Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[ChanhKien.org]
Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.
Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hí khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.
Năm thứ ba thời Hán Cao Tổ (năm 204 trước Công nguyên), Hàn Tín dẫn theo ba vạn tinh binh tấn công nước Triệu. Ông ở cửa khẩu Tỉnh Hình (nay ở phía Bắc huyện Tỉnh Hình tỉnh Hà Bắc) bày ra trận Bối Thủy (tựa lưng vào nước) được xem là “đại kỵ của binh gia”, đánh bại 20 vạn quân Triệu, lập nên trận chiến tuyệt diệu nhất trong thời Sở Hán tương tranh. Sau khi Binh tiên Hàn Tín qua đời, “trận Bối Thủy” trở thành thần thoại. Đại tướng Từ Hoẳng, Mã Tắc thời Tam Quốc đều có ý định bắt chước lại chiến dịch kinh điển này, nhưng cuối cùng đều đại bại quay về.
Những năm đầu thời Bắc Tống, tại một khu vực thuộc tỉnh Hà Bắc hiện nay, danh tướng Dương Diên Chiêu cũng đã bày “trận Bối Thủy”, lấy hai nghìn binh lực đánh bại ba vạn đại quân của Hàn Xương, tái hiện lại chiến dịch kinh điển khi xưa.
Chiến dịch này của tướng Dương Diên Chiêu diễn ra gần Vương Gia trại và Mã Gia trại, địa điểm ở gần hồ Bạch Dương thuộc quận mới Hùng An tỉnh Hà Bắc hiện nay. Vào những năm đầu bắc Tống, nơi này là một vùng hoang vu, vượt qua hồ Bạch Dương về phía Nam chính là một vùng bình nguyên rộng lớn, vị trí có thể nói là quan trọng. Dương Diên Chiêu hiểu rõ điều này, nên ở nơi đây ông cho tu sửa lại doanh trại lớn của thủy quân và cho huấn luyện thủy quân tại đây.
Lúc ấy đại đa số quân sĩ của Bắc Tống là người phương Bắc, không quen thủy chiến, nhưng Dương Diên Chiêu hạ lệnh cho họ hàng ngày bất kể nóng lạnh đều phải xuống nước bơi lội, đồng thời cho đóng thuyền nhỏ ngày đêm thao luyện. Ban đầu tướng sĩ không hiểu, cho rằng chỉ cần dựa vào việc phòng thủ ở những vị trí hiểm yếu là tốt rồi, vì sao phải cực nhọc rèn luyện thủy quân như thế? Nhưng nguyên soái kiên trì như vậy, chỉ đành bất chấp khó khăn hàng ngày xuống nước thao luyện, dần dà cũng tạo thành thói quen.
Một ngày nọ, đại tướng nước Liêu là Hàn Xương đem ba vạn binh mã tấn công doanh trại của thủy quân. Hắn ta biết rõ xung quanh nơi này mực nước rất nông, liền chuẩn bị tấn công vào trong, một đường chém giết tới tận Trung Nguyên. Dương Diên Chiêu nhận được tin tình báo, lập tức dẫn quân tới phòng thủ.
Tới nơi, ông triệu tập các tướng sĩ bàn bạc kỹ lưỡng kế hoạch tác chiến phòng thủ, lấy hai nghìn quân ở phía Bắc thủy trại bày trận Bối Thủy. Quân sĩ nhìn thấy trận thế của Dương Diên Chiêu, tựa hồ như cắt đứt đường lui, quyết định tử chiến, mọi người đều xắn áo xoa tay, chuẩn bị liều mạng.
Nhưng không ngờ rằng, Dương Diên Chiêu lại nói với mọi người: “Các ngươi mang trang bị nhẹ cùng ta chống địch một lát, ngăn không được thì đừng liều mạng, cứ làm giống như lúc huấn luyện, nhảy xuống nước, tìm bụi cỏ lau mà trốn đi, cứ giống huấn luyện thường ngày mà làm, không được trái lệnh!” Bọn quân sĩ cảm thấy kỳ quái không hiểu: Trước đây đi cùng nguyên soái chỉ có tiến lên phía trước, vì sao lần này phải lùi lại phía sau, còn phải trốn đi nữa?
Bức “Tuyết Tễ Giang Hành Đồ” của Quách Trung Thứ (929-977) đời Bắc Tống ở Bảo tàng Cố cung Đài Bắc (Bảo tàng Cố cung Đài Bắc cung cấp)
Không lâu sau, Hàn Xương liền mang quân tới. Hàn Xương tiến lên phía trước xem xét, chỉ thấy Dương Diên Chiêu bày trận Bối Thủy, lớn tiếng cười nói: “Dương Lục Lang, ngươi là muốn chơi đùa với ta, hay là không cần mạng nữa đây?! Mang đi có tí quân ít ỏi, còn muốn đánh trận Bối Thủy với ta, xem ta diệt hết tất cả các ngươi đây!” Nói xong liền phi ngựa múa xoa (một loại vũ khí hình cái xiên) xông tới.
Dương Diên Chiêu thấy Hàn Xương xông đến, lập tức giơ thương nghênh chiến, hai người giáp mặt không ai nói một lời, người tới kẻ lui trực tiếp giao chiến. Các tướng sĩ quân Tống sau đó cũng lao lên nghênh chiến, quân Liêu người đông thế mạnh, quân Tống liên tiếp thoái lui. Cứ như vậy từng bước từng bước lùi về phía sau, đến gần mép nước.
Dương Diên Chiêu thấy thế, lập tức bắn ra tín hiệu. Lúc này ở đầu kia của thủy trại nhìn thấy tín hiệu liền nhất loạt bắn tên, tướng sĩ quân Liêu nhất thời khó lòng truy kích, quân Tống nhân cơ hội này nhảy ào ào xuống nước. Dương Diên Chiêu cũng hư giả mấy chiêu, sau đó liền cưỡi ngựa chạy về phía sau, cuối cùng cũng nhảy vào trong nước. Con ngựa của ông giống như giao long trong nước, chỉ trong nháy mắt đã đưa Dương Diên Chiêu bơi tới giữa sông. Hàn Xương thấy vậy, vội vã sai cung thủ bắn tên, nhưng quân Tống sớm đã bơi mất, chẳng bắn trúng được người nào.
Lúc này Dương Diên Chiêu quay đầu lại hô lớn: “Hàn Xương! Đừng cho rằng ngươi người đông thế mạnh, khả năng bơi không qua được hồ Bạch Dương này đâu! Không tin thì thử xem!”
Hàn Xương nghe xong, nổi trận lôi đình, quát lên: “Các tướng sĩ, chúng ta xuống nước đuổi theo, đánh sập cái thủy trại này luôn, ta lần này nhất định phải chiếm được nơi này, thuận đường tấn công Trung Nguyên!”
Tướng sĩ quân Liêu cũng nhảy ào ào xuống nước, nhưng bọn chúng không giỏi bơi lội, bơi được rất chậm, chỉ thấy phía trước nước càng ngày càng sâu, quân sĩ có phần khiếp sợ, muốn lui trở lại. Nhưng Hàn Xương cưỡi ngựa đứng trên bờ đốc thúc, hắn hạ lệnh cho cung thủ đứng gần: “Ai dám lùi liền bắn chết!”
Quân Liêu chỉ còn cách kiên trì bơi về phía trước, quân kỵ cưỡi ngựa phía trước bơi được khá nhanh, cứ như vậy dần dần tiến được đến trung tâm hồ Bạch Dương. Lúc này chỉ thấy tướng sĩ quân Tống nhanh nhẹn lẩn vào các bụi lau gần đó, thoáng chốc đã không thấy nhân ảnh.
Dương Diên Chiêu (Tác giả: Cổ Thụy Trân/The Epoch Times)
Nhưng chỉ trong chớp mắt, Dương Diên Chiêu lại dẫn quân đi thuyền nhỏ từ trong đám lau sậy ra. Chỉ thấy trên thuyền binh sĩ cầm sào trúc dài. Sào này giống như cây thương, vừa có thể đẩy thuyền vừa làm được binh khí, thì ra Dương Diên Chiêu sớm đã bố trí mai phục.
Mấy con thuyền này đi lại rất nhanh, lại còn mang theo móc câu, quân Liêu đang bơi trong nước lần lượt bị đâm, kỵ binh cưỡi ngựa cũng bị móc xuống nước, cả đám không bị đâm chết thì bị đuối chết. Quân Liêu đằng sau thấy thế lũ lượt bỏ chạy, nhưng rất nhanh thuyền nhỏ đã đuổi kịp, quân Liêu tử thương vô số.
Giải quyết xong quân địch trong nước, Dương Diên Chiêu lại dẫn quân lên bờ thừa thắng truy kích. Lúc ấy quân Liêu trên bờ cũng chẳng còn sĩ khí, nhao nhao chạy trốn, Hàn Xương cũng ngăn không được, chỉ đành dẫn theo tàn quân bỏ chạy. Cứ như vậy liên tiếp truy kích, Dương Diên Chiêu thấy các tướng sĩ toàn thân ướt sũng, liền lệnh cho bọn họ đến đài đất gần đó để hong khô và cho người ngựa nghỉ ngơi.
Quân sĩ lúc này mới hiểu, vì sao Dương Diên Chiêu yêu cầu bọn họ mỗi ngày đều phải xuống nước rèn luyện. Từ đó họ càng bội phục Dương Diên Chiêu, yên tâm cống hiến hết mình. Mà đài đất họ hong ngựa năm đó, sau này được gọi là Lượng Mã Thai (đài hong ngựa), lưu truyền cho tới hôm nay.
Tư liệu tham khảo:
“Dương gia phủ thế đại trung dũng thông tục diễn nghĩa” – Tác giả khuyết danh thời Minh Thanh, Tần Hoài Mặc Khách duyệt lại.
“Dương gia tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản thiếu niên nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986 – Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.
ChanhKien.org