến một nơi yên tĩnh làm ầm ĩ một phen. Nghĩ vậy nó bèn xông vào một gia đình nọ. Thấy trong phòng bếp có chiếc cối xay, quỷ gầy liền chộp ngay lấy và ra sức đẩy cối. Nó không ngờ chủ hộ chỉ là một chàng trai nghèo túng, đồ ăn đồ mặc đều thiếu thốn, lấy đâu ra sơn hào hải vị mà cúng tế quỷ hồn?
Đêm ấy, chủ nhà đang nằm ngủ thì chợt nghe thấy tiếng động dưới phòng bếp, anh liền xuống giường đi kiểm tra. Anh nhìn trước ngó sau, tìm đông tìm tây, rõ ràng căn phòng không một bóng người vậy mà chiếc cối xay lại cứ chuyển động không ngừng. Anh cảm khái nói: “Chao ôi, phải chăng Trời thương ta nghèo nên phái âm sai tới giúp ta đẩy cối xay này?”
Quỷ gầy đẩy cối xay cả đêm nhưng không được chút gì bỏ bụng, hơn nữa còn mệt nhoài muốn chết.
Trong “Nghĩa Hiệp Ký – Manh gian” cũng có đoạn thơ rằng:
“Hữu tiền năng sử quỷ thôi ma
Nhất phân tiền sao nhất phân hóa
Nhược hữu thuyết hoang phụ tâm thì
Nan miễn thiên tai dữ nhân họa”.
Ý tứ chính là: Có tiền có thể sai khiến ma quỷ đẩy cối xay, những thứ đắt tiền thì chất lượng cũng tốt. Còn nếu như nói lời giả dối, sống làm kẻ hai lòng thì sẽ không cách nào tránh khỏi thiên tai nhân họa.
Câu chuyện trên dù chỉ là hư cấu nhưng lại nói với chúng ta rằng: Cho dù là người hay quỷ hồn thì đều chạy theo tiền bạc. Người đời thường nói vui rằng: Có tiền là có tất cả, nếu không thì vì sao quỷ gầy lại muốn biến thành một con quỷ giàu? Lẽ nào tiền bạc có thể sai khiến được ma quỷ? Vậy rốt cuộc tiền là gì mà lại có uy lực lớn nhường ấy?
Bí mật của tiền
Mark Twain, một nhà văn trứ danh của nước Mỹ từng nói: “Tiền bạc không phải là tất cả cuộc sống, nhưng nó có thể khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”. Chỉ với một câu nói Mark Twain đã chỉ ra công dụng của đồng tiền: Cho dù tiền không phải là vật báu vạn năng, nhưng không có tiền thì rất nhiều thứ sẽ không thể thực hiện được.
Nói về tiền, nhà tỷ phú Warren Buffet đã đưa ra hai nguyên tắc kinh điển như sau:
Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền.
Nguyên tắc số 2: Không bao giờ quên nguyên tắc số 1.
Nói cách khác, người giàu có thể trở nên giàu có là nhờ tuân theo nguyên tắc cơ bản đầu tiên: Không bao giờ để mất tiền.
Tuy nhiên, bộ óc vĩ đại Einstein lại cho rằng: “Tiền bạc chỉ nên là đầy tớ chứ không nên là chủ nhân của con người”.
Người giàu kiếm được tiền, chi phối đồng tiền trong tay, họ biết cách dùng tiền để đạt được danh tiếng, địa vị và quyền lực mà họ muốn, hiển nhiên họ chính là chủ nhân của đồng tiền. Nhưng vì sao Einstein lại nói rằng tiền bạc đang làm chủ con người? Lẽ nào người giàu không hề biết họ chỉ là nô bộc chứ không thực sự là chủ nhân của đồng tiền sao?
Einstein là nhà khoa học, ông đứng từ góc độ khoa học để có cái nhìn lý trí về tiền bạc. Từ góc độ học thuật, tiền không phải là của cải, cũng không đồng nghĩa với sự giàu có, mà chỉ là một hình thức để trao đổi hàng hóa và dịch vụ mà thôi. Tiền có thể biểu hiện dưới dạng tiền giấy, tiền xu, tiền số, cũng có thể biểu hiện dưới dạng kim loại quý như vàng, bạc… Tiền có hai công dụng lớn: Một là dùng để trao đổi mua bán, và hai là dùng để đo lường giá trị của các loại hàng hóa khác nhau.
Vào thời cổ đại, trong điều kiện giao thông và vận tải vẫn còn nhiều hạn chế, để thuận tiện cho việc mua bán và trao đổi hàng hóa người ta đã quy ước dùng một loại vật phẩm có giá trị nhưng vẫn dễ dàng mang theo làm đơn vị đo lường. Ví dụ, ngọc trai, vỏ sò, và các loại kim loại như vàng, bạc, đồng, v.v. đã từng được sử dụng làm thước đo giá trị để trao đổi hàng hóa.
Như vậy, trước tiên cần xác định một viên ngọc trai đáng giá bao nhiêu, sau đó sẽ tiến hành trao đổi ngang giá với các hàng hóa khác. Số lượng các hàng hóa ngang giá là do hai bên mua bán cùng thương lượng và quyết định. Vì thế, vào thời cổ đại, muốn biết một người giàu có đến đâu thì cần nhìn vào số vật chất và tài sản mà anh ta sở hữu (ví dụ như đất đai, địa ốc, gia nghiệp, v.v.), chứ không nhìn vào số lượng ngọc trai để đo lường. Bởi vì ngọc trai chỉ là thước đo giá trị chứ không phải bản thân tài sản.
Trong xã hội hiện đại, thước đo giá trị phổ biến nhất mà chúng ta biết là vàng. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu hôm nay bạn đào được một núi vàng nhưng lại không có tài sản tương ứng ngang giá với núi vàng, vậy bạn có biết núi vàng này đáng giá bao nhiêu không? Bạn sẽ nghĩ núi vàng là vô giá, hay là không có giá trị gì? Hãy để chúng tôi kể cho bạn một câu chuyện:
Vào đêm nọ, một trận hồng thủy bất ngờ ập đến thôn làng dưới núi. Trước trận lũ kinh hoàng ấy, toàn bộ thôn dân phải gấp rút chạy thoát trong đêm. Nhưng có hai người đàn ông chậm chân đã mắc kẹt trong cơn lũ, họ hoảng hốt không biết đi về đâu, bèn trèo lên hai cây đại thụ đứng kề nhau để tránh lũ. Trong đó, một người là phú ông giàu có với túi vàng nặng trĩu trên lưng, còn một người là chàng trai nghèo, lưng cõng túi bánh bao leo lên cây.
Hai người ngủ qua đêm trên cây, đến khi trời sáng họ vừa mở mắt ra liền thẫn thờ chết lặng: trước mặt là biển nước mênh mông trắng xóa, thôn dân, bạn bè đều đã chạy đi hết, chỉ còn một mình vẫn đang ngồi trên cây. Lại ngoảnh nhìn bốn phía, họ phát hiện trên cây đại thụ bên cạnh vẫn còn một người đồng cảnh ngộ với mình. Cả hai vui mừng khôn xiết vẫy tay chào nhau.
Ngày đầu tiên, họ yên lặng trên cây chờ đợi, chỉ mong sẽ có đội cứu hộ đến đưa họ ra khỏi khốn cảnh này. Nhưng chờ mãi chờ mãi vẫn không thấy có động tĩnh gì, chàng trai nghèo liền lấy một chiếc bánh bao trong cái túi đeo trên lưng và cắn một miếng. Vị phú ông chỉ có vàng trong túi, bụng rất đói nhưng không làm gì được, đành nuốt nước miếng vào cổ họng, bất lực nhìn chàng trai nghèo ăn bánh bao.
Ngày hôm sau vẫn không thấy cứu hộ, chàng trai nghèo liền ăn chiếc bánh bao thứ hai. Lúc này, phú ông đã đói lả đến mức không còn nhẫn chịu được nữa, ông bèn ngỏ lời với chàng trai nghèo: “Ở đây tôi chỉ có vàng, anh có nguyện ý đổi bánh bao của anh lấy vàng của tôi không?”
Chàng trai đã quen sống cảnh nghèo khó, chưa từng biết có vàng là thế nào. Nhận được lời đề nghị của phú ông, anh thầm nghĩ: Đổi bánh bao lấy vàng, chẳng phải là chiếc bánh từ trên trời rơi xuống đó sao? Thật đúng là cơ hội ngàn năm có một! Nghĩ vậy anh liền đáp lời phú ông: “Được thôi, tôi có thể cho ông hết túi bánh bao này, nhưng ông phải đổi bằng tất cả số vàng thì mới được”
Ông nhà giàu dù không thật sự sẵn sàng, nhưng đã đói đến mức khó có thể nhẫn chịu được nữa nên vẫn chấp nhận yêu cầu của chàng trai nghèo.
Sau đó, số vàng trong túi phú ông đều đổi thành bánh bao, còn bánh bao trong túi chàng trai nghèo lại biến thành vàng. Chàng trai nghèo nào ngờ rằng số vàng mà anh không dám mơ tới lại có thể dễ dàng đổi được bằng bánh bao.
Bạn thấy đó, lúc này giá trị của một túi vàng bằng một túi bánh bao. Mặc dù vàng rất quý, trong điều kiện thông thường vàng có giá trị rất lớn, nhưng trong một số hoàn cảnh đặc thù vàng chỉ có giá trị bằng một túi bánh bao.
Hay nói cách khác, khi dùng vàng làm thước đo thì giá trị của nó thay đổi tùy theo sự thay đổi giá trị của vật thể thực tại. Tiền cũng như vậy, giá trị của tiền luôn biến động, khi thì có thể có giá trị rất lớn, lúc lại không đáng giá một xu.
Vậy vì sao rất nhiều người không nhận ra bí mật đằng sau đó, mà vẫn dành cả đời theo đuổi tiền bạc mãi không buông? Đó là vì người ta đều bị mê hoặc trước giả tượng của tiền. Họ cho rằng tiền là của cải có thể cất giữ trong ngân hàng, mà không nghĩ rằng tiền có thể là tài phú, nhưng cũng có thể chỉ là một tờ giấy vô tri.
Trở lại với câu chuyện trên đây, bạn có biết kết cục của ông lão nhà giàu và chàng trai nghèo như thế nào không?
Đến ngày thứ ba đội cứu hộ vẫn chưa tới. Phú ông nhờ có bánh bao lót dạ nên không lo chết đói, vẫn tiếp tục kiên nhẫn ngồi trên cây chờ đợi. Trong khi ở bên này, chàng trai nghèo đành ôm chiếc bụng đói nhìn người giàu ăn bánh bao của mình.
Tới ngày thứ tư, chàng trai nghèo đã nhịn đói hai ngày, mệt đến mức hoa mặt chóng mày, đầu óc choáng váng, bụng đói cồn cào ruột gan. Anh cảm thấy không thể chịu đựng thêm được nữa, bèn nói với phú ông: “Tôi có thể dùng vàng đổi lấy vài cái bánh bao của ông được không?”
Phú ông đáp: “Không vấn đề gì, cậu có thể đổi. Tuy nhiên, hai cái bánh bao phải đổi bằng một nửa túi vàng”.
Lúc này, hai chiếc bánh bao có giá trị bằng nửa túi vàng. Chàng trai nghèo biết rằng lão nhà giàu đang chèn ép mình, nhưng nếu không đáp ứng thì sẽ phải chết đói. Vậy nên dù cảm thấy ấm ức anh vẫn đành phải cắn răng nhận lời.
Đến ngày thứ bảy, nước lũ đã rút hết, cả người giàu và người nghèo đều giữ được mạng sống của mình. Tới lúc này túi bánh bao đã bị ăn hết, còn số vàng lại quay trở về túi của người giàu như lúc ban đầu. Trong cuộc giao dịch “bánh bao đổi vàng, vàng đổi bánh bao” ấy, giá trị của vàng liên tục biến đổi, thể hiện ra vô cùng tinh tế sống động.
Rất nhiều người dùng câu chuyện “vàng đổi bánh bao” để giải thích vì sao người nghèo vẫn hoàn nghèo, người giàu vẫn mãi giàu. Họ cho rằng người nghèo và người giàu có cách nhìn nhận khác nhau khi đứng trước cơ hội kiếm tiền. Tư duy quyết định cách nghĩ, cách nghĩ quyết định thái độ, thái độ quyết định con đường, con đường quyết định tương lai và tiền đồ mỗi người.
Kỳ thực trong câu chuyện này, chàng trai nghèo không có ý thức phòng ngừa rủi ro, anh không nhận ra rằng khi đối mặt với sự sống còn thì lương thực đảm bảo sinh tồn còn quan trọng hơn cả núi vàng trong tay. Vậy nên anh mới mù quáng đổi toàn bộ bánh bao lấy vàng, vì tiền mà lóa mắt, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ tới hậu quả lâu dài. Do đó khi đến cuối cuộc giao dịch, người nghèo thì vẫn cứ mãi nghèo.
Trong khi đó, ông lão nhà giàu có ý thức đề phòng rủi ro, biết lợi dụng giá trị của vàng để đổi lấy bánh bao, nhìn bề mặt tưởng là thua lỗ, nhưng thực tế lại đạt được giá trị lớn hơn. Cuối cùng, phú ông lại lợi dụng bánh bao để nâng giá, thu lại toàn bộ số vàng đã đầu tư lúc ban đầu. Do đó khi đến cuối cuộc giao dịch, người giàu vẫn cứ mãi giàu.
Đứng từ góc độ kinh doanh, lối tư duy phòng ngừa rủi ro và tận dụng cơ hội kiếm tiền ấy xem ra rất có đạo lý. Tuy nhiên, cho dù là người nghèo đổi bánh bao lấy vàng hay người giàu đổi vàng lấy bánh bao, thì đối với tu Đạo, cả hai cách nghĩ ấy đều sai lầm. Điều này liên quan đến việc vì sao con người muốn tu Đạo, và mục đích cuối cùng của tu Đạo.
(Còn tiếp)
Theo Lý Minh – Xinbuxinyouni
Minh Hạnh biên dịch
NTD Việt Nam