Tác giả: Đồng Viễn Minh
[ChanhKien.org]
Bến đò Đào Diệp dưới chân núi Đào Diệp thuộc quận Phổ Khẩu, thành phố Nam Kinh vốn chỉ là một bến đò xưa cũ tầm thường bên bờ Trường Giang, về sau nhờ bài thơ “Đào Diệp từ” (bài đầu tiên trong tập thơ “Đào Diệp thi”) mà trở nên nổi tiếng khắp thiên hạ, còn được liệt vào danh sách “Kim Lăng tứ thập bát cảnh” (48 cảnh đẹp ở Kim Lăng).
Vương Hiến Chi, tự Tử Kính, là con trai thứ bảy của “thư thánh” Vương Hy Chi (nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn). Bản thân ông cũng là một nhà thư pháp nổi tiếng, người đời sau gọi hai cha con ông là “nhị vương”.
Vương Hiến Chi có một người thiếp tên Đào Diệp, tình cảm giữa họ rất tốt. Nhà mẹ đẻ của Đào Diệp ở bên kia sông, mỗi lần về nhà mẹ đẻ cô đều phải vượt qua dòng sông Trường Giang nước cuồn cuộn chảy, khiến cô lúc nào cũng lo sợ nơm nớp. Và mỗi lần như vậy Vương Hiến Chi đều đích thân ra bến đò đón cô, còn làm ba bài thơ “Đào Diệp từ” để bày tỏ tình cảm sâu nặng của mình dành cho Đào Diệp, dưới đây là một trong ba bài thơ ấy:
Đào Diệp phục Đào Diệp,
Độ giang bất dụng tiếp.
Đãn độ vô sở khổ,
Ngã tự nghinh tiếp nhữ.
Diễn nghĩa:
Nàng Đào Diệp trở lại bến Đào Diệp,
Qua sông không cần mái chèo.
Nhưng vượt sông không có gì khổ sở cả,
Đã có ta tự thân ra đón nàng.
Hai câu thơ đầu tựa như một lời dí dỏm: nàng Đào Diệp trở lại bến Đào Diệp, như con thuyền nhẹ không mái chèo vẫn vượt qua sông. Hai câu sau là lời trấn an: nàng cứ yên tâm đi qua, không có nạn nào hết, ta sẽ ở đây đón nàng.
“Đào Diệp từ” là bài thơ được Vương Hiến Chi mô phỏng theo ca khúc của Ngô Thanh, lời lẽ trong sáng dễ hiểu, dùng để bày tỏ tình cảm chân thành của mình dành cho nàng Đào Diệp một cách tinh tế, sống động. Ngay khi bài “Đào Diệp từ” ra đời, một bến đò Đào Diệp cô tịch vô danh bỗng chốc nổi danh vang dội, hàng trăm nghìn năm qua đã có vô số văn nhân mặc khách đến đây ngâm vịnh, lưu luyến chẳng muốn về.
Càng kỳ diệu hơn là sau đó 200 năm, “Đào Diệp từ” đã trở thành một bài thơ tiên tri!
Tương truyền rằng vào những năm cuối thời Nam Bắc triều, rất nhiều người ở Giang Đông đã truyền nhau hát một bài đồng dao, chính là bài “Đào Diệp từ” của Vương Hiến Chi: “Đào Diệp phục Đào Diệp, Độ giang bất dụng tiếp, Đãn độ vô sở khổ, Ngã tự nghinh tiếp nhữ”. Vì sao nó lại được lưu hành rộng rãi vào thời điểm ấy? Mọi người đều không thể hiểu được.
Lúc đó Dương Kiên thống nhất phương Bắc và lập ra triều Tùy. Dương Kiên là một quân vương khá hiền minh, ông ta dốc lòng xây dựng đất nước, hy vọng rằng sẽ thống nhất được toàn bộ giang sơn. Còn quân chủ Trần Thúc Bảo của nhà Trần ở phương Nam lại chính là vị hoàng đế hoang dâm nổi tiếng trong lịch sử: Trần Hậu Chủ. Ông ta xây dựng nhiều công trình xa hoa, chìm mê trong tửu sắc, chỉ gần gũi một nhóm nhỏ xu nịnh, không ngó ngàng tới triều chính, cuộc sống của bách tính khổ cực trăm bề. Nhà Trần có một quan viên tên là Vi Đỉnh là một thầy tướng số kỳ tài, ông ấy đã bán hết tất cả gia sản của mình rồi đến làm khách ở một ngôi chùa. Bạn bè hỏi ông vì sao, ông đáp: “Vương khí vùng Giang Đông đã tận rồi”.
Năm Khai Hoàng thứ tám (năm 588), Tùy Văn Đế lệnh cho Tấn vương Dương Quảng dẫn 50 vạn đại quân tiến về phương Nam chinh phạt nhà Trần.
Đại quân của Dương Quảng đóng tại núi Đào Diệp thực hiện những bước chuẩn bị cuối cùng cho “sự nghiệp vĩ đại bình định nhà Trần”. Nhưng triều đình của Trần Hậu Chủ vẫn yên vui ca múa, tháng ngày trôi qua mà không có chút mảy may động tĩnh kháng địch.
Tháng giêng năm Khai Hoàng thứ chín (năm 589), quân Tùy phát động cuộc tổng tấn công nhà Trần, đương nhiên quân binh Tuỳ phải ngồi trên thuyền của nhà Trần vượt sông Trường Giang! Suốt chặng đường tiến công, quân Trần kẻ bỏ chạy, kẻ đầu hàng; quân Tuỳ thế như chẻ tre, rất nhanh sau đó đã chiếm được thành Kiến Khang. Quân Tùy bắt sống được Trần Hậu Chủ và áp giải đến Trường An; những kẻ gian nịnh như Trương Lệ Hoa, Thi Văn Khánh v.v… đã bị chém bêu đầu giữa chợ.
Sau khi trở thành tù nhân, Trần Hậu Chủ vẫn sống cuộc đời phiêu dật mơ màng như kẻ chiêm bao, thậm chí còn mặt dày trơ tráo đến xin Tùy Văn Đế cho mình một chức quan. Tùy Văn Đế đã nhận xét về Trần Hậu Chủ: “Ông ta vận dụng công phu thưởng rượu làm thơ vào việc xử lý quốc sự nên mới có kết cục như thế này… Khi Cao Quýnh tiến đánh vào cung điện của ông ta thấy chồng thư cáo cấp từ tiền tuyến hãy còn nằm dưới gầm giường và vẫn chưa được mở ra. Thật là ngu ngốc và buồn cười hết mức! Có lẽ thiên thượng muốn tiêu diệt nhà Trần”.
Đến đây người ta mới minh bạch được nguyên nhân thực sự khiến bài “Đào Diệp từ” được lưu hành rộng rãi: nơi Dương Quảng đóng quân lúc bấy giờ gọi là núi Đào Diệp (sau đổi tên là núi Tấn Vương); quả thật quân Tuỳ đã ngồi trên thuyền của quân Trần vượt sông, hơn nữa lại không gặp bất kỳ sự kháng cự nào – quân dân Giang Đông đã hết sức bất mãn trước sự hủ bại của triều Trần và khao khát đội quân chính nghĩa của nhà Tùy đến giải cứu họ. Câu cuối của bài thơ chính là tiếng lòng mà họ cất lên: “Chúng tôi sẽ tự thân ra đón các ngài”.
Xem ra sự diệt vong của nhà Trần, trên là thuận thiên ý, dưới là hợp lòng dân.
Từ một bài thơ tình, “Đào Diệp từ” lại trở thành một bài thơ tiên tri, thực sự là quá kỳ diệu!
ChanhKien.org