Tử Cấm Thành của triều đại nhà Minh và nhà Thanh là quần thể công trình bằng gỗ lớn nhất còn tồn tại, thời gian xây dựng chỉ 14 năm, thể hiện ưu điểm về tiêu chuẩn hóa, phương pháp xây dựng kiến trúc truyền thống của Trung Quốc. (Shutterstock)
Tử Cấm Thành, cũng chính là Cố Cung ngày nay, được xây dựng dưới thời hoàng đế Vĩnh Lạc Chu Đệ thời nhà Minh, công trình kiến trúc này phải mất 15 năm mới hoàn thành. Nhà Minh ban đầu đặt kinh đô ở Nam Kinh. Sau khi Chu Đệ lên nắm quyền, ông muốn chuyển về Bắc Kinh, nơi ông được phong vương. Nhưng liệu Bắc Kinh có phù hợp làm thủ đô của nhà Minh? Điều này còn phải xem có thể tìm được long mạch thích hợp hay không.
Hai sự kiện ‘trảm’ long mạch
Ở Trung Quốc có 24 triều đại, mỗi triều đại đều có long mạch riêng và các hoàng đế cũng rất coi trọng long mạch của mình. Khi các triều đại thay đổi, đủ loại kịch tính về việc trảm, bảo vệ long mạch xuất hiện không ngừng.
Khi nhà Minh lật đổ nhà Nguyên, những người lão thành ở kinh thành đã kể lại một câu chuyện về việc chặt đứt “mạch rồng” ở thời nhà Nguyên trước đó.
Họ nói rằng núi Vạn Tuế của hồ Thái Dịch, tức Quỳnh Đảo ở Bắc Hải hiện nay, không phải là một hòn đảo tự nhiên, mà được di chuyển từ nơi khác cách đó hàng nghìn dặm bởi bàn tay con người. Khi người Mông Cổ vừa mới mạnh lên, vua Đại Kim ở phương Bắc phát hiện ra một ngọn núi ở sa mạc nơi người Mông Cổ sinh sống phát ra một luồng ‘Vương khí’, lo rằng sẽ ảnh hưởng đến sự cai trị của mình, nên đã tìm đến người Mông Cổ mong muốn dùng báu vật để đổi lấy ngọn núi đó. Lúc đó người Mông Cổ còn chưa hiểu sâu về phong thủy, nên đã vui vẻ đồng ý.
Sau khi giao dịch xong, Đại Kim nhanh chóng phái người đến đó để san phẳng ngọn núi, chở toàn bộ đất đá hàng nghìn dặm về cung điện ở Bắc Kinh, đổ vào hồ Thái Dịch để tạo thành một hòn đảo nhỏ, và xây thêm cung điện trên đó.
Đáng tiếc, không biết quân Mông Cổ quá may mắn hay long mạch đã bị trảm nhầm chỗ. Không lâu sau, Đại Kim bị tiêu diệt bởi của kẻ thù cũ là Đại Tống và quân Mông Cổ láng giềng.
Trong chớp mắt, vào cuối thời nhà Minh, vở kịch trảm rồng lại được dàn dựng.
Vào thời điểm đó, bộ tộc Nữ Chân lại nổi lên ở vùng Đông Bắc. Năm 1616, Nỗ Nhĩ Cáp Xích thành lập nước, tên là Đại Kim và trong lịch sử được gọi là Hậu Kim. Hoàng đế Vạn Lịch của nhà Minh không thể ngồi yên, ngoài việc phái đại quân đi chinh phạt, ông còn tàn nhẫn phá hủy lăng mộ của Kim Thái Tổ Hoàn Nhan A Cốt Đả và cắt đứt long mạch của Hậu Kim. Đáng tiếc ‘người tính không bằng trời tính’. Điều mà Hoàng đế Vạn Lịch không biết là ‘Đại Kim’ này không phải là ‘Đại Kim’ của Kim Thái Tổ. Họ của gia đình Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Ái Kim Giác La, không cùng họ với Hoàn Nhan A Cốt Đả Kim Thái Tổ.
Long mạch của Hậu Kim nằm ở Vĩnh Lăng, huyện Tân Tân, tỉnh Liêu Ninh. Núi Khải Vận, nơi có lăng Vĩnh Lăng, bên trái có Thanh Long, bên phải có Bạch Hổ và phía trước có 3 dòng chảy, tạo thành hình ‘tam thủy nhập khố’, có phong thủy tuyệt vời. Điều kỳ diệu hơn nữa là 12 ngọn đồi nhấp nhô của núi Khải Vận tương ứng với 12 vị hoàng đế của nhà Thanh, như thể đã được tiên đoán từ hàng ngàn năm trước rằng gia tộc Ái Tân Giác La sẽ làm chủ Trung Nguyên.
Về phần nhà Minh, dù cắt nhầm mạch rồng nhưng việc đào mộ tổ tiên của người khác xét cho cùng là một việc rất trái đạo đức, người ta nói sẽ bị Trời trừng phạt. Quả nhiên, quả báo đến rất nhanh. Vào năm Sùng Trinh thứ tám, nông dân nổi dậy, sau khi Trương Hiến Trung chiếm được Phượng Dương, ông ta làm theo và phá hủy lăng mộ tổ tiên của họ Chu. Khi Hoàng đế Sùng Trinh biết chuyện, ông mặc quần áo trắng và khóc lóc thảm thiết. Ông đã cử người đến đền thờ tổ tiên để cáo lỗi. Sùng Trinh cảm thấy thật đáng xấu hổ và nhục nhã! Tám năm sau, Sùng Trinh cử người bí mật điều tra mộ tổ tiên của Lý Tự Thành, thủ lĩnh của quân nông dân, và ngay lập tức cử người đi phá hủy nó.
Đây là sự kiện ‘tam trảm long mạch’ nổi tiếng vào cuối thời nhà Minh. Khi ba thanh đao này chém xuống, cả triều Minh và Lý Tự Thành đều ‘lưỡng bại câu thương’. Nhà Minh diệt vong, Lý Tự Thành không đoạt được thiên hạ. Hậu Kim ở đằng ngoài, đã đổi tên thành triều Thanh, dễ dàng tiến vào thành và nắm quyền kiểm soát Trung Nguyên.
Đi tìm long mạch
Có rất nhiều điều đẫm máu như vậy trong lịch sử. Vậy tại sao các hoàng đế lại coi trọng long mạch đến vậy, và một ngọn núi nhỏ lại gắn liền với vận mệnh của một triều đại như thế nào? Điều này phải bắt đầu từ vũ trụ học của người xưa.
Người Trung Quốc cổ đại tin vào ‘sự thống nhất giữa con người và thiên nhiên’ và tin rằng cơ thể con người là một tiểu vũ trụ được tích hợp với ‘trời’, tức là tiểu vũ trụ trong cơ thể người có sự tương thông với vũ trụ rộng lớn bên ngoài. Một khi sự tương thông được thiết lập, cơ thể con người có thể tiếp nhận năng lượng của vũ trụ. Theo thuật ngữ hiện nay, nó có thể liên tục tiếp nhận năng lượng từ vũ trụ.
Tương tự như vậy, trái đất và ‘bầu trời’ cũng có thể giao tiếp với nhau. Cầu liên lạc là núi Côn Luân. Núi Côn Luân có thể dẫn đường “khí” của vũ trụ bên ngoài và vận chuyển nó đến nhiều nơi khác nhau. Bằng cách tìm thấy những long mạch này, con người có thể tương thông với Trời, có được năng lượng trong vũ trụ, đồng thời nhận được sự bảo hộ của Thần.
Ngày xưa, các hoàng đế tin rằng họ là người được Trời phái đến và tự gọi mình là Thiên Tử, vì vậy việc các hoàng đế có thể câu thông với Trời là rất quan trọng. Long mạch là cầu nối để họ có thể giao tiếp với Trời. Đây chính là lý do vì sao mỗi triều đại đều rất coi trọng long mạch.
Có 3 long mạch lớn chảy xuống từ dãy núi Côn Luân là Bắc Cán Long, Trung Cán Long và Nam Cán Long. Trong số đó, Bắc Cán Long đi qua Thanh Hải và Ninh Hạ, đi về phía Tây dọc theo dãy núi Thái Hành. Một nhánh đi qua dãy núi Hằng Sơn và dãy núi Yên Sơn, và cuối cùng kết thúc ở núi Thiên Thọ, phía tây bắc Bắc Kinh. Long mạch mà Chu Đệ mời các cao nhân tìm kiếm cho mình chính là núi Thiên Thọ. Chu Đệ và 12 hoàng đế triều Minh sau này đều được chôn cất dưới chân núi này. Đây chính là 13 lăng mộ triều Minh.
Nhiều lăng mộ của các hoàng đế đã bị đánh cắp trong lịch sử, nhưng Lăng mộ nhà Minh vẫn luôn được bình yên vô sự. Điều hiếm thấy là vào thời nhà Thanh, mặc dù luôn có người giương cao biểu ngữ tuyên bố muốn “phản Thanh, phục Minh” nhưng nhà Thanh lại không cắt đứt huyết mạch của nhà Minh hay đào bới lăng mộ của bất kỳ hoàng đế nhà Minh nào, thay vào đó họ cử người đến canh giữ lăng mộ nhà Minh. Nó được trùng tổ thường xuyên. Thời Trung Hoa Dân Quốc, ngay cả lăng mộ của Từ Hi Thái hậu cũng nhanh chóng bị cướp phá, ngoại trừ Lăng Minh Tự của Hoàng đế Sùng Trinh hơi bị xáo trộn, những lăng mộ còn lại của nhà Minh vẫn còn nguyên vẹn, điều này rất kỳ diệu. Từ góc độ này mà nói, việc tìm kiếm long mạch quả thực rất quan trọng.
Long mạch ở đâu?
Tuy nhiên, việc tìm kiếm long mạch không chỉ nhằm mục đích làm nơi chôn cất mà quan trọng hơn là dẫn năng lượng của huyết mạch rồng vào kinh đô, để hoàng đế sống ở kinh đô có thể nhận được sự bảo vệ của Trời và triều đại có thể tồn tại lâu dài. Nhưng núi Thiên Thọ cách thành Bắc Kinh khá xa, thành Bắc Kinh lại là một đồng bằng rộng lớn, căn bản không có ngọn núi nào, làm sao có thể mang năng lượng của long mạch tới đây?
Các cao nhân xung quanh của Chu Đệ nhanh chóng nghĩ ra cách xây dựng một ngọn núi nhân tạo để hút năng lượng của rồng ra khỏi lòng đất. Đây là ngọn núi Vạn Tuế nằm ở phía bắc Tử Cấm Thành và bên ngoài Huyền Vũ Môn, nay là Công viên Cảnh Sơn. Vì là ngọn núi nhân tạo nên ngọn núi Vạn Tuế này có năm đỉnh được xây dựng theo nguyên lý Ngũ Hành. Đất trên núi đến từ đâu? Chẳng lẽ nó được vận chuyển từ nơi xa ngàn dặm? Không, nếu đào hào bên ngoài hoàng thành, đất đào ra sẽ có thể tạo thành núi.
Vậy năng lượng của long mạch sau khi bị thu hút sẽ đặt ở đâu? Cũng giống như chúng ta đi hết đường nối ống nước thì cuối cùng phải có bồn để hứng nước phải không? Điều này phải kể đến ‘Long huyệt – huyệt rồng’.
Thuyết âm dương cổ xưa của Trung Quốc tin rằng sự khởi đầu của vũ trụ là một sự hỗn loạn và mọi nơi đều chứa đầy “khí”. Đây là “Thái Sơ”. Những “khí” này được gọi là “nguyên khí”. Về sau, trong “nguyên khí” dần dần tách ra và phân thành khí âm và khí dương. Dương thì cứng, Âm thì mềm, Dương thì động, Âm thì tĩnh. Dương khí nhẹ, bay lên thành bầu trời, biến thành các ngôi sao; âm khí nặng và đục, chìm xuống và trở thành đất, tạo thành các ngọn núi trên mặt đất.
Nơi âm khí và dương khí giao hội trong long mạch chính là nơi tọa lạc của “long huyệt”. Nơi nào âm và dương tương hỗ giao cảm thì sự sống sẽ xuất hiện. Vì vậy, nơi có long huyệt sẽ luôn tràn đầy sức sống. Đây chính là lý do tại sao long huyệt lại quan trọng, bởi nó là “sinh khí” của một triều đại.
Vậy long huyệt tương ứng với núi Vạn Thọ ở đâu? Ông Vương Tử Lâm, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Bảo tàng Cố Cung, cho biết, theo điều tra của ông, ‘Long Huyệt’ trong Tử Cấm Thành nên được đặt ở Giao Thái Điện ở sân sau của hoàng cung vì ba lý do.
Trước hết, vị trí của Giao Thái Điện tương đối bí mật. Phía trước có Càn Thanh cung, phía sau là Khôn Ninh cung, hai bên còn có Đông Tây Lục cung, cho nên toàn bộ Giao Thái Điện đều được giấu ở giữa. ‘Long huyệt’ nhấn mạnh chữ ‘ẩn’, ‘bất lộ sơn, bất lộ thủy’, càng bí ẩn càng tốt. Nếu Long huyệt lộ ra ngoài sẽ là một tử huyệt và không có tác dụng. Vị trí của Giao Thái Điện phù hợp hơn với điều kiện “bí ẩn”.
Ngoài ra còn có sự bí ẩn trong tên. Hai chữ ‘Giao Thái’ xuất phát từ quẻ Thái trong Bát Quái. Kinh Dịch giải thích quẻ này như sau: “Thiên địa giao thái, âm dương hợp thể, vạn vật hữu tự ngụ ý kỳ trung” (Trời đất hòa hợp, âm dương tương hợp, vạn vật đều phát triển). Điều này phù hợp với điều kiện ra đời của ‘Long huyệt’.
Chứng cứ cuối cùng và quan trọng nhất là gương Hiên Viên treo ở Giao Thái Điện. Gương Hiên Viên là một quả cầu sáng bóng được treo dưới bệ Bàn Long trên đỉnh cung điện. Trong toàn bộ Tử Cấm Thành, chỉ có Giao Thái Điện và Thái Hòa Điện treo gương Hiên Viên. Thái Hòa Điện là nơi hoàng đế hàng ngày thượng triều và cũng là cung điện cao cấp nhất trong Tử Cấm Thành. Gương Hiên Viên treo ngay phía trên ngai vàng của hoàng đế. Gương này được dùng để làm gì? Nó được cho là được sử dụng để xác định Thiên tử là thật hay giả. Nếu ‘Thiên tử’ giả vừa ngồi lên ngai vàng, quả bóng sẽ rơi trúng đầu ông ta.
Chúng ta không biết có bao nhiêu người sẽ tin vào điều này, nhưng Viên Thế Khải, người muốn lên ngôi hoàng đế, đã thực sự tin vào điều đó. Người ta nói rằng Viên Thế Khải vào thời điểm đó đã chuẩn bị một chiếc ghế rồng mới, đó là một chiếc ghế lưng cao kiểu phương Tây. Tuy nhiên, khi đổi ghế rồng, Viên Thế Khải bỗng cảm thấy chột dạ, và yêu cầu dịch ghế lùi lại ba mét để tránh quả bóng. Sau này Viên Thế Khải không trở thành hoàng đế.
Sau này, khi Cố Cung trở thành bảo tàng, nhân viên đã tìm thấy chiếc “ghế rồng” nguyên bản, và thay thế cái ghế kiểu Tây của Viên Thế Khải. Tuy nhiên, vị trí của nó vẫn không thay đổi. Điều được nói là khi người ta tham quan Cố Cung hiện nay, họ vẫn có thể thấy rằng gương Hiên Viên và ngai vàng của Hoàng đế vẫn không được sắp xếp đúng vị trí. Đây chính là những dấu vết còn sót lại của những thay đổi và thăng trầm lịch sử mà Cố Cung đã trải qua.
Vậy, tại sao Giao Thái Điện ẩn giấu trong thâm cung cũng có gương Hiên Viên? Ở đây cũng không có ngai vàng của hoàng đế. Chức năng của Gương Hiên Viên ở đây lại khác, vì nó tương ứng với ngôi sao Hiên Viên trên bầu trời điều khiển giông bão. Ông Vương Tử Lâm cho rằng, đây tượng trưng cho sự giao hội của âm dương trong trời và đất, có nghĩa đây là nơi có Long huyệt.
Nơi ở của Thiên Đế
Sau khi Long Huyệt được xác định, địa điểm xây dựng cung điện cũng được quyết định. Vậy cung điện này được xây dựng theo quy định nào?
Như vừa đề cập, các bậc đế vương thời xưa tin rằng họ là sứ giả của trời, nên cung điện của họ sẽ được xây dựng mô phỏng theo cung điện trên Thiên Thượng. Bạn thấy đấy, từ ‘Tử – 紫 trong Tử Cấm Thành xuất phát từ chữ “紫” trong “Tử Vi Viên” nơi Thiên Đế ở. Chiêm tinh học Trung Quốc cổ đại cho rằng, Thiên Đế sống ở phương vị sao Bắc Cực, nên sao Bắc Cực là trung tâm của bầu trời, và tất cả các ngôi sao trên bầu trời đều quay xung quanh nó. Nếu chúng quay xung quanh nó thì phải có trục chứ? Đây là “Thiên trục”. Tuy nhiên, “Thiên trục” này không thể nhìn thấy hay chạm vào được, mà chỉ là một khái niệm.
Bầu trời với Sao Bắc Đẩu làm trung tâm được chia thành ba bức tường thành là Thái Vi Viên, Tử Vi Viên và Thiên Thị Viên
Thái Vi Viên là nơi Thiên Đế làm việc, và là nơi sinh sống của các quý tộc và quan đại thần. Tử Vi Viên là nơi ở của Thiên Đế và gia đình ông. Thiên Thị Viên là khu chợ trên bầu trời và là nơi sinh sống của những người bình thường. Bảo vệ xung quanh Tam Viên là 28 chòm sao được cai trị bởi bốn con Thần thú: Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước và Huyền Vũ. Đó là một số điều mà người xưa nhận thức và miêu tả về vũ trụ.
Trục trung tâm của Tử Cấm Thành
Vậy người ta nên xây dựng cung điện ở thế giới loài người như thế nào? Bước đầu tiên là vẽ “trục trung tâm” dựa trên Long Huyệt. “Trục trung tâm” này tương ứng với “Thiên trục” trên bầu trời. Cụ thể là vẽ một kinh tuyến theo hướng Bắc Nam lấy vị trí Giao Thái Điện làm trung tâm. Sáu đại điện quan trọng nhất trong Tử Cấm Thành đều được xây dựng trên trục trung tâm này.
Sáu đại điện này được chia thành 3 điện trước và 3 điện sau, tương ứng với Thái Vi Viên và Tử Vi Viên trên bầu trời.
Ba điện trước là Thái Hòa Điện, Trung Hòa Điện và Bảo Hòa Điện, tạo thành ngoại triều. Đây là nơi hoàng đế và các quan đại thần làm việc và là nơi tổ chức các nghi lễ lớn của đất nước, tương ứng với Thái Vi Viên nơi Thiên Đế làm việc.
Ba điện sau là Càn Thanh Cung, Giao Thái Điện và Khôn Ninh Cung. Chúng được gọi là nội điện, tương ứng với Tử Vi Viên nơi Thiên Đế và các thành viên trong gia đình ông sinh sống.
Thiên Thị Viên không có tòa nhà tương ứng trong Tử Cấm Thành. Tuy nhiên, vào thời nhà Minh, có một khu chợ bên ngoài Cổng Huyền Vũ. Chợ mở cửa vào ngày 4 hàng tháng. Có thể coi là ở đó có đủ loại bảo vật quý hiếm cũng được coi là đối ứng với Thiên Thị Viên ở Thiên thượng.
Bằng cách này, các cung điện trên Thiên Thượng đều có mối quan hệ tương ứng ở nhân gian. Nhưng đó không phải là tất cả. Nếu mở rộng trục trung tâm này, chúng ta còn có thể thấy Thái Sơn, các ngọn núi ở Hoài Nam, các ngọn núi ở Giang Nam, trong đó có núi Thiên Thọ, nơi có Long Mạch thời nhà Minh, đều nằm trên trục trung tâm này.
Trong số đó, kinh độ chênh lệch giữa Tử Cấm Thành và Thái Sơn chỉ là 40 phút (40 phút là chưa đến một độ), gần như nằm trên cùng một kinh tuyến. Người ta kể rằng sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, đầu của ông biến thành Thái Sơn. Vì vậy, núi Thái Sơn luôn được đánh giá rất cao trong văn hóa Trung Hoa, thường là nơi các hoàng đế tiến hành các nghi lễ cầu cho quốc thái dân an. Có thể đặt trục trung tâm của Tử Cấm Thành trên cùng kinh tuyến với núi Thái Sơn, các cao nhân tìm kiếm Long mạch cho Chu Đệ thực sự rất phi thường.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch
NTD Việt Nam