Theo các nhà khoa học, (415029) 2011 UL21 là một trong những tiểu hành tinh lớn nhất có khả năng va chạm với hành tinh của chúng ta. (Ảnh minh họa: Pixabay)
Rạng sáng 28/6, tiểu hành tinh khổng lồ có kích thước tương đương một quả núi đã sượt qua Trái Đất ở cự ly gần. Vụ việc khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ va chạm tiểu hành tinh trong tương lai.
Được đặt tên là (415029) 2011 UL21, vật thể này thuộc nhóm “có khả năng gây nguy hiểm” cho Trái Đất. Theo các nhà khoa học, đây là một trong những tiểu hành tinh lớn nhất có khả năng va chạm với hành tinh của chúng ta.
Vào lúc 20 giờ 16 phút ngày 27/6 theo giờ UTC (tương đương 3 giờ 16 phút rạng sáng 28/6 theo giờ Việt Nam), (415029) 2011 UL21 đã bay sượt qua Trái Đất ở khoảng cách gần nhất là 6,6 triệu km. Mặc dù đây là một khoảng cách tương đối xa trong thiên văn học, nhưng nó vẫn là lời nhắc nhở về sự nguy hiểm tiềm ẩn từ các vật thể ngoài hành tinh.
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), (415029) 2011 UL21 có đường kính ít nhất 2 km, tương đương một quả núi nhỏ. Cứ 10 năm, một vật thể có kích thước này lại tiến gần Trái Đất, đặt ra mối đe dọa tiềm ẩn cho sự an toàn của hành tinh.
Nếu va chạm với Trái Đất, (415029) 2011 UL21 có thể gây ra hậu quả thảm khốc, ảnh hưởng trên quy mô lục địa và thậm chí có thể dẫn đến những thay đổi khí hậu đáng kể trong nhiều năm.
Ngoài (415029) 2011 UL21, một tiểu hành tinh khác có tên 2024 MK cũng đang tiến về phía Trái Đất. Dự kiến, 2024 MK sẽ tiếp cận Trái Đất vào ngày 29/6 với khoảng cách gần nhất chỉ 290.000 km, tương đương 77% khoảng cách giữa Mặt Trăng và Trái Đất.
Mặc dù 2024 MK nhỏ hơn nhiều so với (415029) 2011 UL21, với đường kính chỉ khoảng 119-270 m, nhưng nó sẽ sáng hơn nhiều do tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách gần.
Cả hai tiểu hành tinh (415029) 2011 UL21 và 2024 MK đều sẽ được các cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới như NASA và ESA theo dõi chặt chẽ trong nhiều năm tới. Việc theo dõi và nghiên cứu các vật thể ngoài hành tinh là vô cùng quan trọng để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mối đe dọa tiềm ẩn từ vũ trụ và có biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Theo Science Alert
NTD Việt Nam