Sở Trang Vương thân là đế vương nhưng vẫn chú trọng gia giáo, nghiêm khắc yêu cầu con trai phải tuân thủ pháp lệnh như những bề tôi khác. Câu chuyện ấy đã diễn ra như thế nào?
Sở Trang Vương là bậc minh quân cai trị nước Sở từ năm 613 đến 591 TCN. Trong 22 năm trị vì của mình, ông đã đưa nước Sở bước vào thời kỳ hoàng kim cực thịnh, khiến tên tuổi của ông được liệt vào một trong Ngũ bá thời Xuân Thu.
Tương truyền, Sở Trang Vương lên ngôi khi chưa đầy hai mươi tuổi. Ông không có chí tiến thủ, suốt ngày chỉ lo vui chơi với đám phi tần, ban ngày du ngoạn săn bắn, đến tối bày tiệc uống rượu, phần lớn thời giờ ngồi giữa trống chiêng đàn sáo, không mảy may để ý đến triều đình, ngó lơ quần thần và chính sự suốt ba năm. Vì để ngăn quần thần lên tiếng ông đã hạ lệnh: Kẻ nào dám can gián thì giết ngay không tha!
“Sử Ký – Sở thế gia” chép rằng, triều thần Ngũ Cử thấy Trang Vương suốt ngày chìm đắm trong thanh sắc thì trong lòng vô cùng lo lắng, liền khéo léo mượn một câu đố để khuyên gián nhà vua: “Ở nước Sở có một chim lớn sống trên đồi cao, ba năm không bay lượn cũng chẳng kêu hót, đại vương đoán xem là con chim gì?”
Sở Trang Vương biết Ngũ Cử ám chỉ mình, liền đáp: “Con chim ấy ba năm không bay, nhưng hễ bay là xông thẳng lên trời, ba năm không hót, nhưng hễ hót là khiến người ta kinh ngạc. Khanh hãy lui về đi, trẫm đã biết rồi”.
(Nguyên văn: “Tam niên bất phi, phi tương xung thiên, tam niên bất minh, minh tương kinh nhân. Cử thoái hĩ, ngô tri chi hĩ”)
Mặc dù Sở Trang Vương đã hiểu ý Ngũ Cử nhưng vẫn tiếp tục chứng nào tật nấy, hơn nữa lại càng tỏ ra hoang dâm vô độ. Đại phu Tô thấy vậy không thể nhẫn chịu được nữa, liền cầu kiến Sở Trang Vương và mạnh dạn lên tiếng can gián. Sở Trang Vương uy hiếp: “Ta đã hạ lệnh rằng kẻ nào dám khuyên ngăn thì sẽ giết không tha, lẽ nào nhà ngươi không biết sao?”
Tô đại phu đáp: “Nếu phải lấy cái chết để đổi lấy một vị quân vương hiền minh thì thần xin cam tâm tình nguyện. Đây chính là nguyện vọng lớn nhất của vi thần!”
Lòng dũng cảm và phẩm cách cương trực của Tô đại phu đã làm Sở Trang Vương cảm động. Ông lắng nghe mọi lời can gián của trung thần, bãi bỏ hết thảy các thú vui phóng túng, xa rời mỹ nữ, lập bậc nữ nhân hiền đức là Phàn Cơ lên làm chính thất, chỉnh đốn lại toàn bộ triều cương. Ông ra lệnh giết những kẻ gian thần nịnh bợ, đề bạt người có đức, lại trọng dụng những bề tôi chính trực như Ngũ Cử và Tô đại phu, v.v. Chỉ trong thời gian ngắn chính sự đã có nhiều biến chuyển rõ rệt, cả quần thần và dân chúng khắp nơi đều hân hoan ca múa.
Cũng từ đó Sở Trang Vương trở thành một vị vua anh minh sáng suốt. Về đối nội, ông quyết định sửa đổi pháp lệnh, chấn chỉnh triều cương, thúc đẩy việc chế tạo vũ khí và thao luyện binh mã. Về đối ngoại, ông phái quân đi chinh phạt Nhung tộc Lục Hồn, đánh cho quân Tấn đại bại, buộc nước Trịnh và nước Tống phải quy phục. Để thể hiện uy phong của nước Sở, ông lại ra lệnh bày binh ở ngoại ô thành Lạc Ấp, khiến thiên tử nhà Chu sợ hãi phải nhún mình sai đại thần ra vỗ về quân Sở. Sở Trang Vương gặp đại thần nhà Chu, liền hỏi về Cửu Đỉnh để thể hiện tham vọng làm bá chủ thiên hạ. Qua đó có thể thấy, lúc ấy thế lực của nước Sở rất lớn mạnh, là một trong những cường quốc thời Xuân Thu.
Như vậy, từ một vị quốc vương suốt ngày trầm mê trong thanh sắc, Sở Trang Vương đã trở thành bá chủ, mở ra một thời đại hưng thịnh cho nước Sở.
Một lần, Sở Trang Vương lệnh cho thái tử phải khẩn cấp vào cung ngay lập tức. Thái tử vội vội vàng vàng lên xe đi thẳng đến hoàng cung và dừng lại trước cửa Mao Môn. Hôm ấy trời mưa dữ dội, sân cung điện ngập đầy nước đọng, mặc dù thái tử đã đến nhưng lại không thể xuống xe đi bộ vào trong được.
Không còn cách nào khác, thái tử bèn ra lệnh cho xe đi qua Mao Môn xông thẳng vào trong cung. Vị quan giữ cổng thấy vậy liền ngăn xe của thái tử lại và nghiêm túc nói: “Thưa thái tử, quốc vương đã đích thân nghiêm cấm không cho xe ngựa tiến vào Mao Môn. Đây là pháp lệnh ai cũng phải tuân thủ, hạ thần không thể vì ngài là điện hạ mà có thể cho qua được!”
Thái tử giải thích: “Phụ vương triệu kiến ta khẩn cấp, ta không thể đợi đến khi nước rút hết rồi mới vào được”.
Thái tử trong tâm như có lửa đốt, vừa dứt lời liền đánh xe xông thẳng vào bên trong. Quan giữ cửa thấy vậy liền giơ cao binh khí trong tay ngăn lại, kết quả khiến chiếc xe bị hư hỏng nặng nề.
Thái tử vào cung liền khóc lóc kể lại sự việc vừa xảy ra cho Sở Trang Vương, lòng thầm hy vọng vua cha sẽ lên tiếng bênh vực mình. Không ngờ Sở Trang Vương vừa nghe xong liền vui vẻ nói: “Quan giữ cửa biết rõ con là thái tử, vậy mà anh ta vẫn kiên quyết không cho con đánh xe vào trong điện. Anh ta không vì con ở ngôi chí tôn mà bao che, mà bẻ cong pháp luật, ta thấy đó mới thực là kẻ bề tôi cương trực”.
Ông cũng không quên nhắc nhở thái tử rằng: “Sau này con ngàn vạn lần cũng không được tái phạm như vậy nữa nhé”.
Sau đó, Sở Trang Vương đã ra lệnh thăng chức cho vị quan giữ cửa ấy lên hai cấp, đồng thời còn khen thưởng và khích lệ. Sở Trang Vương thân là đế vương nhưng vẫn chú trọng gia giáo, nghiêm khắc yêu cầu con trai phải tuân thủ pháp lệnh như những bề tôi khác, tinh thần ấy thật đáng cho hậu thế học hỏi và noi theo.
(Tư liệu: “Sử Ký – Sở thế gia”, “Hàn Phi Tử – Ngoại trữ thuyết”)
Theo Vương Du Duyệt – Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch
NTD Việt Nam