Trong quá trình nghiên cứu vật lý học lượng tử và khoa học thần kinh, các nhà khoa học đã tìm ra một lý thuyết cho rằng, ý thức của mỗi chúng ta tồn tại ở một không gian khác và có khả năng thu nhận thông tin từ vũ trụ để truyền dẫn đến não bộ.
Mối quan hệ giữa tinh thần và não bộ luôn là bí ẩn quan trọng trên con đường khám phá sự tồn tại của con người với đầy đủ các giác quan. Một số người cho rằng tinh thần hoàn toàn là một chức năng của não và ý thức là sản phẩm được phóng ra từ tế bào thần kinh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khoa học đã khám phá ra rằng, tinh thần tồn tại độc lập với não bộ hoặc ít nhất là nó có sự tách biệt với não.
Một báo cáo về thần kinh học và vật lý lượng tử được đăng trên tờ Tạp chí Khoa học NeuroQuantology đã tiết lộ những khám phá khoa học về mối liên hệ cơ bản giữa tinh thần và bộ não.
TS. Dirk K.F. Meijer, giáo sư tại Đại học Groningen, Hà Lan, đã đưa ra giả thuyết rằng ý thức nằm trong một trường xung quanh não và ở một không gian khác. Nó truyền tải thông tin tới bộ não thông qua hiện tượng “vướng víu lượng tử” (quantum entanglement), cùng một số phương thức khác.
Trường này có thể thu nhận thông tin từ từ trường Trái đất, năng lượng tối và các nguồn khác. Sau đó, nó sẽ truyền sóng thông tin đến mô não, vốn là công cụ xử lý thông tin ý thức và tiềm thức ở tốc độ cao, TS. Dirk cho biết.
Nói cách khác, tinh thần là một trường vật chất tồn tại quanh não; nó lấy thông tin từ bên ngoài và truyền tới não trong một quá trình cực kỳ nhanh. Ông mô tả trường này như một trường có cấu trúc 3 chiều, một phạm vi siêu nhận thức.
Những chức năng xử lý cực nhanh của não cho thấy não bộ của chúng ta xử lý thông tin qua một cơ chế bí ẩn chưa thể lý giải.
Có một vấn đề chưa thể giải thích trong khoa học thần kinh được gọi là “vấn đề ràng buộc”. Trong đó các bộ phận khác nhau của não có những nhiệm vụ riêng biệt như có phần xử lý màu sắc, có phần xử lý âm thanh,… Thế nhưng, bằng cách nào đó, tất cả đều cộng hưởng như một thể thống nhất, còn gọi là ý thức.
Kỳ thực, thông tin đến và tương tác với nhau trong não nhanh hơn sự hiểu biết hiện tại của chúng ta về dẫn truyền thần kinh. Do đó, dường như ý thức không phải chỉ do các nơ-ron trong não phát ra.
Các nhà thần kinh học vẫn đang tìm kiếm một cơ chế cho sự ràng buộc của các bộ phận riêng biệt trong quá trình xử lý thông tin của não. TS. Meijer đã chuyển sang lý thuyết về “vướng víu lượng tử” và “xuyên hầm lượng tử” để giải thích một phần cho câu hỏi này.
“Vướng víu lượng tử” mô tả hiện tượng mà các hạt dường như vẫn được kết nối với nhau mặc dù ở cách xa nhau. Khi người ta tác động lên một hạt, các hạt khác cũng có phản ứng tương tự cùng lúc.
“Xuyên hầm lượng tử” là một hiện tượng trong đó một hạt có thể ‘đào đường hầm’ xuyên qua một vật cản mà không bị cản trở bởi các quy luật vật lý cổ điển.
Những hiện tượng lượng tử này khiến cho các quá trình diễn ra quá nhanh, chúng không thể giải thích bằng vật lý cổ điển.
Các nguyên lý của vật lý lượng tử có thể giải thích cách thức tinh thần xử lý thông tin
Nếu trường ý thức có thể tương tác với bộ não bằng cách này, đây có thể là một bước giải thích cho các quá trình xử lý nhanh chóng phi thường của thần kinh.
Meijer cũng sử dụng lưỡng tính sóng-hạt, một thuộc tính cơ bản của vật chất trong vật lý lượng tử để giải thích mối quan hệ giữa trường ý thức và não bộ. Về cơ bản, nguyên tắc này cho rằng các electron và photon tồn tại ở dạng sóng, nhưng cũng có tính chất như các hạt chuyển động. Nói cách khác, chúng là cả sóng và hạt.
Tương tự như vậy, TS. Meijer nói rằng trường ý thức vừa không phải là vật chất và vừa đồng thời là một bộ phận của não bộ: “Không gian hoạt động của ý thức được cho là không phải không gian vật chất này, nhưng lại có liên quan đến não bộ của mỗi cá nhân”.
Theo TS. Meijer, tinh thần và não bộ có sự gắn kết với nhau. Chúng là một thể thống nhất nhưng vẫn tồn tại riêng biệt. Nghịch lý như vậy luôn được xem là một đặc trưng của vật lý lượng tử.
Ý thức có thể tồn tại ở một không gian khác
Meijer đưa ra giả thuyết về nơi trú ngụ của ý thức theo một khía cạnh khác: “Chúng ta không thể trực tiếp nhận thức được khía cạnh này dựa theo các phương pháp truyền thống, vì nó nằm ở chiều không gian thứ 4 và không thể quan sát được từ thế giới 3 chiều của chúng ta, nhưng chúng ta có thể nhận thức nó bằng toán học”.
Ông đã làm rõ rằng không gian thứ 4 này không phải là thời gian (thời gian thường được mô tả là “chiều không gian thứ tư”). Thay vào đó, ông gọi đây là khái niệm thời – không bao gồm 4 chiều không gian tồn tại cùng thời gian.
Tính chất và chức năng của trường ý thức mà Meijer mô tả rất phụ hợp với một dạng hình học có tên là Torus. Đây là một hình có dạng giống như chiếc bánh donut hoặc cái bánh xe với một khoảng không hình tròn ở giữa.
TS. Meijer giải thích cấu trúc torus được tìm thấy ở vật chất từ vi mô đến vĩ mô trong vũ trụ. Và đây có thể là một công cụ tích hợp các hoạt động thông tin giữa ý thức và não bộ.
TS. Meijer cũng bàn luận hàm ý rộng hơn về triết lý trong mối quan hệ giữa ý thức và vật chất. Ông viết: “Bài báo của chúng tôi có thể trực tiếp góp phần giải đáp cho câu hỏi nổi tiếng của nhà khoa học và triết gia David Chalmers …: ‘Làm thế nào để những hiện tượng phi vật chất như kinh nghiệm trực quan và chủ ý thức lại được phát sinh từ các tế bào não bộ?’”
Theo quan điểm của TS. Meijer, khả năng thu nhận thông tin từ các trường không gian khác cũng có thể giải thích cho một số hiện tượng siêu thường như khả năng ngoại cảm.
Theo ông, “Ý thức có thể được coi là nền móng cơ bản nhất của tự nhiên và do đó nó hiện diện ở tất cả các cấp độ thực thể”.
Từ khi vật lý lượng tử xuất hiện, các nhà khoa học đã khám phá ra khả năng của nó trong việc giải thích về ý thức. Công trình của TS. Meijer cũng là một phần trong công cuộc khám phá này.
Theo Epoch Times