[ChanhKien.org]
Mặc sàng (墨床), còn được gọi là giá mực hay đài mực, là một trong những dụng cụ văn phòng truyền thống của Trung Quốc. Đây là vật dụng chuyên dùng để đặt thỏi mực, được thiết kế dưới dạng một giá nhỏ. Sau khi mài, thỏi mực thường ẩm và nếu đặt lung tung dễ làm bẩn các vật dụng khác, do đó giá mực được chế tạo ra để giữ thỏi mực một cách sạch sẽ.
Mặc sàng thường được thiết kế nhỏ gọn, kích thước không quá lớn: bề ngang không vượt quá hai ngón tay, chiều dài không quá ba tấc. Kiểu dáng phổ biến có thể kể đến: hình giá đỡ, hình đài kê, hình cuốn sách, hình giá cổ hoặc các hình dáng uốn lượn, đơn giản mà thanh lịch. Những thiết kế này rất được lòng các văn nhân, mặc khách qua các triều đại. Mặc sàng thường được chế tác từ gỗ, ngọc hoặc sứ, với hình dáng phổ biến là dạng giường nhỏ hoặc án nhỏ.
Các chất liệu chế tác mặc sàng ngày càng phong phú, từ đồng cổ, ngọc, đến gỗ tử đàn, gốm sứ, đồ sơn mài, hổ phách, mã não, phỉ thúy, và kỹ thuật chạm khảm Cảnh Thái Lam. Ban đầu, mặc sàng chỉ là vật dụng để đặt thỏi mực, nhưng về sau phát triển thành một tác phẩm nghệ thuật vừa thực dụng vừa có giá trị thưởng lãm.
Mặc sàng xuất hiện từ khi nào vẫn còn là ẩn số, không có tài liệu ghi chép rõ ràng về niên đại cụ thể. Về lý thuyết thì thấy rằng, đã có thỏi mực thì cần có giá để đỡ thỏi mực. Với vai trò là dụng cụ chuyên dụng trong văn phòng, mặc sàng không thể xuất hiện sau triều Tống, tuy nhiên các ghi chép lịch sử lại cho rằng nó xuất hiện khá muộn màng.
Dù mặc sàng đã sớm xuất hiện từ thời Tống – Nguyên, nhưng trong sách “Văn Phòng Tứ Phổ” của Tô Dịch Giản thời Tống đầu chỉ nhắc đến bút, mực, giấy, nghiên. Vào cuối thời Nam Tống, trong sách “Động Thiên Thanh Lộc Tập” của Triệu Hi Hốt liệt kê 10 loại dụng cụ văn phòng nhưng không có mặc sàng.
Đến đầu thời Minh, trong sách “Cách Cổ Yếu Luận” đã chia dụng cụ văn phòng thành 13 loại, nhưng vẫn không hề đề cập đến mặc sàng. Mãi đến cuối thời Minh, trong sách “Khảo Bàn Dư Sự” của Đồ Long, danh mục dụng cụ văn phòng phát triển lên hơn 45 loại, bao gồm giá bút, thuyền bút, hộp mực,… nhưng vẫn thiếu mặc sàng. Chỉ đến thời Thanh, mặc sàng mới bắt đầu được ghi chép lại và trở nên phổ biến, đặc biệt là từ thời vua Càn Long trở đi, khi đó việc sử dụng và sản xuất mặc sàng trở thành một trào lưu.
Trong số các dụng cụ văn phòng truyền thống, mặc sàng thuộc loại hiếm thấy nhất, khó sưu tầm và khó hình thành bộ sưu tập hoàn chỉnh.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org