Nếu bạn cảm thấy bản thân là người không có óc sáng tạo thì đó không phải là do lỗi bẩm sinh của bạn, đó là do bạn chưa biết cách kích thích trí tưởng tượng của bản thân. Những nhà phát minh và đổi mới lịch sử đều đã sử dụng phương pháp này: thí nghiệm tư duy.
Mọi kiến thức đều bắt đầu từ sự tò mò.
Làm thế nào mà kẻ được định sẵn sẽ có một sự nghiệp tầm thường lại có thể nhìn thấy những điều mà không ai khác nhìn thấy và biến chúng thành những lý thuyết thay đổi cả thế giới.
Einstein từng tuyên bố rằng:
“Tôi không có tài năng gì đặc biệt, tôi chỉ tò mò một cách say mê”. Ông coi mình là một đứa trẻ tò mò chưa bao giờ mất đi cảm giác ngạc nhiên trước sự kỳ ảo của các hiện tượng tự nhiên: từ trường, gia tốc… Các cảm giác đã thôi thúc Einstein không ngừng đặc những câu hỏi về những khái niệm quen thuộc, những điều mà những người lớn cảm thấy quá đổi bình thường và chẳng bao giờ bận tâm suy nghĩ tới.
Một lần, Einstein tự hỏi không hiểu tại sao chiếc kim la bàn lại cứ tự chuyển động về hướng bắc, cứ như thể bị một trường lực bí ẩn nào đó tác động. Đa số chúng ta vẫn nhớ nhìn thấy chiếc kim la bàn này quay đúng về vị trí nhưng lại chẳng mấy người say mê theo đuổi câu hỏi: từ trường hoạt động như thế nào, nó có thể chuyển nhanh ra sao, hay nó có thể tương tác với vật chất như thế nào…
Còn với Einstein ngay khi mới 5 tuổi ông đã kinh ngạc và tò mò với chiếc la bàn đó. Sau này ông đã nói: “Trải nghiệm này là một trong những khoảnh khắc đột phá và thay đổi cuộc đời nhất của tôi”.
Einstein đã viết thư cho một người bạn thế này: “Những người như anh và tôi chẳng bao giờ già đi cả. Chúng ta chẳng bao giờ chịu đứng yên, giống như những đứa trẻ tò mò, trước cái chốn bí ẩn vĩ đại mà chúng ta được sinh ra”. Ông tin tưởng vững chắc vào việc theo đuổi không ngừng các câu hỏi và cho rằng “Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi. Sự tò mò có lý do riêng để tôn tại”.
Bất kể chúng ta bao nhiêu tuổi, chúng ta đã học được bao nhiêu, chúng ta có bao nhiêu bằng cấp, giải thưởng, thì tri thức hiện tại của chúng ta có cũng chỉ là một hạt cát trong đại dương. Chỉ bằng cách tò mò và đặt câu hỏi, chúng ta mới đưa mình đi tìm những câu trả lời mới, để mở rộng kiến thức của chính mình.
Tư duy độc lập chứ không chấp nhận khuôn mẫu.
Khi Einstein làm việc ở cục cấp bằng sáng chế, cấp trên nói với ông rằng, “Anh phải thận trọng một cách có phê phán, phải biết nghi ngờ mọi tiền đề, thách thức những hiểu biết thông thường mang tính quy ước, không bao giờ chấp nhận chân lý một điều gì đó chỉ vì người khác đã xem nó là hiển nhiên, tránh cả tin. Khi anh cầm một tờ giấy đăng ký lên, hãy nghĩ rằng mọi điều mà nhà phát minh nói là sai.”
Khả năng gạt bỏ những hiểu biết thông thường không phải là khuyết điểm lớn nhất của Einstein, ngược lại chính thái độ hoài nghi và không ngừng thách thức những giả định đã được thừa nhận rộng rãi đã làm nên một cuộc cách mạng cho ngành vật lý.
Trong khi hầu hết các nhà vật lý, nhà khoa học thời đó tuân theo một mô hình vật lý cổ điển của Newton rằng khái niệm về không gian và thời gian là tuyệt đối thì Einstien lại đặt câu hỏi về tính ổn định của những khái niệm này. Điều này dẫn đến công trình thuyết tương đối hẹp của ông, ông khẳng định rặng thời gian và không gian không phải là những khái niệm tuyệt đối mà nó phụ thuộc vào người quan sát hay Einstein cũng không chấp nhận các giả định của vật lý cổ điển rằng ánh sáng chỉ là sóng.
Thay vào đó ông đã thách thức tư duy truyền thống và đặt ra câu hỏi liệu ánh sáng có thể mang tính chất hạt không. Điều này dẫn đến nghiên cứu của ông về hiệu ứng quang điện, ông chứng minh rằng ánh sáng có thể hoạt động như một dòng năng lượng mà ông gọi là lượng tử ánh sáng. Và công trình đã giúp ông dành giải Nobel vật lý năm 1921.
Thí nghiệm tư duy để kích thích trí tưởng tượng.
Einstein nói:
“Logic sẽ đưa bạn đi từ A đến B, trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đến mọi nơi”.
Ông đã rèn luyện mô hình tư duy, thí nghiệm tư duy đơn giản là việc tưởng tượng trong tâm trí các tình huống giả định để kiểm tra hoặc minh họa cho một giả thuyết mà không cần phải thực hiện thí nghiệm đó trong thực tế. Và loại thí nghiệm tư duy này đã đánh dấu mốc trong sự nghiệp của ông.
Qua nhiều năm ông cứ hình dung như thế trong đầu những sự việc ví dụ như: tia sét đánh, những con tàu chuyển động, thang máy gia tốc, bọ hung mù bò trên cành cây 2 chiều sẽ như thế nào…
- Áp dụng thí nghiệm tư duy để ra quyết định sáng suốt trong cuộc sống.
Napoleon Hill trong sách Nghĩ giàu và làm giàu của mình, ông đã mô tả một thí nghiệm tư duy mà ông thực hành hằng đêm trước khi đi ngủ trong rất nhiều năm, đó là:
“Trong suốt nhiều năm, tối nào trước khi đi ngủ tôi đều nhắm mắt lại và tưởng tượng. Tôi đang ngồi cùng bàn với một nhóm cố vấn vô hình, là những người tôi ngưỡng mộ nhất: Thomas Edison, Abraham Lincoln, Henry Ford, Andrew Carnegie…không chỉ ngồi cùng bàn với họ mà tôi còn là chủ tịch hội đồng, trực tiếp lãnh đạo các thành viên Nội các của mình đóng góp ý kiến mà tôi muốn mỗi người đóng góp.
Bằng cách này tôi dần dần sửa đổi tính cách của mình để trở thành tổng hợp tính cách các cố vấn tưởng tượng của tôi. Sau vài tháng họp vào các buổi tối, tôi vô cùng ngạc nhiên phát hiện ra rằng tôi nhìn thấy họ như những người sống thật.”
Thật ra trong cuộc sống bất cứ khi nào bạn đặt ra câu hỏi “sẽ như thế nào nếu như” và sau đó tưởng tượng các khả năng và các kết quả có thể xảy ra, thì đó là lúc bạn đang thực hiện thí nghiệm tư duy. Nếu các thí nghiệm thực tế tốn nhiều thời gian và năng lượng, có thể gây ra các hậu quả xấu nếu gặp sai sót hoặc thất bại thì các thí nghiệm tư duy không cần thiết bị nào ngoại trừ trí tưởng tượng. Bí quyết bây giờ là chúng ta hãy làm một cách thường xuyên và có chủ đích.
- Phát triển trực giác nhạy bén như thế nào.
Einstein nói rằng: “trực giác không là gì ngoài kết quả của trải nghiệm trí tuệ trước đó”. Khả năng tưởng tượng của họ nghe có vẻ là một khả năng thiên bẩm nào đó, thật chất là một quá trình tích lũy kiến thức và trải nghiệm, không phải là một phép màu bất ngờ, đó là thành quả của sự lao động trí óc bền bỉ, thông qua việc đọc rất nhiều sách và suy nghĩ đăm chiêu về những điều nhìn thấy trong sách.
Một người bạn của Einstein kể rằng: Ông ấy thường chơi vĩ cầm trong bếp lúc khuya, ngẫu hứng sáng tác giai điệu khi suy ngẫm những vấn đề phức tạp. Thế rồi đột nhiên khi đang chơi giữa chừng, ông ấy sẽ reo lên phấn khích “Tôi hiểu rồi”. Cứ như là bằng cảm hứng, câu trả lời cho vấn đề đó đã đến khi ông đang chơi nhạc vậy.
Công việc không chỉ xảy ra khi chúng ta tập trung và cố gắng, có một loại suy nghĩ mạnh mẽ xảy đến khi mà tâm trí chúng ta lang thang, trong lúc chúng ta tắm, đi bộ, chơi nhạc hoặc nằm trên giường…bằng cách để tâm trí chúng ta lang thang một chút chúng ta có thể giải quyết được vấn đề mà tâm trí chúng ta không thể giải quyết bằng cách tấn công trực diện.
Tuy nhiên chúng ta phải nổ lực tích lũy kiến thức và làm việc một cách chăm chỉ để hưởng lợi từ hiện tượng này. Chúng ta không chỉ đi loanh quanh mơ mộng, mơ mộng phải được xen kẻ với công việc có chủ ý.
Trí óc của con người là hệ thống phức tạp tinh tế và tuyệt vời nhất trên thế giới nếu chúng ta có đủ tò mò để đặt câu hỏi, đủ chăm chỉ để tích lũy trí tuệ, đủ can đảm để thách thức những hiểu biết thông thường, đủ kiên trì để rèn luyện trí tưởng tượng của mình, chúng ta sẽ có những sức mạnh hơn chúng ta nghĩ.
Mỹ Mỹ (Tổng hợp)
Vạn Điều Hay