Biển đậu (bạch đậu ván) và Hoài sơn (củ mài) là 2 vị thuốc trong Đông Y có chức năng bổ cho khí trung hòa của tỳ thổ… (Minh họa)
Trong tiết nóng bức của mùa hè, ăn cháo củ mài và đậu ván sẽ giúp giải nhiệt và tăng cường khả năng hấp thu, cải thiện chức năng tiêu hóa, suy dinh dưỡng ở trẻ…
Tiên thiên là bẩm tố âm dương khí huyết của cha mẹ khi cấu thành thai nhi, tàng chứa ở tạng thận; hậu thiên là bẩm thụ âm dương khí huyết nuôi dưỡng cơ thể của phôi thai – từ lúc hình thành cho đến khi được sinh ra và trưởng thành, do tạng tỳ cung dưỡng. Đối với trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng, nguyên nhân phần nhiều là do bẩm tố hậu thiên “Tỳ thổ bất túc” này.
Cơ quan nội tạng của trẻ nhỏ còn non yếu và các chức năng cũng chưa được hoàn thiện, thể chất và chức năng của tạng tỳ cũng trong tình trạng khiếm khuyết ấy. Trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu không phù hợp với sinh lý của độ tuổi này, cho ăn quá no hay quá đói… thì đều làm cho chức năng của tỳ thổ thất điều, không kiện vận được đồ ăn thức uống, sinh ra đàm trệ, khí kém, huyết giảm, sinh không đủ cầu… biểu hiện là da, lông, thớ thịt không đầy đặn, teo nhẽo, người gầy gò, thấp bé…
Biển đậu (bạch đậu ván) và Hoài sơn (củ mài) là 2 vị thuốc trong Đông Y có chức năng bổ cho khí trung hòa của tỳ thổ. Đặc biệt trong tiết nóng bức của mùa hè, người lớn còn rất dễ bị cảm nắng, mệt mỏi, phiền táo khát nước, không thiết ăn uống… Ăn cháo hoài sơn và biển đậu sẽ giúp giải nhiệt và tăng cường khả năng hấp thu, cải thiện chức năng tiêu hóa, suy dinh dưỡng ở trẻ.
Biển đậu bổ tỳ, trừ thấp, thanh thử độc
Khí vị: biển đậu vị ngọt khí thơm, tính ấm không độc, là thuốc vào phần khí, vào các kinh Túc thái dương và Túc dương minh.
Chủ dụng: giải cảm nắng, thanh thấp nhiệt, tỉnh nguyên khí của tỳ, chữa hoắc loạn, điều hòa khí của trung tiêu, hạ khí, ngăn tà giúp tỳ đưa trọc khí lên, giáng thanh khí xuống, chữa bệnh suốt tam tiêu, giải mọi khí độc, chữa đới hạ, giải độc rượu.
Chế biến: bỏ vỏ, cùng sao với nước gừng, có 2 loại đen trắng, cho vào thuốc chỉ dùng thứ có hoa tía mà hột trắng là tốt, thứ màu đen không dùng.
Biển đậu hình dẹt mà không tròn, bổ cho khí trung hòa của Tỳ thổ, ăn lâu thì bổ cả ngũ tạng, khiến tóc xanh mãi mà không bạc.
Hoài Sơn bổ tỳ phế, sáp tinh khí
Hoài sơn chẳng phải ở đâu xa, người Việt còn gọi là củ mài, tên khác còn có Thự dự, và Sơn dược.
Khí vị: vị ngọt có cả mặn, ôn bình không độc, vào 3 kinh tâm, tỳ và thận.
Chủ dụng: bổ mọi chứng ngũ lao, thất thương, thêm khí lực, nhuần bóng da dẻ, lớn cơ thịt, cứng mạnh gân xương, trừ tà khí phiền nhiệt, nóng rét, trừ phong chạy khắp đầu mặt và phòng cả choáng váng, bổ gầy còm, tiêu sưng cứng, mở tâm khiếu làm cho thông minh, sáp tinh chữa di tinh, hoạt tinh, tỳ tổn thương, ngăn ngừa chỉ tả.
Hợp dụng: cùng dùng với bài Sâm linh bạch truật tán thì bổ tỳ chỉ tả; cùng dùng với bài Lục vị địa hoàng hoàn thì bổ thận chữa đau lưng.
Chế biến: cho vào trong thuốc tư âm thì nên dùng sống, cho vào trong thuốc mạnh tỳ thì nên sao, cho vào trong thuốc chữa dạ dày bồi bổ nguyên khí thì hấp trên cơm rồi thái mỏng phơi khô sao vàng. Sản xuất ở Khánh Hoài (Trung Quốc) thì tốt. Thứ chín thì trệ khí, thứ ướt thì trơn hoạt, chỉ có thứ khô thì dùng làm thuốc. Cùng ăn với bột mì thì không có ích lợi gì cả.
Sơn dược được khí xung hòa của đất, bẩm thụ hòa khí của mùa xuân, ví như người quân tử có đức tính vàng ngọc, đi đâu cũng được, chỉ vì tính chậm – không dùng nhiều thì không kiến hiệu; với chứng nguy hư nhiều dùng khó có công hiệu ngay bởi tính hòa bình chậm chạp.
Món cháo giải nhiệt và cải thiện suy dinh dưỡng ở trẻ
Nguyên liệu: gạo tẻ 200 gram, hoài sơn tươi 100 gram, biển đậu 100 gram.
Chế biến:
-
- Biển đậu ngâm nước 1 đêm, sau đó rửa sạch.
- Hoài sơn thái hạt lựu, gạo đãi sạch.
- Cho biển đậu và gạo vào nồi, thêm nước vào ninh trước, tiếp đó bỏ hoài sơn vào linh cho thật nhừ, có thể cho thêm chút đường vào là có thể ăn được.
Cách dùng: mỗi ngày ăn 1-2 lần
Tác dụng: giải nhiệt, bổ tỳ dưỡng vị, hỗ trợ tiêu hóa.
Lưu ý: Những bệnh nhân bị bệnh đường tiêu hóa, có các chứng đau hay trẻ có tình trạng suy dinh dưỡng nặng, thì nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Tham khảo cuốn “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Thái Hà
NTD Việt Nam