Tác giả: Tiêm Tiêm
[ChanhKien.org]
Chúng ta thường nói rằng cầm, kỳ, thư, họa (âm nhạc, cờ vây, thư pháp và hội họa) đều thuộc về văn hóa Thần truyền. Vậy ý nghĩa thực sự của nó là gì? Thực ra, những điều này có thể câu thông với Thần. Có một bài thơ của Đạo sỹ Thuần Dương đã nói ra được chân tướng. Bài thơ tổng cộng có 28 chữ:
“Lạn kha (1) chân quyết diệu thông Thần,
Nhất cục tằng kinh kỷ độ xuân.
Tự xuất động lai vô địch thủ,
Đắc nhiêu nhân xứ thả nhiêu nhân”.
Dịch nghĩa:
“Chân quyết kỳ diệu trong lạn kha có thể thông đến Thần,
Một ván cờ từng trải qua biết bao mùa xuân.
Từ khi ra khỏi hang động, không còn đối thủ nào,
Chỗ có thể khoan dung cho người khác, thì hãy khoan dung”.
Tạm dịch thơ:
“Lạn kha chân quyết thấu Thần thông,
Một ván đã qua mấy xuân hồng.
Từ lúc ra hang không địch thủ,
Chỗ dung thứ được, hãy dung lòng”.
“Lạn kha” trong hai câu thơ đầu “Lạn kha chân quyết diệu thông Thần, Nhất cục tằng kinh kỷ độ xuân” có ý nghĩa là gì? Có người cho là cờ tướng, cũng có người cho là cờ vây. Thực ra, điều này không quan trọng, vì cả hai đều là thứ thuộc về văn hóa Thần truyền. Nhưng “chân quyết” thì không dễ lý giải như vậy, rất nhiều nhân tố đều có “chân quyết”, thứ mà chúng ta thường thấy chỉ là bề mặt. “Chân quyết” được nói đến ở đây mang ý nghĩa có thể thông với Thần, cũng tức là nói có thể câu thông với Thần, thậm chí có thể tu luyện trở thành Thần. Phần sau của câu thơ nói rằng một ván cờ có thể kéo dài vài năm, có lẽ ám chỉ rằng nếu muốn hiểu được “chân quyết” có lẽ cần thời gian vài năm. Thực ra, điều quan trọng nhất ở đây chính là “chân quyết”, cũng tức là nói thực sự thông với Thần không phải là bề mặt, mà là “chân quyết” này.
Nhiều người coi việc đánh cờ là công cụ để mưu sinh của bản thân, chú trọng vào việc thắng thua. Điều này tuyệt đối không phải là “chân quyết” của đánh cờ. “Chân quyết” thực sự là thông qua việc chơi cờ mà lĩnh ngộ được nguyên lý của vũ trụ, buông bỏ danh lợi, từ đó sinh mệnh được đề cao. Mà việc coi trọng thắng thua lại là đi ngược lại hoàn toàn với con đường tu luyện.
Trong hai câu thơ tiếp theo: “Tự xuất động lai vô địch thủ, Đắc nhiêu nhân xứ thả nhiêu nhân”, nhiều người cho rằng “tự xuất động lai vô địch thủ” là tiền đề của “đắc nhiêu nhân xứ thả nhiêu nhân”. Ý nói rằng, chỉ khi có năng lực vượt trội, không ai sánh bằng, thì mới có thể khoan dung, tha thứ cho người khác, hay nói cách khác năng lực và sức mạnh là nền tảng cho lòng nhân từ và thái độ khoan dung. Cách hiểu này cũng có đạo lý. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn từ một góc độ khác, nhà thơ có thể “tự xuất động lai vô địch thủ” chính bởi vì đã thực hành được “đắc nhiêu nhân xứ thả nhiêu nhân”. Lý ở nhân gian chính là phản lý, “chân quyết” đương nhiên cũng tương phản. Nhìn từ góc độ đánh cờ sẽ thấy rằng, khi chúng ta nhìn thấy điểm yếu của đối phương, rất có thể đó chỉ là một cái bẫy dẫn dụ. Nếu chúng ta có lòng khoan dung cho người khác, sẽ không tung ra sát chiêu, như vậy sẽ không mắc bẫy của đối phương và cũng sẽ không thất bại. Từ góc nhìn luân hồi mà xét vấn đề thì thấy, bạn thắng một lần thì cũng sẽ phải thua một lần, như vậy mới được tính là công bằng. Có thắng có thua là đạo lý luân hồi và cũng là cái lý của nhân gian. Khi thực sự đạt đến “có thể khoan dung cho người khác, thì hãy khoan dung”, vậy thì kẻ thù căn bản sẽ không còn tồn tại, tất cả đều là bằng hữu, và khi đó chắc chắn sẽ không thua. “Không còn đối thủ” đã là trạng thái vượt trên lý lẽ ở nhân gian, đã xem nhẹ danh lợi, cũng là một dạng tu hành. Khi thực sự đạt đến trạng thái đó, cũng là lúc tu Đạo trở thành Tiên rồi.
Gần đây tôi xem một bộ phim võ thuật, khi nhìn thấy cảnh Trương Tam Phong giao đấu với Ưng Vương của Ma giáo, Trương Tam Phong rõ ràng có thể thắng Ưng Vương, nhưng cuối cùng lại nhường đối phương một chiêu và bắt tay giảng hòa. Đây chẳng phải chính là “có thể khoan dung cho người khác, thì hãy khoan dung” hay sao? Nếu cứ nhất quyết phải thể hiện sức mạnh, bất kỳ ai cũng có thể sẽ gặp phải cao thủ, và rồi cũng có lúc phải thua. Một người được gọi là cao thủ chính là người biết “có thể khoan dung cho người khác, thì hãy khoan dung”. Nếu tất cả mọi người đều làm được điều này, chẳng phải là không còn địch thủ nữa hay sao? Đạo lý đơn giản là như vậy, và có lẽ “chân quyết” cũng đơn giản như thế. Chơi cờ không chỉ là giải trí, mà còn là tu hành.
Đạo lý của việc chơi cờ bao hàm lòng thiện lương và từ bi của con người, đồng thời bao hàm cả đạo lý nhường nhịn, cùng vô số nguyên tắc làm người và làm Thần. Con người thường truy cầu danh lợi, nhưng việc thực sự buông bỏ danh lợi chính là đang tu luyện. Nếu con người rời xa văn hóa Thần truyền, họ sẽ đánh mất gốc rễ của mình, và kết cục sẽ vô cùng bi thảm. Đằng sau bất kỳ môn nghệ thuật Thần truyền nào cũng không hề đơn giản; đều là thông với Thần. Đây mới chính là mục đích thực sự của văn hóa Thần truyền, là vì để cứu người quay trở về thiên quốc mà được truyền ra.
Chú thích của người dịch:
(1) “Lạn kha” nghĩa bề mặt là cán rìu mục nát, có thuyết cho rằng từ này ám chỉ cờ vây. Tên gọi này xuất phát từ một truyền thuyết được ghi chép trong “Thuật Dị Ký” của Nhậm Phóng thời Nam Bắc triều.
Thời nhà Tấn, có một tiều phu tên là Vương Chất. Một ngày nọ, ông lên núi Thạch Thất ở quận Tín An (nay là huyện Cù, Chiết Giang) để đốn củi. Tại đây, ông thấy một đồng tử và một ông lão đang chơi cờ vây trên một tảng đá lớn bên suối. Vương Chất đặt chiếc rìu dùng để đốn củi xuống bên suối và đứng xem. Sau một thời gian, đồng tử nói: “Ông nên về nhà thôi”.
Vương Chất đứng dậy để lấy rìu, nhưng khi nhìn lại, cán rìu đã mục nát, còn lưỡi rìu sắc bén thì rỉ sét và lồi lõm.
Vương Chất cảm thấy rất kỳ lạ. Khi trở về quê nhà, ông nhận ra nơi này đã hoàn toàn đổi thay, không ai nhận ra ông. Những câu chuyện ông nhắc đến chỉ có vài cụ già trong làng biết và nói rằng nó đã xảy ra từ mấy trăm năm trước rồi. Hóa ra, Vương Chất đã vô tình bước vào tiên cảnh, gặp gỡ Thần tiên. Một ngày ở tiên giới, nơi trần gian đã trôi qua cả trăm năm.
Bài viết tham khảo: Tại sao cờ vây được gọi là “Lạn kha”
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/283149
Ngày đăng: 11-01-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org