Tác giả: Cao Viễn
[ChanhKien.org]
Người con hiếu thảo thoát sét đánh
Ngô Nhị là một thanh niên bình thường vùng Lâm Xuyên. Cậu hết lòng phụng dưỡng, tận tâm chăm sóc mẹ già làm cho mẹ rất vui vẻ và hài lòng. Một đêm nọ cậu nằm mộng thấy một vị Thần nói với cậu: “Buổi trưa ngày mai, ngươi sẽ bị sét đánh chết”.
Ngô Nhị nói: “Mẹ con đã già, cần con chăm sóc, Ngài có thể miễn chết cho con không?” Thần nói: “Đây là Thiên mệnh, không thể tránh khỏi”.
Ngô Nhị sợ rằng sẽ làm mẹ sợ hãi, sáng sớm đã chuẩn bị bữa sáng cho mẹ, cậu nói với mẹ: “Con có việc cần ra ngoài một chuyến, xin mẫu thân tạm thời sang nhà của em gái một thời gian”. Nhưng mẹ của cậu không cho phép.
Chẳng mấy chốc, mây đen kéo đến làm bầu trời tối sầm lại, sấm sét gầm lên. Ngô Nhị càng thêm lo lắng mẹ mình sẽ sợ hãi, nên đã đi đóng cửa cổng lại rồi bản thân lặng lẽ đi vào trong ruộng chờ sự trừng phạt của Thiên thượng. Không lâu sau, mây đen trên bầu trời dần dần tản đi, điều mà cậu chờ đợi đã không xảy ra.
Ngô Nhị vội vàng trở về nhà chăm sóc mẹ, nhưng vẫn cứ lo lắng rằng sự trừng phạt của Thiên thượng vẫn chưa được miễn trừ, mà không dám nói với mẹ về sự việc nguy hiểm mà mình vừa trải qua. Đêm đó, Ngô Nhị lại mộng thấy vị Thần đó nói với cậu: “Sự hiếu thảo của ngươi đã cảm động đến Thiên đình, vì vậy đã khoan dung miễn trừ tội nghiệp ở kiếp trước của ngươi, ngươi cần kính phụng mẹ của ngươi hơn nữa”. Kể từ đó, Ngô Nhị càng thêm hiếu thuận với mẹ già, một đời kính trọng và phụng dưỡng mẹ già.
Nàng dâu chí hiếu thoát khỏi nghiệp báo tiền kiếp
Dụ Thị là thê tử của Chi Tổ Nghi ở vùng Thê Ấp, Tứ Xuyên. Cô rất hiếu thảo, hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng, mẹ chồng cô là một người nghiêm khắc và nóng nảy, rất khó để hầu hạ, nhưng Dụ Thị rất cung kính và hiếu thuận hầu hạ bà, trước giờ chưa hề có một lời oán trách.
Một đêm nọ, Dụ Thị có một giấc mộng. Trong mộng Thần nói với cô rằng: “Kiếp trước cô là vợ của Mưu Dung. Khi 30 tuổi, cô mắc bệnh nặng, hơn một năm nửa tỉnh nửa mê trên giường. Mẹ chồng của cô hơn 70 tuổi hằng ngày vẫn nấu cháo cho cô ăn. Nhưng cô vì miệng đắng chán ăn, khóc lóc và chửi bới bà nhiều lần. Khi sắp chết, cô tuyệt vọng kêu trời rằng: ’70 tuổi không chết, tôi chỉ mới 30 tuổi mà phải chết, ông trời ơi, thật không công bằng!’ Thần Ti Mệnh đã hỏi Thiên Đế, Thiên Đế hạ lệnh đốt thi thể của cô, lúc đó cô đã chết. Bây giờ đã đến lúc kết thúc nghiệp cũ, để cô chết dưới lưỡi rìu sấm sét, và điều này sẽ sớm được thực hiện. Vì cô hiếu thảo phụng dưỡng mẹ chồng, nên ta báo cho cô biết trước”. Dụ Thị tỉnh dậy từ trong mộng. Sáng sớm đi tắm và thay y phục mới rồi bái kiến mẹ chồng và nói: “Con về làm dâu trong nhà được ba năm, phụng dưỡng mẹ chồng không có sai sót nào. Hôm nay con muốn xin nghỉ, tạm thời về nhà bố mẹ đẻ, nhưng sợ rằng gặp chuyện bất trắc mà chết, xin mẹ yên tâm và đừng bi thương”. Mẹ chồng cô khi nghe con dâu nói lời khó hiểu và không bình thường này, thì vô cùng kinh ngạc và nghi hoặc.
Dụ Thị về nhà bố mẹ đẻ để cáo biệt bố mẹ, và đem chuyện trong mộng kể đầu đuôi ngọn ngành cho bố mẹ nghe. Sau đó, cô ra ngoài nhà thắp một nén hương rồi đứng dưới một gốc cây ở phía Nam ngôi nhà, ngẩng mặt lên trời cầu khấn: “Cái chết của dân phụ, đây là do nợ nghiệp tiền kiếp tạo thành, dân phụ tiếp nhận, sẽ không chối từ. Nhưng mẹ chồng đã già, chồng lại nghèo túng, thì ai sẽ là người phụng dưỡng họ? Cha mẹ con từ nhỏ đã dạy dỗ con làm người tốt, nhưng nay con bị trời trừng phạt, thì sẽ mang lại tai tiếng cho cha mẹ. Nay con đã mang thai được bảy tháng, nếu là con trai thì dòng họ Chi sẽ có hậu duệ. Có lẽ, hai điều trên không thể tránh khỏi, nhưng vì việc có con nối dõi cho dòng họ Chi, nên cầu xin Thiên Thượng trì hoãn, kéo dài việc chấp hành sự trừng phạt của Thiên Thượng đối với con sau ba tháng, đợi con sinh con xong rồi mới để con chết”.
Lúc đó, đang là ban ngày, nhưng bầu trời đầy mây đen, sấm sét và giông bão cùng nhau kéo đến, trời đất như một vùng đen tối. Văn Xương Đế Quân biết được tình huống của Dụ Thị, liền trình báo với Thiên Đế, lấy Mã Thị, thê tử của Trương Thực, là người hung ác, nghịch thiên cùng quê để thay thế cho Dụ Thị. Mã Thị là người dâm tà và ngang ngược, làm loạn nhân luân, ngược đãi mẹ chồng, đã bị sét đánh chết trong cơn giông bão, mà Dụ Thị thì được miễn trừ một mạng.
Người con hiếu thảo tránh khỏi miệng hổ, tăng tuổi thọ cho cha
Từ Nhất Bằng, còn gọi là Quý Tường, là người vùng Ngân Địa (nằm ở biên giới phía Đông tỉnh Chiết Giang). Anh rất hiếu kính phụng dưỡng cha mẹ, nhưng vì nhà nghèo nên đành phải rời xa gia đình đến dạy học ở vùng ven biển. Một đêm nọ, anh đột nhiên có một giấc mộng kỳ lạ, mộng thấy bản thân nói với ông chủ rằng: “Có lẽ phụ thân của tôi đã bị bệnh”.
Anh vội vã trở về nhà, đi đường không quản ngày đêm. Anh đang đi qua một ngọn núi vào ban đêm, thì đột nhiên gặp phải một con hổ ở giữa đường, chặn đường đi của anh.
Anh ta cầu xin hổ rằng: “Ta vội vã lên đường về nhà vì bệnh của phụ thân, cho dù nanh hổ kề trước mặt, ta có gì phải sợ hãi?” Hổ dường như nghe hiểu được lời nói của anh, đã xoay mình kéo cái đuôi dài bỏ đi.
Khi về đến nhà, người nhà nói với anh rằng phụ thân bị bệnh rất nặng, đã bị hôn mê bất tỉnh rồi. Khi Quý Tường đến gần bên cạnh phụ thân, thì phụ thân chợt tỉnh dậy, và nói với anh rằng: “Con trai của ta, không phải vừa rồi trên đường về nhà gặp phải hổ sao? Vừa rồi ta bị bắt đến công đường, gặp một sử quan mặc áo màu đỏ và nói với ta: ‘Số mệnh của ngươi nhẽ ra đã đến hạn phải chết rồi, nhưng tấm lòng hiếu kính của con trai ngươi đã cảm động đến hổ, khiến cho hổ cũng tránh đi nhường đường cho cậu ta. Vì lòng hiếu thảo của con trai ngươi, nên đặc cách kéo dài tuổi thọ cho ngươi thêm 10 năm’”.
Người xưa vẫn nói “Bách thiện hiếu vi tiên”, rất nhiều người chỉ hiểu được ý tứ bề mặt, mà không thể lĩnh hội được ý nghĩa thâm sâu trong đó, tác giả viết ra ba câu chuyện liên quan đến lòng hiếu thảo lấy từ trong văn hóa truyền thống, có thể dùng làm tài liệu tham chiếu để hiểu hơn thế nào là “Hiếu”, làm sao có thể đạt được chí hiếu. Hiếu không phải là biểu hiện bề mặt, không liên quan đến tiền tài, quyền lực và danh vọng lớn nhỏ, mà hoàn toàn là nhìn nhân tâm. Cùng là việc bưng bát cơm cho cha mẹ, làm một cách chiếu lệ, ứng phó thì không phải là Hiếu thực sự, chứ đừng nói đến chí hiếu. Thật sự xuất phát từ nội tâm mà lo lắng chuyện cơm áo và sinh hoạt hằng ngày cho cha mẹ, cho dù khi sinh mệnh gặp nguy hiểm mà vẫn nhớ đến an nguy của cha mẹ, mà không màng đến sinh tử của bản thân, điều này mới là chí hiếu, như vậy mới có thể có được sự bảo hộ của Thần Phật, cùng với sự trợ giúp của Thần Phật, thần tích bất ngờ sẽ xuất hiện.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/288388
Ngày đăng: 13-04-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org