Các loài trên Trái đất đang trên bờ vực tuyệt chủng và các nhà khoa học đang kêu gọi công chúng hành động để ngăn chặn thảm họa xảy ra. (Ảnh minh họa: Pixabay)
Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học cho biết, phần lớn các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, và điều này phụ thuộc vào việc con người bảo vệ một số khu vực nhất định trên Trái đất. Họ tin rằng việc bảo vệ 16.825 các điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng này có thể là một cách thiết thực và tiết kiệm để duy trì các loài trên Trái đất.
Việc bảo tồn các địa điểm này, chiếm 1,22% diện tích địa lý của hành tinh chúng ta, là điều cần thiết để ngăn chặn “cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu của sự sống trên Trái đất”. Trong số đó, 76% thuộc các khu rừng nhiệt đới nằm chủ yếu ở năm quốc gia: Madagascar, Brazil, Philippines, Indonesia và Colombia.
Theo tác giả nghiên cứu Eric Dinerstein, một chuyên gia cao cấp về đa dạng sinh học tại tổ chức phi chính phủ RESOLVE, chúng ta hiện đang trải qua cuộc khủng hoảng tuyệt chủng lớn thứ sáu trong lịch sử Trái đất, nhưng là cuộc khủng hoảng đầu tiên liên quan đến hoạt động của con người. Nghiên cứu mới cung cấp một kế hoạch hợp lý, khả thi để ngăn chặn sự tuyệt chủng của nhiều loài hơn. Nó tập trung vào 1,2% diện tích trên mặt đất của Trái đất, nơi có các loài vật quý hiếm, nhưng môi trường sống của chúng chưa được bảo vệ.
Để tính toán phần diện tích đất liền của Trái đất còn chưa được bảo vệ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng 6 bộ dữ liệu để vạch ra sự phân bố của các động vật có xương sống quý hiếm và bị đe dọa, bao gồm chim, động vật có vú, bò sát, lưỡng cư và thực vật. Họ đã làm điều này bằng cách xếp chồng sự phân bố của động vật có xương sống lên phạm vi hiện tại của các khu vực được bảo vệ. Sau đó, sử dụng bộ lọc dựa trên dữ liệu vệ tinh, họ đã loại bỏ các khu vực không có môi trường sống khỏi các vùng đa giác chưa được bảo vệ.
Dinerstein nói thêm rằng việc bảo vệ các địa điểm này có thể cứu hơn 4.700 loài, bao gồm nhiều loài mà các chuyên gia biết rất ít và tồn tại trong cùng một môi trường sống chưa được bảo vệ.
Con người có phải chịu trách nhiệm cho cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu?
Một báo cáo được công bố đầu năm nay cho thấy hơn 50% loài di cư đang suy giảm số lượng. Thêm vào đó, 22% trong số này đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các hoạt động không bền vững của con người, chẳng hạn như khai thác quá mắc và phá hủy môi trường, được cho là nguyên nhân gây ra điều này.
Trong năm cuộc tuyệt chủng hàng loạt đã xảy ra trên Trái đất bao gồm Ordovician-Silurian, Late Devonian, Permian-Triassic, Triassic-Jurassic, và K-Pg, gần 98% các loài thực vật và động vật đã biến mất khỏi hành tinh của chúng ta.
Các chuyên gia cho rằng năm cuộc tuyệt chủng đầu tiên do các nguyên nhân tự nhiên gây ra, trong khi cuộc tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu bắt nguồn từ nguyên nhân con người. Hiện tại, 40% diện tích đất được sử dụng cho nông nghiệp, và ngành này cũng tiêu thụ tới 70% lượng nước ngọt trên hành tinh. Ngoài ra, nó còn phải chịu trách nhiệm cho 90% nạn phá rừng toàn cầu, điều này làm thay đổi đáng kể hệ sinh thái của các sinh vật, dẫn đến những hậu quả thảm khốc.
Theo Sciencetimes
NTD Việt Nam