Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[ChanhKien.org]
Dương Diên Chiêu truyền kỳ – Vọng Nhi Sơn. (Ảnh: Hạ Quỳnh Phân/Đại Kỷ Nguyên)
Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.
Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hý khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.
Vọng Nhi Sơn còn có tên gọi là Bách Vọng Sơn, ngọn núi nằm ở cực Đông của dải đất từ Thái Hành Sơn tới bình nguyên Hoa Bắc. Mặc dù đỉnh chính chỉ cách mặt biển 210m nhưng tầm nhìn rất rộng, có thể nhìn một cái là thấy ngay quang cảnh xung quanh thành Bắc Kinh. Nơi này rừng cây tươi tốt, cảnh vật xinh đẹp thanh tịnh, đến mùa thu có thể ngắm cảnh lá phong chuyển màu khiến cả ngọn núi chuyển sang màu đỏ, cảnh sắc như tranh như thơ khiến tâm hồn con người vui vẻ thoải mái. Văn tự sớm nhất viết về nơi này có thể ngược dòng tới bản “Trường An dạ thoại” thời Đại Đường, trong đó có viết: “Bách Vọng Sơn Nam trở Tây Hồ, Bắc thông Yên Bình. Bối nhi khứ giả, bách lý do kiến kì phong, cố viết ‘Bách Vọng’” (tạm dịch là, núi Bách Vọng phía Nam che Tây Hồ, phía Bắc thông với đất Yên. Nếu đi ra xa, đi tới cả trăm dặm vẫn nhìn thấy đỉnh núi này, nên gọi nó là ‘Bách Vọng’).
Bách Vọng Sơn còn được gọi là Vọng Nhi Sơn, ngọn nguồn xuất phát từ Dương gia Thiên Ba phủ thời Bắc Tống. Vùng đất này từng là tiền tuyến trong đại chiến giữa Tống – Liêu. Năm đó Tống Thái Tông bắc phạt thất bại, bị vây khốn ở thành U Châu, tướng sĩ Dương gia tới cứu viện. Xà Thái Quân lo lắng cho an nguy của người nhà, từng đích thân lên núi này xem trận chiến, lại đến Kim Sơn Tự ở gần đó lễ bái Thần Phật, xin thần linh bảo hộ. Cho nên ở vùng đất này nghìn năm qua đã lưu truyền lại một chuyện xưa khiến người người cảm động…
Dương Diên Chiêu dẫn dắt tướng sĩ trấn thủ ở Tam Quan chống chọi quân Liêu, mấy năm liên tục giành được chiến thắng. Triều đình nhân các chiến công này mà tặng thưởng lượng lớn tiền tài châu báu, lại thăng quan tiến chức. Nhưng Dương Diên Chiêu đa phần đều từ chối không nhận, những tài vật nhận được ông đều cấp cho các tướng sĩ và dân chúng địa phương. Người dân vì vậy rất kính trọng ông, coi ông như Thần linh.
Ấy vậy, Vương Cường, tên gian thần nắm quân quyền trong triều đình, lại liên tục phái thân tín ra tiền tuyến làm giám quân, ý đồ thêu dệt tội trạng, hãm hại Dương Diên Chiêu. Hắn thỉnh thoảng lại gièm pha trước mặt Hoàng đế Chân Tông, nói xấu Dương Diên Chiêu. Hắn còn trình kiến nghị lên Chân Tông yêu cầu ba năm luân chuyển tướng lĩnh ở tiền tuyến, đề phòng võ tướng tích lũy quá nhiều quyền lực.
Xà Thái Quân trong lòng lo lắng về gia đình và quốc gia, ngày nào cũng vì chuyện này mà phiền muộn. Mặc dù trong chiến dịch bãi cát vàng năm đó, bà đã lên Bách Vọng Sơn từ xa quan sát chiến trường, mắt thấy Dương gia gặp phải đại họa, phu quân Dương Nghiệp và các con hy sinh nơi sa trường, nhưng Thái Quân cũng không oán trời trách đất, vẫn thường xuyên lên Kim Sơn Tự thăm viếng lễ Phật. Một ngày nọ bà muốn lên Kim Sơn Tự tạ lễ. Nhưng nơi biên quan chiến sự tới tấp, Bát Muội, Cửu Muội lo lắng mẫu thân gặp nguy hiểm, nên đi cùng Thái Quân tới Kim Sơn Tự, cầu phúc cho Dương gia tướng sĩ và chúng sinh trong thiên hạ.
Dọc đường đi phong trần mệt mỏi, trải qua hành trình mấy ngày, bọn họ cũng tới được Kim Sơn Tự. Hòa thượng trụ trì nhận ra Xà Thái Quân, chiêu đãi ân cần, lại để cho bà ngủ lại một đêm. Ngày hôm sau khi Thái Quân chuẩn bị từ biệt thì một vị tăng nhân tên là Lý Tam đến trước mặt bà hành lễ thăm hỏi. Lý Tam hỏi: “Xin hỏi ngài có phải là mẫu thân của Nguyên soái Tam Quan Dương Diên Chiêu hay không?” Thái Quân gật đầu trả lời: “Đúng vậy!”.
Lý Tam nghe xong kích động quỳ xuống khấu đầu, cảm tạ ơn cứu mạng của Dương gia tướng sĩ. Xà Thái Quân cảm thấy bất ngờ, năm đó Dương gia tướng sĩ đến nơi này là để cứu viện Hoàng đế Thái Tông đang bị vây ở thành U Châu, có phải đi cứu viện dân làng đâu? Lý Tam mới kể lại cho Thái Quân nghe một đoạn chuyện xưa…
Lục Lang dùng trí bày nghi binh đẩy lùi quân Liêu
Vốn dĩ năm đó Hoàng đế Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa ngự giá thân chinh bắc phạt, nhưng chiến đấu thất bại, bị quân Liêu vây hãm ở thành U Châu. Dương Nghiệp và bảy người con tiếp ứng, huyết chiến cả ngày, cuối cùng thành công đẩy lùi quân Liêu cứu được Thái Tông, rút lui về phương Nam. Lúc ấy quân tiếp viện của nước Liêu đuổi tới, đại tướng Hàn Xương thân chinh dẫn đại quân truy sát. Dương gia tướng sĩ tuy anh dũng phi phàm, nhưng người ít không địch nổi nhiều, chỉ còn cách rút chạy một mạch về phía Nam.
Dương Diên Chiêu vì để yểm hộ cho quân Tống rút lui, chủ động dẫn theo một đội tướng sĩ chặn hậu. Quân Liêu ỷ người đông thế mạnh, lũ lượt đánh tới. Dương Diên Chiêu không hề sợ hãi, giơ thương điều ngựa dẫn quân ra sức chống cự, tiếng chém giết vang trời, hai bên đánh nhau đến mù mịt đất trời. Bất giác trời chuyển hoàng hôn, hai bên người chết kẻ bị thương, tổn thất nặng nề. Lúc này, bên mình Dương Diên Chiêu còn chưa tới một trăm tướng sĩ, nhưng quân Liêu dường như vẫn cuồn cuộn đuổi tới không ngừng nghỉ. Ông ước lượng trận chiến này đã kéo dài hơn nửa ngày, hoàng đế Thái Tông chắc chắn đã thoát hiểm, giờ là lúc rút lui bảo toàn, vì thế dẫn những người còn lại chạy về phía Tây Nam. Lúc ấy quân Tống đi qua một thôn làng nhỏ dựa vào núi, trong thôn đèn đuốc sáng choang, nhìn vào thì thấy đang cử hành lễ mừng nào đó, trên núi còn có tháp Phật, còn có cả mấy ngọn đèn dầu.
Dương Diên Chiêu lúc ấy trong lòng nảy ra một kế, nói: “Ngày xưa danh tướng Trương Phi thời Tam Quốc, ở sườn núi Trường Bản bày trận nghi binh ngăn được mấy vạn quân Tào, hôm nay sẽ diễn lại trận này!”
Ông lệnh cho mấy vị tướng sĩ đi vào trong thôn thu mua đèn dầu, dặn họ đến tháp Phật hội họp. Sau đó ông dẫn các tướng sĩ đến tháp Phật trên núi bày trận, đem đèn dầu vừa mua được đặt ở bốn phía trên mái tháp, lại cho treo lên mình ngựa đèn đã thắp sáng. Ông còn cho ngựa kéo cành cây xung quanh tháp Phật, lập tức bụi từ mặt đất bốc lên mù mịt.
Lúc ấy quân Liêu cũng vừa đuổi tới dưới núi, bọn chúng nhìn lên tháp Phật ở trên núi thấy bốn phía đèn thắp sáng choang, khói bụi mù mịt, giống như đang có đại quân mai phục. Tướng cầm đầu là Hàn Xương ngẫm nghĩ rồi nói: “Địch ở chỗ tối ta ở chỗ sáng, lại ở trên cao nhìn xuống, hôm nay đến đây là dừng, lui binh thôi!” Vì thế ra lệnh thu quân ngừng truy đuổi.
Mắt thấy quân Liêu nhất loạt rút lui, Dương gia tướng sĩ lúc ấy mới thở phào nhẹ nhõm. Nhưng đúng vào lúc xuống núi chuẩn bị rời đi, thì nghe thấy trong thôn có không ít dân chúng đang than khóc la hét, đến gần nhìn xem, liền phát hiện ra có một toàn quân Liêu đang cướp bóc trong thôn. Dương Diên Chiêu nhất thời trầm tư, tướng sĩ ở một bên nói: “Quân địch vội vàng cướp bóc, khẳng định chưa phát hiện ra chỗ chúng ta, nên nắm lấy thời cơ này để thoát đi”.
Nhưng Dương Diên Chiêu lại nói: “Dân làng đang phải chịu khổ, không thể thấy chết không cứu!”
Tướng sĩ trả lời: “Không biết trong thôn có bao nhiêu quân Liêu, mà chúng ta lại chỉ có mấy chục người, nếu khiến đại quân của Hàn Xương chú ý thì chúng ta thảm rồi”.
Dương Diên Chiêu lại đáp: “Bảo vệ người dân là thiên chức của tướng sĩ, cho dù chết nơi sa trường thì cũng là cái chết có ý nghĩa, cho dù ở trong tuyệt cảnh khốn cùng nhưng cũng không thể thay đổi chức trách và chí hướng!”
Vì thế, ông liền dẫn các tướng sĩ tấn công quân Liêu ở trong thôn, giải cứu dân làng. Tướng sĩ Dương gia có lực chiến đấu rất mạnh, mà đội cướp bóc của quân Liêu chẳng qua chỉ mấy trăm người. Vì vậy sau một phen dốc sức chiến đấu, tướng sĩ Dương gia lấy một địch mười, đẩy lùi được toán quân Liêu. Lúc ấy sắc trời đã muộn, dân làng chiêu đãi quân Tống nghỉ lại một đêm, sáng sớm hôm sau lại lưu luyến nhìn họ rời đi. Lúc ấy Lý Tam là một người dân trong thôn, anh ta nghe được vị tướng dẫn quân Tống giải cứu mọi người là Dương Diên Chiêu, vì vậy trong tâm sinh ra một niệm muốn báo đáp.
Bách Vọng Sơn – Vọng Nhi Sơn
Lý Tam đã xuất gia làm sư, có thể nói là hai bàn tay trắng, chẳng có gì bên mình, nhưng anh ta lại giỏi khắc đá tạc tượng, vì vậy đã cầu xin Thái Quân cho phép anh ta khắc một tượng đá làm kỷ niệm. Lúc đầu Thái Quân không muốn, nhưng Lý Tam không ngừng nài nỉ nên đành đáp ứng. Lý Tam kỹ thuật cao siêu, chưa tới nửa ngày công phu đã hoàn thành sơ bộ tượng đá. Xà Thái Quân nhìn ngắm pho tượng rồi mới cùng mọi người từ biệt, lên đường về nhà.
Sau khi hoàn thành, Lý Tam đem bức tượng Thái Quân vào trong phòng mà năm đó mọi người từng ở lại. Những người tín Phật đến chùa lễ bái cũng hay đến trước tượng Thái Quân thăm hỏi. Sau này vì chuyện Dương gia tướng sĩ tận trung báo quốc vang danh thiên hạ, những người tín Phật ở địa phương đã xây một tòa miếu Xà Thái Quân ở trên đỉnh Vọng Nhi Sơn, và tượng của Xà Thái Quân cũng được di chuyển vào bên trong miếu, được mọi người cung phụng dài lâu. Người đời sau cũng lần lượt khắc hai bức tượng Dương Diên Chiêu và Dương Bát Muội đứng ở hai bên. Còn vị trí mà Xà Thái Quân leo lên để trông ngóng các con, cũng được tu sửa lại thành một sân trời để người dân kỉ niệm và chiêm ngưỡng. Ở rừng cây tại chân núi gần đó còn có một nơi là Đài dạy con, chuyện kể rằng vào lần thứ hai Xà Thái Quân lên Kim Sơn Tự, Dương Diên Chiêu hộ tống mẫu thân lên núi. Đi đến chân núi, Xà Thái Quân liền đốc thúc con nhanh chóng xuống núi đi đánh quân Liêu, không cần phải đưa đón, dạy bảo ông cố gắng tận tâm đền nợ nước, biến hiếu thành trung. Câu chuyện ấy lưu truyền ở địa phương cả nghìn năm, vì vậy người dân trong vùng cũng gọi Bách Vọng Sơn là Vọng Nhi Sơn.
Trải qua nghìn năm, Vọng Nhi Sơn mặc dù chịu tàn phá của chiến tranh, nhưng phần lớn di tích vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, tháp Lục Lang ở phía Tây Nam của Hương Sơn, nơi Dương Diên Chiêu đẩy lùi quân Liêu, đã bị hồng vệ binh tàn phá trong thời Cách mạng Văn hóa, chỉ còn lại nền tháp và vài viên ngói.
Tài liệu tham khảo:
“Truyền thuyết về Dương gia tướng (Mục Quế Anh)” – Nhà xuất bản Mỹ thuật Nhiếp ảnh Bắc Kinh – Xuất bản năm 2015, Cao Tuyết Tùng chỉnh lý.
“Dương gia tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản Thiếu niên Nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986, Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.
“Tuyển tập truyện dân gian Hà Bắc” – Nhà xuất bản Viễn Lưu – Xuất bản năm 1988, Trần Khánh Hạo chủ biên.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/292939
Ngày đăng: 06-12-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org