Tác giả: Vũ Minh
[ChanhKien.org]
Nếu như nói “kiên cường” chỉ là một hình thức biểu hiện bên ngoài thì “kiên cường” trong câu “Vô dục tắc cương” là gì?
Lão hòa thượng Giác Viễn là phương trượng của một ngôi chùa lớn. Ông đã cao tuổi nên đang nghĩ đến vấn đề người kế thừa vị trí.
Một hôm, lão hòa thượng Giác Viễn gọi hai đệ tử ưng ý nhất của mình là Trí Kiên và Trí Viễn đến trước mặt và nói với họ: “Hai con, ai có thể dựa vào sức của mình từ vách đá phía sau núi leo lên trên cao, người đó sẽ là người kế vị ta”.
Thế là, Trí Kiên và Trí Viễn đi đến dưới vách đá chuẩn bị leo lên. Trí Kiên cảm thấy thân thể mình gầy, có thể leo trèo dễ dàng, liền nói: “Con leo lên trước nhé”. Anh ta bắt đầu dùng tay và chân leo lên.
Thế nhưng, vách đá này quả thực quá dốc đứng, Trí Kiên trèo lên bị ngã xuống mấy lần, ngã tới mức mặt mày bầm dập, nhưng anh chàng vẫn cố gắng leo lên. Đến khi anh ta liều chết leo lên được nửa vách đá thì lại bị ngã xuống một lần nữa.
Lần này, anh chàng bị ngã đến sứt đầu chảy máu, hơi thở thoi thóp. Trí Kiên vẫn muốn gắng gượng lần nữa tiếp tục leo lên. Lão hòa thượng Giác Viễn nhận thấy đồ nhi này quả thật bất ngộ, nếu cứ cố chấp như vậy, thì tính mệnh xong rồi, liền nhanh chóng tới cứu Trí Kiên.
Trí Viễn thấy sư huynh dũng cảm tiến tới, nên cũng cố gắng leo lên, nhưng mấy lần đều không thành công. Trong khi xoay người, anh nhìn thấy dưới vách đá có một dòng suối nhỏ, anh bèn men theo dòng suối, băng qua rừng cây, ra khỏi thung lũng và xuống núi để tu tập.
Một năm sau, Trí Viễn trở lại chùa. Điều kỳ lạ là, lão hòa thượng Giác Viễn không những không trách phạt anh, mà lại chỉ định anh làm người kế vị. Chúng tăng rất khó hiểu, nhao nhao hỏi lão hòa thượng.
Lão hòa thượng Giác Viễn mỉm cười giải thích: “Vách đá phía sau chùa cực kỳ dốc đứng, sức người căn bản là không thể leo lên được. Nhưng, bên cạnh vách đá lại có một con đường có thể tìm ra. Nếu như bị danh và lợi cám dỗ, trong tâm sẽ chỉ có vách đá dựng đứng trước mặt thôi, nhẹ thì khổ não đau buồn, nặng thì tổn thương thân thể. Nếu như có thể buông bỏ, đề cao bản thân từ nội tâm, thì trời cao mây tản, sẽ tự tại vui vẻ!”
Thì ra lão hòa thượng Giác Viễn đang khảo nghiệm các đệ tử của mình, mà trạng thái trước mắt của hai người họ, quả thực là trạng thái từ nội tâm của mỗi người mà thôi! Nhưng vì sao một người là vách đá dựng đứng, mà người kia thì xoay chuyển tình thế như vậy?
Trong cuộc sống, chúng ta cũng từng bởi vì không cách nào đạt được ham muốn trong lòng của mình mà khiến cho cảm giác ham muốn càng tăng thêm. Nó thực sự giống như có một vách đá chặn đứng ở trong tim, tâm càng tham lam ham muốn thì càng giống như rơi xuống đáy vực. Nhưng tại sao chúng ta lại khó “buông bỏ” đến vậy? Có lẽ chúng ta đều đã quen với việc nắm rất nhiều sự vật ở trong tay thì mới thấy yên tâm, mà quên mất sự nhỏ bé của chính mình trong vũ trụ bao la này.
Kỳ thực, “vô dục” hoàn toàn không có nghĩa là không làm gì cả, mà là làm mà không cầu, thực sự tự tại và an nhiên. Hãy thử nghĩ, chẳng phải “kiên cường” của loại vô dục này, chẳng phải là bởi vì “vô hữu” mà biến thành không thể lay chuyển hay sao?
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org