Tôi thấy có một câu hỏi trên Internet như thế này: “Bạn đối đãi thế nào với một người bạn đã rời bỏ bạn trong lúc khó khăn?” Một câu trả lời được đánh giá cao là: “Một người rời bỏ bạn trong thời kỳ khó khăn thì không thể được coi là một người bạn.”
Quả thực, thông thường khi bạn ở điểm thấp nhất, bạn mới có thể nhìn rõ nhất tấm lòng của mọi người. Khi còn trẻ, tôi cho rằng nếu đối xử chân thành với người khác sẽ nhân được sự cảm thông từ mọi người; sau khi trải qua nhiều vấp ngã trong cuộc sống, tôi nhận ra rằng mọi chuyện trên đời đều dễ thăng trầm, lòng người rồi cũng sẽ thay đổi.
1. Thời gian biết người, hoạn nạn biết tâm
“Đường dài mới biết ngựa hay, ở lâu mới biết nông sâu lòng người”.
Số người chúng ta quen biết thật sự rất nhiều, số người chúng ta giao tiếp, thân quen cho đến xã giao lại không thể kể hết. Nhưng số người có thể giúp đỡ bạn khi bạn khốn khó chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay mà thôi.
Trời mưa rồi, mới biết ai sẽ là người đưa dù cho bạn. Gặp chuyện rồi, mới biết ai sẽ là người đối đãi với bạn thật lòng. Có những người chỉ biết thêu hoa trên gấm, chứ không biết đưa than trong những ngày đông. Lại có những người chỉ biết thêm dầu vào lửa, chứ không biết đối đãi chân thành.
Nếu không trải qua thăng trầm, bạn sẽ không bao giờ hiểu được sự khắc nghiệt của thế gian. Chỉ khi bạn sa sút một lần, bạn mới thực sự hiểu được sự ấm lạnh của lòng người.
Khi chúng ta đang ở trên đỉnh vinh quang, xung quanh chúng ta luôn có những người ở dưới tung hô; nhưng khi chúng ta ở dưới đáy vực sâu, chỉ còn lại một số ít người sẵn sàng giúp đỡ. Một đời người chỉ khi rơi vào khó khăn, bế tắc, chúng ta mới biết được ai thực sự là bạn, là người yêu thương, là người thân của mình.
Không cần biết rằng bạn từng chơi với bao nhiêu người, chỉ xem khi bạn khó khăn có bao nhiêu người vẫn ở bên bạn?
Ngẫm nghĩ một chút… Bạn sẽ phát hiện ra rằng, thực sự rất ít. Hàng ngày có thể cùng họ vui chơi, ăn uống vui vẻ với nhau, nhưng khi có việc thì họ không nhất định có thể giúp đỡ bạn.
Người có một trái táo, sẵn lòng chia cho bạn một nửa, ấy chính là tình bạn.
Người có một trái táo nhưng chỉ cắn một miếng, còn lại dành hết cho bạn, ấy chính là tình yêu.
Người có một trái táo nhưng không ăn miếng nào, dành lại cho bạn hết, ấy chính là cha mẹ của bạn.
2. Việc đừng ép buộc, người đừng cố giữ
Có hai hòa thượng tu ở hai ngôi chùa ở hai quả núi gần nhau. Giữa hai quả núi có một dòng suối, hai hòa thường hàng ngày đều xuống suối gánh nước vào cùng một thời gian. Lâu ngày, họ trở thành đôi bạn thân. Cứ như thế, thời gian ngày ngày gặp nhau lúc gánh nước, bất giác đã 5 năm trôi qua.
Bỗng nhiên có một ngày, hòa thượng ở ngọn núi bên trái không xuống suối gánh nước. Hòa thượng ở ngọn núi bên phải thầm nghĩ: “Ông ấy có lẽ ngủ quá giấc rồi”.
Nào có hay, ngày hôm sau, vị hòa thượng ở núi bên trái vẫn không xuống suối gánh nước. Ngày thứ 3 cũng thế, rồi một tuần trôi qua vẫn vậy. Cứ thế đến một tháng, hòa thượng ở núi bên phải cuối cùng không chịu được nữa. Ông nghĩ ngợi: “Có lẽ bạn mình mắc bệnh rồi, mình phải đi thăm ông ấy mới được, xem có thể giúp gì được không”.
Thế là ông leo lên ngọn núi bên trái đi thăm bạn. Đến khi lên đến ngôi chùa trên núi gặp bạn, ông vô cùng kinh ngạc. Vì bạn của ông đang luyện quyền thuật ở sân trước cửa chùa, chẳng giống người cả tháng không uống nước tý nào. Ông tò mò hỏi: “Ông đã một tháng không đi gánh nước, lẽ nào ông có thể không cần uống nước?”
Hòa thượng ở núi bên trái nói: “Lại đây, tôi đưa ông đi xem”.
Thế là ông ấy dẫn hòa thượng ở ngọn núi bên phải đi xuống sân sau chùa, chỉ vào cái giếng và nói: “5 năm nay, mỗi ngày sau khi tu luyện xong, tôi đều dành thời gian đào cái giếng này. Mặc dù có lúc rất bận, tôi vẫn đào, được đến đâu đào đến đó. Bây giờ tôi cũng đã đào xong rồi, tôi không cần xuống núi gánh nước hàng ngày nữa. Tôi đã có nhiều thời gian để luyện thêm các chiêu thức võ công của bổn môn mà tôi yêu thích”.
Ngoài buồn bã, có người không khỏi thở dài: Họ đã có 5 năm cùng nhau leo núi, gánh nước, tụng kinh. Cuối cùng, chúng ta nhận ra rằng người kia không phải là muốn cùng bạn leo núi mà điều họ cần chỉ là một cái giếng chứa đầy nước.
Nhân sinh tại thế, giày phải vừa chân, người cần đồng điệu. Khi đối mặt với một người mà bạn không thể giữ lại, thay vì đấu tranh với nó, tốt hơn hết bạn nên bình tĩnh, thản nhiên đối mặt.
3. Nỗi khổ của cuộc đời phải tự mình đối mặt
Trong cuộc đời này, như cá uống nước, mưa gió trên đường, nóng hay lạnh như thế nào thì tự mình biết.
Không phải ai cũng có thể cảm nhận được giống bạn, cũng không phải là ai cũng có thể hiểu bạn và thông cảm cho bạn.
Có những việc chỉ bản thân mình gánh vác, có những thống khổ phải tự mình nếm trải.
Thay vì phụ thuộc, chi bằng hãy học cách mạnh mẽ. Làm người, chỉ khi học được cách tự lập thì mới có thể tiến xa hơn.
Trong cuộc sống này, mỗi người đều có biển khổ cần phải vượt qua. Thay vì đứng dưới vực thẳm và mong người khác giúp đỡ, tốt hơn hết bạn nên cố gắng hết sức và học cách tự cứu lấy mình. Cuộc sống chỉ có một lần, không ai có thể biết trước, mỗi bước đường cần tự mình trải nghiệm. Hãy là một người biết đủ để thấy vui vẻ, sống đời này hạnh phúc và vui tươi!
Đăng Dũng biên dịch
Nguồn: secretchina
Xem thêm
Vạn Điều Hay