Có những người dù đã đến tuổi trưởng thành nhưng lại không hề chín chắn. Một người như vậy có những đặc điểm nào?
1. Không có mục tiêu rõ ràng
Một người không chín chắn, cũng giống như con tàu không có buồm, gió thổi đến đâu thì trôi tới đó.
Đi rồi lại dừng, dừng rồi lại đi, năm tháng trôi qua vô ích, cuối cùng vẫn chẳng thể vào bờ.
Có người từng nói: “Chí không lập, thiên hạ sẽ chẳng có chuyện nào nên”.
Bất luận là làm gì, trước tiên hãy có cho mình một mục tiêu và phương hướng rõ ràng.
Người không có mục tiêu cũng giống như lá bèo trôi nổi trên dòng nước vậy, cuộc đời chẳng khác nào “bèo dạt mây trôi”.
Vương Dương Minh, một nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: “Trước khi muốn làm gì, muốn có được cái gì, “lập chí” luôn là bước đầu tiên, là bước cơ sở và là bước quan trọng nhất”.
2. Quá để tâm lời nói của thiên hạ
Cổ nhân nói: “Như ngư ẩm thủy, lãnh noãn tự tri”. Như cá uống nước, nóng lạnh chỉ mình nó biết.
Cuộc sống là của mình, là mình sống chứ không phải sống cho người khác xem. Chỉ cần tâm lỗi lạc, không có gì hổ thẹn, vậy thì đừng quan tâm tới cái nhìn của người khác.
Chúng ta không cần phải giải thích bất cứ điều gì, cứ âm thầm làm tốt việc mình nên làm, người khác cũng sẽ chẳng còn có gì để mà nói bạn.
Nếu quá để tâm tới miệng lưỡi người đời, dần dần bạn sẽ đánh mất đi phương hướng.
Vương Dương Minh nói: “Không quan tâm lời thị phi, không để tâm lời đàm tiếu, không quản lời gièm pha, mặc kệ người đời”.
Người xưa cũng nói: “Ai ở sau lưng mà chưa từng nói người, ai mà chưa từng bị người khác nói sau lưng”. Nếu đã không thể tránh được, vậy thì tại sao không sống là chính mình!
3. Hay nóng giận
Cảm xúc không đáng sợ, đáng sợ là bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Nghiên cứu tâm lý học phát hiện: một người khi đang ở trong trạng thái tức giận, khả năng tư duy của anh ta sẽ bằng không, cả cơ thể sẽ mất đi kiểm soát.
Lúc này, những lời nói ra, những chuyện đã làm, nhất định sẽ khiến người khác tổn thương, còn bản thân thì sẽ phải hối hận sau đó.
Muốn kiểm soát được cảm xúc, bạn phải rèn luyện được cho mình sự điềm tĩnh, không để ý tới những điều không cần thiết xung quanh.
Vương Dương Minh nói: “Những cảm xúc kiểu như phẫn nộ, con người ta làm sao mà không có? Chỉ là không nên có mà thôi. Con người lúc bình thường mà tức giận sẽ rất khó kiểm soát được lời nói và hành động, giận quá thì sẽ mất khôn”.
Có gắng thường xuyên mài dũa bản thân trong cả những việc nhỏ nhặt nhất, học cách kiểm soát cảm xúc, lâu dần, cách nhìn nhận vấn đề sẽ không còn hấp tấp, vội vã như trước nữa, đồng thời cũng sẽ phát triển được cho mình một khí chất trầm tĩnh và ôn hòa.
Đừng chỉ tích lũy cảm xúc, hãy biết cách kịp thời cùng người khác chia sẻ và giải tỏa. Nếu rơi vào trạng thái tức giận, nóng nảy, trước tiên hãy tránh đi một chút, hít thở sâu, đợi bình tĩnh lại rồi hãy xử lý sự việc.
4. Mơ mộng xa vời nhưng luôn dậm chân tại chỗ
Không có ai ăn một miếng là đã mập lên luôn được cả. Những người không chín chắn thường rất thích mơ mộng viển vông, tự đặt ra cho mình một mục tiêu không thiết thực, rồi chỉ biết đắm chìm trong lý tưởng mà không chịu nhìn vào thực tế.
Chuyện nhỏ nhặt còn làm không xong, còn mơ tưởng tới lý tưởng cao cả, muốn bước lên đỉnh vinh quang.
Vương Dương Minh nói, hôm nay học một chút, ngày mai lại tiếp tục học một chút, ngày qua ngày, kiên trì học không ngừng nghỉ, tri thức mới rộng mở, tri thức khi rộng, tầm nhìn ắt sẽ xa.
Cũng giống như khi tưới cây vậy, khi chúng vẫn còn là một mầm non, bạn sẽ chỉ tưới cho chúng một chút nước, nhưng dần dần khi chúng lớn hơn, bạn có thể tưới cho chúng nhiều nước hơn, lượng nước tỷ lệ thuận với độ lớn của cây.
Nếu ngay khi nó còn là một cái mầm bạn đã tưới nhiều nước như vậy, nó không những không phát triển, mà ngược lại còn bị úng mà chết.
La Mã không phải được xây chỉ trong một ngày, mọi thành tựu đều cần thời gian mở đường. Cơm ăn từng miếng, đường bước từng bước, nghiêm túc và hết mình với mỗi một việc, như vậy bạn mới không ngừng tiến bộ và đạt được thành công.
5. Dục vọng quá lớn
Trong xã hội vật chất lưu động như hiện nay, con người ta ngày càng theo đuổi sự bóng loáng bên ngoài, tinh thần bị bào mòn mỗi ngày bởi các giá trị vật chất.
Người bất tài luôn muốn dựa vào những vật chất bên ngoài để thỏa mãn sự hi vinh của bản thân. Họ cho rằng vật chất có càng nhiều sẽ càng hạnh phúc.
Nhưng cuộc đời không phải phép cộng, mà nó là phép trừ. Vật chất có nhiều tới đâu, tới cuối cùng cũng không thể lấp đầy được sự trống rỗng của nội tâm bên trong.
Con người vì những vật chất bên ngoài mà không ngừng chạy theo, không ngừng liều mạng, quan trọng hóa được mất, để rồi đánh mất đi sự bình yên, thanh tịnh bên trong tâm hồn, cuối cùng cả sức khỏe vật chất và tinh thần đều bị tổn hại.
Tiền đủ tiêu là được, hiếu thảo với ba mẹ, đối xử tốt với bạn bè, trân trọng tự nhiên, cuộc sống như vậy thực ra không cần quá nhiều tới vật chất, và đó mới chính là hạnh phúc đích thực.
Đừng quá xem trọng được mất, thuận theo tự nhiên, giữ lấy cho mình cái khoảng bình yên bên trong tâm hồn, vậy là đủ!
Nguồn: cafef
Vạn Điều Hay