Việc tiêu thụ nhiều trà, quả mọng và táo mang lại lợi ích nhiều nhất trong nguồn cung cấp Flavonoid.
Chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu flavonoid, gồm các loại quả mọng, trái cây họ cam chanh, trà, cacao, hành – và cả rượu vang – có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Đây là những phát hiện của một nghiên cứu, công bố trên tạp chí Nutrition & Diabetes, ngày 22 tháng 5. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã khảo sát mối liên hệ giữa các thực phẩm giàu flavonoid và sự khởi phát bệnh tiểu đường type 2, ở một nhóm lớn các đối tượng nghiên cứu tại Vương quốc Anh.
Các hợp chất nhiều màu sắc
Flavonoid, là một nhóm các hợp chất hóa học được tìm thấy trong trái cây, rau và hoa, thường tạo ra màu sắc cho thực vật. Khác với các chất như glucid (bột, đường), protein và chất béo, được chuyển hóa ngay trong dạ dày, flavonoid được phân hủy bởi vi khuẩn trong ruột và được các bộ phận khác nhau của cơ thể sử dụng. Chúng có các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, chống dị ứng và chống ung thư.
Có 6 nhóm chất chủ yếu của flavonoid, gồm: flavanone, flavone, flavan-3-ol, flavonol, anthocyanin và isoflavone. Mỗi loại mang lại những lợi ích khác nhau.
Nghiên cứu đã cho thấy sự liên quan của flavonoid với khả năng giảm thiểu nguy cơ các bệnh mãn tính, trong đó có cả bệnh tim mạch, cũng như khả năng cải thiện chức năng nhận thức.
Flavonoid làm giảm đáng kể các yếu tố nguy cơ.
Trong một nghiên cứu ở Vương quốc Anh, các nhà khoa học đã khảo sát dữ liệu của 113.097 cá nhân nằm trong UK Biobank, một nghiên cứu gốc, có quy mô lớn, với hơn 500.000 người trưởng thành tham gia, được tiến hành trong thời gian giữa năm 2006 và 2010. Mức tiêu thụ flavonoid 24 giờ của người tham gia nghiên cứu được đánh giá hai lần (hoặc thậm chí nhiều lần hơn). Kết quả thu được sau đó, được phân tích, sử dụng cơ sở dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ.
Các nhà khoa học đã khảo cứu 10 loại thực phẩm chứa flavonoid: gồm trà đen, trà xanh, rượu vang đỏ, táo, quả mọng, nho, cam, bưởi, ớt chuông, hành và socola đen. Mức tiêu thụ flavonoid trung bình hằng ngày là 805,7 mg. Trà là nguồn cung cấp flavonoid cao nhất, còn ớt là thấp nhất. Người ta thấy, nếu sử dụng sáu khẩu phần thực phẩm giàu flavonoid mỗi ngày so với chỉ sử dụng một khẩu phần, sẽ giảm được 28% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Hơn nữa, mỗi khẩu phần bổ sung của thực phẩm giàu flavonoid sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 được khoảng 6%. Bốn khẩu phần trà đen hoặc trà xanh, mỗi ngày, sẽ giảm được 21% nguy cơ. Một khẩu phần quả mọng mỗi ngày, được thấy là có thể giảm 15% nguy cơ. Còn mức giảm của một khẩu phần táo là 12%.
Các loại flavonoid khác nhau liên quan với các tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 khác nhau. Tiêu thụ nhiều anthocyanin hơn được liên kết với mức giảm 19% nguy cơ (chất này được tìm thấy trong nho, quả mọng và táo, nó tạo nên màu đỏ đậm, xanh da trời và tím của các loại quả này); tiêu thụ nhiều flavan-3-ol hơn được cho là có mức giảm 26% (chất này được tìm thấy trong ca cao và trà); flavonol, tìm thấy trong ca cao, được cho là có mức giảm 28%; còn proanthocyanidin, được tìm thấy trong hạt nho và việt quất, có mức giảm là 27%.
Các phát hiện này gợi ý rằng một chế độ ăn giàu flavonoid, đặc biệt là trà, quả mọng và táo, có ảnh hưởng đến cách cơ thể của một người chuyển hóa đường ra sao, đồng thời có thể ảnh hưởng đến chức năng thận và gan. Ngoài ra, ăn nhiều thực phẩm giàu flavonoid này cũng có thể giúp kiểm soát cân nặng, góp thêm tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Bệnh tiểu đường hoành hành tại Hoa Kỳ
Nghiên cứu này ủng hộ các khuyến nghị tăng cường tiêu thụ trái cây, đặc biệt là quả mọng và táo, để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Theo Hiệp hội Bệnh tiểu đường Hoa kỳ, vào năm 2021, có 38,4 triệu người Mỹ, tương đương khoảng 11,6% dân số, được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Mỗi năm, có hơn 1 triệu người được chẩn đoán mắc mới bệnh tiểu đường, và cũng có hơn 350.000 người dưới 20 tuổi sống chung với căn bệnh này.
Ngoài ra, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, có 97,6 triệu người Mỹ từ 18 tuổi trở lên nằm trong tình trạng tiền tiểu đường, chiếm 38% dân số.
Theo Amie Dahnke, The Epoch Times
Tân Minh biên dịch
Amie Dahnke là một nhà văn và biên tập viên tự do sống ở California. Cô đã đưa tin về báo chí cộng đồng và tin tức chăm sóc sức khỏe trong gần một thập kỷ, đã giành được Giải thưởng Nhà xuất bản Báo chí California cho tác phẩm của mình.
NTD Việt Nam