Tác giả: Đức Huệ
[ChanhKien.org]
Thời Tam Quốc, có một mưu sĩ tên là Từ Thứ, tự là Nguyên Trực, tên thật là Từ Phúc. Thuở nhỏ, Từ Phúc là một người trượng nghĩa, vì giúp người báo thù nên bị quan bắt. Sau khi được cứu thoát thì đổi tên thành Từ Thứ. Có lẽ là do đã trải qua kiếp nạn sinh tử nên từ đó ông bắt đầu bái sư cầu đạo và giao du thân thiết cùng với các đạo hữu như Gia Cát Lượng, v.v. Khi Lưu Bị đóng quân ở Tân Dã, Từ Thứ đến nhờ cậy và tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị, nói rằng Gia Cát Lượng giỏi hơn ông gấp mười lần, hy vọng Lưu Bị đích thân đến thỉnh mời ông ấy xuống núi về phụ tá giúp Lưu Bị hoàn thành bá nghiệp. Vì thế mới có câu chuyện Lưu Bị ba lần đến lều cỏ mời Gia Cát Lượng xuất sơn.
Khi Từ Thứ đi về phía Nam, mẹ ông bị Tào Tháo bắt làm con tin. Vì bất đắc dĩ, ông đành phải từ biệt Lưu Bị và gia nhập doanh trại của Tào Tháo để cứu mẹ. Về sau, sự việc này được cách điệu nghệ thuật là “Từ Thứ vào trại Tào Tháo, một lời cũng không nói”. Hơn nữa, Từ Thứ còn được ca ngợi là hình mẫu của người con hiếu thảo. Dưới thời trị vì của Ngụy Văn Đế Tào Phi, Từ Thứ làm quan đến chức Hữu trung lang tướng và Ngự sử trung thừa, sau đó ông lui về ẩn cư vân du.
Tương truyền Từ Thứ từng ẩn cư ở Giao Nam, nơi ấy có đỉnh Mạo Tử thuộc núi Đại Châu từng dựng miếu Từ Thứ. Xuôi theo dòng lịch sử, dần dần xuất hiện truyền thuyết Từ Thứ tu đạo thành Tiên, vân du khắp nơi và triển hiện thần tích. Trong các bút ký của những văn nhân thời cổ đại đều có ghi chép, các truyền thuyết trong dân gian lại càng ghi chép nhiều câu chuyện hơn. Hôm nay, tác giả sẽ chọn ra hai bản ghi chép từ thời Khang Hy để tặng bạn đọc.
Vào năm Khang Hy thứ 12 (năm 1673 Công nguyên), Ngô Tam Quế nổi dậy chống lại nhà Thanh, loạn tam phiên nổ ra. Vào năm Khang Hy thứ 13 (năm 1674 Công nguyên), hàng tướng Vương Phụ Thần của nhà Minh nhân cơ hội phản bội triều Thanh và tỏ ý định theo Ngô Tam Quế nổi dậy phản Thanh. Năm Khang Hy thứ 14 (năm 1675 Công nguyên), Hoàng đế Khang Hy phái người đến nói với ông ta rằng: Hy vọng Vương Phụ Thần đi sai đường sẽ biết quay đầu lại, triều đình nhất định sẽ tha tội cho ông. Đáng tiếc Vương Phụ Thần quyết tâm tiếp tục phản loạn. Vào năm Khang Hy thứ 15 (năm 1676 Công nguyên), Hoàng đế Khang Hy chính thức phong Đồ Hải làm Phủ viễn đại tướng quân, cấp tốc dẫn quân đến Thiểm Tây để chinh phạt phản quân của Vương Phụ Thần.
Chuyện xảy ra khi tướng Đồ Hải đang trên đường dẫn quân đi chinh phạt. Có một binh sĩ tên Vu Anh trong đội quân của Đồ Hải, vì trên đường gặp phải gió lớn và giông bão nên anh bị lạc đường, tụt lại phía sau và bị tách khỏi đoàn quân lớn. Vu Anh đành một mình cưỡi ngựa chạy tán loạn trong sơn cốc, chạy luẩn quẩn khắp nơi nhưng không tìm được đường ra. Đến tối, Vu Anh dự đoán mình không thể ra ngoài được trong đêm nay, phải đợi đến ngày mai nên liền xuống ngựa dựa vào một gốc cây lớn nghỉ ngơi. Một lúc sau, anh nhìn thấy có một chiếc đèn lồng đỏ đang chầm chậm tiến đến, khi lại gần nhìn kỹ hơn thì hóa ra là một ông lão đang đi tới. Ông lão có bộ râu bạc phơ và lông mày trắng, dung mạo giống như ông lão sống lâu trong tranh cổ. Quần áo và mũ của ông ấy mang phong cách cổ xưa của triều đại trước, không giống cách ăn mặc của người nhà Thanh đương thời là cạo tóc, mặc trang phục giản dị.
Ông lão điềm đạm hỏi Vu Anh: “Cậu bị lạc à?” Vu Anh nói: “Vâng, con mong cụ có thể chỉ đường cho con”. Ông lão nói: “Ngọn núi này rất hoang vu, có nhiều hổ sói mãnh thú, nơi này còn cách đường lớn năm sáu mươi dặm. Mau theo ta, ta sẽ đưa cậu ra đường lớn”. Thế là ông lão đi trước dẫn đường, Vu Anh cưỡi ngựa theo sau. Ông lão bước đi như bay, xuyên qua cánh rừng đầy đá ngổn ngang và cỏ dại trong đêm tối với tốc độ cực nhanh, đến nỗi ngựa của Vu Anh gần như không thể theo kịp. Đi được một lúc lâu mới tới một nơi bằng phẳng, thoáng đãng. Ông lão dừng bước và đưa chiếc đèn lồng đỏ trong tay cho Vu Anh, chỉ phương hướng rồi nói: “Con đường lớn ở phía trước”.
Vu Anh nhìn kỹ hơn vào chiếc đèn lồng đỏ, nó không phải được làm bằng vải cũng không phải giấy, hơn nữa bên trong cũng không có nến hay đuốc, toàn bộ chiếc đèn lồng đỏ trong ngoài như một khối trong suốt phát sáng, có hình dáng ngọc lưu ly đỏ, vừa đỏ vừa tròn lại phát sáng, không biết là vật gì. Vu Anh cảm thấy rất kỳ lạ, biết là đã gặp được Thần Tiên bèn kính cẩn tạ ơn ông lão và hỏi danh tính, ông lão cười nói: “Ta là Từ Thứ thời Tam Quốc”. Vu Anh nghe xong vô cùng kinh hãi, vừa định quỳ xuống bái tạ thì ông lão đã biến mất. Vu Anh đi theo hướng ông lão chỉ, cưỡi ngựa đi được mấy dặm, quả nhiên đã tới đường lớn. Lúc này phía Đông trời dần sáng, mặt trời đỏ vừa lên, chiếc đèn lồng đỏ trong tay cũng tắt, nhìn kỹ thì đèn lồng đỏ đã biến thành quả hạnh đỏ to bằng miệng cái bát. Men theo đường lớn anh đã tìm được đồng đội của mình, Vu Anh kể lại tường tận câu chuyện kỳ lạ mà mình gặp phải, mọi người phân tích rằng hiện nay là trời đông giá rét, lẽ ra không có quả hạnh, hơn nữa quả này lại to như vậy, mọi người đều cho rằng anh ấy thật sự đã gặp được Từ Thứ ẩn cư tu hành thành Tiên.
Nhân tiện nói về kết cục của Vương Phụ Thần. Khi đại quân bình phản của Đồ Hải đến, Vương Phụ Thần đánh không lại, cùng đường mạt lộ đành phải đầu hàng thêm lần nữa. Hoàng đế Khang Hy khoan dung độ lượng vẫn phong Vương Phụ Thần làm đề đốc Bình Lương, đồng thời phong thêm tước hiệu thái tử Thái Bảo để trấn an. Tuy nhiên, Vương Phụ Thần từ đầu đến cuối luôn dùng cái tâm của kẻ tiểu nhân để đo lòng quân tử, luôn hoài nghi tội phản nghịch của mình quá lớn, sự khoan dung từ bi của hoàng đế Khang Hy chỉ là giả dối, điềm báo sẽ bị xử lý trong tương lai; vì thế hắn đã uống rượu độc tự vẫn. Khi Hoàng đế Khang Hy biết tin Vương Phụ Thần qua đời, ông đã lặng im một hồi lâu, cũng không trách phạt liên lụy đến gia đình hay thuộc hạ của hắn. Ngài quả thực là một vị thánh tổ có lòng từ bi vô hạn của nhà Thanh!
Ngoài ra, theo “Kiến văn tùy bút” có ghi chép, vào năm Khang Hy thứ 35 (năm 1696 Công Nguyên), tại núi Ngũ Chỉ, thuộc Quảng Đông, cũng là núi Ngũ Chỉ thuộc thành phố Hà Nguyên, tỉnh Quảng Đông, một ngày nọ, tiên hạc, mây ngũ sắc và “sương thơm vờn bay” xuất hiện giữa ban ngày. Lúc này mọi người nhìn thấy một vị Tiên bay lên không trung và nói với mọi người trong núi: “Ta là Từ Thứ thời Tam Quốc, sau khi quy ẩn ta đã tu được hơn nghìn năm, hôm nay ta đã tu viên mãn và bạch nhật phi thăng. Các ngươi phải loan truyền rộng rãi cho con người thế gian biết về kỳ tích này của Thần”.
Nguồn tư liệu: “Nhĩ thực lục nhị biên” và “Kiến văn tùy bút”.
Hán Việt:
“Nhĩ thực lục nhị biên” nguyên văn: Khang Hy thập tam niên, Bình Lương tổng binh Vương Phụ Thần bạn nghịch, đại tướng quân Đồ Hải chinh chi. Hữu binh đinh Vu Anh, đồ ngộ phong lôi, dữ đại quân tương thất. Vãn thoán sơn cốc gian, sách kỵ bàn toàn, tứ hướng vô lộ, ước dạ bán, độ bất đắc xuất, toại hạ mã ỷ thụ, tức dĩ đãi đán. Nga kiến hồng đăng nhiễm nhiễm lai, ký cận thị chi, nãi nhất tẩu, tu my như hoạch, y quan cổ dã, bất loại kim thế. Vị Vu viết: “Nhược mê đạo hồ?” Vu viết: “Nhiên, duy trượng nhân chỉ nam chi”. Tẩu viết: “Thử sơn hoang tích, hổ lang tung hoành, khứ đại lộ thượng ngũ lục thập lý. Tốc lai, ngô đạo nhữ”. Toại tiền hành. Vu thừa mã thung chi. Kinh loạn phong tùng tinh chi gian, tẩu vận lý như phi, mã kỷ bất năng cập, cửu chi bình khoáng, tẩu nãi tức túc. Dĩ đăng tặng Vu viết: “Thản đồ bất viễn hỹ”. Vu thị kỳ đăng, phi sa phi chỉ diệc phi cao chúc, nhi biểu lý huỳnh triệt như lưu ly, nhi hồng nhi viên. Tâm dị chi, thỉnh cộng tính danh, tẩu viết: “Ngô Tam Quốc thời Từ Thứ dã”. Vu kinh hãi, phương dục bái tạ, tẩu dĩ thất. Vu độc hành sổ lý, quả tuân đại đạo, đông phương bạch hỹ, đăng diệc tức. Thẩm thị tắc hồng hạnh nhĩ. Đại như oản. Xu chí đại quân, bị thuật kỳ dị, hàm dĩ nghiêm đông khí hậu, bất nghi hữu hạnh nhi thả đại, tín kỳ quả ngộ Nguyên Trực dã.
Tạm dịch:
Nguyên văn “Nhĩ thực lục nhị biên”: Vào năm Khang Hy thứ 13, tổng binh vùng Bình Lương là Vương Phụ Thần tạo phản, đại tướng quân Đồ Hải dẫn quân chinh phạt. Binh sĩ tên Vu Anh vì gặp giông bão trên đường đã bị lạc khỏi đoàn quân. Đến tối anh chạy vào sơn cốc, quất ngựa chạy luẩn quẩn không tìm được đường ra. Đến nửa đêm, sợ rằng không ra được, anh liền xuống ngựa dựa vào gốc cây nghỉ ngơi đợi trời sáng. Đột nhiên nhìn thấy ánh đèn đỏ chầm chậm tiến tới, nhìn gần thì là một ông lão, mày râu như tranh vẽ, áo quần cổ xưa, không giống người đương thời. Ông lão nói: “Cậu bị lạc đường à?” Người họ Vu nói: “Vâng, mong cụ chỉ đường ạ”. Ông lão nói: “Ngọn núi này hoang vắng, hổ lang tung hoành, cách đường lớn còn năm sáu mươi dặm nữa, nhanh đến đây ta dẫn đường cho cậu”. Sau đó ông tiến về phía trước. Họ Vu cưỡi ngựa đi theo. Hai người băng qua những ngọn núi rậm rạp, ông lão đi nhanh như bay, con ngựa suýt không thể đuổi kịp, một hồi lâu tới được nơi bằng phẳng rộng rãi, ông lão mới dừng bước. Ông cụ đưa tặng cho anh chiếc đèn và nói: “Con đường bằng phẳng không còn xa nữa”. Khi nhìn vào chiếc đèn lồng, anh thấy rằng đó không phải được làm bằng vải, giấy hay nến, mà bên trong bên ngoài đều sáng trong suốt như ngọc lưu ly, vừa đỏ vừa tròn. Cảm thấy kỳ lạ, anh liền hỏi danh tính, ông cụ nói: “Ta là Từ Thứ thời Tam Quốc”. Họ Vu kinh hãi, vừa định bái tạ thì ông lão đã biến mất. Vu Anh một mình đi thêm mấy dặm nữa theo con đường lớn, phía Đông trời sáng, đèn cũng tắt. Nhìn kỹ thấy đèn lồng trở thành quả hạnh nhân đỏ, to như cái bát. Anh tiến về hướng đoàn quân lớn, thuật lại chi tiết câu chuyện kỳ lạ, vì khí hậu mùa đông khắc nghiệt nên không thể có quả hạnh to như thế, do đó họ tin rằng quả đúng là đã gặp được Nguyên Trực.
Hán Việt:
“Kiến văn tuỳ bút” nguyên văn: Khang Hy tam thập ngũ niên, Quảng Đông Ngũ Chỉ Sơn bạch nhật hạc vân tường không, hương vụ liễu nhiễu, hữu nhất tiên nhân thăng cử không trung, cáo sơn trung chúng nhân đạo: “Ngã Tam Quốc thì Từ Thứ dã. Tu luyện thiên dư niên, kim đắc trùng cử(chú: truyện thuyết trung đích bạch nhật phi thăng). Nhữ bối khả truyện ư thế nhân tri chi”.
Tạm dịch:
Nguyên văn “Kiến văn tuỳ bút”: Năm Khang Hy thứ 35, vào ban ngày ở Ngũ Chỉ Sơn, Quảng Đông, trên trời có hạc tiên và mây ngũ sắc, sương thơm vờn bay, xuất hiện một tiên nhân bay lên không trung và nói với những người trong núi rằng: “Ta là Từ Thứ thời Tam Quốc, tu hành đã hơn nghìn năm và hôm nay thành Tiên bay lên (chú thích: hiện tượng bạch nhật phi thăng được kể trong truyền thuyết). Các ngươi có thể truyền cho thế nhân biết chuyện này”.
ChanhKien.org