(Từ năm 618 đến năm 907)
Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Trong bài trước đã nói đến giai đoạn cuối thời Đường Huyền Tông, lực lượng quân sự trấn thủ biên cương không ngừng tăng lên, khiến hình thế quân sự nhà Đường từ chỗ vốn là “trọng nội khinh ngoại” đã dần dần trở thành “trọng ngoại khinh nội”, sự thay đổi này một mặt là do Đường Huyền Tông cực kỳ hiếu chiến, ham thích mở rộng biên cương; mặt khác cũng có quan hệ mật thiết với sự tan rã của chế độ phủ binh.
Chế độ phủ binh là chế độ binh dịch bắt đầu được thực hiện vào thời kỳ đầu nhà Đường. Các phủ binh phải tự trang bị binh giáp y lương, cho nên đối với người dân mà nói thì việc phục vụ binh dịch là một gánh nặng rất lớn. Vào lúc chế độ quân điền được thực hiện khá tốt, người nông dân có được một lượng đất đai nhất định, nên chế độ phủ binh này vẫn có thể gắng gượng duy trì. Về sau chế độ quân điền dần bị giải thể, người nông dân đã không thể nào gánh vác việc binh dịch nặng nề được nữa. Đây là nguyên nhân chủ yếu tạo thành sự tan vỡ của chế độ phủ binh. Ngoài ra, thời hạn binh sĩ phục dịch lâu dài, lại còn thường xuyên chịu ngược đãi, điều này đã khiến họ xem binh dịch là điều đáng sợ. Vậy nên nguồn lính của phủ binh cũng dần dần cạn kiệt. Đến năm 749 (năm Thiên Bảo thứ 8), chính phủ nhà Đường không thể không hạ lệnh chấm dứt việc trưng tập phủ binh, trên thực tế là tuyên bố bãi bỏ chế độ phủ binh.
Thay thế chế độ phủ binh là chế độ mộ binh. Vũ khí và y lương của các binh sĩ được trưng mộ đều do chính phủ cấp, họ trường kỳ phục vụ binh dịch, thì được tính là lính chuyên nghiệp đánh thuê. Như thế chi phí cho quân sự của chính phủ nhà Đường ngày càng tăng cao.
Mặt khác, do Đường Huyền Tông theo đuổi việc mở rộng biên cương, do đó không ngừng tăng thêm quân số và trang bị quân sự cho các Tiết độ sứ trấn thủ biên giới, nên quyền lực của các Tiết độ sứ cũng không ngừng tăng lên. Trong những năm Khai Nguyên, mười Tiết độ sứ trấn thủ biên giới không những “đã có đất đai, lại có dân chúng, hơn nữa còn có “binh giáp, lại có tài phú”, chính quyền, quân quyền, tài quyền tập trung trong tay, hình thành những thế lực bán cát cứ. Trong thời kỳ Huyền Tông lượng quân đóng ở biên giới chiếm trên 85% tổng binh lực toàn quốc.
Thuận theo sự hủ bại của triều chính nhà Đường, uy tín của nhà Đường ở Tây Vực sa sút nghiêm trọng, những nguy cơ vùng biên giới ngày càng tăng. Để đối phó với nguy cơ vùng biên giới, triều đình càng thêm dựa vào các Tiết độ sứ. Tình trạng ấy khiến các Tiết độ sứ càng thêm ngạo ngược, nên sự xa cách đối với chính phủ trung ương cũng tự nhiên ngày càng lớn, thậm chí công nhiên phản loạn. Năm 755, cuộc phản loạn của Tiết độ sứ An Lộc Sơn và Sử Tư Minh đã mở màn cho việc vương triều nhà Đường đi đến suy bại.
An Sử làm loạn thiên hạ
Người cầm đầu loạn An Sử là An Lộc Sơn và Sử Tư Minh. Lộc Sơn xuất thân vùng tạp hồ Doanh Châu. Ông nhờ trấn áp tàn khốc người Hề, người Khiết Đan nên rất được lòng Đường Huyền Tông, liên tiếp nhậm chức Tiết độ sứ của ba trấn Bình Lư, Phạm Dương, và Hà Đông. Ngoài ra, ông rất biết lấy lòng Lý Lâm Phủ và Dương Quý phi, còn nhận Dương Quý phi vốn nhỏ hơn gần 20 tuổi làm “mẹ nuôi”; và còn tiến cống nhiều bảo vật hiếm có cho Huyền Tông, nên rất được Huyền Tông tin tưởng. Trong lòng Đường Huyền Tông, địa vị của An Lộc Sơn chẳng khác nào tể tướng, nên đặc biệt cho phép ông ta tùy ý ra vào cung cấm.
Thế nhưng, An Lộc Sơn ngoài mặt thì a dua nịnh hót nhưng lại là người có dã tâm cực lớn, không vừa lòng với tất cả những gì mình có, mà còn muốn làm hoàng đế. An Lộc Sơn lợi dụng cơ hội nhiều lần đến Trường An, ra vào cung cấm, nắm rõ tình trạng yếu nhược, hủ bại của chính phủ nhà Đường, do đó đã nảy sinh ý đồ dấy binh tiêu diệt nhà Đường.
Thời điểm ấy, An Lộc Sơn một thân kiêm chức Tiết độ sứ của ba trấn, nắm trong tay binh lực trên 20 vạn, mà tổng binh lực của mười trấn cũng không quá 49 vạn, còn binh lính trực thuộc trung ương cũng chỉ 10 vạn. Sách sử ghi rằng: “Lộc Sơn cậy thế, ngày càng kiêu ngạo”, “lòng dạ nham hiểm, sẽ sinh phản nghịch”. Hắn không chỉ tích trữ vũ khí, lương thảo, chiến mã… mà còn nuôi dưỡng một đội quân tư nhân với 8.000 tráng sĩ người Hồ, tuyệt đối tận trung với mình. An Lộc Sơn còn mua chuộc cả mãnh tướng Sử Tư Minh và Thái Hy Đức. Còn Huyền Tông đang đắm chìm trong tửu sắc nên chẳng hề nhận ra tâm phản nghịch của An Lộc Sơn, chẳng hề nhận ra đại họa sẽ ập đến, vẫn làm “khoái hoạt thiên tử” (thiên tử ăn chơi) như cũ.
Sử Tư Minh cũng xuất thân tạp hồ. Khi ông đến Trường An dâng tấu, đã chiếm được cảm tình của Huyền Tông, được ban tên là Tư Minh. Trước khi An Lộc Sơn phản loạn, Sử Tư Minh làm quan đến Binh mã sứ Bình Lư.
Tuy rằng những người mê muội trong lịch sử không ít, nhưng bậc đại trí huệ cũng lại không hiếm. Lý Thuần Phong là người sống trong thời đại Thái Tông, nổi danh với những dự ngôn chuẩn xác, trong cuốn “Thôi Bối Đồ” ông sớm đã có dự ngôn về cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn và Sử Tư Minh.
Dự ngôn liên quan đến loạn An Sử trong cuốn “Thôi Bối Đồ” và sự thực lịch sử
Trong bức vẽ của tượng thứ 5 của “Thôi Bối Đồ” có họa một người phụ nữ đang quỳ trên mặt đất, bên cạnh có một cái yên ngựa và một bộ sử sách, ám chỉ về “Loạn An Sử”. Sấm viết “Dương hoa phi, thục đạo nan. Tiệt đoạn trúc tiêu phương kiến nhật, canh vô nhất lại lại bình an”. Tụng viết “Ngư dương kích cổ quá đồng quan, thử nhật quân vương hạnh kiếm sơn, mộc dị nhược phùng sơn hạ quỷ, định vu thử xứ táng kim hoàn”.
Chúng ta hãy kết hợp với sự thực lịch sử để phân tích một cách chi tiết về dự ngôn này.
Sau khi trải qua mười năm dài chuẩn bị, đến năm 755 An Lộc Sơn cuối cùng đã mượn danh phụng mật chỉ thảo phạt Dương Quốc Trung, khởi binh phản Đường ở Phạm Dương. Hắn ta dẫn theo 15 vạn quân của ba trấn Bình Lư, Phạm Dương và Hà Đông, tiến về phía Nam tấn công nhà Đường. Đường Huyền Tông vì không ngờ An Lộc Sơn sẽ làm loạn, cho nên không có chuẩn bị nào về mặt quân sự. Hơn nữa khắp Trung Nguyên nhiều năm đều không có chiến sự, nên rất nhiều quận huyện đều không có quân lính có thể dùng, lại không hề có ứng biến chuẩn bị, do đó chỉ có thể hoặc là bỏ thành mà chạy, hoặc là mở cổng nghênh đón mà thôi.
An Lộc Sơn chẳng gặp mấy trở ngại nên rất nhanh đã chiếm lĩnh được phần lớn khu vực phía Bắc Hoàng Hà, sau khi vượt Hoàng Hà, liên tiếp đánh bại quân Đường, một mạch công chiếm Trần Lưu, Huỳnh Dương (Huỳnh Dương, Hà Nam), Lạc Dương, thẳng đến Đồng Quan, và xông thẳng vào áp sát Trường An, điều này đã ứng với câu “Ngư dương kích cổ quá đồng quan”.
Năm 756, An Lộc Sơn xưng là Hoàng đế Đại Yên ở Lạc Dương. Tướng nhà Đường phòng thủ Đồng Quan là Kha Thư Hàn, tuy có gần 20 vạn quân nhưng vì đều là quân tạm thời được thu nạp nên thiếu khả năng chiến đấu. Hơn nữa Huyền Tông và Dương Quốc Trung vì không yên tâm về Kha Thư Hàn, liên tục cử thái giám đến ép ông phải xuất binh. Kết quả là Kha Thư Hàn bị quân của An Lộc Sơn và Sử Tư Minh đánh bại ở Linh Bảo, toàn quân bị diệt sạch, Kha Thư Hàn cũng bị bắt làm tù binh. Tháng Sáu cùng năm, phản quân xông thẳng vào tấn công kinh đô Trường An. Sau khi phản quân tấn công vào Trường An, thì thả sức cướp giết, tàn phá cực kỳ bi thảm.
Sau khi Đồng Quan thất thủ, Đường Huyền Tông cùng quần thần hốt hoảng bỏ chạy đến Thục đạo, Thục đạo vốn có các rặng núi đồ sộ, chót vót, điều này lại ứng với câu “Thử nhật quân vương hạnh kiếm sơn”. Khi Huyền Tông hoảng hốt chạy đến Mã Ngôi (Hưng Bình Tây, Thiểm Tây), các tướng sĩ tùy tùng bất ngờ nổi loạn, giết chết Dương Quốc Trung, lại ép Huyền Tông xử tử Dương Quý phi, nếu không sẽ không hộ giá nữa. Dương Quý phi phải tự sát, năm ấy chỉ mới 38 tuổi, điều này đã ứng với hai câu “Mộc dị nhược phùng sơn hạ quỷ, định vu thử xứ táng kim hoàn”. Chữ mộc (木) và dị (易) ghép lại thành chữ Dương (楊), bên dưới chữ sơn (山) thêm chữ quỷ (鬼) thành chữ Ngôi (嵬), tức Dương Quý phi chết ở Mã Ngôi, ở đây Kim Hoàn là nhũ danh của Dương Quý phi.
Hơn nữa “dương hoa” trong lời sấm là chỉ Dương Quý phi Dương Ngọc Hoàn, câu thứ nhất và hai là ý chỉ Dương Quý phi tự sát, Đường Huyền Tông lưu lạc ở Thục đạo. “Tiệt đoạn trúc tiêu” trong “Tiệt đoạn trúc tiêu phương kiến nhật, canh vô nhất lại lại bình an” là ám chỉ Đường Túc Tông, ý tứ là sau khi Túc Tông ra làm Hoàng đế, loạn An Sử mới có khả năng được dẹp, nhưng không có vị quan nào có thể là chỗ dựa thực sự để nhà Đường bình an.
Sự thực lịch sử cũng xác thực như vậy. Sau khi Đường Huyền Tông xử tử Dương Quý phi, không màng đến nguyện vọng của các đại thần và dân chúng hy vọng có thể đánh trả phản quân, mà tiếp tục bỏ chạy về hướng Nam, một mạch chạy đến Thành Đô. Nhưng Thái tử Lý Hanh thấy lòng dân còn ủng hộ, bèn tách ra chạy về Sóc Phương, và lên ngôi ở Linh Vũ (Tây Nam Linh Vũ, Ninh Hạ ngày nay), tức là Đường Túc Tông, đổi niên hiệu thành Chí Đức, và tôn Đường Huyền Tông làm Thái thượng hoàng.
Giang sơn nhà Đường lung lay sắp đổ, rất có thể bị diệt vong. Vào lúc này, các tướng trung trực đã dũng cảm đứng ra, bảo vệ thiên hạ nhà Đường. Ví như đại tướng Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật sau khi An Sử làm phản, đã dẫn năm vạn kỵ binh từ Hà Bắc gấp rút về Linh Vũ, chuẩn bị quyết chiến cùng phản quân. Thái thú Bình Nguyên là Nhan Chân Khanh dẫn theo một vạn quân một mình giữa vòng vây thế lực của An Lộc Sơn vẫn giơ cao ngọn cờ “Đại Đường”. Ông bi tráng tỏ rõ lòng mình với các thuộc hạ, thề đọ sức với nghịch tặc đến cùng, khiến cho binh lính vô cùng cảm động. Ngay cả Đường Huyền Tông cũng cảm kích nói: “Hà Bắc vẫn còn có người trung thành với triều đình”.
Mặt khác, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh tuy giành được một loạt thắng lợi, nhưng lại vì đến đâu cũng giết chóc cướp bóc đến đó, nên không được lòng dân, mâu thuẫn trong nội bộ ngày càng nhiều. An Lộc Sơn trấn giữ Lạc Dương lộng hành bạo ngược, nên bị xa lánh cô lập, và bị giết chết đầu năm 757 bởi viên quan do người con trai của ông là An Khánh Tự mua chuộc. An Lộc Sơn từ khi khởi binh đến lúc ấy chỉ mới 40 tháng, đã rơi vào kết cục như thế, có thể nói là gieo gió gặt bão mà thôi. Sau khi An Khánh Tự lên ngôi vua, chỉ biết ham vui hưởng lạc. Điều này đã mang đến cho nhà Đường cơ hội để phản kích.
Chúng ta hãy lại tiếp tục xem dự đoán trong “Thôi Bối Đồ” về hình thế sau đó xem sao. Bức vẽ trong tượng thứ 6 của “Thôi Bối Đồ” có vẽ một cổng thành, biểu thị đô thành Trường An. Phía trước có hai người tay cầm nghi trượng, dẫn đường cho Hoàng đế, phía sau có một người ngồi trên xe, một người đẩy xe, là tượng về Đường Huyền Tông quay về Trường An, sấm viết: “Phi đô thị đô, phi hoàng thị hoàng, âm mai kí khứ, nhật nguyệt phục quang”.
“Phi đô thị đô” là nói đô thành là nơi ở của Hoàng đế, nhưng Hoàng đế lại chạy đến Tứ Xuyên, Tứ Xuyên không phải là đô thành, nhưng lại có Hoàng đế ở. “Phi hoàng thị hoàng” chỉ Đường Huyền Tông đã truyền ngôi cho Thái tử Lý Hanh, Lý Hanh đã là Hoàng đế, nhưng Đường Huyền Tông vẫn là Thái thượng hoàng. Hai câu sau chỉ Đường Túc Tông trọng dùng Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật… đã liên tiếp đánh bại An Lộc Sơn và Sử Tư Minh, khiến vương triều nhà Đường “nhật nguyệt phục quang”.
Tụng viết “Đại xí nguy nguy thụ lưỡng kinh, liễn dư kim nhật hựu đông hành. Càn khôn tái tạo nhân dân lạc, nhất nhị niên lai kiến thái bình”. Lưỡng kinh là chỉ Lạc Dương và Trường An; liễn dư là xe ngồi của hoàng đế, bốn câu đại ý nói nhà Đường đánh bại phản quân An Sử, khiến cờ của nhà Đường lại được treo lên ở hai kinh, Đường Huyền Tông lại từ Tứ Xuyên ngồi xe quay trở về. Nhà Đường lại lần nữa ổn định và cũng chính là hạnh phúc của người dân, tuy nhiên hoàn toàn thái bình thì vẫn còn một hai năm nữa.
Sự thực lịch sử là mùa xuân năm 757, nhà Đường lần lượt điều hơn 10 vạn quân từ các nơi như Lũng Hữu, Hà Tây, An Tây, Tây Vực, lại mượn bốn nghìn lính của Hồi Hột, Túc Tông bổ nhiệm con trai là Lý Dự làm Thiên hạ binh mã nguyên soái, và Quách Tử Nghi làm Phó nguyên soái. Đại quân của Quách Tử Nghi chiến đấu kịch liệt với phản quân ở bờ Đông của Bắc Phong Thủy, quân Đường chiến đấu dũng cảm vô địch, đánh tan phản quân, thu phục lại được Trường An. Quách Tử Nghi thừa thắng truy kích, một mạch công phá Đồng Quan, Hoa Âm, Hoằng Nông, đánh đuổi đội quân của An Khánh Tự, thu phục được Lạc Dương, trong nháy mắt tiêu tan cường địch, khiến lá cờ của Đại Đường lại lần nữa tung bay trên thành quách của Trường An và Lạc Dương, quang cảnh lại trở về giống như xưa. Đường Túc Tông về đến Trường An, cảm kích vô cùng, long trọng nghênh đón Quách Tử Nghi hồi kinh, vừa nhìn thấy ông, không cầm được nước mắt nói: “Tuy là quốc gia của trẫm, nhưng thực tế lại do khanh tái tạo”.
Trước và sau thời điểm ấy, quan quân địa phương ở Hà Bắc và Hà Nam đều đang trong những trận chiến ác liệt trường kỳ. Những trận chiến ấy đã tấn công vào hậu phương của phản quân, lại bảo vệ được con đường cung ứng vật tư Giang Hoài, góp phần quan trọng vào việc kết thúc loạn An Sử.
Chính vào lúc ấy, Sử Tư Minh cựu tướng của An Lộc Sơn, người nắm trong tay quân đội hùng hậu đang đồn trú tại Phạm Dương, lại không nghe theo điều phái của An Khánh Tự, không lâu sau lại dẫn tám vạn quân trong sự quản chế của mình đầu hàng nhà Đường, và được phong làm Quy Nghĩa vương, giữ chức Tiết độ sứ Phạm Dương.
Nửa năm sau, chính vào năm 758, Sử Tư Minh lại làm phản ở Phạm Dương, An Khánh Tự cùng phối hợp từ xa, ngọn lửa chiến tranh lại bùng lên trở lại. Tháng Mười, quân Đường bao vây Nghiệp Thành nơi ở của An Khánh Tự. An Khánh Tự đành lấy việc nhường ngôi vị làm điều kiện để cầu cứu Sử Tư Minh. Năm 759, sau khi Sử Tư Minh phá được vòng vây cho Nghiệp Thành, đã giết luôn An Khánh Tự, và xưng là Hoàng đế Đại Yên ở Phạm Dương. Trải qua nửa năm chuẩn bị, Sử Tư Minh lại dẫn quân đánh chiếm Lạc Dương, hình thế lại lần nữa trở nên gay gắt. Năm 761, Sử Tư Minh đánh bại quân Đường do Lý Quang Bật dẫn đầu, thừa thắng tiến đánh Trường An, nhưng lại bị con trai là Sử Triều Nghĩa giết chết giữa đường. Sử Triều Nghĩa xưng đế ở Lạc Dương, nội bộ của phản quân càng thêm chia rẽ, từ đó không còn lực lượng để tiến đánh nhà Đường nữa.
Năm 762, cung đình nhà Đường xảy ra chính biến, đại quan Lý Phụ Quốc giết Trương hoàng hậu, Túc Tông kinh sợ mà chết. Lý Phụ Quốc ủng hộ Thái tử Lý Dự kế vị, tức là Đại Tông.
Đại Tông nhân lúc phản quân nội loạn, điều động binh mã các ngả, lại mượn một phần quân đội của Hồi Hột, phong con trai Lý Quát làm Thiên hạ binh mã nguyên soái, bổ nhiệm Cố Hoài Ân làm Phó nguyên soái, đem quân thu phục các nơi đã mất như Lạc Dương, Hà Dương, Trịnh Châu, Biện Châu. Sử Triều Nghĩa chạy về Hà Bắc, các phản tướng Hà Bắc thấy ông không còn thế lực nữa, bèn rầm rộ đầu hàng nhà Đường. Đầu năm 763, Sử Triều Nghĩa dưới sự tấn công của quân Đường, buộc phải tự sát. Từ đó, loạn An Sử kéo dài bảy năm ba tháng cuối cùng đã được dẹp yên.
Tuy nhiên vào năm Chí Đức thứ 2 (năm 757) Huyền Tông từ Thành Đô về đến Trường An, nhưng vì bị đại quan được Túc Tông tin tưởng là Lý Phụ Quốc gây ly gián chia rẽ nên ông bị ép chuyển đến sống ở điện Cam Lộ của cung Thái Cực (Tây Nội). Những năm cuối đời Huyền Tông buồn sầu không vui, sau khi qua đời được chôn cất ở Thái Lăng.
Ảnh hưởng của loạn An Sử – nhà Đường tiến đến suy yếu
Loạn An Sử tuy đã kết thúc, nhưng đã gây ra những phá hoại cực kỳ to lớn. Tại lưu vực sông Hoàng Hà nơi tập đoàn An Sử chiếm cứ, nền kinh tế xã hội phải chịu sự phá hoại to lớn, đặc biệt là dải đất Hà Nam nơi chiến trận ác liệt nhất, càng thêm “dân cư thưa thớt, ngàn dặm tiêu điều”. Sự phân hóa giàu nghèo càng thêm sâu sắc, “người giàu gom đất hàng vạn mẫu, người nghèo không chỗ dung thân”.
Trong thời kỳ loạn An Sử, phần lớn quân đội nhà Đường được điều động vào trong nội địa, biên phòng trống không, do đó trong quan hệ đối ngoại nhà Đường không thể không chuyển từ tấn công sang phòng thủ, khu vực Tây Vực và Hà Lũng lần lượt bị Thổ Phồn chiếm lĩnh, phía Nam cũng thường xuyên bị Nam Chiếu quấy nhiễu. Loạn An Sử đã phá vỡ cục diện thống nhất của nhà Đường, thế lực phiên trấn cát cứ càng ngày càng lớn mạnh, nhiều lần khởi chiến loạn, lực lượng trung ương nhà Đường càng ngày càng suy yếu.
Trong tượng thứ 7 của «Thôi Bối Đồ» sớm đã có dự ngôn. Nhân vật trong bức vẽ của tượng thứ 7, thân mang trang phục người Hồ, miệng ngậm một chiếc lông vũ. Ngầm chỉ dân tộc thiểu số Thổ Phồn. Sấm viết “Tinh tiết mãn ngã mục, sơn xuyên phạt ngã túc. Phá quan khách sạ lai, đẩu lệnh trung nguyên khốc”.
“Tinh tiết mãn ngã mục, sơn xuyên phạt ngã túc” là chỉ nhà Đường sau loạn An Sử, toàn quốc quá nhiều phiên trấn cát cứ, khiến người ta nhìn đâu cũng thấy; phiên trấn nhiều lên, thì ngươi có quan khẩu của ngươi, ta có bến bãi của ta, đi ra đường thì đâu đâu cũng bị o ép. Phá quan khách là chỉ Thổ Phồn, hai câu sau nói về việc Thổ Phồn đánh vào Trung Nguyên, khiến dân chúng một vùng Trung Nguyên khóc lóc.
Tụng viết: “Lâu nghĩ tòng lai túc hối đê, lục cung thâm tỏa mộng toàn phi. Trùng môn kim cổ hàm binh khí, tiểu thảo tư sinh khẩu thổ đề”. Câu đầu dùng “lâu nghĩ” và “hối đê” ví với phiên trấn cát cứ đã đủ để đánh đổ vương triều nhà Đường, câu thứ hai nói đến hậu cung tuy sâu kín, nhưng các cung phi nằm mộng thì đã khác hẳn rồi, ẩn ý các cung phi cũng biết được sự nghiêm trọng của hình thế. Câu thứ ba nói về bên ngoài hoàng cung, trống giục từng hồi, bất cứ khi nào đều có thể xảy ra chiến tranh. Câu thứ tư hàm ý chỉ Thổ Phồn, “tiểu thảo tư sinh khẩu thổ đề”, chữ khẩu (口) và thổ (土) là chữ Thổ (吐), tiểu thảo tư tức là cây cỏ sinh sôi nảy nở, là chữ Phồn (蕃).
Có thể nói, sau khi trải qua loạn An Sử, một nhà Đường thống nhất, phồn vinh, cường thịnh đã bắt đầu tiến đến suy yếu.
Còn Huyền Tông Lý Long Cơ thực sự là nguồn cơn tai họa của loạn An Sử. Đánh giá về cuộc đời của Huyền Tông, có thể dùng tám chữ “công qua tương để, hưng suy do tha” (ý là công lao và lỗi lầm bù nhau, hưng thịnh và suy yếu đều do ông).
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29292
ChanhKien.org